4
18
/
1100297
Người thợ mỏ - Người chiến sĩ
longform
Người thợ mỏ - Người chiến sĩ

Đối với những người thợ mỏ, truyền thống, sức mạnh của tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” luôn là điểm tựa vững chắc, là nguồn cổ vũ, khích lệ để mỗi người thêm vững vàng, sát cánh bên nhau vượt qua mọi khó khăn. Từ những chiến sĩ Binh đoàn Than năm xưa, đến những người thợ mỏ ngày nay, dù ở tầng than cao hay dưới đường lò sâu, ở mặt trận nào, họ đều mang “tinh thần thép” của người thợ mỏ - người chiến sĩ, luôn đoàn kết, kiên trung, tràn đầy tình đồng đội, tình yêu Tổ quốc.

Tháng 7/1967, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Trung ương đã cho phép tỉnh Quảng Ninh và ngành Than lần đầu tiên tổ chức một đợt tuyển quân quy mô lớn. Mặc dù trước đó, Hồ Chủ tịch đã nói “Sản xuất than như quân đội đánh giặc”, thợ mỏ được miễn tham gia chiến trường, nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của Bác “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, những người thợ mỏ đã hăng hái làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Nhiều người trong số họ còn trích máu, viết huyết tâm thư xin được cùng đồng đội cầm súng ra tiền tuyến chiến đấu. Đây là minh chứng sống động cho truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, kế thừa xứng đáng hào khí từ cuộc Tổng bãi công năm 1936, thể hiện khí phách của những người thợ mỏ.

Binh đoàn Than làm lễ xuất quân năm 1967. Ảnh tư liệu

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, tỉnh Quảng Ninh và ngành Than đã huy động lực lượng gần 2.000 người, chủ yếu là cán bộ, công nhân ngành Than, còn lại là một số ngành khác và con em nhân dân Quảng Ninh chi viện cho chiến trường. Ngày 30/7/1967, Binh đoàn Than chính thức được thành lập gồm 3 tiểu đoàn: Tiểu đoàn 385, 386 và Tiểu đoàn 9.

Kể từ khi được thành lập đến ngày giải phóng, dù không phải là một phiên hiệu quân đội nhưng bằng tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, và truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của thợ mỏ, Binh đoàn Than đã tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ và chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Các chiến sĩ Binh đoàn Than đã anh dũng chiến đấu, lập nên nhiều chiến công hiển hách, nhiều đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Dũng sĩ diệt Mỹ, Huân chương Chiến sĩ Giải phóng, Dũng sĩ diệt xe cơ giới… “Binh đoàn Than” đã trở thành niềm tự hào của nhân dân Vùng mỏ, đã đi vào lịch sử ngành Than và tỉnh Quảng Ninh như một niềm kiêu hãnh của người thợ mỏ nói riêng, nhân dân Quảng Ninh nói chung.

Chiến sĩ Binh đoàn Than nhận cờ Quyết thắng của tỉnh trao tặng. Ảnh tư liệu

Sau chiến tranh, đa số những người lính của Binh đoàn Than đã trở về Đất mỏ như lời thề ngày xuất quân. Hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ, các chiến sĩ Binh đoàn Than phục viên chuyển ngành về địa phương, số còn lại trở về công tác tại ngành Than và một số ngành khác, tiếp tục tham gia sản xuất. Ngay cả khi đã về nghỉ chế độ, nhiều cựu chiến binh còn đủ sức khỏe, có năng lực vẫn được nhân dân tín nhiệm tham gia công tác địa phương. Dù ở cương vị nào, họ luôn phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, đồng thời kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của người thợ mỏ, cùng ngành Than đương đầu và vượt qua những khó khăn, tiếp tục làm giàu đẹp cho quê hương.

Nghề mỏ đã vất vả, nặng nhọc, độc hại, cấp cứu mỏ còn vất vả hơn gấp nhiều lần bởi luôn đối mặt với sự cố nguy hiểm, có lúc là cận kề ranh giới sinh - tử. Những đội viên cấp cứu mỏ chính là những chiến sĩ thực thụ không chỉ đảm đương vai trò cứu mỏ, mà trong cuộc sống, khi gặp bất kỳ sự cố, trường hợp nào, họ cũng là những người đầu tiên lao vào cứu hộ, cứu nạn.

Buổi luyện tập của Đội cấp cứu mỏ.

Trong khai thác, sản xuất than, đặc biệt là than hầm lò, sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào với nhiều dạng khác nhau: Cháy, nổ khí, xuất khí, bục nước, sập lò… Không thể nói sự cố nào ít nguy hiểm hơn sự cố nào, bởi trong hầm lò sâu và tối, hàng chục công nhân đang làm việc, khi sự cố xảy ra, đội viên cứu hộ là những người đầu tiên có mặt và tiếp cận hiện trường. Vì vậy, những đội viên cấp cứu mỏ là những thợ mỏ được tuyển chọn kỹ lưỡng tại các đơn vị, bởi để trở thành một chiến sĩ cấp cứu mỏ phải đáp ứng được những yêu cầu cao về sức khỏe, độ nhanh nhạy và trên hết là tinh thần quả cảm để có thể tìm kiếm, cứu nạn đồng đội của mình trong trường hợp khẩn cấp. Vì vậy, trở thành một chiến sĩ cấp cứu mỏ cũng là niềm tự hào của những người thợ mỏ.

Anh Đào Duy Sơn, Trạm phó Trạm Cấp cứu mỏ Hạ Long (Trung tâm Cấp cứu mỏ Vinacomin) chia sẻ:

Anh Đào Duy Sơn, Trạm phó Trạm Cấp cứu mỏ Hạ Long (Trung tâm Cấp cứu mỏ Vinacomin).

Hơn 14 năm trong nghề cấp cứu mỏ, anh Đào Duy Sơn cùng đồng đội đã tham gia cứu hộ nhiều sự cố mỏ hầm lò hoặc tai nạn trong và ngoài tỉnh. Do được rèn luyện sức khoẻ, kỹ năng và liên tục được tôi luyện bản lĩnh qua những bài tập, diễn tập hàng ngày, nên những chiến sĩ cấp cứu mỏ như anh Sơn đã có bản lĩnh vững vàng, không run sợ trước những sự cố. Đặc biệt, càng trong gian nan, thử thách, càng những sự cố, tai nạn phức tạp, các anh càng bình tĩnh, đoàn kết, tuân thủ mệnh lệnh, thực hiện đúng các “bài” cứu hộ, cứu nạn đã được rèn rũa. Những lúc trong lằn ranh sinh - tử ấy, sức mạnh của tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” luôn cháy trong tâm trí mỗi chiến sĩ cấp cứu mỏ.

Đảm nhận công việc nguy hiểm, mỗi chiến sĩ cấp cứu mỏ phải luôn cẩn trọng, sẵn sàng trang thiết bị bảo hộ.

Vất vả, hiểm nguy, thậm chí phải đánh đổi cả bằng tính mạng, nhưng những chiến sĩ cấp cứu mỏ không bao giờ lùi bước. Tấm gương anh Trần Văn Thản, chiến sĩ cấp cứu mỏ của Trung tâm Cấp cứu mỏ Vinacomin, người đã dũng cảm hy sinh khi cứu các nạn nhân vụ nổ khí hầm lò than Khe Chàm ngày 9/12/2008 vẫn luôn sáng mãi trong lòng những đội viên cấp cứu mỏ. Mới đây nhất, ngày 21/6/2021, các anh: Hoàng Đức Quyền, đội viên Trạm Cấp cứu mỏ Hạ Long và Nguyễn Đăng Vỹ, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Quản đốc, Chủ tịch Công đoàn Phân xưởng Thông gió thoát nước (Công ty Than Hòn Gai) đã không ngần ngại lao xuống biển cứu em Nguyễn Hữu Thắng (18 tuổi, TP Hạ Long) tại Bãi tắm Hòn Gai.

Khi được hỏi về hành động của mình, cả 2 anh Nguyễn Đăng Vỹ và Hoàng Đức Quyền đều tâm sự, lúc đó sự việc xảy ra rất nhanh, điều duy nhất chúng tôi nghĩ là làm sao tìm kiếm và cấp cứu nạn nhân một cách nhanh nhất. Hai anh cho biết, tất cả những kỹ năng cứu hộ, cấp cứu nạn nhân đều được đào tạo bài bản, được tập luyện thường xuyên tại Trung tâm Cấp cứu mỏ, kể cả tập luyện lặn biển hằng tháng, cùng với kinh nghiệm đã cấp cứu nạn nhân, nên khi sự việc xảy ra, cả hai đều phản xạ rất nhanh kịp thời cứu chữa cho nạn nhân …

Đã 6 năm trôi qua, nhưng ký ức về sự cố ngập mỏ năm 2015 vẫn luôn vẹn nguyên như một thước phim quay chậm trong tiềm thức của những người thợ mỏ Mông Dương. Cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015, những trận mưa như trút nước kéo dài gần một tuần liền đã nhấn chìm cả vùng Mông Dương trong biển nước. 4 máy bơm công suất lớn lên tới 1.000m3/h của mỏ đã không thể thắng được áp lực quá lớn của những cơn mưa.

Trận mưa lịch sử khiến mỏ Mông Dương thiệt hại nặng nề.

Mông Dương trở thành đơn vị bị tổn thất lớn nhất của cả Tập đoàn khi máy móc, thiết bị, các tuyến đường ô tô, đường sắt… trị giá lên tới 500 tỷ đồng đều bị vùi lấp trong bùn đen. Một mỏ với gần 40 năm truyền thống và biết bao tài nguyên quý giá của đất nước bỗng chốc bị hàng triệu m3 bùn nước tấn công, rơi vào nguy cơ có thể bị xóa sổ hoàn toàn diện sản xuất. Hơn 3.000 công nhân, thợ mỏ Mông Dương lúc đó buộc phải dừng sản xuất, đối mặt với nguy cơ mất việc.

Thay vì rời mỏ, đi tìm cơ hội việc làm mới, hàng nghìn thợ lò Mông Dương đã chọn cách ở lại, đoàn kết, đồng cam cộng khổ với tập thể lãnh đạo để tìm phương án khắc phục hậu quả mưa lũ. Cả Công ty dồn sức cứu mỏ, không ai có thời gian lo lắng cho riêng bản thân nữa mà chỉ cùng nhau kề vai, sát cánh để hút bùn nước ra khỏi các đường lò, trục vớt thiết bị lên mặt bằng để sửa chữa.

Theo dự kiến ban đầu, để Mông Dương có thể khôi phục hoạt động trở lại sẽ mất khoảng 5 tháng, nhưng rồi chính tinh thần đoàn kết, quyết tâm không lùi bước và cả sự mưu trí, sáng tạo, chỉ sau 1 tháng 20 ngày, mỏ than Mông Dương đã được hồi sinh, đưa vào sản xuất trở lại.

Khai thác than tại Công ty CP Than Mông Dương. Ảnh: Dương Phượng Đại

Nhìn lại chặng đường than Mông Dương đã đi qua, thành công nào cũng in đậm nét dấu chân của những người thợ mỏ dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sẵn sàng đồng cam cộng khổ, thậm chí có không ít người đã quên mình cứu mỏ chẳng khác nào những người lính anh dũng chiến đấu trên chiến trường.

Ông Lê Minh Chuẩn, Bí thư Đảng ủy, ĐBQH, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV, chia sẻ:

Chính ngọn lửa tinh thần ấy đã theo những người thợ mỏ Mông Dương cho đến cả sau này, khi mà đại dịch Covid-19 và điều kiện địa chất mỏ ngày càng phức tạp. Song nhờ phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động trong phòng, chống dịch và điều hành sản xuất, kết thúc quý III/2021, Than Mông Dương sản xuất được trên 1,2 triệu tấn than (bằng 79% kế hoạch năm), thu nhập bình quân thợ lò đạt trên 20 triệu đồng/người/tháng.

Cơn bão của dịch Covid-19 ngay khi xuất hiện ở Việt Nam đầu năm 2020 đã tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của TKV, nhưng càng trong gian khó, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, tinh thần vượt khó của thợ mỏ lại càng được phát huy. Đến nay, TKV là một trong số ít các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục giữ vững ổn định sản xuất và việc làm, đời sống của người lao động. Yếu tố cốt lõi chính là tinh thần chủ động, vượt khó của các mỏ.

Còn nhớ cuối tháng 1/2021, Công ty CP Than Vàng Danh ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên của một công nhân làm việc tại Phân xưởng K1 đã làm cả ngành Than mất ngủ. Với trên 5.600 lao động, Vàng Danh có lượng công nhân đông đảo nhất trong các đơn vị sản xuất và cũng là đơn vị đầu tiên của Tập đoàn có ca mắc Covid-19 ngay thời điểm cận kề Tết Nguyên đán 2021. Ngay lập tức, Than Vàng Danh cho đóng cửa một công trường sản xuất và tổ chức phong tỏa, triển khai cách ly và xét nghiệm trên diện rộng cho toàn bộ người lao động. Chỉ sau một thời gian ngắn, Công ty đã khoanh vùng, bóc tách được các đối tượng có nguy cơ cao, từng bước kiểm soát tốt tình hình, bảo vệ sức khỏe tuyệt đối cho hơn 5.600 cán bộ, công nhân và đưa mỏ hoạt động sản xuất trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Ngày 30 tháng 7 năm 2021, Công ty CP Than Vàng Danh đã tổ chức diễn tập phòng, chống Covid-19. Đây là đơn vị đầu tiên trong Tập đoàn tổ chức diễn tập phòng, chống Covid-19. Ảnh Phạm Cường

“Thấu hiểu hơn cả sự nguy hiểm của dịch bệnh đến sản xuất và tâm lý người thợ mỏ, ngay từ đợt dịch lần thứ 4, Than Vàng Danh là đơn vị tiên phong chủ động kích hoạt các biện pháp cao nhất để phòng tránh cho công nhân mỏ. Do đó Công ty vừa giữ vững được đà sản xuất, vừa đảm bảo được an toàn cho người thợ. Minh chứng rõ nhất là kết thúc quý III/2021, Công ty sản xuất trên 2,9 triệu tấn than, tiêu thụ trên 2,5 triệu tấn (đạt 77% kế hoạch năm), thu nhập bình quân người lao động trên 16 triệu đồng/người/tháng. Trong quý IV/2021, Công ty được Tập đoàn giao sản xuất thêm hơn 100.000 tấn than. Tăng sản lượng than khai thác không những giúp Than Vàng Danh giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn thể hiện trách nhiệm của Công ty nói riêng và TKV nói chung đối với mục tiêu tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh. Do đó, chúng tôi sẽ cán đích theo đúng kế hoạch được giao” - Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty Than Vàng Danh, chia sẻ.

Năm 2021, Công ty CP Than Vàng Danh phấn đấu khai thác hơn 3 triệu tấn than.

Cũng trong những thời khắc vừa sản xuất, vừa đảm bảo chống dịch ấy, đã có nhiều người thợ lò của Than Vàng Danh không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, đưa những sáng kiến kỹ thuật vào khai thác. Điển hình như anh Trần Mạnh Tiến (sinh năm 1989, Tổ trưởng Tổ sản xuất số 3), đã cùng với các đồng nghiệp trong tổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, liên tục có những sáng kiến để cải tạo không gian làm việc, lắp đặt lại đường ống thủy lực di động. Do đó trong suốt 5 năm liên tục (2016-2021), sản lượng than khai thác của tổ đều đạt và vượt 10-15% kế hoạch được giao, đảm bảo an toàn lao động tuyệt đối.

Anh Trần Mạnh Tiến, Tổ trưởng Tổ sản xuất 3, Phân xưởng Khai thác 5, Công ty CP Than Vàng Danh.

Anh Trần Mạnh Tiến tâm sự:

Đại dịch Covid-19 không chỉ thâm nhập vào tận khai trường sản xuất mà còn làm gián đoạn việc về thăm nhà của hàng nghìn người thợ xa quê. Thế nhưng, vì quyết tâm giữ cho tỉnh xanh, cho dòng than đen ngày đêm tuôn chảy, những người thợ mỏ đã gác lại nỗi nhớ gia đình, bố mẹ, vợ con ở quê để duy trì nhịp độ sản xuất, đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia. Mỗi người thợ mỏ trở thành một chiến sĩ chiến đấu đẩy lùi dịch Covid-19.

Từ TP Hạ Long về tỉnh Hải Dương chỉ mất khoảng 3h xe chạy nhưng gần 1 năm nay, anh Nguyễn Văn Nam (thợ lò Công ty CP Than Hà Lầm) vẫn tuân thủ tuyệt đối quy định của Công ty để ở lại sản xuất. Để vơi nỗi nhớ nhà, vợ chồng anh Nam thường xuyên gọi điện chuyện trò cùng nhau vào những khi rảnh rỗi. Trong những lần trò chuyện, cậu con trai nhỏ học mẫu giáo của anh Nam không hiểu thế nào là đại dịch nguy hiểm, nên đôi lúc nhớ bố vẫn mếu máo khóc sụt sùi, hỏi đi hỏi lại câu “Bao giờ bố về, bố nhớ mua siêu nhân, mua ô tô cho con nhé” là lòng anh Nam lại quặn thắt vì nhớ con. Để vơi bớt nỗi nhớ nhà, anh Nam dành hoàn toàn tâm trí và sức lực để hoàn thành nhiệm vụ phân xưởng giao.

Càng nhớ nhà, người thợ mỏ càng quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ.

Cũng giống như anh Nam, suốt gần 2 năm qua, những người chiến sĩ - người thợ mỏ vẫn ngày đêm kiên cường, hăng say chinh phục từng tầng than cao, từng đường lò sâu. Đặc biệt, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của người thợ mỏ lại càng được phát huy thông qua những hành động cụ thể, thiết thực như nghiêm túc thực hiện khuyến cáo 5K, không rời khỏi tỉnh nếu không thực sự cần thiết, tự nguyện ở lại đơn vị đón Tết…

Tự hào về tinh thần và ý chí của những người thợ mỏ, Phó Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Tường khẳng định: Vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, TKV đặt mục tiêu rất cao trong quý IV/2021 là sản xuất từ 1,5-2 triệu tấn than, cùng Tổng Công ty Đông Bắc đóng góp khoảng 1 điểm % tăng trưởng GRDP cho tỉnh, đảm bảo đời sống, việc làm, thu nhập cho 80.000 công nhân lao động Vùng mỏ. Đây có thể nói là nỗ lực vượt bậc của TKV thời điểm này. Có thể nói, những “Người thợ mỏ - người chiến sĩ” chính là nguồn “sức mạnh nội sinh” to lớn giúp TKV vượt qua thử thách, tạo đà cho những bước tiến xa và vững chắc trong hành trình phát triển.


Thực hiện: Hoàng Quý - Hoàng Nga

Kỹ thuật đồ họa: Mạnh Hà

,


Máu thịt của Quảng Ninh
Vùng đất vàng đen của Tổ quốc, có một mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhau giữa ngành kinh tế và hệ thống chính trị, là “Than với Quảng Ninh, Quảng Ninh với Than”. Lớp lớp thế hệ những người thợ mỏ là máu thịt của nhân dân Quảng Ninh!  
   
"Tiếng than rơi là nhịp đập trái tim tôi"
85 năm qua, truyền thống "Kỷ luật và đồng tâm" đã được lớp lớp thợ mỏ tiếp tục phát huy, kết hợp sức mạnh thời đại để vượt qua mọi khó khăn, đưa ngành than phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
   
Khi chúng tôi vào lò...
Mỗi thợ mỏ khi vào ca, họ trở thành những chiến sĩ thực thụ trong hầm lò, gánh vác trọng trách lớn mà Tổ quốc giao phó, đó là không ngừng lao động, sản xuất để đánh thức nguồn tài nguyên đang “ngủ sâu” dưới lòng đất, biến than thành “vàng đen” phục vụ cho công cuộc phát triển.  
   
Mạch nguồn sáng tác không vơi cạn…
Người thợ mỏ đã đi vào thơ, ca, nhạc, hoạ… từ chính cuộc sống cần lao của mình, từ sự thăng hoa về cảm xúc của các văn nghệ sĩ, mà trong số đó không ít người vốn sống với than và đi lên từ than…   
   
Nơi dấu chân cha in những đường lò
Ở Quảng Ninh, nghề thợ mỏ vẫn được nói vui là nghề ''cha truyền con nối''. Và dẫu vẫn biết đây là nghề còn nhiều lắm những nhọc nhằn, gian nan nhưng con vẫn theo bước cha để lên tầng cao và xuống dưới hầm sâu, khơi thông dòng suối than cho Tổ quốc đẹp giàu…