Coi trọng vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ này, trong đó chú trọng các chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh, cũng như tạo môi trường nhằm phát huy sự đóng góp trí tuệ của đội ngũ trí thức trên mọi lĩnh vực. Qua đó, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Cụ thể hoá Nghị quyết của Đảng phù hợp với tình hình thực tiễn

Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn nhận thức đúng vai trò của trí thức và đặc biệt quan tâm trọng dụng, có nhiều chủ trương, chính sách xây dựng đội ngũ trí thức, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức sáng tạo, cống hiến cho Tổ quốc. Kế thừa, phát triển những quan điểm đó, tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII), Đảng ta đã tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 “về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững trong giai đoạn mới”.

Theo đó, Nghị quyết đã cụ thể hóa, phát triển, bổ sung nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng, phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong thời đại mới; trong đó, khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững”; xây dựng đội ngũ trí thức thực chất là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong những động lực chủ yếu thúc đẩy phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đây là tư duy mới, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, nhằm tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Các tân cử nhân trường Đại học Hạ Long bày tỏ lòng tri ân với các bậc phụ huynh trong lễ tốt nghiệp.

Các tân cử nhân trường Đại học Hạ Long bày tỏ lòng tri ân với các bậc phụ huynh trong lễ tốt nghiệp.

Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, dựa trên bối cảnh thực tiễn của địa phương, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã tập trung thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bởi vậy, tỉnh rất chú trọng xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh đội ngũ trí thức. Rất nhiều chủ trương, chính sách đối với đội ngũ này được ban hành phù hợp theo từng giai đoạn. Trong đó, có các chính sách khuyến khích, đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC và thu hút nhân tài; chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long; chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC và bồi dưỡng nhân tài của UBND tỉnh; chính sách khen thưởng sinh viên xuất sắc có hộ khẩu tại Quảng Ninh...

Đặc biệt việc tuyển dụng CCVC có trình độ, chất lượng cao được tỉnh thực hiện đúng quy định, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch. Trên cơ sở chỉ tiêu biên chế và yêu cầu công việc, vị trí việc làm, tỉnh đã từng bước nâng cao điều kiện, tiêu chí tuyển dụng, qua đó, chú trọng năng lực, phẩm chất đạo đức của người dự tuyển. Tỉnh cũng có chính sách và dành tỷ lệ biên chế, nguồn kinh phí phù hợp để tuyển chọn đối với vị trí việc làm cần nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút CBCCVC về công tác tại cơ sở, địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn. Việc tuyển dụng mới CCVC đều gắn với việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế; thực hiện mục tiêu đổi mới về chất, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ trong nền hành chính hiện đại.

Lê Thùy Mai Anh (thứ tư từ phải sang) đoạt Huy chương Đồng kỳ thi Olympic Vật lý Châu Âu năm 2022. Ảnh nhân vật cung cấp.

Lê Thùy Mai Anh (thứ tư từ phải sang) đoạt Huy chương Đồng kỳ thi Olympic Vật lý Châu Âu năm 2022. Ảnh nhân vật cung cấp.

Cùng với các chính sách thu hút, đãi ngộ trí thức, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh luôn đổi mới công tác cán bộ. Trong đó, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu cán bộ ứng cử; mạnh dạn, đi đầu, chủ động đổi mới phương thức bổ nhiệm cán bộ đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, công tâm, khích lệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân. Đồng thời, đặt tiêu chuẩn, điều kiện và việc thực hiện các quy định về nêu gương là yếu tố tiên quyết, đảm bảo không để lọt vào đội ngũ cán bộ những người không xứng đáng, phòng ngừa chạy chức, chạy quyền. 

Việc thí điểm thi tuyển cán bộ của tỉnh có sự đổi mới, sáng tạo về vị trí, chức danh ứng tuyển và nội dung thi. Với cơ chế thí điểm thi tuyển cán bộ đã thu hút được nhiều trường hợp CCVC trẻ tham gia, qua đó đã tuyển chọn được cán bộ trẻ năng lực, trí tuệ, năng động, sáng tạo, khát vọng cống hiến, muốn được thể hiện và khẳng định mình.

Nữ sinh trường THPT Trần Phú, TP Móng Cái rạng ngời chào đón năm học mới 2024-2025.

Nữ sinh trường THPT Trần Phú, TP Móng Cái rạng ngời chào đón năm học mới 2024-2025.

Thông qua thi tuyển, tỉnh và các địa phương bổ sung thêm nguồn cán bộ trẻ để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, giao việc, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý mới trong tương lai, góp phần chống tiêu cực trong công tác cán bộ, củng cố niềm tin trong nhân dân. Đồng thời, có tác dụng thiết thực động viên khích lệ đội ngũ cán bộ trẻ hăng hái vươn lên; thúc đẩy đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm nỗ lực, cố gắng hơn trong việc gương mẫu thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

tri thuc

Đến nay, toàn tỉnh có trên 33 nghìn trí thức được tuyển dụng, đãi ngộ và bổ nhiệm, trong đó có gần 2.000 trí thức được đề bạt, bổ nhiệm. Số lượng đội ngũ có trình độ chuyên môn cao (sau đại học) tăng qua các năm. Trong tổng số đội ngũ CBCCVC toàn tỉnh, hiện có 10,5% trí thức có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đối với khối chính quyền và 41,1% đối với khối Đảng và đoàn thể cấp tỉnh. Cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực giữa lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên được điều chỉnh hợp lý, đã góp phần tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức trở thành nhân tố quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh.

Từ những kết quả đạt được, với tầm nhìn chiến lược, xác định đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi mà đất nước ta nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng đang bước vào thời kỳ phát triển mới với yêu cầu rất cao, bởi chúng ta có thời cơ nhiều, vận hội lớn, nhưng khó khăn, thách thức cũng rất gay gắt. Do đó, hơn bao giờ hết, việc xây dựng đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải được quan tâm và đặc biệt chú trọng hơn bao giờ hết. Bởi chỉ khi làm tốt công tác này thì mục tiêu bước vào kỷ nguyên mới mới được hiện thực hóa.

Thực hành sửa chữa ô tô của sinh viên Trường Cao đẳng Việt - Hàn. Ảnh: Thu Trang

Thực hành sửa chữa ô tô của sinh viên Trường Cao đẳng Việt - Hàn. Ảnh: Thu Trang

Theo đó, thời gian gần đây tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng tầm và phát triển đội ngũ trí thức. Điển hình như, Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 9/6/2014, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, “Về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 2704/QĐ-UBND, ngày 17/11/2014 của UBND tỉnh “Về phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 293/QĐ-UBND, ngày 30/1/2015 của UBND tỉnh “Về phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020”; Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND, của HĐND tỉnh, “Về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 “Quy định chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại một số đơn vị thuộc tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025”… Đặc biệt, ngày 26/9/2020, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất định hướng phát triển, ba khâu đột phá, bốn quan điểm giai đoạn 2020-2025. Trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu, nghèo và chênh lệch vùng, miền trong tỉnh.

Các ngành của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh hầu hết phục vụ nhân lực, định hướng chế biến chế tạo của tỉnh.

Các ngành của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh hầu hết phục vụ nhân lực, định hướng chế biến chế tạo của tỉnh.

Tỉnh Quảng Ninh làm việc về công tác phối hợp, phát triển Trường Đại học Ngoại thương cơ sở Quảng Ninh.

Tỉnh Quảng Ninh làm việc về công tác phối hợp, phát triển Trường Đại học Ngoại thương cơ sở Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí, việc làm, cơ cấu ngạch, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, lãnh đạo quản lý với hình thức đa dạng, như đào tạo, bồi dưỡng trong nước, nước ngoài, tập trung, trực tuyến... Đồng thời, ưu tiên những ngành, nghề, lĩnh vực mà tỉnh cần đáp ứng nguồn nhân lực thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch, công nghiệp và hội nhập, về ngoại ngữ, du lịch, dịch vụ, cải cách hành chính, quản lý đô thị, tin học...Trong khoảng 5 năm gần đây, đã có khoảng 100.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng; trong đó, có hơn 45.000 lượt cán bộ, công chức, hơn 54.000 lượt viên chức được đào tạo cao cấp, trung cấp lý luận chính trị, đại học, sau đại học, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, bồi dưỡng theo vị trí việc làm, chức vụ lãnh đạo, quản lý... Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức cũng ngày càng được nâng cao. 

Lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh quản lý năm 2024.

Đại diện các trường đại học, cao đẳng tư vấn cho học sinh tại Chương trình "Tư vấn mùa thi, định hướng nghề nghiệp năm 2024" do Tỉnh đoàn, Sở LĐTB&XH, Sở GD&ĐT phối hợp tổ chức vào tháng 4/2024. Ảnh: Thu Phương.

Cùng với đó, tỉnh cũng thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác trong nước và quốc tế để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo với các trường Đại học hàng đầu Việt Nam và quốc tế, như: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand), nhằm liên kết đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, tăng cường đào tạo đối với các ngành, lĩnh vực quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, kinh tế, luật kinh doanh, thương mại quốc tế, du lịch, chuyên gia về quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, đào tạo trình độ sau đại học cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, đào tạo giáo viên của Trường Đại học Hạ Long, đồng thời thu hút nhân tài cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đề ra.

Tập đoàn Indevco và Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển nguồn nhân lực. Ảnh: Thu Phương

Tập đoàn Indevco và Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển nguồn nhân lực. Ảnh: Thu Phương

Đặc biệt, trước những yêu cầu thực tế của xã hội, ngày 4/4/2024 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1061/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án kỳ vọng tạo sự bứt phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo đà giúp tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2030... Theo Đề án, đến hết năm 2025 tỉnh đặt mục tiêu tổng số 798.280 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 87,5%; số lao động cần đào tạo mới cấp chứng chỉ hằng năm là 25.500 người; tỷ lệ CBCCVC đạt trình độ sau đại học là 16,4%. Cơ cấu nguồn nhân lực các ngành: Khu vực I giảm còn 22,11%; khu vực II giảm còn 28,64%; khu vực III tăng lên 49,25%. 62.900 lượt CBCCVC được đào tạo, bồi dưỡng trong nước, tương ứng khoảng 1.005 lớp thuộc các ngành học: Quản lý nhà nước, chính trị, ngoại ngữ, tin học; 750 lượt CBCCVC đào tạo, bồi dưỡng tại tỉnh theo hình thức mời chuyên gia, giảng viên nước ngoài giảng dạy; 1.100 lượt CBCCVC đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài, tương ứng khoảng 55 lớp. Đến hết năm 2030 quy mô nguồn nhân lực của tỉnh khoảng 874.250 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 92,5%. Cơ cấu nguồn nhân lực các ngành: Khu vực I là 16,62%; khu vực II là 27,68%; khu vực III là 55,7%.

Để Đề án thực hiện hiệu quả, tỉnh đã xây dựng nhiều nhóm giải pháp. Trong đó chú trọng nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Đặc biệt xây dựng chương trình, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, lao động tại chỗ, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực: Quản lý nhân lực, tài chính, tài sản công, các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu nhân lực dùng chung về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu lao động của tỉnh để phục vụ công tác hoạch định chính sách, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý nguồn nhân lực.

Đại diện các trường đại học, cao đẳng tư vấn cho học sinh tại Chương trình "Tư vấn mùa thi, định hướng nghề nghiệp năm 2024" do Tỉnh đoàn, Sở LĐTB&XH, Sở GD&ĐT phối hợp tổ chức vào tháng 4/2024. Ảnh: Thu Phương.

Đại diện các trường đại học, cao đẳng tư vấn cho học sinh tại Chương trình "Tư vấn mùa thi, định hướng nghề nghiệp năm 2024" do Tỉnh đoàn, Sở LĐTB&XH, Sở GD&ĐT phối hợp tổ chức vào tháng 4/2024. Ảnh: Thu Phương.

Cùng với đó, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực cấp xã; huy động các nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp để thành lập Quỹ học bổng hỗ trợ đào tạo và phát triển nhân lực; tăng cường liên kết đào tạo giữa nhà trường - doanh nghiệp; đào tạo nâng cao năng lực chuyển đổi số của tỉnh.

Quảng Ninh là một trong những đầu tàu kinh tế của đất nước, tập trung đông đảo lực lượng lao động, do đó việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là giải pháp quan trọng để tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Đây cũng là cơ sở để Quảng Ninh hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện can thiệp mạch cho bệnh nhân.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện can thiệp mạch cho bệnh nhân.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của KH&CN, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Thời gian qua, đội ngũ trí thức đã tham mưu hoạch định nhiều chính sách, đóng góp nhiều công trình nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong lao động, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đời sống... góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh. Đội ngũ CB,CNLĐ các cơ quan, doanh nghiệp, nhà máy luôn phát huy tinh thần sáng tạo, tham gia tích cực vào thực hiện các nhiệm vụ ở nhiều lĩnh vực. Qua đó, có nhiều thành tích và sáng kiến trong hoạt động điều hành quản lý, sản xuất kinh doanh, cải tiến quy trình, kỹ thuật, đóng góp công sức, trí tuệ của mình để góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương. Hơn 10 năm qua đã có hàng chục nghìn đề tài khoa học, sáng kiến, giải pháp tiết kiệm của đội ngũ CBCCVC, LĐ được thực hiện, làm lợi hàng trăm tỷ đồng, được các cấp, ngành ghi nhận.

Ngày đăng: 4/12/2024
Tổ chức thực hiện: LAN HƯƠNG
Thực hiện: MINH THU
Trình bày: ĐỖ QUANG