Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 14/12/2024 18:57 (GMT +7)
Kỷ niệm 30 năm Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới Nhận diện những giá trị văn hóa đặc trưng của Vịnh Hạ Long
Thứ 7, 14/12/2024 | 08:53:13 [GMT +7] A A
Bên cạnh giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan thiên nhiên, địa chất, địa mạo đã được UNESCO công nhận, Vịnh Hạ Long còn được nhận định là nơi ẩn chứa nhiều giá trị khoa học khác, nhất là giá trị văn hóa, lịch sử, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt, được chuyên gia Hội đồng Quốc tế về di tích và Di chỉ (ICOMOS) đề nghị nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất UNESCO xét, ghi danh vào danh mục di sản thế giới.
Theo các tài liệu nghiên cứu, khu vực Vịnh Hạ Long được xác định là một trong những cái nôi cư trú của người Việt cổ. Dấu tích sớm nhất của con người có mặt trong khu vực Vịnh Hạ Long thuộc về chủ nhân nền văn hóa Soi Nhụ (niên đại từ 18.000 - 7.000 năm cách ngày nay), tiếp đến là chủ nhân văn hóa Cái Bèo (niên đại từ 7.000 - 5.000 năm cách ngày nay) và sau cùng là văn hóa Hạ Long (niên đại từ 5.000 - 3.500 năm cách ngày nay).
Vịnh Hạ Long và vùng phụ cận cũng là nơi ghi nhận nhiều sự kiện văn hóa, lịch sử nổi tiếng của dân tộc từ thời kỳ phong kiến đến thời kỳ cận hiện đại. Với vị trí chiến lược quan trọng, ngay từ thế kỷ XII (năm 1149) dưới triều vua Lý Anh Tông, thương cảng Vân Đồn đã được thành lập trong khu vực Vịnh Hạ Long. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Vịnh Hạ Long còn là nơi ghi dấu những chiến công hào hùng của dân tộc Việt Nam, từ câu chuyện huyền thoại về đàn rồng mẹ, rồng con hạ giới giúp người Việt đánh giặc ngoại xâm, đến những chiến công oanh liệt của cha ông ta trong các cuộc chiến đấu giành và giữ gìn nền độc lập của dân tộc.
Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể, vùng Vịnh Hạ Long còn chứa đựng những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của cộng đồng ngư dân thủy cư từng sinh sống trên Vịnh. Với cuộc sống đời nối đời gắn bó với biển, những người dân chài chất phác đã tự thích nghi và tìm ra cách ứng xử hài hòa với thiên nhiên bằng vốn tri thức dân gian phong phú của mình. Ngày nay, mặc dù đã di dời lên đất liền sinh sống nhưng những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng ngư dân làng chài trên Vịnh Hạ Long với phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, phương thức kiếm sống... vẫn được gìn giữ, bảo tồn, phục dựng và phát huy, tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo. Qua đó, góp phần làm nên đặc trưng riêng có của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, do kiến tạo của tự nhiên, Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long luôn nằm trong tuyến chính của hệ thống giao thương duyên hải Đông Á và từng là điểm đến của nhiều đoàn thương thuyền, sứ thuyền, các đoàn truyền giáo, giao lưu văn hóa châu Á và thế giới. Văn hóa biển Hạ Long có chiều sâu và cơ tầng phong phú, với nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu. Các di sản văn hóa đó là kết quả sáng tạo của các thế hệ cư dân Hạ Long - biển đảo Đông Bắc nhưng cũng là thành tựu của sự hội kết văn hóa từ nhiều vùng miền.
Vịnh Hạ Long từng được coi là một vùng biên viễn xa xôi, hiểm trở thời cổ trung đại nhưng đây cũng là vùng có tiềm năng, trữ lượng phong phú, giàu có bậc nhất về tài nguyên vị thế, tài nguyên tự nhiên và cả nguồn tài nguyên văn hóa, con người. Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long không chỉ là một vùng cảnh quan kỳ vĩ mà còn là một vùng có vị thế địa - chiến lược quan trọng. Trong lịch sử, chính trong không gian biển đảo này, các cộng đồng cư dân đã sáng tạo nên các nền văn hóa biển giàu năng lực sáng tạo. Văn hóa biển Hạ Long là kết quả của những phát triển tiếp nối của văn hóa Soi Nhụ, Cái Bèo và cả sự giao lưu văn hóa khu vực. Văn hóa Hạ Long, với những đặc trưng tiêu biểu, là minh chứng sinh động cho truyền thống khai thác biển, tư duy hướng biển, phát triển kinh tế biển. Các giá trị đó đã và đang góp phần làm gia tăng giá trị đặc sắc, chiều sâu, tính toàn vẹn, xác thực của Di sản thế giới Vịnh Hạ Long.
Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho biết: Bên cạnh những giá trị về thẩm mỹ, địa chất, địa mạo, Vịnh Hạ Long còn là nơi sản sinh, lưu giữ và trao truyền nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Đó chính là cái hồn cốt, cái khí chất, nét đặc trưng riêng tạo nên sức hút, sức hấp dẫn khách du lịch đến trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa nơi đây. Hiện nay, một số hoạt động sinh kế, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian, văn hóa ẩm thực ở các làng chài đã trở thành nguồn tài nguyên du lịch độc đáo tại khu vực Vịnh Hạ Long, trở thành một thế mạnh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, tạo công ăn việc làm, nguồn thu cho người dân. Nếu chúng ta chỉ chú trọng khai thác giá trị địa chất, địa mạo, cảnh quan của di sản thiên nhiên, vô hình chung, chúng ta đã tự đánh mất một thế mạnh quan trọng khác là khai thác nguồn tài nguyên văn hóa phong phú nơi đây phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng. Tỉnh Quảng Ninh nên học hỏi kinh nghiệm trong việc làm hồ sơ trình UNESCO Vịnh Hạ Long là di sản hỗn hợp bao gồm cả di sản văn hóa và thiên nhiên, tiếp tục nâng tầm cho di sản.
Nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Vịnh Hạ Long, cùng với công tác bảo tồn, giữ gìn, khai thác cảnh quan, địa chất, địa mạo, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp. Tỉnh đã giao cho các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác điều tra nghiên cứu làm cơ sở khoa học triển khai bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản; quảng bá giá trị văn hóa ở các sự kiện trong nước, giao lưu hợp tác quốc tế; trưng bày, giới thiệu giá trị này sâu rộng với quốc tế...
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã ban hành các kế hoạch triển khai việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá làng chài, dàn dựng, truyền dạy 2 kịch bản hát giao duyên; truyền dạy kỹ thuật đan, chế tạo ngư cụ truyền thống; xây dựng phim tài liệu về văn hóa làng chài. Đồng thời, đưa vào hoạt động các sản phẩm du lịch độc đáo, phong phú, hấp dẫn từ những giá trị văn hóa như: Trải nghiệm nét văn hóa làng chài tại khu vực Cửa Vạn, tham quan di chỉ khảo cổ tại động Mê Cung, khu trưng bày khảo cổ tại động Tiên Ông, khu nuôi trồng và chế tác ngọc trai tại vụng Tùng Sâu, Vung Viêng, trải nghiệm ẩm thực và mua sắm các sản phẩm địa phương tại khu vực Cặp Táo, tham quan khu nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch có trách nhiệm tại Vung Viêng…
Đặc biệt, cuối tháng 10 vừa qua, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tổ chức hội thảo “Nhận diện, đánh giá những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo trên Vịnh Hạ Long” với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Hội thảo đã tham vấn ý kiến rộng rãi của các cơ quan quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học trong việc nhận diện, đánh giá giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo; đưa ra những định hướng, quan điểm, lộ trình và những khó khăn vướng mắc trong việc xác định giá trị nổi bật toàn cầu theo tiêu chí văn hóa của UNESCO; tham mưu UBND tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy phù hợp, hiệu quả giá trị văn hóa của khu vực di sản Vịnh Hạ Long.
Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc nhận diện và bảo tồn giá trị văn hóa là vô cùng cần thiết góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc và di sản văn hóa của nhân loại. Thêm vào đó, trước những thách thức của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan như cơn bão Yagi vừa qua, vấn đề bảo vệ, giữ gìn, phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể quý giá nêu trên lại càng đặt ra cấp thiết. Thời gian tới, Ban sẽ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất triển khai các chương trình phục dựng, xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp, triển khai kế hoạch bảo tồn, đồng thời đưa du khách tiếp cận gần hơn với các giá trị văn hóa nhằm quảng bá, lan tỏa, phát huy, khẳng định vị trí của Vịnh Hạ Long trong bản đồ di sản cũng như bản đồ du lịch của thế giới.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()