
Hưởng lợi từ môi trường sống xanh, sạch, an toàn, người dân Quảng Ninh ngày càng nêu cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường. Những cánh rừng được trồng thêm xanh, những bãi biển không rác thải nhựa, những tuyến đường sạch sẽ được tô điểm sắc hoa… Đó chính là thành quả từ những hành động, việc làm thiết thực, thường xuyên mà người dân khắp các vùng miền tại Quảng Ninh đã và đang thực hiện mỗi ngày.

Trong cảnh sắc thiên nhiên núi rừng tươi đẹp, rợp sắc trắng của hoa sở, người dân và du khách vừa được trải nghiệm ngắm hoa vừa tham gia nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn trong Hội Hoa sở Bình Liêu năm 2022. “Lần đầu đến Bình Liêu vào Hội Hoa sở, tôi rất thích thú khi được ngắm những bông hoa sở rất đẹp. Đặc biệt còn được hòa vào không khí vui tươi trong các trò chơi dân gian đẩy gậy, kéo co, xem thi bóc hạt sở, làm bánh coóc mò, thi ẩm thực… Điều ấn tượng với tôi hơn cả là không khí trong lành và môi trường ở Bình Liêu đã được người dân giữ gìn rất sạch đẹp” - chị Trịnh Thị Thanh, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.
Theo chị Lô Thị Dung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, cho biết, để khách du lịch được sống gần gũi với thiên nhiên, tận hưởng vẻ đẹp núi non hùng vĩ và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng hoa sở… mỗi người dân ở Đồng Tâm nói riêng và Bình Liêu nói chung đã cùng chung tay trồng sở. Ngoài cây sở thì người dân cũng được khuyến khích trồng rừng gỗ lớn theo chủ trương của huyện, của tỉnh để vừa phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Ngoài ra, người dân cũng dần chú trọng các hoạt động bảo vệ môi trường, tích cực tham gia “Ngày chủ nhật xanh”, chăm sóc những đoạn đường hoa, thu gom và phân loại rác thải tại nhà, ủng hộ ngày công, hiến đất mở rộng đường giao thông...

Du khách chụp ảnh lưu niệm trong Hội hoa sở Bình Liêu năm 2022.
Du khách chụp ảnh lưu niệm trong Hội hoa sở Bình Liêu năm 2022.
Đến Bình Liêu, du khách còn có thể trải nghiệm “thiên đường cỏ lau”, “sống lưng khủng long”, hệ thống đường biên, cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc, tham quan các điểm du lịch trên địa bàn huyện như: Vườn hoa Cao Sơn, thác Khe Vằn, núi Cao Ba Lanh, Cao Ly, Cao Xiêm… Những cảnh sắc tuyệt đẹp được thiên nhiên ban tặng ở Bình Liêu đang được người dân chung tay giữ gìn. Các hội đoàn thể, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh, Nông dân... trên địa bàn huyện tiên phong trong nhiều hoạt động, chung tay cùng chính quyền địa phương triển khai công tác bảo vệ môi trường.
Bình Liêu còn giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện được tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Huyện đã rà soát, vận động 1.181/1.226 hộ đăng ký và nhận hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Đến nay có 716 hộ hoàn thành xây nhà tiêu hợp vệ sinh, số hộ còn lại đang xây dựng.
Ông Vi Thế Thắng, Phó Chủ tịch xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, cho biết: Trước kia do điều kiện kinh tế khó khăn, người dân không có nguồn lực để xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, nhất là đối với những hộ nghèo và cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian qua, các cấp, các ngành đã tích cực vận động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con về vấn đề cần thiết phải có công trình vệ sinh. Đến nay với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự vào cuộc tích cực của người dân, 98% hộ dân trên địa bàn xã đã xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, qua đó góp phần cải thiện môi trường và nâng cao sức khỏe của người dân.

Cán bộ xã Đồng Tâm (huyện Bình Liêu) tuyên truyền, hướng dẫn người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Cán bộ xã Đồng Tâm (huyện Bình Liêu) tuyên truyền, hướng dẫn người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững, từ tháng 9/2022, huyện Cô Tô áp dụng thí điểm khuyến khích “Du khách không mang chai nhựa, túi nilon, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi đi khu lịch trên đảo”. Huyện yêu cầu các hãng vận chuyển và công ty lữ hành hướng dẫn cho du khách không mang chai nhựa, túi nilon ngay từ khi bán vé và khi đến cầu cảng Vân Đồn để ra đảo Cô Tô. Bên cạnh đó, các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh du lịch và người dân địa phương cũng được tuyên truyền hạn chế túi nilon, đồ nhựa dùng một lần trong sinh hoạt, phục vụ du khách.
Mỗi năm, huyện đảo Cô Tô đón từ 6.000 - 8.000 khách du lịch. Vào những ngày cao điểm mùa du lịch, công ty môi trường phải thu gom lượng rác thải rất lớn, từ 15-17 tấn/ngày. Ngoài lượng rác thải sinh hoạt, rác thải đại dương thì lượng rác trong ngành du lịch đã và đang là gánh nặng cho môi trường huyện đảo. Vì quỹ đất để chôn lấp rác thải rất ít, chi phí vận chuyển rác thải nhựa khi đã được phân loại về đất liền cũng khá lớn.
Do đó chủ trương khuyến khích du khách không mang chai nhựa, túi nilon lên đảo và người dân hạn chế dùng đồ nhựa sẽ được huyện thực hiện linh hoạt và nhân văn. Hoàn toàn không có chuyện áp đặt, quy định một cách cứng nhắc hay ép buộc mà Cô Tô luôn chào đón và khuyến khích, kêu gọi du khách, người dân cùng chung tay bảo vệ môi trường bền vững.

Du khách được tặng túi giấy sử dụng thay thế túi nilon khi đến Cô Tô.
Du khách được tặng túi giấy sử dụng thay thế túi nilon khi đến Cô Tô.
Vì cuộc sống của chính chúng ta và con cháu sau này, trào lưu “sống xanh - sống bền vững” đang được người dân Quảng Ninh hưởng ứng mạnh mẽ. Bởi không có những phát minh, công trình nghiên cứu, hay máy móc hiện đại nào có thể bảo vệ môi trường tốt nhất là chính ý thức của mỗi người dân. Mỗi hành động nhỏ của chúng ta đang góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường.

Thi tách vỏ quả sở tại Hội hoa sở Bình Liêu năm 2022.
Thi tách vỏ quả sở tại Hội hoa sở Bình Liêu năm 2022.

Chinh phục Sống lưng khủng long mang lại cho du khách nhiều cảm xúc thú vị.
Chinh phục Sống lưng khủng long mang lại cho du khách nhiều cảm xúc thú vị.

Hội viên Hội CCB huyện Cô Tô tham gia cấp đổi túi thân thiện cho nhân dân và du khách khi đến Cô Tô.
Hội viên Hội CCB huyện Cô Tô tham gia cấp đổi túi thân thiện cho nhân dân và du khách khi đến Cô Tô.

Cán bộ huyện Cô Tô tuyên truyền và cung cấp túi giấy thay thế túi nilông cho du khách.
Cán bộ huyện Cô Tô tuyên truyền và cung cấp túi giấy thay thế túi nilông cho du khách.


Người dân khu phố 8, phường Hồng Hà (TP Hạ Long) quét dọn đường phố nơi mình sinh sống để hưởng ứng "Ngày chủ nhật xanh".
Người dân khu phố 8, phường Hồng Hà (TP Hạ Long) quét dọn đường phố nơi mình sinh sống để hưởng ứng "Ngày chủ nhật xanh".
Giờ đây tuyến đường Tuyển than ở phường Hồng Hà (TP Hạ Long) đã trở nên sạch đẹp, ít bụi hơn khi TKV đã chính thức chấm dứt hoạt động của Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng (TP Hạ Long) từ năm 2019. Người dân nơi đây đã và đang góp sức với những việc làm thiết thực để bảo vệ môi trường. Đã thành thông lệ, cứ sáng chủ nhật hàng tuần, các hội viên phụ nữ và người dân khu phố 8, phường Hồng Hà (TP Hạ Long) đều thực hiện quét dọn đường phố nơi mình sinh sống để hưởng ứng "Ngày chủ nhật xanh".
Bà Dương Thị Cảnh (tổ 7, khu 8, phường Hồng Hà) chia sẻ: Gia đình tôi chuyển về đây sinh sống từ năm 2010, lúc đó bụi than khắp nơi. Nhưng từ khi nhà máy chuyển đi, người dân chúng tôi được hưởng bầu không khí trong lành, sạch đẹp hơn. Cùng với đó khi tham gia sinh hoạt trong hội phụ nữ, được tuyên truyền, hướng dẫn, bản thân tôi và các chị em có thêm hiểu biết để nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường; tham gia nhiệt tình các hoạt động vệ sinh môi trường nơi công cộng.

Tuyến đường gần Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng (TP Hạ Long) giờ đây luôn sạch đẹp.
Tuyến đường gần Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng (TP Hạ Long) giờ đây luôn sạch đẹp.
Bà Cao Lan Thu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu 8, phường Hồng Hà, cho biết: Giờ đây đã có con đường sạch đẹp hơn, mỗi người dân đều có ý thức chung tay giữ gìn. 100% cán bộ, hội viên phụ nữ gương mẫu đi đầu và làm nòng cốt duy trì phong trào “Toàn dân làm vệ sinh môi trường vì một Hạ Long xanh”; chấp hành các quy định về trật tự văn minh đô thị, thực hiện đổ rác đúng nơi quy định. Thường xuyên tổng vệ sinh môi trường nơi mình sinh sống và làm việc, thực hiện sạch nhà, sạch ngõ, phố. Mỗi gia đình hội viên trồng hoa, cây xanh trong hoặc trước nhà; tham gia bảo vệ cây xanh tại các khu dân cư; hạn chế sử dụng túi nilon khi đựng thực phẩm, mang làn đi chợ, phân loại rác thải…

Người dân khu phố 8 tận dụng những khoảng đất trống để trồng rau xanh.
Người dân khu phố 8 tận dụng những khoảng đất trống để trồng rau xanh.
Có thể thấy việc chấm dứt hoạt động của Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng đã góp phần rất lớn bảo vệ môi trường sống của người dân ở phường Hồng Hà nói riêng và TP Hạ Long nói chung. Quảng Ninh cũng tăng cường chỉ đạo các đơn vị khai thác than có hoạt động trên địa bàn đảm bảo kinh phí cho bảo vệ môi trường. Tính riêng đối với TKV, tổng chi phí cho công tác bảo vệ môi trường hằng năm là hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó 50% dành cho đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, 50% dành cho các công việc bảo vệ môi trường thường xuyên.
Từ năm 2017 đến hết năm 2020, các đơn vị khai thác than đã triển khai Đề án đảm bảo môi trường ngành Than với tổng kinh phí thực hiện gần 5.000 tỷ đồng. Ngoài ra, TKV còn thực hiện bổ sung 12 hạng mục, công trình ngoài Đề án với tổng kinh phí trên 127 tỷ đồng.
Tỉnh cũng hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy nhanh tiến độ di chuyển hàng trăm cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị vào cụm công nghiệp ở các địa phương; kiên quyết từ chối đầu tư những dự án có công nghệ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ đối với những nhà máy hiện có để giảm phát thải, cải thiện môi trường; thực hiện đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường các bãi chôn lấp rác thải; tiến hành xử lý xong 12 điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật…
Quảng Ninh hiện có 22 khu vực mỏ đá vôi được phép khai thác, thì đối với 16 khu vực do UBND tỉnh cấp phép, chủ trương của tỉnh là lộ trình đến năm 2025 sẽ có 12 mỏ kết thúc khai thác, 4 mỏ được vận động thực hiện đóng cửa vào năm 2025. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh không gia hạn thời gian khai thác đối với bất kỳ mỏ đá nào đã hết hạn; đã gửi đề nghị tới các bộ, ngành liên quan về việc cho dừng hoạt động các nhà máy xi măng tại Hạ Long và Cẩm Phả trước năm 2030..., nhằm bảo vệ môi trường cho khu vực di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Một góc đô thị Hạ Long hôm nay.
Một góc đô thị Hạ Long hôm nay.
Để nhân rộng những cánh rừng gỗ lớn, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển lâm nghiệp, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. HĐND tỉnh đã ban Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó có quy định về hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa.
Đặc biệt thực hiện đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh" của Thủ tướng Chính phủ, đến hết tháng 11/2022, Quảng Ninh đã trồng được gần 4,2 triệu cây, gồm trồng rừng tập trung, trồng mới, trồng phục hồi rừng ngập mặn ven biển theo dự án FMCR, trồng mới rừng sản xuất, trồng cây phân tán… Diện tích rừng các loại của tỉnh đã tăng khá nhanh, đến nay đạt gần 390.000ha, bao gồm cả diện tích rừng mới trồng chưa thành rừng.
Việc gia tăng diện tích rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên sẽ giúp bảo vệ những cánh rừng một cách tuyệt đối và giữ được độ che phủ rừng, bảo tồn những cánh rừng gỗ lớn, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời làm thay đổi cơ cấu cây trồng trong ngành lâm nghiệp của tỉnh theo hướng tích cực, đó là tăng diện tích cây bản địa, cây gỗ lớn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng.
Cũng như nhiều người dân ở Ba Chẽ, ông Triệu Cắm Thành, thôn Làng Cổng, xã Đồn Đạc, đã mạnh dạn chuyển 3ha trồng cây keo sang trồng cây gỗ lớn. Ông Thành cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng keo lấy gỗ, nhưng vào mùa mưa bão, cây keo hay bị đổ gãy mà giá trị kinh tế lại thấp. Sau khi được cán bộ xã giải thích về lợi ích, giá trị kinh tế của cây gỗ lớn và chính sách hỗ trợ của tỉnh, gia đình tôi cùng với nhiều hộ dân trong thôn đã quyết định thu hẹp diện tích rừng keo chuyển sang trồng rừng gỗ lớn.

Cán bộ, công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên tham gia trồng rừng.
Cán bộ, công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên tham gia trồng rừng.
Môi trường, khí hậu bị ảnh hưởng thì sẽ tác động trực tiếp đến đời sống con người. Thấu hiểu những tác hại của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm xử lý, răn đe những tổ chức, cá nhân có hành vi làm tổn hại đến môi trường, đồng thời ứng dụng các công nghệ xử lý rác thải, phát minh khoa học ra đời nhằm giảm thiểu những tác động đến môi trường. Tại Quảng Ninh, những năm qua, tỉnh đã kiên định và đặt ra lộ trình khá bài bản nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, mạnh tay trong thực hiện các giải pháp bảo vệ mội trường.
Đặc biệt để tiếp tục khẳng định quyết tâm trong công tác bảo vệ môi trường, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030. Mục tiêu, giải pháp trong Nghị quyết cũng nêu bật quyết tâm không thu hút đầu tư bằng mọi giá; không đánh đổi công bằng, tiến bộ xã hội và môi trường để “chạy theo” tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Hạn chế tối đa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn.

Thu gom rác thải trên Vịnh Hạ Long.
Thu gom rác thải trên Vịnh Hạ Long.
Cùng thực hiện các mục tiêu, giải pháp mà Nghị quyết số 10-NQ/TU của tỉnh đề ra, thay đổi lối nghĩ, lối sống, lan tỏa trào lưu “sống xanh” chính là cách để chúng ta cùng nhau bảo vệ hành tinh xanh, nâng cao hơn nữa chất lượng sống, đảm bảo sức khỏe cho bản thân, cho gia đình mình.


Ngày xuất bản: 22/12/2022
Thực hiện: Nguyễn Hoa
Trình bày: Vũ Đức