Nhờ sự quan tâm chăm lo cùng những chủ trương, chính sách cụ thể, hiệu quả, ngành GD&ĐT tỉnh đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đưa Quảng Ninh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục, một trong những trung tâm giáo dục nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước. Đặc biệt năm học 2023-2024, ngành giáo dục Quảng Ninh đã đánh dấu bước phát triển bứt phá, vươn mình chưa từng có trong tiền lệ, đạt kì tích lớn nhất kể từ trước đến nay.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV đã xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Trong đó, ưu tiên phát triển giáo dục - đào tạo là nhiệm vụ hàng đầu. Để hiện thực hóa mục tiêu này, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trên cơ sở mở rộng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Quảng Ninh đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách, nghị quyết tạo động lực, thúc đẩy giáo dục phát triển xứng tầm với sự tăng trưởng của tỉnh; tạo động lực cho thi đua học tốt, dạy tốt, bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

Các đồng chí lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, TP Hạ Long chia sẻ niềm vui đón ngôi trường mới với giáo viên, học sinh Trường THPT Ngô Quyền.

Các đồng chí lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, TP Hạ Long chia sẻ niềm vui đón ngôi trường mới với giáo viên, học sinh Trường THPT Ngô Quyền.

Trong đó, có thể kể đến các nghị quyết về những chính sách đặc thù hỗ trợ giảng viên, giáo viên, trẻ em, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh, như: Chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; hỗ trợ một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025; quy định chế độ thưởng cho học sinh đoạt giải trong các kỳ thi tuyển sinh vào hệ chính quy các trường đại học, cao đẳng và giáo viên đào tạo học sinh đoạt giải...

Đặc biệt, Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong việc hỗ trợ 100% học phí cho học sinh. Trong 3 năm học 2021 - 2022, 2022 - 2023 và 2024 - 2025, tỉnh dành hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Các chính sách đó phần nào giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và bão số 3 (Yagi), nhất là những gia đình có thu nhập thấp, không ổn định.

Ngày hội STEM tại Trường THPT Lê Hồng Phong (TP Cẩm Phả).

Ngày hội STEM tại Trường THPT Lê Hồng Phong (TP Cẩm Phả).

Theo ông Vi Tiến Vượng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu, thực hiện Nghị quyết số 22/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, Bình Liêu đã có hơn 3.000 lượt đối tượng thuộc 33 thôn của các xã Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn, Húc Động, Vô Ngại và thị trấn Bình Liêu được thụ hưởng. Đây là niềm vui, là động lực lớn đối với thầy cô, phụ huynh và học sinh tại các địa bàn miền núi, đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Việc tiếp tục thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ học sinh ở thôn, bản xa về học tại điểm trường chính, góp phần hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học, duy trì học 2 buổi/ngày, quy mô huy động trẻ/học sinh ra lớp cũng tăng lên.

Một tiết học thực hành tại trường THPT Hòn Gai.

Một tiết học thực hành tại trường THPT Hòn Gai.

Với quan điểm “Đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”, tỉnh ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, giúp học sinh được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất; quan tâm hỗ trợ, đầu tư xây dựng trường học theo tiêu chí chất lượng cao, cả ở địa bàn trung tâm cũng như vùng khó khăn. Đến nay, nhiều trường như: THPT Hòn Gai, THPT Ngô Quyền, THCS&THPT Quảng La, THPT Bình Liêu, PTDT Nội trú Ba Chẽ, TH&THCS Vạn Yên (Vân Đồn), THPT Cẩm Phả, THPT Trần Phú, THPT Uông Bí, Tiểu học Đông Ngũ được xây mới với thiết kế đồng bộ, khang trang, hiện đại, tạo môi trường phát triển toàn diện cho học sinh, đáp ứng được kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân. Nhiều ngôi trường khác cũng đang được tích cực triển khai xây dựng để phấn đấu đến năm 2025, mỗi cấp học giáo dục phổ thông ở mỗi huyện có ít nhất 1 trường công lập theo tiêu chí chất lượng cao; mỗi thành phố, thị xã có 1 trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao…

Em Hoàng Thị Thương, học sinh Trường THCS&THPT Quảng La, chia sẻ: Sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, thành phố nên chúng em có cơ hội được học tập, rèn luyện trong một ngôi trường lớn, khang trang, hiện đại như bây giờ. Chúng em sẽ nỗ lực cố gắng, giành nhiều thành tích cao trong học tập, để trở thành người có ích, góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp hơn. 

Đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chụp ảnh lưu niệm với thầy và trò Trường THPT Hoàng Quốc Việt, TP Đông Triều.

Đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chụp ảnh lưu niệm với thầy và trò Trường THPT Hoàng Quốc Việt, TP Đông Triều.

Với nhiều quyết sách đúng đắn và hiệu quả, chất lượng giáo dục của tỉnh  ngày càng được nâng lên. Khoảng cách chênh lệch về cơ hội tiếp cận và chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo giữa các vùng miền, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và đối tượng người nghèo, người yếu thế ngày càng được thu hẹp. Đặc biệt, năm học 2023 - 2024 đã đánh dấu bước phát triển bứt phá, là kì tích lớn nhất của toàn ngành giáo dục Quảng Ninh kể từ trước đến nay với 100% các chỉ tiêu trong năm đều đạt và vượt, trong đó nhiều chỉ tiêu vượt rất xa so với mục tiêu đề ra. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 90,5%, cao hơn toàn quốc 31%, về đích trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 95,1%; tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày đạt 94,58%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,18%; tỷ lệ xóa mù chữ đạt 99,77%...

Tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2024, Quảng Ninh lần đầu tiên đứng thứ 8 trong top 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ học sinh giỏi cao nhất cả nước. Đặc biệt, năm học 2023 - 2024, tỉnh có thứ hạng cao nhất từ khi có xếp hạng điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT của các địa phương trong cả nước, với điểm trung bình thi tốt nghiệp là 6,67 điểm, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành trên cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2023 và tăng 25 bậc so với năm 2020 - năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Cô và trò Trường mầm non Tiên Lãng (Tiên Yên).

Cô và trò Trường mầm non Tiên Lãng (Tiên Yên).

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của Quảng Ninh cũng có tỷ lệ đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên tương đối cao so với trung bình chung của cả nước ở tất cả các cấp học, bậc học. Đối với cán bộ quản lý, 100% đạt trình độ từ chuẩn trở lên; đối với giáo viên, cấp mầm non cao hơn cả nước 2%; cấp tiểu học cao hơn cả nước 5,1%; cấp THCS cao hơn cả nước 0,7%; cấp THPT cao hơn 0,1%. Đây là những nhân tố căn bản, quyết định thành công của quá trình đổi mới giáo dục.

Có thể khẳng định, những kết quả trên là thành tích đầy ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của ngành Giáo dục, thầy và trò của Quảng Ninh trong năm vừa qua. Nhìn xa hơn có thể thấy những thành tích đáng tự hào này là kết quả của cả một hành trình dài bền bỉ của cấp ủy, chính quyền tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ chăm lo cho sự nghiệp trồng người.

Từ nền tảng những kết quả đạt được, Chỉ thị số 38-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 tiếp tục đặt mục tiêu: Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục phổ thông. Phấn đấu Quảng Ninh là một trong những tỉnh, thành phố đi đầu trong phát triển giáo dục thông minh, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, dạy học và đánh giá chất lượng. Chậm nhất đến năm 2030, nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo, một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng. Tham gia mạng lưới thành phố, tỉnh học tập toàn cầu của UNESCO.

Cô và trò trường THPT Chuyên Hạ Long phấn khởi bước vào năm học mới.

Cô và trò trường THPT Chuyên Hạ Long phấn khởi bước vào năm học mới.

Để thực hiện mục tiêu đặt ra, phát huy những kết quả đã đạt được, trong những năm học tới, ngành Giáo dục Quảng Ninh quyết tâm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa phương pháp giảng dạy và công tác quản lý để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Trong đó sẽ đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào quá trình dạy và học, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới, thông minh và hiệu quả hơn. Cùng với đó, sẽ bổ sung đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu dạy và học, phấn đấu đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 100% nhà giáo và nhà quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, được đào tạo kỹ năng và phương pháp giảng dạy phù hợp triển khai đào tạo trên môi trường số. Các chương trình đào tạo cũng được tích hợp năng lực số, nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số; hình thành nền tảng số giáo dục nghề nghiệp và kho học liệu, tài nguyên số phục vụ cho hoạt động dạy và học; có hạ tầng số, nền tảng số phù hợp để kết nối và khai thác với nền tảng số quốc gia.

Một giờ học về ATGT tại Trường Mầm non Hạ Long (TP Hạ Long).

Một giờ học về ATGT tại Trường Mầm non Hạ Long (TP Hạ Long).

Tỉnh cũng tiếp tục xây dựng, ban hành các chính sách về giáo dục, đào tạo phù hợp với điều kiện của tỉnh; có cơ chế, chính sách thu hút giảng viên đại học, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phân tích thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương có cùng đặc điểm văn hóa, lịch sử, con người, kinh tế - xã hội để đề xuất các nhóm giải pháp đột phá nhằm phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Trường Tiểu học Hạ Long 1 (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) được đầu tư theo mô hình trường chất lượng cao, là điểm nhấn trong phát triển đô thị tại địa phương.

Trường Tiểu học Hạ Long 1 (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) được đầu tư theo mô hình trường chất lượng cao, là điểm nhấn trong phát triển đô thị tại địa phương.

Các đồng chí lãnh đạo TP Hạ Long khen thưởng học sinh đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia, cấp tỉnh năm 2023- 2024.

Các đồng chí lãnh đạo TP Hạ Long khen thưởng học sinh đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia, cấp tỉnh năm 2023- 2024.

Cô và trò Trường THCS&THPT Hoành Mô bước vào năm học mới 2024 - 2025.

Cô và trò Trường THCS&THPT Hoành Mô bước vào năm học mới 2024 - 2025.

Hoạt động tăng cường tiếng Việt của cô và trò Trường Mầm non Đạp Thanh (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ).

Hoạt động tăng cường tiếng Việt của cô và trò Trường Mầm non Đạp Thanh (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ).

Đồng thời với đó, tiếp tục có cơ chế khuyến khích phát triển mạnh giáo dục ngoài công lập, bảo đảm sự hài hòa lợi ích của Nhà nước, phụ huynh, học sinh và nhà đầu tư; có chính sách đãi ngộ, thu hút giáo viên giỏi trong cả nước về dạy học tại địa phương; đào tạo nâng cao để chuẩn hóa ở mức độ cao đội ngũ giáo viên hiện có, thực hiện mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Quảng Ninh ở tốp khá trong cả nước về chất lượng giáo dục và là một trong những tỉnh đi đầu trong mô hình giáo dục thông minh, có số cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm từ 20% - 25%, thực hiện lộ trình tự chủ và giảm số người hưởng lương từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập.

Kiểm tra bài cũ bằng ứng dụng Plickers của cô và trò Trường Tiểu học Hạ Long (TP Hạ Long).

Kiểm tra bài cũ bằng ứng dụng Plickers của cô và trò Trường Tiểu học Hạ Long (TP Hạ Long).

Đặc biệt, với riêng Trường Đại học Hạ Long sẽ bắt kịp xu hướng đào tạo của các trường đại học lớn trong nước và quốc tế, phát triển trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát huy được lợi thế của trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Bởi tỉnh Quảng Ninh có tiềm năng đặc biệt trong phát triển du lịch, nên cần chú trọng hơn nữa bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho hướng dẫn viên du lịch, nhất là về ngoại ngữ. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo tài năng nghệ thuật. Theo định hướng phát triển đến hết năm 2025, quy mô đào tạo chính quy của Đại học Hạ Long sẽ đạt từ 8.000 -10.000 sinh viên, trong đó sinh viên đại học chiếm trên 80%; đến năm 2030, Đại học Hạ Long sẽ là một trong những cơ sở hàng đầu cả nước trong đào tạo nhân lực các ngành du lịch, nghệ thuật, ngôn ngữ; phát huy vai trò động lực của khu đô thị đại học, là nơi thu hút các tổ chức giáo dục, đào tạo, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, quy mô đào tạo từ 15.000 - 20.000 sinh viên…

Có thể khẳng định, giáo dục Quảng Ninh đã và đang có những bước tiến, phát triển đáng tự hào. Đằng sau những vinh quang của học trò chính là sự tiếp sức của tỉnh, sự hỗ trợ của ngành Giáo dục và các địa phương. Chắc chắn, trong tương lai, Quảng Ninh sẽ còn gặt hái nhiều trái ngọt hơn nữa, hoàn thành sứ mệnh trồng người vẻ vang, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Thực hiện: Minh Thu
Trình bày: Tất Đạt