Khí thế hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu" vẫn vang mãi như một bản anh hùng ca, dù trải qua bao năm vẫn luôn vang vọng về tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng, về trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam trong đấu tranh cách mạng. Để rồi mỗi dịp tháng 5 về, triệu trái tim người Việt lại vang lên nhịp đập tự hào, cùng sống lại những phút giây hào hùng, oanh liệt của dân tộc.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, anh dũng của quân và dân cả nước chống kẻ thù xâm lược, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sinh ra ở tỉnh Nam Định, vì gia đình đông con, cuộc sống khó khăn, khi tròn 2 tuổi, ông Trần Trọng Tú (95 tuổi, phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả) được bố mẹ cho đi làm con nuôi ở một gia đình tại huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên). Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, lúc này ông Tú vừa tròn 16 tuổi, đã từ biệt gia đình tham gia thiếu sinh quân. Ông Tú cùng hàng chục thanh niên khác được sang Trung Quốc học quân giới, sau một năm học, ông về nước làm việc ở Xưởng Quân giới 32 thuộc Bộ Quốc phòng đóng tại tỉnh Thái Nguyên. Đến năm 1948, ông Trần Trọng Tú chuyển sang quân đội, được biên chế Đại đội 277, Tiểu đoàn 79, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Trần Trọng Tú về tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Tư liệu của nhân vật

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Trần Trọng Tú về tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954. Ảnh: Tư liệu của nhân vật

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Trần Trọng Tú về tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954. Ảnh: Tư liệu của nhân vật

Trước khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Trần Trọng Tú đã tham các Chiến dịch Biên giới 1950 đánh địch tại Cao Bằng - Lạng Sơn; Chiến dịch Hà Nam Ninh (thường gọi Chiến dịch Quang Trung) năm 1951; Chiến dịch Hòa Bình 1952; Chiến dịch Tây Bắc cuối 1952…

Ông Trần Trọng Tú nhớ lại: Vào những tháng cuối năm 1953, khi đơn vị tôi đang đóng quân ở xã Hùng Thắng, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) thì nhận được lệnh hành quân lên Điện Biên Phủ. Chúng tôi gấp rút hành quân phải băng qua rừng núi hiểm trở, trong khi thời tiết giá lạnh; mỗi chiến sĩ chúng tôi mang vác khoảng 40kg gồm súng, đạn, lương thực, mỗi ngày đi được khoảng 25-30km. Nhưng với nhiệm vụ gấp rút, anh em chiến sĩ chúng tôi khắc phục khó khăn, hành quân gần 2 tháng, đến đầu tháng 1/1954 đơn vị đến xã Mường Phăng và tham gia xây dựng bản doanh Sở Chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Sau đó đơn vị hành quân đến vị trí tác chiến tại khu vực Him Lam chờ thời gian nổ súng. Lúc đó tinh thần chiến sĩ ai cũng hồ hởi, vững tin chiến thắng.

Cựu binh Lê Danh Thanh ở phường Giếng Đáy (TP Hạ Long) bên những huân huy chương được tặng thưởng trong suốt quá trình công tác của bản thân.

Cựu binh Lê Danh Thanh ở phường Giếng Đáy (TP Hạ Long) bên những tấm huân, huy chương được tặng thưởng trong suốt quá trình công tác của bản thân.

Cựu binh Lê Danh Thanh ở phường Giếng Đáy (TP Hạ Long) bên những tấm huân, huy chương được tặng thưởng trong suốt quá trình công tác của bản thân.

Sinh ra, lớn lên ở huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) quê hương của người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên Lý Tự Trọng đã hy sinh vì sự nghiệp, độc lập tự do dân tộc làm tác động mạnh mẽ đến chàng thanh niên Lê Danh Thanh (hiện 94 tuổi, ở phường Giếng Đáy, TP Hạ Long). Khi 16 tuổi, mặc dù chưa đủ tuổi nhập ngũ, nhưng ông Lê Danh Thanh đã đi theo bộ đội đánh giặc cứu nước. Năm 1950, ông Thanh được biên chế vào Đại đội 87, Tiểu đoàn 400, Trung đoàn 9, Đại đoàn 304. Giai đoạn cuối năm 1953, khi đơn vị ông Thanh đang tham gia chiến dịch ở thượng Lào thì nhận được lệnh hành quân về tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cựu chiến binh Lê Danh Thanh nhớ lại: Chúng tôi được lệnh hành quân gấp rút, bổ sung quân trang quân dụng hành quân về. Từ Lào về qua ngả đường Thanh Hóa, trên đường hành quân đi cùng hàng vạn dân công, thanh niên xung phong với chiếc xe đạp thồ, người gồng gánh đưa lương thực lên Điện Biên. Mặc dù hành quân vất vả, quãng đường xa hàng trăm km, nhiều điểm máy bay địch ném bom, thế nhưng trong đoàn quân ai cũng hiện lên tinh thần quyết tâm hướng lên phía trước vì một niềm tin chiến thắng.

Mặc dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng cựu binh Đào Xuân Mộc hứng khởi kể về bản thân khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước.

Mặc dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng cựu binh Đào Xuân Mộc (khu Trới 1, phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) hứng khởi kể về bản thân khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước.

Mặc dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng cựu binh Đào Xuân Mộc (khu Trới 1, phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) hứng khởi kể về bản thân khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước.

Còn cựu binh Đào Xuân Mộc (91 tuổi, ở khu Trới 1, phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) nhớ lại những ngày tháng không thể nào quên cách đây 70 năm khi ông đang ở đơn vị hậu cần phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Mặc dù tuổi cao, sức khỏe yếu, nhưng cựu binh Đào Xuân Mộc vẫn còn nhớ những năm tháng hào hùng khi ông trực tiếp tham gia chiến dịch. Ông kể: Cuối năm 1952, Binh trạm 52 trực thuộc Tổng cục Hậu Cần của tôi đóng tại Km18 ở tỉnh Sơn La, cách Điện Biên Phủ gần 100km. Binh trạm 52 gồm nhiều đơn vị khác nhau đảm bảo giao thông liên lạc, lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc men… phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đơn vị của ông Mộc phụ trách thông tin liên lạc, chuyển công văn từ hậu phương đến tiền tuyến và các đơn vị chiến đấu cũng như phục vụ chiến đấu. Đầu tháng 1/1954, khi quân ta chuẩn bị mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Binh trạm 52 chuyển lên đóng tại Tuần Giáo để đảm bảo thông tin, trang thiết bị, hậu cần phục vụ cho chiến dịch.

Trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Đại đoàn 304 được giao nhiệm vụ bao vây phân khu Hồng Cúm, khống chế sân bay và trận địa pháo binh địch, tiến tới chia cắt phân khu Hồng Cúm với phân khu trung tâm Mường Thanh. Ðây là một trong ba phân khu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với hơn 2.000 tên địch, gồm ba đồn đóng liền nhau, cùng một tiểu đoàn lựu pháo 105mm, một đại đội cối 120mm, hai đơn vị xe tăng và các đơn vị hậu cần, vận tải. Lúc này Đại đội 87, Tiểu đoàn 400, Trung đoàn 9 của cựu binh Lê Danh Thanh có nhiệm vụ sử dụng bọc phá loại bỏ hàng rào thép gai tạo cửa mở cho các đơn vị xung phong chiếm các vị trí địch.

Hơn 20.000 xe đạp thồ vận chuyển hàng hóa, vũ khí của quân, dân ta phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành một trong những kỳ tích tiêu biểu về quyết tâm và sức người trong điều kiện chiến tranh. Ảnh Tư liệu

Hơn 20.000 xe đạp thồ vận chuyển hàng hóa, vũ khí của quân, dân ta phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành một trong những kỳ tích tiêu biểu về quyết tâm và sức người trong điều kiện chiến tranh. Ảnh Tư liệu

Hơn 20.000 xe đạp thồ vận chuyển hàng hóa, vũ khí của quân, dân ta phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành một trong những kỳ tích tiêu biểu về quyết tâm và sức người trong điều kiện chiến tranh. Ảnh Tư liệu

Cựu binh Lê Danh Thanh xúc động kể: Chúng tôi mỗi tổ 3 người, sử dụng ống luồng dài gài bộc phá ở đầu. Khi xác định mục tiêu vật cản của địch tạo hướng tiến công, 1 đồng chí yểm hộ, còn 2 đồng chí tiến sát hàng rào. Một đồng chí rút nụ xòe, đồng chí còn lại đưa ống luồng thọc sâu hàng rào rút ra an toàn. Khi bộc phá nổ, tạo ra một khoảng trống cho các đơn vị xung phong diệt địch.

Trong khi ông Thanh ở Đại đoàn 304 thì ông Nguyễn Quốc An (90 tuổi ở khu 4A, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông ở đại đội súng cối 283 thuộc Trung đoàn 102, Đại đoàn 308. Cựu binh Nguyễn Quốc An hồi tưởng: Đại đội của tôi có 3 trung đội súng cối 82mm; 3 trung đội súng DKZ với nhiệm vụ bắn yểm hộ hỏa lực cho các đơn vị tiến lên. Đặc biệt tại đồi A1, Trung đoàn 102 được giao nhiệm vụ đánh chiếm. Chúng tôi được lệnh yểm hộ, áp chế hỏa lực của địch vào các vị trí lô cốt, để đơn vị ta xung phong, do đồi A1 là vị trí sống còn đối với địch ở trung tâm Mường Thanh.

Địch đã chống trả quyết liệt dưới sự chi viện hỏa lực pháo binh và không quân. Đồi A1, ta và địch giành giật từng đoạn hào, từng ụ súng; nhiều cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 102 hy sinh, bị thương, nhưng vẫn quyết tâm chiến đấu giữ vững trận địa trong suốt 38 ngày đêm góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nói đến đây, giọng ông An nghẹn lại, rưng rưng nước mắt nhớ đến đồng đội.

Cựu binh Bùi Đình Thản (Khu 9A, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) chăm chú kể ông đeo các dụng cụ để nối dây thông tin liên lạc trong chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước.

Cựu binh Bùi Đình Thản (Khu 9A, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) kể chuyện ông đeo các dụng cụ để nối dây thông tin liên lạc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước.

Cựu binh Bùi Đình Thản (Khu 9A, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) kể chuyện ông đeo các dụng cụ để nối dây thông tin liên lạc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước.

Có nhiệm vụ thông suốt thông tin liên lạc cho Chiến dịch Điện Biên Phủ đang diễn ra, cựu binh Bùi Đình Thản (88 tuổi, khu 9A, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) lúc đó đang là chiến sĩ của Đại đội thông tin, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316, hồ hởi kể: Khi chiến dịch diễn ra, lính thông tin chúng tôi luôn túc trực với thiết bị dây, kìm, dao găm và bộ đàm. Khi đơn vị di chuyển, dây thông tin luôn được vận chuyển đi theo đảm bảo thông suốt liên lạc giữa tiểu đoàn với trung đoàn và đại đoàn.

Khi chiến dịch nổ ra, các tiểu đoàn chiến đấu luôn phải di chuyển, nhiều dây thông tin bị bom, pháo địch đánh trúng bị đứt dẫn đến mất liên lạc. Lúc này, lính thông tin phải tìm cách rà từng mét dây tìm chỗ bị đứt nối lại, đảm bảo thông tin liên lạc không bị gián đoạn. Mặc dù bị bom, đạn địch cày xới liên tục và ác liệt, thậm chí hy sinh, nhưng chiến sĩ thông tin chúng tôi không sợ, bằng mọi giá thông tin liên lạc phải thông suốt kết nối các đơn vị.

Một đơn vị súng ĐKZ yểm hộ lực lượng xung kích tiến đánh khu Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh Tư liệu

Một đơn vị súng ĐKZ yểm hộ lực lượng xung kích tiến đánh khu Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh Tư liệu

Một đơn vị súng ĐKZ yểm hộ lực lượng xung kích tiến đánh khu Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh Tư liệu

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cường độ công văn, giấy tờ rất lớn, cựu binh Đào Xuân Mộc chia sẻ: Khi quân ta mở màn chiến dịch, đơn vị tôi đang đóng tại Tuần Giáo, công văn hỏa tốc, công văn hẹn giờ từ mặt trận chuyển về rất lớn. Đặc biệt là những công văn hỏa tốc, đến lúc nào chúng tôi phải chuyển đi lúc đấy bất kể ngày hay đêm. Chủ yếu là đi bộ, chúng tôi chạy trung bình 12km/giờ. Còn công văn hẹn giờ (ghi cụ thể trên bìa giấy) chúng tôi phải chuyển đến trước thời gian ghi trong giấy. Tiểu đội liên lạc tôi có 11 người, nhưng chỉ có 2 xe đạp. Điều kiện đi lại khó khăn, địch cho máy bay liên tục rà soát, bắn phá. Có một đồng đội của tôi trong lúc chuyển công văn đã hy sinh, mặc dù vậy chúng tôi khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cựu binh Trần Trọng Tú và cựu binh Nguyễn Quốc An cùng ở Trung đoàn 102, đại đoàn 308 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước gặp gỡ ôn lại kỷ niệm.

Cựu binh Trần Trọng Tú và cựu binh Nguyễn Quốc An cùng ở Trung đoàn 102, Đại đoàn 308, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước gặp gỡ ôn lại kỷ niệm.

Cựu binh Trần Trọng Tú và cựu binh Nguyễn Quốc An cùng ở Trung đoàn 102, Đại đoàn 308, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước gặp gỡ ôn lại kỷ niệm.

“Khi quân ta tổng công kích đợt 3, đơn vị di chuyển lên lên sát mặt trận để tiếp nhận thông tin liên lạc kịp thời, thuận tiện. Chiều tối ngày 7/5/1954 khi nghe quân ta giành thắng lợi hoàn toàn, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, mọi người sung sướng chạy ôm nhau, vui mừng không tả hết” - không khí chiến thắng còn nguyên trong lời kể của cựu binh Đào Xuân Mộc.

Mỗi cựu chiến sĩ Điện Biên tôi gặp đều có những câu chuyện của riêng mình. 7 thập niên đã trôi qua nhưng dường như không một phút giây nào câu chuyện về Điện Biên năm xưa nguôi quên trong tâm trí họ. Những cựu chiến binh Quảng Ninh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ kể cho chúng tôi, cho thế hệ cháu con của mình nghe với niềm tự hào to lớn. Họ kể say sưa như thể đang chuyển trao ngọn lửa nhiệt tình cách mạng tuổi thanh xuân năm xưa cho thế hệ hôm nay vậy.

70 năm đã trôi qua, những kỷ niệm, ký ức về những ngày tháng chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn in đậm trong tâm trí của những cựu chiến binh. Những chiến sĩ bước ra từ cuộc chiến tiếp tục bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngoài hồi ức in sâu trong lòng, họ còn giữ gìn và mang theo những kỷ vật để nhớ về thời hoa lửa từng sống, chiến đấu, để làm nên một Điện Biên anh hùng.

Ông Trần Trọng Tú (Khu 6A, phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả) nói về tấm huy hiệu

Ông Trần Trọng Tú (Khu 6A, phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả) nói về tấm huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ" được ông trân trọng lưu giữ suốt 70 năm qua.

Ông Trần Trọng Tú (Khu 6A, phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả) nói về tấm huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ" được ông trân trọng lưu giữ suốt 70 năm qua.

Sau thắng lợi Điện Biên Phủ, Đại đội 277, Tiểu đoàn 79, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 của ông Trần Trọng Tú (Khu 6A, phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả) có nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội tháng 10/1954.

Ông Trần Trọng Tú kể: Sau khi thắng lợi ở Điện Biên Phủ, đơn vị tôi chỉnh đốn đội hình hành quân về tiếp quản Hà Nội. Chúng tôi ai cũng ăn mặc chỉnh tề, gọn gàng đi theo hàng lối, trên ngực ai cũng có huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” vinh dự lắm, tự hào lắm. Tròn 70 năm, chiếc huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” được cựu chiến binh Trần Trọng Tú treo trang trọng trên tấm bảng kính. Ông coi chiếc huy hiệu là báu vật của cuộc đời.

Ông Trần Xuân Hiền (phường Yết Kiêu, TP Hạ Long) chụp ảnh cùng người thân sau thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh Tư liệu nhân vật

Ông Trần Xuân Hiền (phường Yết Kiêu, TP Hạ Long) chụp ảnh cùng người thân sau thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh Tư liệu nhân vật

Ông Trần Xuân Hiền (phường Yết Kiêu, TP Hạ Long) chụp ảnh cùng người thân sau thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh Tư liệu nhân vật

Không trực tiếp chiến đấu trong chiến hào, nhưng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Đào Xuân Mộc (91 tuổi, khu Trới 1, phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) là chiến sĩ Binh trạm 52, trực thuộc Tổng cục Hậu cần.

Đưa bàn tay già nua vuốt ve chiếc huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ", cựu chiến binh Đào Xuân Mộc chia sẻ: Mỗi người lính chúng tôi khi rời chiến trường Điện Biên Phủ thường không mang theo gì ngoài chiếc huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” được Bác Hồ trao tặng. Đó là kỷ vật, biểu tượng, tự hào đối với người lính chúng tôi. Suốt 70 năm qua, tôi luôn giữ gìn huy hiệu cẩn thận. Tuy không có giá trị vật chất nhưng đối với tôi đó là tài sản vô giá. 

Ông Đào Xuân Mộc (khu Trới 1, phường Hoành Bô, TP Hạ Long) nâng lưu huy hiệu

Ông Đào Xuân Mộc (khu Trới 1, phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) chỉ vào tấm huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ" luôn được ông đeo trên ngực áo.

Ông Đào Xuân Mộc (khu Trới 1, phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) chỉ vào tấm huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ" luôn được ông đeo trên ngực áo.

Năm nay đã gần 90 tuổi, trải qua bao biến cố, thăng trầm nhưng ông Hoàng Thế Trọng (sinh năm 1936, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) luôn mang theo và cất giữ cẩn thận 3 kỷ vật có được khi tham gia hành quân lên chiến trường tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.


Năm 1954, ông xung phong tòng quân, được biên chế về Tiểu đội C71, Tiểu đoàn D68, Tỉnh đội Thái Nguyên. Trước ngày lên đường, ông sung sướng và tự hào khi được mặc trên mình bộ quân phục, chính thức trở thành anh bộ đội Cụ Hồ. Đặc biệt, ông được đơn vị phát một chiếc bao tượng (còn gọi là ruột tượng) để đựng lương thực, chủ yếu là gạo trong những ngày hành quân lên Điện Biên. Chiếc bao tượng đựng được tối ta 8kg gạo, có thể đeo quanh bụng hoặc vắt chéo qua vai. Suốt quãng đường hành quân cả chục cây số mỗi ngày, cùng với ba lô và trang bị chiến đấu, chiếc ruột tượng được ông giữ bên mình. Tuy mang vác nặng nhọc vất vả, nhưng nghĩ đến chiếc ruột tượng nhiều lần bị rách đã được mẹ mình khâu cho, hơi ấm tình cảm ấy khiến ông có thêm niềm tin, nghị lực cùng đồng đội tiến lên phía trước.


Đoàn đại biểu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thăm, tặng quà nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cho ông Hoàng Thế Trọng.

Đoàn đại biểu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thăm, tặng quà nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cho ông Hoàng Thế Trọng.

Vào quân ngũ, cùng với quân tư trang, ông Hoàng Thế Trọng còn được phát một chiếc ca mang dòng chữ "Kháng chiến nhất định thắng lợi" và "Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ". Trong suốt cuộc đời bộ đội của mình cũng như những năm tháng sau này, chiếc ca luôn được ông mang theo trong ba lô, đồng hành cùng ông trong những thời khắc khó khăn gian khổ, khích lệ ông trong mọi hoàn cảnh đều phải nỗ lực, "kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ". Trải qua thời gian, chiếc ca giờ đã han gỉ và có nhiều vết thủng nhưng ông Trọng vẫn giữ gìn, để trang trọng trên kệ tủ. Ông cũng dặn vợ con phải giữ gìn cẩn thận, vì đó là kỷ vật hiếm hoi ông mang về từ chiến trường Điện Biên.

Chiếc ruột tượng và túi đựng bàn chải đánh răng được ông Hoàng Thế Trọng giữ gìn cẩn thận.

Chiếc ruột tượng và túi đựng bàn chải đánh răng được ông Hoàng Thế Trọng giữ gìn cẩn thận.

Chặng đường hành quân lên Điện Biên, đơn vị của ông Trọng phải dừng nghỉ nhiều lần, ăn ở nhờ bà con dân bản. Bộ đội được quán triệt phải giữ nghiêm nội quy, quy chế Quân đội, nếu ai phạm sai lầm dù là rất nhỏ cũng sẽ bị kỷ luật nghiêm. Phải thực hiện đúng phương châm "Đi dân nhớ, ở dân thương", không được tơ hào bất cứ thứ gì của nhân dân. Quân với dân như cá với nước, các anh bộ đội Cụ Hồ vì vậy luôn được nhân dân yêu mến. Các mẹ, các chị, các em thiếu niên đều quan tâm, quấn quýt với bộ đội. Khi các anh tiếp tục hành quân thực hiện nhiệm vụ, mọi người đều động viên, tặng quà, nhiều người khóc.

Ông Hoàng Thế Trọng giờ vẫn còn giữ một kỷ vật, đó là món quà của một cô gái trẻ tên là Sâm đã đi bộ 40km đường rừng đuổi theo đơn vị để tặng cho ông. Đó là một chiếc túi vải đựng bàn chải đánh răng được cô gái khâu cẩn thận, tỉ mỉ, phối màu rất đẹp. Trong lúc vội vàng hành quân với khí thế nhằm thẳng hướng Điện Biên, ông chỉ kịp nhớ được tên cô gái ấy. Thời gian qua đi, đến giờ ông không còn nhớ địa chỉ cô gái tặng quà cho mình, nhưng món quà cô tặng thì ông còn giữ vẹn nguyên như mới...

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Hoàng Thế Trọng cùng đồng đội được tuyển chọn về Hà Nội tham gia lễ duyệt binh, diễu binh, diễu hành nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công và 10 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 2/9/1955.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Hoàng Thế Trọng cùng đồng đội được tuyển chọn về Hà Nội tham gia lễ duyệt binh, diễu binh, diễu hành nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công và 10 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 2/9/1955.

Ông Phạm Công Thành (giữa, hàng ngồi) và những đồng đội ở Điện Biên năm xưa. Ảnh Tư liệu của nhân vật.

Ông Phạm Công Thành (giữa, hàng ngồi) và những đồng đội ở Điện Biên năm xưa. Ảnh Tư liệu của nhân vật.

Trải qua bao năm tháng chiến tranh gian khổ và thăng trầm của cuộc sống, những cựu binh Điện Biên năm xưa nay người còn, người mất; các kỷ vật được giữ lại cũng không còn nhiều. Kỉ vật nhiều người giữ được là những tấm ảnh của một thời thanh xuân đầy nhiệt huyết.

Cựu chiến binh Trần Xuân Hiền (90 tuổi, khu 1, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long), trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông ở Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, trong một lần về phép thăm gia đình tại huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), ông đã chụp ảnh chung với người em gái của mình. Nói đến đây, ông Hiền cầm bức ảnh đen trắng đã mờ, ố theo dấu thời gian được ông cất giữ suốt 70 năm qua.

Còn cựu chiến binh Phạm Công Thành (Khu phố Chùa Bằng, TX Quảng Yên), trong chiến dịch Điện Biên Phủ ông ở Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, Tiểu đội trưởng của Tiểu đoàn Quân y có nhiệm vụ cứu chữa thương binh, thu dọn chiến trường. Trong quá trình thu dọn chiến trường, ông cùng 2 đồng đội đã cứu chữa một nữ quân nhân Pháp bị thương ở đùi đang chảy máu đầm đìa.

Ông Phạm Công Thành (Khu Chùa Bằng, TX Quảng Yên) xem lại con dao nhíp được ông lưu giữ đến ngày nay.

Ông Phạm Công Thành (Khu Chùa Bằng, TX Quảng Yên) xem lại con dao nhíp được ông cất giữ đến ngày nay.

Ông Phạm Công Thành (Khu Chùa Bằng, TX Quảng Yên) xem lại con dao nhíp được ông cất giữ đến ngày nay.

Sau khi được băng bó vết thương xong, cảm kích sự nhân văn của người lính Cụ Hồ, nữ quân nhân Pháp đã tặng ông Thành một con dao nhíp nhỏ đa năng, có nhiều lưỡi vẫn còn như mới. Trên thân dao ghi dòng chữ tiếng Pháp là nhãn hiệu sản xuất và vật liệu làm ra nó là loại thép không gỉ. Con dao nhíp được cựu chiến binh Phạm Công Thành lưu giữ đến ngày nay, nhắc ông nhớ về một thời chiến đấu dưới mưa bom bão đạn. Ngoài ra, ông Thành còn giữ được một chiếc ca trên đó còn in 3 lá cờ Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc; một chiếc mũ trận của chiến sĩ Điện Biên Phủ; một tấm ảnh ông chụp cùng đồng đội bên căn nhà mái lá ở chiến khu...

70 năm đã trôi qua, giờ đây những cựu chiến binh Điện Biên năm xưa đã ở tuổi xưa nay hiếm. Nhiều cựu chiến sĩ Điện Biên vì thương tật và tuổi tác đã mang theo ký ức năm xưa về bên kia thế giới. Những kỷ vật của họ còn lưu lại tuy không nhiều nhưng là vô giá. Đó là những hiện vật biết nói, kể cho thế hệ trẻ hôm nay nhiều câu chuyện hào hùng của cha ông năm xưa.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, những người lính từng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” lại lập tức hăng hái lên đường theo yêu cầu cách mạng, đảm nhận những nhiệm vụ mới. Trong đó bao gồm việc tham gia các lực lượng tiếp quản Vùng mỏ Quảng Ninh. Thời gian đi qua, nhưng ký ức lịch sử về những ngày giải phóng 70 năm về trước vẫn vẹn nguyên giá trị, nhắc nhở mỗi người dân Quảng Ninh về truyền thống đấu tranh bất khuất, tinh thần thi đua xây dựng quê hương ngày càng thêm giàu mạnh.

Quang cảnh cuộc mít tinh mừng Vùng mỏ được giải phóng tại Hòn Gai ngày 1/5/1955. Ảnh tư liệu

Quang cảnh cuộc mít tinh mừng Vùng mỏ được giải phóng tại Hòn Gai ngày 1/5/1955. Ảnh tư liệu

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, cả nước hướng về Điện Biên với cảm xúc thiêng liêng tự hào với dấu mốc tròn 70 năm kể từ khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Hòa trong bầu không khí ấy, vừa qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy Ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Trong không khí ấm áp của buổi gặp mặt, những câu chuyện ký ức được ôn lại, càng khẳng định rằng Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với sự chỉ huy kiệt xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; là kết tinh từ tinh thần chiến đấu ngoan cường, sắt đá mà đầy sáng tạo của quân và dân ta, trong đó có sự đóng góp của quân và nhân dân Vùng mỏ Quảng Ninh. Hào khí của huyền thoại Điện Biên đã trở thành “bệ phóng” để quân và dân ta vững vàng tiếp bước, giành thêm nhiều chiến công trên khắp các nẻo đường chiến trận, mang lại nỗi khiếp sợ cho kẻ thù xâm lược.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trò chuyện với các cựu chiến binh là chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Tháng 5/2024)

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trò chuyện với các cựu chiến binh là chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Tháng 5/2024)

Cũng tại buổi gặp mặt ấy, có những ký ức được kể lại bởi những nhân chứng lịch sử đã tham gia tiếp quản Vùng mỏ năm 1955, ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ngày tháng đó đã khắc sâu vào tâm trí những người chiến sĩ cách mạng năm xưa, còn in đậm đến tận bây giờ. Bởi trong lịch sử phát triển của tỉnh Quảng Ninh, sự kiện đó là một dấu mốc quan trọng về thời khắc chấm dứt hơn 70 năm bị thực dân Pháp đô hộ, xâm chiếm, bóc lột ở nơi này. Trung ương đặc biệt quan tâm đến việc tiếp quản Hòn Gai và Hải Phòng, vì giải phóng được những nơi này là giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Ngược dòng lịch sử, khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết ngày 20/7/1954, Khu mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả và Hải Phòng lúc đó đều nằm trong vùng tập kết 300 ngày của quân đội Pháp trước khi rút quân. Và dù Hiệp định Giơ-ne-vơ còn chưa ký ráo mực, cả thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã bộc lộ ngay bản chất ngoan cố và hiếu chiến. Theo tài liệu lịch sử về thời điểm đó, thực dân Pháp đã tìm mọi cách phá hoại ta về mọi mặt trước khi hoàn toàn rời đi, bằng việc ngang nhiên tiến hành các thủ đoạn vây ráp bắt lính, cướp đoạt tài sản, xúi giục bọn phản động quấy phá, khiêu khích... Chúng âm mưu làm tê liệt sản xuất và gây tình hình mất ổn định trong nhân dân, khiến chính quyền cách mạng gặp khó khăn khi vào tiếp quản. Từ đó hòng làm cho tình hình chính trị, kinh tế - xã hội miền Bắc thêm trì trệ kéo dài.

Những tên lính viễn chinh Pháp rút khỏi Hòn Gai, ngày 22/4/1955. Ảnh tư liệu

Những tên lính viễn chinh Pháp rút khỏi Hòn Gai, ngày 22/4/1955. Ảnh tư liệu

Với âm mưu lâu dài, chúng còn tiến hành lừa gạt, dụ dỗ cưỡng ép nhân dân di cư vào Nam, nhất là đồng bào theo đạo Công giáo và đồng bào các dân tộc thiểu số. Trên các khu vực công trường sản xuất, bọn chủ mỏ sa thải công nhân hàng loạt, tăng giờ làm, tăng mức khoán, cúp phạt, lưu lương, bớt gạo... để hòng làm lung lay tinh thần công nhân mỏ. Thực dân Pháp và chủ mỏ cũng cố gắng di chuyển tối đa các máy móc, thiết bị vào miền Nam bằng nhiều hình thức trái phép, nếu không thể lấy đi được thì lập tức phá hoại nặng nề...

Xuất phát từ nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài, ngày 22/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Khu Hồng Quảng, trên cơ sở hợp nhất Đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên (trừ các huyện Sơn Động, Kinh Môn, Nam Sách, Chí Linh). Đảng bộ Đặc khu Hòn Gai và Đảng bộ tỉnh Quảng Yên cũng hợp nhất thành Đảng bộ khu Hồng Quảng. Để tiến hành công tác tiếp quản Khu mỏ, Khu uỷ đã quyết định thành lập thành hai Đảng uỷ, gồm ở Hòn Gai và Cẩm Phả; ba ban cán sự ở Quảng Yên, Cửa Ông, Cát Bà. Đồng thời thành lập hai uỷ ban quân chính, phụ trách công việc tiếp quản ở các thị xã, khu phố và xí nghiệp; chỉ đạo việc xây dựng củng cố các ngành công an, kiểm sát và các đoàn thể công đoàn, thanh niên, phụ nữ... Tiểu đoàn 48 và Tiểu đoàn 50 được bổ sung cho bộ đội chủ lực. Các Trung đoàn 244, 248, 238 và các Thủy đội 470, 471, 472 được giao nhiệm vụ hiệp đồng cùng bộ đội địa phương.

Với nhiệm vụ tiếp quản Vùng mỏ, Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Sư đoàn bộ binh 350 gồm 5 Trung đoàn là: 600, 254, 53, 94 và 244. Đây là những đơn vị tập trung từ các chiến trường, địa phương trong các liên khu phía Bắc về làm nhiệm vụ tiếp quản và bảo vệ vùng mới giải phóng. Những chiến sĩ Điện Biên có mặt trong hàng ngũ này, đã tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, gan dạ trên cương vị mới, cùng đồng chí đồng đội hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mới được giao. Truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" của người Vùng mỏ càng trong gian khó lại càng được tô thắm.

Dưới sự lãnh đạo sát sao và kịp thời của Đảng bộ Đặc khu, các cuộc đấu tranh của công nhân và nhân dân khu mỏ đã diễn ra liên tục, quyết liệt, tạo được những sức ép rất lớn. Từ những hình thức làm đơn tố cáo, gửi kiến nghị đòi thực dân Pháp và chủ mỏ phải tôn trọng Hiệp định Giơ-ne-vơ, cho đến các cuộc biểu tình, bãi công được tiến hành bài bản, các trận đánh dồn dập, san bằng nhiều đồn bốt tháp canh, khép chặt vòng vây khu mỏ... Tính từ ngày đình chiến đến ngày tiếp quản, khu mỏ đã có hơn 200 cuộc đấu tranh lớn nhỏ, trong đó có 18 cuộc đấu tranh chống cúp phạt, buộc chủ mỏ phải tiếp tục sản xuất.

Những đơn vị bộ đội đầu tiên tiến vào tiếp quản mỏ than Đèo Nai. Ảnh tư liệu

Những đơn vị bộ đội đầu tiên tiến vào tiếp quản mỏ than Đèo Nai. Ảnh tư liệu

Nhờ đó, cho đến ngày thực dân Pháp phải rút khỏi khu mỏ, chỉ có một số lượng rất nhỏ người dân bị lừa gạt cưỡng ép di cư vào Nam. Âm mưu của thực dân Pháp đã bị đập tan. Như tại khu vực Cẩm Phả là nơi tập trung đông công nhân và có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, thì tỷ lệ bị cưỡng ép di cư cũng chỉ chiếm khoảng 2% dân số. Việc đấu tranh giữ máy móc, không cho đối phương di chuyển trái phép đã được Khu uỷ Hồng Quảng chỉ đạo chặt chẽ. Chính vì thế, sau này khi ta khôi phục sản xuất than, các máy móc được giữ lại đã góp phần đưa hoạt động sản xuất trở lại nhanh chóng.

Ngày 8/4/1955, hiệp nghị về việc chuyển giao mỏ than Hòn Gai đã được ký kết, chính phủ Pháp chính thức công nhận chủ quyền của công nhân mỏ. Ngày 18/4/1955, đội tiếp quản hành chính của ta tiến vào Cửa Ông, Cẩm Phả nhận bàn giao của Pháp. Ngày 22/4/1955, một lực lượng chính trị quân sự của ta chính thức tiếp quản Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Yên. Ngày 24/4/1955, lực lượng quân sự của ta tập kết bên Bãi Cháy, còn những tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng cũng đã phải rời khỏi Vùng mỏ. Ngày 25/4/1955, chính quyền cách mạng đã tổ chức lễ mừng chiến thắng tại sân vận động Hòn Gai. Từ đây, nhân dân Vùng mỏ hoàn toàn thoát khỏi cuộc đời nô lệ, từ giã kiếp sống của kẻ làm thuê bị bóc lột tàn ác, trở thành những người làm chủ hoàn toàn của quê hương, số phận chính mình. Từ khắp các hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp, ruộng vườn, đồi núi, cảng biển... chế độ quản lý dân chủ bước đầu đã gắn bó được trách nhiệm với quyền lợi của công nhân, người lao động, tạo ra một khí thế lao động mới.

Những năm sau đó, Nhà nước đã đầu tư cho ngành Than nhiều phương tiện, thiết bị, máy móc, như: Máy xúc, máy khoan, xe ô tô và một số công cụ khác để bước đầu thực hiện cơ giới hóa dây chuyền sản xuất. Để cho cán bộ có thể làm chủ được máy móc, phương tiện và công nghệ hiện đại, Vùng mỏ đã tổ chức hàng loạt lớp tập huấn, bổ túc văn hóa ngoài giờ, các lớp học ngắn ngày, vừa học vừa làm, các lớp trung cấp... Như Xí nghiệp quốc doanh Than Hồng Gai (tiền thân của TKV) đã đưa lực lượng xung phong đi xẻ núi làm đường tàu. Nhờ có những tuyến đường sắt đó, nên việc vận chuyển than thuận lợi hơn, công tác quản lý sản xuất, quản lý kinh tế ngày một đi vào nền nếp. Hay như tại Xí nghiệp bến Cửa Ông (nay là Công ty Tuyển than Cửa Ông), công nhân đã nhanh chóng sửa chữa hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng một máy sàng than trước thời hạn dự định. Đồng thời, tuyến đường sắt vận chuyển than Cửa Ông - Cẩm Phả cũng được khôi phục...

Gần 70 năm kể từ ngày tiến quân vào tiếp quản Vùng mỏ, nhiều người lính đã chọn gắn bó tại Quảng Ninh, tiếp tục tham gia tiếp các nhiệm vụ xây dựng và phát triển KT-XH của Vùng mỏ trong thời kỳ mới. Những âm vang của Hò kéo pháo trên trận địa Điện Biên Phủ, cho tới những thăng trầm của đặc khu Hồng Quảng, Yên Hưng, Hải Ninh khi xưa... đều đã gắn chặt vào một phần tâm hồn, máu thịt của những người chiến sĩ cách mạng năm xưa. Nên dù ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, họ vẫn tiếp tục giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, sống xứng đáng với tinh thần và khí phách Điện Biên.


Chỉ đạo sản xuất: Lan Hương
Thực hiện: Hoàng Quý - Dương Trường - Hoàng Giang
Trình bày: Tất Đạt
Ngày xuất bản: 7/5/2024