Trong chặng đường 60 năm hình thành và phát triển tỉnh Quảng Ninh luôn có sự đồng hành của ngành y tế với những bước tiến đáng kể. Với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư hiện đại và đồng bộ, tay nghề đội ngũ thầy thuốc ngày càng nâng cao…, ngành y tế Quảng Ninh đã và đang góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ngày 30/10/1963, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa II, kỳ họp thứ 7 phê chuẩn việc hợp nhất 2 tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính lấy tên là tỉnh Quảng Ninh. Ngay sau khi thành lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là thời điểm đất nước vừa có chiến tranh, vừa có hòa bình, ngành y tế Quảng Ninh với sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế đã chuyển hướng tổ chức và hoạt động y tế sang thời chiến; nhanh chóng xây dựng tổ chức y tế huyện, xã đủ sức cấp cứu tại chỗ. Quảng Ninh là một trong những địa bàn trọng điểm. Liên tục từ năm 1965-1968 và năm 1972, đế quốc Mỹ đã dùng nhiều loại máy bay đánh phá ác liệt vào các huyện, thị xã. Lúc này, ngành y tế đã có phương án cho các đơn vị y tế trong vùng trọng điểm đánh phá như Hòn Gai, Bãi Cháy, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Yên Hưng triệt để sơ tán, vừa đảm bảo an toàn về người và của, vừa đảm bảo yêu cầu phục vụ chiến đấu, công tác tác khám, chữa bệnh. Từng nơi sơ tán phải có đủ hầm hào tránh bom, dựa vào các hang, hầm làm cơ sở điều trị cấp cứu.

Thầy thuốc và các nhân viên y tế ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn lao động làm lán trại nơi sơ tán phục vụ bệnh nhân.

Thầy thuốc và các nhân viên y tế ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn lao động làm lán trại nơi sơ tán phục vụ bệnh nhân.

Thập niên 60, trong hoàn cảnh chiến tranh, phải sơ tán, nhiều khó khăn nhưng ngành y tế Quảng Ninh vẫn đảm bảo duy trì các mặt hoạt động khám chữa bệnh, phục vụ sản xuất, chiến đấu, đẩy mạnh công tác vệ sinh phòng bệnh, đào tạo cán bộ, phát triển mạng lưới y tế. Y tế cơ sở thôn, đội sản xuất đều có cán bộ y tế; mỗi hợp tác xã nông nghiệp có ít nhất 2 y tá, nữ hộ sinh; 70% hợp tác xã có cán bộ y tế; trạm y tế-hộ sinh dân lập phát triển mạnh. Y tế huyện từ năm 1963-1965 đều nâng từ bệnh xá lên bệnh viện huyện, với 50-70 giường bệnh tại Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Hà Cối, Đông Triều, Hoành Bồ; thành lập bệnh viện huyện mới tại Uông Bí, bệnh viện thị xã Hòn Gai; đảm bảo 100% huyện, thị xã trong tỉnh có bệnh viện. Ở tuyến tỉnh, năm 1967 thành lập bệnh viện lao, phong, Đông y; thành lập các trạm chuyên khoa mắt, sốt rét, vệ sinh phòng dịch, phòng khám y tế cơ quan; bệnh viện tỉnh lúc này phân tán nhiều địa điểm để hỗ trợ điều trị cho cán bộ, nhân dân và tham gia đào tạo y sĩ… Với y tế ngành than, trong thời điểm này, các mỏ, xí nghiệp, nhà máy đều có phòng y tế và bệnh xá trực thuộc đơn vị; tại các khai trường đều có y tá làm việc theo ca.

Kíp mổ nữ "ba đảm đang" thực hiện phẫu thuật dưới hầm.

Kíp mổ nữ "ba đảm đang" thực hiện phẫu thuật dưới hầm.

Từ tháng 4/1968, đế quốc Mỹ buộc phải xuống thang ngừng ném bom miền Bắc, và cuối năm 1968-1970, tất cả các đơn vị y tế sơ tán lần lượt trở về chỗ cũ. Giai đoạn 1968-1971 và 1974-1978, các cơ sở khám chữa bệnh của Quảng Ninh liên tục phát triển, tăng số giường điều trị, điều dưỡng. Yêu cầu khám chữa bệnh tăng đột biến sau chiến tranh, sức khỏe nhân dân, cán bộ, công nhân giảm sút. Tuy cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nghèo nàn, chắp vá, điều kiện chăm sóc ăn ở cho bệnh nhân hạn chế, nhưng các bệnh viện luôn cố gắng đảm bảo tối đa nhu cầu khám bệnh của nhân dân, cán bộ. Nhiều bệnh viện phải tổ chức khám 2 hoặc 3 ca, thay vì chỉ khám vào buổi sáng, tránh không để ứ đọng bệnh nhân.

Các bác sĩ hướng dẫn học sinh cấp 1 thực hiện các phương pháp sơ cứu cơ bản.

Các bác sĩ hướng dẫn học sinh cấp 1 thực hiện các phương pháp sơ cứu cơ bản.

Nhân dân đặc biệt quan tâm công tác y tế, đã đóng góp công, góp của xây dựng bệnh viện cho các địa phương. Tại Đông Triều, 5 xã đã đóng góp cùng với huyện để xây dựng hoàn chỉnh 5 ngôi nhà cấp 4, gồm 20 gian để triển khai bệnh viện 50 giường bệnh. Nhân dân Đầm Hà góp gạch, sỏi, cát, đá, gỗ để xây dựng 4 đơn nguyên, 34 gian để mở rộng bệnh viện. Giữa thập niên 70-80, các huyện trong tỉnh đều có bệnh viện 50, 70, 90 giường bệnh.

Từ năm 1973, sau một năm Mỹ ngừng ném bom, hàng loạt các bệnh viện mới trong tỉnh đưa vào hoạt động, như: Bệnh viện thị xã Hòn Gai 70 giường bệnh, bệnh viện Hà Cối 70 giường. Các năm 1975, 1977, 1978, một số bệnh viện được đầu tư nâng cấp, mở rộng: Bệnh viện Tiên Yên, bệnh viện Móng Cái, bệnh viện Tâm thần, bệnh viện Đông y, K67 (lao-phổi), bệnh viện huyện Cẩm Phả, phòng khám y tế cơ quan tỉnh.

Sau khi thành lập tỉnh, bệnh viện A-khu Hồng Quảng được đổi tên thành Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh. Trong 3 năm (1974-1976), bệnh viện tỉnh Quảng Ninh xây dựng thêm 3.000m2 sàn cấp 4 để triển khai khoa nhi, đông y, tâm thần, da liễu; 20 gian nhà cấp 4 bố trí ở cho cán bộ công nhân viên; đưa vào sử dụng phòng khám đa khoa 2 tầng; tiếp nhận sử dụng nhà 2 tầng của bệnh viện thị xã Hòn Gai để triển khai khoa nội, hồi sức cấp cứu. Trong giai đoạn này, bệnh viện tỉnh triển khai tổ chức khoa phòng tương đối đầy đủ với 12 khoa lâm sàng, 5 khoa cận lâm sàng, 5 phòng chức năng, phòng khám đa khoa và cũng là thời điểm thực hiện chỉ tiêu giường bệnh cao nhất với 450 giường.

Lễ khánh thành Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí. Ảnh tư liệu

Lễ khánh thành Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí. Ảnh tư liệu

Đầu thập niên 80, các phòng khám đa khoa khu vực được phát triển ở các huyện, thị xã. Qua đó đã cung cấp điểm dịch vụ sinh đẻ kế hoạch, đặt vòng tránh thai.

Đặc biệt, tại Uông Bí, với sự giúp đỡ đặc biệt của vương quốc Thụy Điển, ngày 17/3/1981, bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí chính thức được khánh thành, đưa vào hoạt động, có nhiệm vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân khu vực Đông Bắc của Tổ quốc. Thời điểm đó, bệnh viện có quy mô 320 giường bệnh; dưới sự hướng dẫn trực tiếp của chuyên gia Thụy Điển, cán bộ, nhân viên bệnh viện nhanh chóng tiếp quản cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và tiếp nhận kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong khám chữa bệnh.

Ngoài bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, trong thời điểm đó, y tế Quảng Ninh cũng được nhiều nước viện trợ vật tư, thiết bị y tế. Tháng 12/1968, 200 tấn thiết bị y tế do Tiệp Khắc viện trợ Quảng Ninh đã về đến bệnh viện tỉnh Quảng Ninh, 9 bệnh viện huyện mỗi đơn vị được trang bị một bộ dụng cụ trung phẫu, một bộ đại phẫu, một máy X-quang. UNICEF trang bị 15 bộ pha chế huyết thanh, 13 bộ xét nghiệm trang bị cho tuyến huyện. Ngoài ra còn có nhiều y cụ, thuốc, bông băng, hóa chất tiệt trùng đến kim chỉ khâu và các vật tư khác như ô tô cứu thương, máy nổ phát điện, xe đạp, xuồng cao tốc… của nhiều nước viện trợ như Trung Quốc, Pháp, Đức, Liên Xô và Hội chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế…

Chuyên gia y tế Thụy Điển hỗ trợ chuyên môn chăm sóc trẻ sơ sinh đầu tiên tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí. Ảnh tư liệu

Chuyên gia y tế Thụy Điển hỗ trợ chuyên môn chăm sóc trẻ sơ sinh đầu tiên tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí. Ảnh tư liệu

Từ năm 1963 thành lập tỉnh đến những năm đầu thập niên 80, ngành y tế đã khẳng định vị trí quan trọng trong việc bảo vệ, duy trì sức sản xuất, chiến đấu trong mọi tình huống cho nhân dân, công nhân và các lực lượng chiến đấu. Mạng lưới y tế cơ sở tại Quảng Ninh đã được hình thành rộng khắp từ tỉnh đến huyện, xã, thôn bản. Ngành đã phát triển mạnh mẽ nhiều lĩnh vực như phòng bệnh, chữa bệnh, đào tạo cán bộ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sinh đẻ kế hoạch, phát triển y học dân tộc, công tác dược và dược liệu, nghiên cứu khoa học… Nhiều bệnh viện đạt danh hiệu lá cờ đầu về điều trị: Bệnh viện Móng Cái, bệnh viện tỉnh, bệnh viện K67, bệnh viện thị xã Cẩm Phả. Y tế ngành than phát triển nhanh chóng sau tái lập năm 1966, thành lập 3 bệnh viện, 12 bệnh xá xí nghiệp. 96% xã có trạm y tế, trừ một số xã ở miền núi.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn mọi mặt nhưng đội ngũ thầy thuốc Quảng Ninh đã nhiệt tình, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Đặc biệt với nhiệm vụ bảo đảm vệ sinh phòng bệnh, khám chữa bệnh nhân dân, cấp cứu thương binh và phục vụ chiến đấu tốt, ngành đã góp phần tích cực làm nên chiến thắng Đế quốc Mỹ xâm lược, chiến tranh biên giới.

Khoa nhi sơ tán do đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt, các y bác sĩ khám và chăm sóc bệnh nhân.

Khoa nhi sơ tán do đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt, các y bác sĩ khám và chăm sóc bệnh nhân.

Nhân viên Y tế diễn tập tải thương bằng cáng trên mọi địa hình.

Nhân viên Y tế diễn tập tải thương bằng cáng trên mọi địa hình.

Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại, chiến tranh biên giới, khoa Dược đã pha hàng vạn lít huyết thanh các loại phục vụ cấp cứu và chi viện truyền nước.

Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại, chiến tranh biên giới, khoa Dược đã pha hàng vạn lít huyết thanh các loại phục vụ cấp cứu và chi viện truyền nước.

Trung tâm Y tế TX Đông Triều được đầu tư nhiều thiết bị y tế mới, hiện đại, phục vụ hiệu quả công tác khám, chữa bệnh.

Bệnh viện Lão khoa-Phục hồi chức năng Quảng Ninh được xây dựng mới, đưa vào hoạt động năm 2022.

Trung tâm Y tế TX Đông Triều được đầu tư nhiều thiết bị y tế mới, hiện đại, phục vụ hiệu quả công tác khám, chữa bệnh.

Bệnh viện Lão khoa-Phục hồi chức năng Quảng Ninh được xây dựng mới, đưa vào hoạt động năm 2022.

Từ năm 1986, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Thời kỳ này, ngành y tế quan tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân dựa trên nền tảng phòng bệnh, chống dịch chủ động, với việc tích cực vận động cộng đồng tham gia các phong trào 3 sạch, 3 diệt, xây dựng 3 công trình vệ sinh: Nhà tắm, giếng nước, nhà vệ sinh… Ốm đau, sinh sản được y tế chăm sóc tại chỗ. Tổ chức y tế cơ sở được phổ cập hầu hết ở xã, phường, thôn xóm, hợp tác xã thực hiện quan điểm, đường lối y tế nhân dân của Đảng.

Thời gian đầu sau đổi mới, ngành y tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các cơ sở khám chữa bệnh xuống cấp, trang thiết bị thiếu, hư hỏng nhiều, việc chăm lo cho nhân nhân không chu đáo. Đời sống cán bộ, nhân viên y tế khó khăn. Từ năm 1988-1993, ngành y tế đã giảm 9 đầu mối, giải thể 4 đơn vị. Nhiều bệnh viện phải áp dụng rút ngắn ngày điều trị nội trú và không ít bệnh viện nợ treo kéo dài về tiền điện, nước, điện thoại, in các ấn phẩm dùng trong bệnh viện…

Mổ tim hở cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Mổ tim hở cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Thời kỳ 1991-2000, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ IX đã đề ra mục tiêu “Tiếp tục công việc đổi mới một cách sâu sắc, toàn diện, từng bước ổn định, tình hình KT-XH, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, cân đối thu chi ngân sách, ổn định và đảm bảo nhu cầu cần thiết về ăn, ở, mặc, đi lại, chữa bệnh, học tập và sinh hoạt văn hóa của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo điều kiện phát triển cho những năm sau”. Theo đó, các cơ sở y tế của tỉnh đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp hoặc xây dựng mới. Trang thiết bị y tế từng bước được đầu tư, như máy x-quang, siêu âm, điện tim gần như phổ cập ở tất cả các bệnh viện; trang bị phòng phẫu thuật với bàn mổ vạn năng, máy gây mê, hồi sức, dao điện...; máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học… Cán bộ y tế thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nắm vững kỹ thuật, làm chủ phương tiện, xây dựng lề lối làm việc khoa học…

Ngành y tế Quảng Ninh tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, như: Tiêm chủng mở rộng, chống sốt rét, chống bệnh bướu cổ do thiếu hụt I ốt, chống phong, chống lao và bệnh phổi, phòng chống HIV/AIDS… Đồng thời quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, chương trình dinh dưỡng và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy triển khai kỹ thuật phẫu thuật thần kinh sọ não cho người bệnh.

Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy triển khai kỹ thuật phẫu thuật thần kinh sọ não cho người bệnh.

Ngoài ngân sách đầu tư của nhà nước, trong thời điểm này, ngành y tế tiếp tục nhận được sự viện trợ của nhiều tổ chức nước ngoài. Tổ chức SIDA đầu tư thí điểm tại huyện Yên Hưng (1984-1993) và có chuyên gia y tế Thụy Điển tham gia với y tế địa phương huấn luyện, đào tạo lại cán bộ huyện, xã; cung cấp thiết bị y tế; lập kế hoạch làm việc; hỗ trợ hộ gia đình xây bể nước, giếng, làm nhà vệ sinh; hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ; nâng cấp một số khoa bệnh viện… Từ đầu tư thí điểm, SIDA hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân toàn tỉnh từ năm 1986-1993 với kinh phí 15 tỷ đồng, trong đó tập trung trang bị phương tiện y tế, thuốc, đào tạo cán bộ. Từ năm 1994-1999, tổ chức SIDA hỗ trợ 5 huyện vùng khó khăn Bình Liêu, Ba Chẽ, Hoành Bồ, Tiên Yên, Vân Đồn với kinh phí 3,7 tỷ đồng.

Giai đoạn 2002-2006, ngành y tế Quảng Ninh thực hiện dự án y tế nông thôn của ADB với vốn vay và vốn đối tác 4,91 triệu USD. Qua đó đầu tư xây dựng cơ bản, thiết bị y tế, đào tạo cán bộ, truyền thông giáo dục sức khỏe… tại 9 đơn vị y tế của Đông Triều, Yên Hưng, Hoành Bồ, Uông Bí, Tiên Yên, Vân Đồn, Đầm Hà, Móng Cái, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe và 7 phòng khám đa khoa khu vực (Mạo Khê, Trung tâm thị xã Uông Bí, Nam Khê, Hà Nam, Biểu Nghi, Quan Lạn, Trà Cổ).

Chăm sóc sản phụ sau sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Chăm sóc sản phụ sau sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể, những năm qua, ngành y tế Quảng Ninh đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng mọi mặt. Hiện nay, mạng lưới khám chữa bệnh của tỉnh Quảng Ninh được mở rộng, phát triển cả công lập và ngoài công lập. Sở Y tế hiện quản lý 32 đơn vị, trong đó có 2 Chi cục quản lý Nhà nước (Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) và 30 đơn vị sự nghiệp (bệnh viện, các TTYT tuyến huyện); 177 trạm y tế tuyến xã. Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí thuộc UBND tỉnh quản lý. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có trên 600 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân; trong đó có 2 bệnh viện tư nhân chất lượng cao là Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long vận hành theo chuẩn mực quốc tế JCI của Hoa Kỳ và Bệnh viện Mắt quốc tế Việt-Nga, Hạ Long.

Xạ trị ung thư cho người bệnh tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bãi Cháy.

Xạ trị ung thư cho người bệnh tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bãi Cháy.

Hầu hết các đơn vị y tế đều đã được tỉnh đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa nâng cấp về quy mô giường bệnh và đầu tư thêm nhiều trang thiết bị theo hướng hiện đại. Nhờ đó, người bệnh được sử dụng các buồng bệnh khang trang, sạch sẽ, không còn tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép giường tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh. Riêng trong 3 năm qua (2021-2023) mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng tỉnh đã bố trí 1.103 tỷ đồng, chiếm 3,8% tổng vốn đầu tư công để chi đầu tư cho lĩnh vực y tế, dân số và gia đình. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh với quy mô 1.500 giường bệnh; đồng thời xây mới, nâng cấp sửa chữa 36 trạm y tế tuyến xã trên địa bàn tỉnh. Đồng bộ với các cơ sở hạ tầng, trong thời gian vừa qua các đơn vị y tế tuyến huyện và tuyến tỉnh đã được đầu tư mua sắm các trang thiết bị y tế cơ bản phục vụ công tác khám chữa bệnh và nhiều trang thiết bị hiện đại. Ngành y tế cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực, với trên 9.000 cán bộ, y bác sĩ.

Lãnh đạo Sở Y tế và Bệnh viện Lão khoa-Phục hồi chức năng thăm hỏi người bệnh đang điều trị tại bệnh viện.

Lãnh đạo Sở Y tế và Bệnh viện Lão khoa-Phục hồi chức năng thăm hỏi người bệnh đang điều trị tại bệnh viện.

Với phương châm: “Trung ương làm được kỹ thuật nào thì Quảng Ninh cũng cơ bản làm được kỹ thuật đó”, hiện nay, các y, bác sĩ của Quảng Ninh đã triển khai thành công hàng nghìn kỹ thuật chuyên sâu của tuyến Trung ương. Nhiều ca bệnh khó, hiểm nghèo trước kia phải chuyển tuyến thì nay đã có thể điều trị hiệu quả ngay tại địa phương. Tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến giảm qua từng năm; riêng năm 2022 tuyến huyện chuyển tuyến tỉnh là 3,17%; tuyến tỉnh chuyển Trung ương chỉ còn 0,85%. Kết quả này đã khẳng định được năng lực của y tế Quảng Ninh, củng cố lòng tin của nhân dân đối với đội ngũ y bác sĩ.

Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, đến nay các chỉ tiêu về y tế của Quảng Ninh đã đạt 55 giường bệnh/1 vạn dân; 14,9 bác sĩ/1 vạn dân; 2,7 dược sĩ đại học/1 vạn dân; 24 điều dưỡng/1 vạn dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 94,25%. Các chỉ tiêu về y tế hiện đã tiệm cận rất gần tới các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đặt ra đến năm 2025.

Tòa nhà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được xây dựng mới sắp đưa vào sử dụng trong tháng 10/2023.

Tòa nhà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được xây dựng mới sắp đưa vào sử dụng trong tháng 10/2023.

Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của nhân dân, y tế Quảng Ninh ngày càng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Qua đó đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho hơn 1,3 triệu người dân trong tỉnh, cũng như du khách trong và ngoài nước đến với Quảng Ninh. Tin tưởng rằng với tấm lòng “Lương y như từ mẫu”, đội ngũ thầy thuốc Quảng Ninh tiếp tục lao động cần mẫn, sáng tạo, xây đắp niềm tin trong nhân dân về một một nền y tế tiên tiến, hiện đại và đầy tính nhân văn ưu việt.

Ngày đăng: 24/8/2023
Thực hiện: NGUYỄN HOA
Trình bày: ĐỖ QUANG