4
18
/
1051087
Người khởi tạo những mùa vàng
longform
Người khởi tạo những mùa vàng

Hơn 30 năm gắn bó với công việc nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới, đến nay “gia tài” của chị Trần Thị Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh, là hàng trăm giống lúa mới, trong đó có 15 giống lúa thuần mới được Bộ NN&PTNT cấp văn bằng bảo hộ giống cây trồng mà chị là tác giả chính.

Vài năm trở lại đây, nhiều nông dân các vùng Bắc Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vui mừng bởi được mùa nhờ cấy giống lúa mới ĐT100. Kết quả khảo nghiệm và sản xuất thử trong 8 năm (từ 2011-2019) cho thấy, ĐT100 có nhiều đặc tính nông học tốt; khả năng chống chịu các loại sâu bệnh hại chính tốt hơn cả Khang dân 18 và Hương thơm số 1; năng suất trung bình đạt 65,5-72,4 tạ/ha. Đặc biệt, ĐT100 cho hạt gạo dài, độ trắng trong cao; cơm ĐT100 trắng, mềm, dẻo, vị đậm, bóng, được xếp vào loại cơm ngon, phù hợp với thị trường nội địa. Từ những kết quả này, ĐT100 đã được Bộ NN&PTNT công nhận Giống lúa quốc gia vào năm 2019.

Để có được thành công của ĐT100, chị Trần Thị Hồng và các đồng nghiệp đã bắt tay vào nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm từ năm 2007. Đó là những ngày tỉ mỉ ngồi đo đạc, ghi lại số liệu của từng hạt lúa; là lội ruộng tự tay gieo cấy những cây mạ đầu tiên, rồi chăm sóc, thu hoạch trên cánh đồng khảo nghiệm; là những nỗ lực tập huấn, chuyển giao kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc lúa cho bà con nông dân khắp các địa phương. Từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho đến những cánh đồng lúa ĐT100 trĩu hạt như bây giờ, chị Hồng và tập thể cán bộ, nhân viên Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh mất không dưới 10 năm bền bỉ, tâm huyết, gắn bó với đồng ruộng.

“Rất nhiều năm trước, Khang dân 18 và Q5 là hai giống lúa của Công ty được trồng nhiều nhất, mang lại bứt phá về năng suất của lúa ở miền Bắc, giải quyết được vấn đề thiếu lương thực, đem lại no đủ cho người nông dân. Giờ đây, người dân đã không còn đói, vượt được nghèo, họ hướng tới trồng những loại lúa vừa có năng suất, vừa có chất lượng, mà bát cơm lại ngon, hạt gạo dẻo mềm, vị đậm. Do vậy, từ hơn 10 năm trước, chúng tôi đã nghĩ tới việc phải nghiên cứu giống lúa mới chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu được ăn ngon của người dân. Đón đầu những nhu cầu của nông dân, ĐT100 ra đời đã đáp ứng được 3 tiêu chí: Chất lượng gạo ngon; cơm mềm, dẻo, đậm; có thể xuất khẩu…” - chị Trần Thị Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh, tác giả của ĐT100 chia sẻ.

Say mê nghiên cứu khoa học, trăn trở, đau đáu muốn tìm ra những giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, nhằm mang lại lợi ích cho nông dân là mục tiêu chị Hồng dành cả đời theo đuổi. Hơn 30 năm nghiên cứu, chị cùng các đồng nghiệp của mình lai tạo, khảo nghiệm hơn 800 giống lúa. Chị là tác giả chính tuyển chọn ra 4 giống lúa thuần mới được Bộ NN&PTNT công nhận Giống lúa quốc gia, đó là: ĐT34, Nếp ĐT52, ĐT37, ĐT100. Các giống lúa này được nông dân Quảng Ninh gieo cấy 65-70% diện tích, năng suất vượt các giống cũ từ 12-15%; giá trị chất lượng cao, người nông dân bán tăng được từ 1.000-2.000 đồng/kg lúa, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo.

Một điều đặc biệt là tên của những giống lúa thuần mới do chị nghiên cứu, được Bộ NN&PTNT cấp văn bằng bảo hộ đều được đặt bằng hai chữ “ĐT” viết tắt của chữ “Đông Triều”, như: ĐT166, ĐT100, ĐT20, ĐT34, Nếp ĐT52… Lý giải điều này, chị Hồng chia sẻ: Rất nhiều năm gắn bó với quê hương Đông Triều, vì vậy tôi muốn những giống lúa của mình cũng mang tên Đông Triều - vùng quê trù phú, là nơi khởi tạo, nuôi dưỡng, tạo nên những hạt lúa chất lượng.

Theo quan điểm của chị Hồng, việc trồng lúa giờ đây không còn dựa trên quan niệm “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Bởi khoa học công nghệ tiến bộ, nước đã có thể dẫn về đến tận cánh đồng; các loại phân bón được nghiên cứu đáp ứng đủ cho cây trồng; sự cần cù chăm chỉ của người nông dân cũng được hỗ trợ bởi máy móc hiện đại. Do đó, giống là quan trọng nhất. Dưới sự chi phối của nhiều yếu tố như thời tiết, chất lượng đất, môi trường, sâu bệnh… nếu giống cây không tốt sẽ không thể cho năng suất, chất lượng vượt trội. Vì vậy, việc nghiên cứu, lai tạo, giữ gìn, bảo tồn, phục tráng… những giống lúa tốt, những giống lúa bản địa nhiều ưu điểm, phù hợp với đồng đất địa phương phải là ưu tiên số 1, cần được chú trọng, đầu tư và quan tâm.

Những năm qua, bên cạnh nghiên cứu tìm ra những giống lúa vượt trội, Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh còn quan tâm đến duy trì, lưu giữ thành công các giống lúa bản địa, truyền thống của Quảng Ninh như Nếp cái hoa vàng Đông Triều và Bao thai lùn. Từ đó, không chỉ góp phần lưu giữ những giống lúa quý, bảo tồn nguồn gen lúa địa phương, mà còn giúp cho người nông dân nâng cao thu nhập, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Chẳng hạn như Nếp cái hoa vàng Đông Triều đã xây dựng được hệ thống nhận diện sản phẩm, đăng ký và được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể “Nếp cái hoa vàng Đông Triều” tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN). Cùng với đó, nếp cái hoa vàng cũng là một trong những sản phẩm thuộc chương trình OCOP của tỉnh. Nhờ công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, đến nay sản phẩm Nếp cái hoa vàng Đông Triều đã được nhiều người biết đến, ưa chuộng và tin dùng. Còn giống lúa Bao thai luôn là giống lúa chủ lực lâu đời ở vùng miền Đông của tỉnh, đã được một số địa phương xây dựng là sản phẩm OCOP, trở thành nguyên liệu chính để làm ra các sản phẩm như: Bánh tày, bánh tro, bánh bạc đầu, bánh gật gù...

Không chỉ say mê nghiên cứu, tìm tòi các giống lúa mới, chị Hồng còn là người phụ nữ giàu ý tưởng sáng tạo. Những ý tưởng của chị đều liên quan đến cây lúa, mang lại lợi ích cho ngành Nông nghiệp và người nông dân. Chẳng hạn như đưa những sản phẩm sau chế biến của lúa gạo ra thị trường, như gạo lứt Hồng Hương, cốm Hồng Hương, gạo cho người ăn kiêng… Thêm nữa, chị có mong muốn những giống lúa chất lượng cao do Công ty sản xuất sẽ trở thành giống lúa được trồng tập trung trên những cánh đồng mẫu lớn của tỉnh. Từ đó, lúa không chỉ nhằm đảm bảo an ninh lương thực, làm giàu cho người nông dân, mà còn trở thành những loại gạo đặc sản, trở thành sản phẩm phục vụ du lịch mang thương hiệu Quảng Ninh.

Thực hiện những ý tưởng này, chị Hồng tích cực đến với người nông dân, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật, giúp họ bỏ đi những tập quán canh tác lạc hậu, tiến tới dồn ruộng, liên kết sản xuất, cấy một loại lúa, từ đó thu hoạch tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công ty chị không chỉ cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật mà còn hỗ trợ bao tiêu sản phẩm thóc, giá thu mua tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg, thanh toán tiền ngay tại ruộng, khiến người nông dân rất phấn khởi.

Giản dị, luôn cháy bỏng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, gắn bó, gần gũi với nông dân là những gì nhiều người cảm nhận về chị Trần Thị Hồng. Người phụ nữ đã nhiều lần nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam; Giải thưởng KOVA về “Khoa học công nghệ ứng dụng đạt hiệu quả thiết thực phục vụ đời sống xã hội”; Bằng khen của UBND tỉnh; các giải nhất, nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh… vẫn ngày đêm miệt mài trong phòng thí nghiệm, không quản nắng gió cùng nông dân, chỉ với một mong muốn tạo thêm nhiều hơn những mùa vàng, mang về những bông lúa trĩu hạt…

Thực hiện: Hoàng Quý

Trình bày: Đỗ Quang

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu