
Những cánh thư thời chiến, băng qua lửa đạn chiến tranh là minh chứng cho sức mạnh tinh thần, lý tưởng sống cao đẹp của những người con Vùng mỏ, sẵn sàng lên đường nhập ngũ, không quản gian khổ, hy sinh, chiến đấu kiên cường góp sức giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cùng với đóng góp sức của, Quảng Ninh đã nỗ lực huy động sức người chi viện cho tiền tuyến. Với khí thế sôi sục cả nước cùng đánh Mỹ, hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” do đoàn thanh niên phát động, thanh niên trong tỉnh từ thành thị đến nông thôn, miền núi rẻo cao đến hải đảo, nhất loạt hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ, sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc và nhân dân cần đến. Hàng vạn thanh niên Quảng Ninh đã nhập ngũ chi viện cho các chiến trường, chiến đấu kiên cường, lập công xuất sắc.
Lá thư cựu chiến binh Đào Sĩ Quý gửi cho gia đình từ chiến trường năm 1973 vẫn được giữ gìn nguyên vẹn sau hơn 50 năm.
Lá thư cựu chiến binh Đào Sĩ Quý gửi cho gia đình từ chiến trường năm 1973 vẫn được giữ gìn nguyên vẹn sau hơn 50 năm.
Năm 1971, mang theo nhiệt huyết của những người con Vùng mỏ, chàng thanh niên 18 tuổi Đào Sĩ Quý (phường Bạch Đằng, TX Hồng Gai, nay là TP Hạ Long) lên đường nhập ngũ. Là lính thông tin thuộc E3, F324, Quân đoàn 2, anh đã chiến đấu trên nhiều mặt trận khốc liệt: Từ Thượng Đức (Quảng Nam) đến Tây Nguyên, rồi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Mãi đến năm 1973, sau hai năm nhập ngũ, anh mới có cơ hội viết lá thư đầu tiên gửi về cho gia đình. Những dòng chữ giản dị mà kiên cường ấy vẫn vẹn nguyên khí thế của tuổi trẻ không ngại gian khổ, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy: "Đường dây của chúng em trong chiến đấu thì chắc anh cũng hiểu và biết. Rất gian khổ và ác liệt. Nhưng đứa em của anh chị vẫn xác định cho mình một lập trường, quan điểm tốt, tư tưởng vững vàng… và không một chút gì là sai lệch. Em cũng như các anh em đồng đội đã đem hết sức mình để phục vụ chiến đấu. Luôn luôn đảm bảo được mạng lưới thông tin thông suốt từ trên xuống dưới. Cũng luôn luôn có mặt trên trục đường dây khi dây đứt. Và cũng luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc...".
Cựu chiến binh Đào Sĩ Quý xem lại những kỷ vật một thời chiến đấu gian khổ.
Cựu chiến binh Đào Sĩ Quý xem lại những kỷ vật một thời chiến đấu gian khổ, trong đó có bức thư viết từ chiến trường.
Trong thư, cũng không thiếu nét hóm hỉnh, lạc quan của tuổi trẻ, khỏa lấp đi nỗi nhớ nhà da diết, với mong muốn hậu phương yên lòng, để các anh vững tay súng, vượt qua mọi gian khổ hy sinh, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng. Thư có đoạn viết: Em thì thỉnh thoảng sốt rét nó quật cho nhưng cũng không sao, dạo này em còn béo và đen hơn ở nhà. Trai đất mỏ mà. Anh chị kính nhớ, Hồng Gai ta dạo này có lẽ là thay đổi nhiều lắm thì phải. Có lẽ kiến thiết lại Hồng Gai đàng hoàng hơn, to đẹp hơn… Em rất thèm biết tin tức của gia đình ta hiện nay và sự thay đổi của thị xã ta...
Hơn 5 năm chiến đấu, trải qua những trận đánh ác liệt trên nhiều chiến trường từ Thừa Thiên Huế vào đến cửa ngõ Sài Gòn, đó là bức thư duy nhất người cựu chiến binh Đào Sĩ Quý gửi về cho gia đình. Mấy chục năm đã trôi qua, giờ đây khi lần giở lại bức thư dù đã bạc màu nhưng vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, người cựu chiến binh đã ngoài tuổi 70 không khỏi bồi hồi xúc động. Ông chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về thời điểm viết bức thư khi đang cùng đồng đội chuẩn bị hành quân vào Tây Nguyên: Chiến trường thì khốc liệt lắm, đường hành quân vô cùng gian khổ, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, nhưng thư về nhà tôi không thể nói hết, chỉ mong gia đình hãy luôn yên lòng và tự hào về người con đã chiến đấu hết mình vì quê hương, không có một giây phút nào nản lòng.
Huy chuơng kháng chiến hạng Nhì của ông Đào Sỹ Quý.
Huy chuơng kháng chiến hạng Nhì của ông Đào Sỹ Quý.
Giữa những năm tháng kháng chiến khốc liệt, những lá thư được những người lính tranh thủ viết mọi lúc, mọi nơi, có khi viết ở dưới hầm trú ẩn, lúc dừng chân trên đường hành quân ra trận, hoặc trong khoảnh khắc bình yên giữa hai trận đánh. Bao nhiêu dòng thư là bấy nhiêu dòng tâm sự của những người con đã hiến dâng tuổi thanh xuân, hiến dâng cuộc đời mình cho quê hương, đất nước.
"Tây Nguyên ngày 20/10/1968
Cậu mẹ kính mến!
Kể từ ngày ra đi đến nay đã trọn 8 tháng con xa quê hương miền Bắc, xa cậu mẹ, con vẫn khỏe, công tác tốt, chiến đấu dũng cảm. Con mới bị thương ở trận Đức Lập hồi tháng tám đến nay đã khỏi. Con ra đi vội mà chưa kịp nói chuyện nhiều với cậu, mẹ được, con kính mong cậu mẹ bỏ qua cho con. Cậu mẹ thương chúng con. Ngày nay Tổ quốc ta đang bị chia cắt con tạm thời là đứa con thất hiếu…
Đó là những dòng thư của thượng sĩ Nguyễn Hoài Sơn, nhập ngũ tháng 7/1967, lên đường vào chiến trường miền Nam tháng 2/1968. Lá thư được anh gửi về cho gia đình từ chiến trường Tây Nguyên nhân có một đoàn thương binh ra Bắc. Từng dòng thư thấm đẫm nỗi nhớ gia đình, quê hương. Ở nơi chiến trường ác liệt, người lính trẻ ấy không dám kể nhiều về gian khổ, về hiểm nguy cận kề, để cha mẹ không phải lo lắng. Từng dòng thư cũng cho thấy sự day dứt của người lính khi tự nhận mình là “đứa con thất hiếu” vì không thể ở gần chăm sóc cha mẹ trong lúc đất nước còn bị chia cắt. Đó cũng là nỗi lòng của nhiều người lính thời chiến, vừa yêu nước, vừa mang nặng tình cảm gia đình, nhưng luôn thể hiện ý chí sắt đá và sự hy sinh cao cả vì nhiệm vụ thiêng liêng.
Cựu chiến binh Nguyễn Hoài Sơn nay đã mất, những kỷ vật của ông vẫn được gia đình lưu giữ cẩn thận.
Cựu chiến binh Nguyễn Hoài Sơn nay đã mất, những kỷ vật của ông vẫn được gia đình lưu giữ cẩn thận.
Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, những lá thư từ tiền tuyến không chỉ mang ý nghĩa là một phương tiện liên lạc đơn thuần mà còn là nguồn động viên tinh thần vô cùng to lớn đối với những người ở hậu phương. Bởi sự khốc liệt của chiến tranh, những cánh thư được gửi đi có khi phải mất vài tháng đến cả năm mới về được tới hậu phương. Thư đến tay, có bức chỉ là những mảnh giấy xé vội, nhiều bức đã không còn nguyên vẹn.
Đối với mỗi gia đình ở Vùng mỏ khi ấy, mỗi lá thư gửi về là một tia hy vọng, một niềm vui khôn tả. Khi chiến tranh chia cắt, người thân ra đi mà không ai biết chắc ngày trở về, mỗi bức thư chính là dấu hiệu cho thấy họ vẫn còn sống, vẫn đang chiến đấu và vẫn nhớ đến gia đình. Những lời động viên, dặn dò, những dòng chữ viết vội nhưng đầy yêu thương giúp người ở nhà vững tin, tiếp tục chờ đợi và hy vọng vào ngày đoàn tụ.
Theo bà Trần Thị Sòa (phường Hồng Hải, TP Hạ Long), vợ của cựu chiến binh Nguyễn Hoài Sơn, trong 8 năm chồng nhập ngũ, bà chỉ nhận được vỏn vẹn 3 lá thư. Những lá thư gửi về từ tiền tuyến không chỉ là niềm vui của riêng gia đình bà, mà còn là niềm vui chung của cả khu phố. Bà Sòa rưng rưng chia sẻ: Mỗi khi có thư về, chị nhân viên bưu điện vừa đạp xe đến đầu ngõ đã hô to, thư về, tin về rồi đây. Lúc ấy cả khu phố lại rộn ràng hẳn lên, mọi người cùng xúm lại đọc to bức thư lên để cùng nghe. Biết được tình hình sức khỏe, tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ ở chiến trường, ai cũng phấn khởi, tin tưởng ngày toàn thắng sắp tới rồi.
Nửa thế kỷ đã đi qua, đất nước hòa bình thống nhất, có những người may mắn băng qua làn bom đạn, trở về với gia đình như cựu chiến binh Đỗ Sĩ Quý, Nguyễn Hoài Sơn, nhưng cũng có những người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Những lá thư trở thành kỷ vật thiêng liêng, luôn được thân nhân các liệt sĩ lưu giữ cẩn thận suốt mấy chục năm qua.
Bà Trần Thị Sòa cùng con gái xem lại các kỷ vật của cựu chiến binh Nguyễn Hoài Sơn.
Bà Trần Thị Sòa cùng con gái xem lại các kỷ vật của cựu chiến binh Nguyễn Hoài Sơn.
Bức ảnh gia đình được chụp trước khi liệt sĩ Huỳnh Văn Sót lên đường vào chiến trường miền Nam
Bức ảnh gia đình được chụp trước khi liệt sĩ Huỳnh Văn Sót lên đường vào chiến trường miền Nam
Cầm trên tay lá thư cũ đã bạc màu được ép plastic cẩn thận, bà Nguyễn Thị An (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) bồi hồi kể cho chúng tôi về lá thư cuối cùng bà nhận được từ người chồng thương yêu là liệt sĩ Huỳnh Văn Sót. Bức thư được viết vào tháng 2 năm 1966, khi đó liệt sĩ Huỳnh Văn Sót đã vào chiến trường miền Nam được 3 năm. Trong bức thư ngắn ngủi chỉ hơn một trang giấy, ông động viên vợ và con rằng mình vẫn khỏe mạnh và hứa thư sau sẽ kể nhiều chuyện hơn. Nhưng chiến tranh khốc liệt, cả ông và gia đình ở hậu phương không thể ngờ rằng đó là lá thư cuối cùng ông viết cho gia đình. Liệt sĩ Huỳnh Văn Sót đã hy sinh vào tháng 12 năm 1966, và cũng phải đến 10 năm sau, gia đình ông mới nhận được giấy báo tử.
Lá thư cuối cùng của liệt sĩ Huỳnh Văn Sót gửi về cho gia đình năm 1966.
Lá thư cuối cùng của liệt sĩ Huỳnh Văn Sót gửi về cho gia đình năm 1966.
Trong 10 năm đằng đẵng bặt tin chồng, bà Nguyễn Thị An cũng có những lúc tuyệt vọng, nghĩ rằng ông đã không còn, nhưng mỗi khi đọc lại những lá thư ông viết, bà như được tiếp thêm sức mạnh để vững tin nuôi dạy hai con nhỏ, thi đua lao động sản xuất. “Thư nào gửi về nhà ông ấy cũng động viên dặn dò vợ và các con cứ yên tâm, Bắc - Nam nhất định sẽ thống nhất, sum họp một nhà. Chiến đấu tuy gian khổ, nhưng anh và các đồng đội không nao núng đâu, quyết tâm đánh nhiều trận thắng để sớm ngày được đoàn tụ với gia đình”, bà Nguyễn Thị An rưng rưng nước mắt chia sẻ.
Liệt sĩ Huỳnh Văn Sót hy sinh và mãi mãi nằm lại chiến trường, phần mộ của ông cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy dù gia đình đã nỗ lực tìm kiếm suốt nhiều năm qua. Những bức thư của ông trở thành kỷ vật thiêng liêng, nguồn an ủi, động viên lớn lao đối với gia đình, đồng thời cũng là minh chứng để thế hệ hôm nay hiểu rõ hơn về khí thế hào hùng sôi nổi ra trận của cha anh ngày trước.
Bà Nguyễn Thị An cùng con trai xúc động xem lại bức thư cuối cùng của liệt sĩ Huỳnh Văn Sót.
Bà Nguyễn Thị An cùng con trai xúc động xem lại bức thư cuối cùng của liệt sĩ Huỳnh Văn Sót.
Dù chiến tranh đã lùi xa, những bức thư chiến trường của những người lính Vùng mỏ vẫn sáng ngời biểu tượng của tình yêu quê hương, gia đình và ý chí chiến đấu bất khuất. Qua những dòng thư, ta cảm nhận được sức mạnh tinh thần to lớn đã giúp họ vượt qua gian khổ, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Ngày hôm nay, khi đất nước đã thống nhất và ngày càng phát triển, những lá thư ấy vẫn vang vọng, nhắc nhở mỗi chúng ta về giá trị của hòa bình và lòng biết ơn đối với thế hệ đi trước.
Thực hiện: NGỌC ÁNH
Trình bày: ĐỖ QUANG