Cùng với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, Quảng Ninh luôn xác định bảo đảm an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, mọi người dân đều phải được hưởng thành quả của sự phát triển. Chính vì vậy hệ thống chính sách an sinh xã hội của tỉnh ngày càng đồng bộ và hoàn thiện trên các lĩnh vực, với nguồn lực không ngừng tăng.

Thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, như: Hỗ trợ thẻ BHYT; miễn, giảm học phí, chi phí học tập; hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối việc làm; hỗ trợ nhà ở; bảo trợ xã hội... Nhờ đó, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao về chất lượng, tạo bước chuyển trong phát triển văn hoá, xã hội, con người, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo.

Các đối tượng bảo trợ được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Các đối tượng bảo trợ được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Cụ thể, tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách riêng về an sinh, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS, các đối tượng chính sách, yếu thế. Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành sớm nhiều chỉ tiêu, mục tiêu của 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đạt và vượt 25/29 chỉ tiêu cụ thể thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; làm tốt công tác an sinh xã hội, ban hành, triển khai chính sách an sinh xã hội riêng (đối tượng chính sách, người nghèo, người khuyết tật...). Tổng chi an sinh xã hội của tỉnh năm 2024 ước đạt 1.897 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023.

Từ nguồn NSNN chi cho lĩnh vực an sinh xã hội không ngừng tăng, Quảng Ninh đã đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống các trung tâm y tế cấp huyện. Nhiều trường học chất lượng cao ở các huyện, thị xã, thành phố được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng chính sách xã hội, nhằm không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT… Năm 2024, toàn tỉnh có 301.760 người tham gia BHXH, chiếm 47,55% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 4,39% so với năm 2023.

Một trong những mục tiêu quan trọng mà Quảng Ninh đặt ra là hoàn thành xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn. Để thực hiện điều này, tỉnh huy động mọi nguồn lực xã hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn. Được hỗ trợ từ đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát của địa phương, cùng với số tiền tích góp của gia đình, ông Hoàng Anh Quý (phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả) đã xây được ngôi nhà kiên cố thay thế ngôi nhà cũ chật hẹp đã xuống cấp. Ông Quý chia sẻ: Vậy là sau bao năm sống trong cảnh nhà ở tạm bợ, dột nát, ước mơ về một ngôi nhà kiên cố của cả gia đình tôi đã trở thành hiện thực, tôi rất cảm động.

Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Minh (thôn Thái Hoà, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn) được hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở do bị ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Minh (thôn Thái Hoà, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn) được hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở do bị ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Việc thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Quảng Ninh là chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội lớn của địa phương, thể hiện sự quan tâm của cả hệ thống chính trị nhằm đảm bảo mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả phát triển với tinh thần "Không để ai bị bỏ lại phía sau". Qua rà soát, trong năm 2024, toàn tỉnh có 88 hộ ở 6 địa phương gồm: Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà là đối tượng cần hỗ trợ về nhà ở, với tổng kinh phí gần 3,6 tỷ đồng. Hiện đã có 67 hộ được hỗ trợ. 

Tháng 9/2024, cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ đã gây thiệt hại nặng nề đối với tỉnh Quảng Ninh. Trong đó đã phát sinh hàng ngàn ngôi nhà bị hư hại, tốc mái, thậm chí bị sập đổ hoàn toàn. Để nhanh chóng ổn định cuộc sống cho nhân dân, ngày 23/9/2024, tại Kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 42 về một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh năm 2024. Theo đó, với các hộ có nhà ở bị đổ, sập, trôi, hư hỏng nặng không có khả năng khôi phục và không còn nhà ở khác trên địa bàn được hỗ trợ chi phí làm mới với mức 100 triệu đồng/hộ; các hộ có nhà ở bị hư hỏng nặng mà phần còn lại không thể ở được và không còn nhà ở khác trên địa bàn được hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà với mức 50 triệu đồng/hộ.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 345 hộ bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 đã được hỗ trợ, trong đó có 60 hộ xây mới, 285 hộ cải tạo, sửa chữa nhà ở, với kinh phí trên 19,8 tỷ đồng.

Trẻ em mầm non được tỉnh hỗ trợ 100% học phí.

Trẻ em mầm non được tỉnh hỗ trợ 100% học phí.

Với mục tiêu “Nhân dân là chủ thể, tất cả đều vì sự ổn định cuộc sống của nhân dân”, các nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành đều đảm bảo tính kế thừa các nghị định, nghị quyết của Trung ương với sự sáng tạo, tính chất phù hợp với địa bàn Quảng Ninh. Cụ thể, tỉnh hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Quảng Ninh (trừ học sinh tiểu học trường công lập và các đối tượng đã được hưởng chính sách hỗ trợ học phí theo quy định của tỉnh trong năm học 2024-2025). Bà Dương Thị Phòng (phường Hà Tu, TP Hạ Long) cho biết: Chúng tôi rất vui khi tỉnh ban hành chính sách kịp thời, vừa giúp giảm bớt gánh nặng, vừa là động lực để học sinh vững tin học tập.

Không chỉ vậy, nghị quyết còn hướng đến đối tượng bảo trợ xã hội. Theo nghị quyết này, từ ngày 1/10/2024, mức chuẩn trợ cấp xã hội tăng lên là 700.000 đồng/người/tháng, cao hơn 1,4 lần so với mức chuẩn trợ giúp xã hội do Trung ương quy định (500.000 đồng/người/tháng). Đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được nhận thêm 200.000 đồng/tháng, các đối tượng trong cơ sở trợ giúp xã hội được hỗ trợ thêm 50.000 đồng/tháng. Đây là mức hỗ trợ cao hơn mức Trung ương quy định, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của Quảng Ninh.

Sự quan tâm của tỉnh và các địa phương đối với công tác an sinh xã hội là động lực để người dân trên địa bàn an tâm phát triển sản xuất, từ đó tiếp tục thúc đẩy KT-XH của Quảng Ninh phát triển bền vững. 

Bà L.T.N (TP Hạ Long) đến Bệnh viện Bãi Cháy khám bệnh với tình trạng đau ngực trái nhiều ngày. Qua thăm khám, bác sĩ đã phát hiện bà N mắc bệnh mạch vành rất nặng (hẹp khít chỗ chia nhánh động mạch liên thất trước và nhánh bên 1). Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Danh Trình (Phó Trưởng khoa Tim mạch) cùng ê kíp đã tiến hành can thiệp đặt 2 stent phủ thuốc đoạn động mạch liên thất trước đoạn 1-2 và nhánh bên 1 theo phương pháp Mini Crush. Sau can thiệp, bệnh nhân không còn đau ngực, sức khỏe ổn định. Theo bác sĩ Đinh Danh Trình, để can thiệp mạch vành hiệu quả cho bệnh nhân, bệnh viện đã tiếp nhận và làm chủ nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, trong đó có kỹ thuật Mini Crush. Đây là một kỹ thuật khó, trước kia thường được thực hiện ở các bệnh viện tuyến Trung ương.

Tháng 12/2024, các bác sĩ Khoa Ngoại (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi cắt khối tá tụy cho nam bệnh nhân 57 tuổi (TP Hạ Long) bị u phần thấp ống mật chủ. Đây là bệnh nhân thứ 3 được điều trị nội soi cắt khối tá tụy thành công nhờ kỹ thuật chuyên sâu mà các bác sĩ của bệnh viện triển khai thành công mang lại hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh trong tỉnh. Đồng thời, bệnh viện cũng duy trì hiệu quả các kỹ thuật mũi nhọn, như: Mổ tim hở, phẫu thuật mạch máu, can thiệp nội mạch, phẫu thuật dị dạng mạch máu não, kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, thăm dò huyết động theo phương pháp PICCO; phẫu thuật nội soi thay khớp háng, khớp gối…

Bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí thăm khám cho bệnh nhân.

Xạ hình xương, chẩn đoán ung thư di căn xương cho người bệnh tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.

Ông N.V.L (TX Quảng Yên) đang điều trị tại Khoa Phẫu thuật, xạ trị và y học hạt nhân (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí) chia sẻ: Từ giữa năm 2024, các bác sĩ đã phát hiện tôi bị ung thư vòm họng di căn. Suốt quá trình điều trị vừa qua, tôi đã được các y, bác sĩ của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí tận tình thăm khám và tư vấn kịp thời để có phương pháp điều trị hiệu quả. Với căn bệnh hiểm nghèo, phải điều trị lâu dài thì việc được khám chữa ngay gần nhà, đúng tuyến đã giúp tôi giảm nhiều chi phí, có thêm động lực điều trị bệnh.

Can thiệp tim mạch với kỹ thuật Mini Crush, phẫu thuật nội soi cắt khối tá tụy, điều trị ung thư chỉ là 3 trong số hàng nghìn kỹ thuật mới, chuyên sâu điển hình được các bệnh viện của Quảng Ninh triển khai, thực hiện thành công thời gian qua. Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, 3 bệnh viện: Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy đã nỗ lực tập trung triển khai và ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu trong xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị. Đây cũng là 3 đơn vị y tế được Sở Y tế xếp cấp chuyên sâu; 22 đơn vị khác xếp cấp cơ bản, theo hướng dẫn của Bộ Y tế về xếp cấp chuyên môn kỹ thuật cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, áp dụng từ ngày 1/1/2025.

Theo bác sĩ Bùi Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, thông qua việc xếp cấp chuyên môn kỹ thuật, mỗi cơ sở khám chữa bệnh có cơ hội được đánh giá và xếp cấp công bằng dựa trên năng lực thực tế của mình. Điều này tạo ra động lực mạnh mẽ để các cơ sở y tế đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ chuyên môn và cải tiến dịch vụ. Sự phát triển này không chỉ mang lại lợi ích cho đơn vị, mà còn cho cả cộng đồng, khi người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao.

Kíp bác sĩ Bệnh viện tỉnh trực tiếp đào tạo cầm tay chỉ việc cho Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Lọc máu liên tục cho người bệnh nặng tại Khoa Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo - Đơn vị đột quỵ (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Phát triển khoa học kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới, dịch vụ y tế chất lượng cao tiếp tục là nhiệm vụ chiến lược mà ngành y tế tỉnh đặt ra trong thời gian tới. Trong 2 năm 2023, 2024, toàn ngành đã triển khai 116 kỹ thuật y tế chuyên sâu ở tất cả các chuyên khoa, góp phần cứu chữa thành công hơn 30.000 ca bệnh. Năm 2025, ngành đặt mục tiêu triển khai kỹ thuật ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.

Ngành y tế đã và đang từng bước chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiến, như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật chấn thương, phẫu thuật phaco... cho y tế tuyến huyện. Ưu tiên tuyển dụng bác sĩ, thu hút nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo nhân lực cho y tế tuyến dưới, tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình “Nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chung” để nâng cao năng lực cho y tế tuyến dưới. 

Can thiệp tim mạch cho người bệnh tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Can thiệp tim mạch cho người bệnh tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Hiện nay, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến xã đều được xây dựng và đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ. Đội ngũ y, bác sĩ đã làm chủ được phương tiện, làm tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn. Từ đó, người dân được hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng, y tế chuyên sâu ngay tại địa phương, giảm tỷ lệ chuyển viện, rút ngắn thời gian điều trị, giảm tỷ lệ tử vong, giảm chi phí khám, chữa bệnh, đi lại cho người dân.

Với quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, Quảng Ninh luôn dành nhiều nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục. Đặc biệt những năm gần đây công tác giáo dục tại các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và đào tạo học sinh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Qua đó đã rút ngắn khoảng cách về giáo dục giữa các vùng miền trong tỉnh.

Thầy và trò Trường TH&THCS Đồn Đạc (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) trong ngày khai giảng năm học 2024-2025.

Thầy và trò Trường TH&THCS Đồn Đạc (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) trong ngày khai giảng năm học 2024-2025.

Toàn tỉnh hiện có 50.539 trẻ em và học sinh là người DTTS, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên người DTTS là 2.628 người. Để công tác chăm lo, giáo dục tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS của tỉnh được tạo điều kiện tối đa, giảm bớt những khó khăn do đặc thù vùng miền và điều kiện kinh tế, tỉnh đã xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục đa dạng, có đủ các loại hình, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em, học sinh.

Để tạo sự công bằng, thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng, miền, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm ưu tiên, hỗ trợ cho học sinh vùng miền núi và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 19/5/2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 63/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh về quy định chế độ thưởng, hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh Quảng Ninh, trong đó học sinh đoạt giải là người DTTS ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS và miền núi, biên giới, hải đảo sẽ được thưởng bằng 1,5 lần mức thưởng quy định…

Từ các nghị quyết của tỉnh, sự nghiệp giáo dục nói chung, giáo dục vùng cao nói riêng đã từng bước khởi sắc, phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, kéo giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở cấp học mầm non, học sinh THPT được định hướng nghề nghiệp... 

Một tiết học về kỹ năng PCCC cho học sinh Trường Mầm non Quảng Đức (xã Quảng Đức, huyện Hải Hà).

Một tiết học về kỹ năng PCCC cho học sinh Trường Mầm non Quảng Đức (xã Quảng Đức, huyện Hải Hà).

Được khánh thành và đưa vào sử dụng trong năm học 2023-2024, công trình cải tạo, mở rộng Trường PTDT nội trú huyện Ba Chẽ đã tạo môi trường phát triển toàn diện cho học sinh, đáp ứng được kỳ vọng của phụ huynh cùng các tầng lớp nhân dân. Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ, cho biết: Trường PTDT nội trú huyện Ba Chẽ là một trong những ngôi trường dân tộc nội trú được xây dựng khang trang bậc nhất của tỉnh. Đây thực sự là công trình thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền tỉnh, huyện đối với thầy cô giáo và các em học sinh nơi đây, góp phần tiếp thêm niềm vui, động lực để thầy và trò nhà trường nói riêng, toàn huyện nói chung tiếp tục phấn đấu, gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới.

Với mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đào tạo, giai đoạn 2022-2025 Quảng Ninh quan tâm hỗ trợ, đầu tư 30 trường học bảo đảm mục tiêu mỗi huyện có 1 trường học công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông; mỗi thành phố, thị xã có 1 trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao. Đến nay, tỉnh đã khánh thành, đưa 3 trường vào sử dụng, trong đó có 2 trường ở vùng đồng bào DTTS và miền núi là Trường THPT Bình Liêu (huyện Bình Liêu) và Trường THCS&THPT Quảng La (TP Hạ Long).

Diễn đàn học sinh DTTS nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Trường THCS Quảng An (xã Quảng An, huyện Đầm Hà).

Diễn đàn học sinh DTTS nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Trường THCS Quảng An (xã Quảng An, huyện Đầm Hà).

Việc nâng cao chất lượng, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh tại các trường PTDT nội trú, trường PTDT bán trú luôn được đặc biệt quan tâm đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, trong đó chất lượng 2 mặt giáo dục được duy trì, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tăng. 100% học sinh người DTTS được định hướng nghề nghiệp.

Năm học 2023-2024 học sinh người DTTS cấp tiểu học hoàn thành chương trình đạt 98,88%; duy trì 100% trẻ người DTTS được ăn bán trú và học 2 buổi/ngày. Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học; học sinh người DTTS cấp THCS có học lực đạt trở lên là 98,55%; học sinh DTTS cấp THPT có học lực đạt trở lên là 98,41%; học viên người DTTS hệ giáo dục thường xuyên có học lực đạt trở lên là 97,86%.

Ngoài việc ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục vùng đồng bào DTTS, miền núi, công tác giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em vùng DTTS cũng luôn được quan tâm chú trọng. Trong đó, các địa phương, các nhà trường đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh và cha mẹ của học sinh; tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền về giới tính, phòng chống bạo lực, xâm hại, cung cấp kiến thức về HIV, các hủ tục lạc hậu, tác hại của tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Đặc biệt ngành giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và cơ quan chức năng để ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm để bảo vệ quyền được học tập của học sinh trong độ tuổi đến trường.

Những chủ trương, kế hoạch của Quảng Ninh đã, đang và sẽ góp phần giảm sự chênh lệch giữa các vùng miền, thực hiện thành công mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân"...

Thực hiện: Thu Trang - Nguyễn Hoa - Hoài Minh
Trình bày: Vũ Đức