
Được coi như là "nước Việt Nam thu nhỏ", Quảng Ninh thời gian qua đã có sự phát triển nhanh, mạnh mẽ về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, điều đó cũng kéo theo những ảnh hưởng, áp lực tới việc phát huy các giá trị văn hoá, con người hướng tới phát triển bền vững trong thời gian tới.


Quảng Ninh có nhiều giá trị riêng biệt, nguồn tài nguyên phong phú, là nguyên liệu tốt, góp phần tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Quảng Ninh có lượng di sản văn hóa lớn, phong phú, đa dạng, đặc sắc gồm 637 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Quảng Ninh cũng là “quê hương” của 42 thành phần dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, con người Quảng Ninh cũng được biết đến với nhiều giá trị đặc trưng được hun đúc, hình thành qua cách mạng, qua các thế hệ. Một trong những giá trị đó là tinh thần “Kỷ luật - Đồng tâm”.

Cần quan tâm bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hoá bà con các dân tộc hướng tới phát triển bền vững (ảnh: Phục dựng đám cưới người Sán Chỉ ở Bình Liêu).
Cần quan tâm bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hoá bà con các dân tộc hướng tới phát triển bền vững (ảnh: Phục dựng đám cưới người Sán Chỉ ở Bình Liêu).
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và văn hoá thì nhờ đó Quảng Ninh phát triển nhanh nhưng cũng đưa đến nhiều tác động. Xét về tác động đến văn hóa, có thể thấy toàn cầu hóa, cuộc cách mạng 4.0 sẽ có ảnh hưởng rõ nét nhất. Đó là sự giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống chưa được quan tâm đúng mức, môi trường văn hóa có mặt bị đe dọa do ảnh hưởng bởi hội nhập thiếu chọn lọc, một số giá trị văn hoá truyền thống bị mai một. Trong khi đó, hệ giá trị nhân cách với các chuẩn mực về đạo đức, lối sống con người Quảng Ninh trong thời kỳ mới chưa được hình thành rõ nét.
Có thể thấy, sự hội nhập, phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường kích thích chủ nghĩa cá nhân thực dụng, đề cao những giá trị vật chất đã tác động đến sự chuyển đổi thang giá trị ở Việt Nam từ chỗ coi trọng các giá trị chính trị - xã hội chạy sang giá trị kinh tế, vật chất.
Từ việc nhấn mạnh, đề cao thái quá những giá trị vật chất, cá nhân đã dẫn đến những hành vi phi đạo đức, phản văn hóa, phản nhân văn, suy thoái về tư tưởng, đạo đức xã hội. Một số lĩnh vực hoạt động văn hóa kinh doanh dịch vụ, văn hóa (vũ trường, quán bar, karaoke, quán game...) trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Vẫn còn tồn tại một số biểu hiện xấu trong môi trường văn hóa tại một số doanh nghiệp, cơ sở thờ tự, tôn giáo...
Cùng với đó, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đang dần chi phối mạnh mẽ cuộc sống con người. Cuộc sống bị ảnh hưởng nhiều bởi thế giới ảo, các giá trị ảo. Thay vì cuối tuần cùng tụ tập bạn bè ở một quán cafe quen thuộc, người ta chọn cách trò chuyện qua mạng với những phần mềm chat video, facekbook hay skype...
Hoặc thay vì gặp một, hai người tâm giao để sẻ chia nỗi niềm, thì người ta tìm cách dốc bầu tâm sự với cộng đồng mạng... Công nghệ số đang đưa lại nhiều tiện ích, kéo gần thế giới nhưng kỳ thực, nó lại làm mất đi sự sâu lắng, chân thật của cảm xúc, là thách thức cho văn hoá truyền thống.
Trong khi đó, việc đầu tư cho văn hoá còn thấp, chưa theo kịp thực tế. Hiện ở một số địa phương việc đầu tư cho hoạt động văn hóa từ ngân sách còn chưa chủ động, sáng tạo; chưa xây dựng được cơ chế và chính sách đặc thù cho bảo tồn và phát triển văn hóa. Quảng Ninh đã mạnh dạn đầu tư nhiều thiết chế văn hoá, thể thao hiện đại như: Sân vận động, Trung tâm thể thao, Cung quy hoạch... quy mô nhưng tới nay vẫn chưa có cơ chế đủ mạnh thu hút các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm khai thác hiệu quả, sử dụng hết công năng.
Quảng Ninh có kho tàng di sản văn hoá phong phú với những danh lam thắng cảnh, di tích tầm di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, tới nay một số di tích lịch sử nổi tiếng, giàu tiềm năng (Di tích chiến thắng Bạch Đằng, Thương cảng Vân Đồn…), nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vẫn chưa được quan tâm đầu tư theo quy hoạch để bảo tồn, phát huy, khai thác hiệu quả. Điều đó cũng khiến các giá trị này chưa phát huy được vai trò quan trọng trong giáo dục truyền thống, văn hóa với nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Đầu tư cho cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ giữa các địa phương là một trong những bất cập, ảnh hưởng tới phát huy các giá trị văn hoá, con người trong tình hình mới. (Trong ảnh: Sân vận động trong khuôn viên Trung tâm Truyền thông Văn hoá Đông Triều).
Đầu tư cho cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ giữa các địa phương là một trong những bất cập, ảnh hưởng tới phát huy các giá trị văn hoá, con người trong tình hình mới. (Trong ảnh: Sân vận động trong khuôn viên Trung tâm Truyền thông Văn hoá Đông Triều).
Bên cạnh đó, tuy được đầu tư nhưng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong toàn tỉnh chưa đồng bộ, nhiều thiết chế không đủ tiêu chuẩn, chưa đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt văn hóa và luyện tập, thi đấu thể thao chuyên và không chuyên. Nhiều địa phương thiếu công viên, các điểm vui chơi giải trí.
Có 109 trung tâm văn hóa các xã, phường hiện nay vẫn sử dụng hội trường của phường, xã. Đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn các địa phương như: Móng Cái, Hải Hà, Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên đều chưa có các thiết chế văn hóa thể thao cho công nhân lao động.
Hiện toàn tỉnh còn 4 thôn, khu chưa có nhà văn hóa; việc dành quỹ đất cho xây dựng nhà văn hóa chưa đảm bảo quy định, ở nhiều nơi còn chật hẹp, nhất là khu vực đô thị không đủ diện tích theo tiêu chuẩn. Toàn tỉnh mới có 6/12 trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện đạt tiêu chuẩn (3 huyện chưa có sân vận động là Móng Cái, Vân Đồn, Tiên Yên), 4 địa phương chưa có nhà thi đấu thể thao (Vân Đồn, Móng Cái, Bình Liêu, Cô Tô)...
Ngoài ra, có thể thấy cũng còn nhiều bất cập trong công tác chỉ đạo quản lý, tổ chức, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, con người. Lĩnh vực văn học nghệ thuật chưa phát triển đúng tầm với một tỉnh có truyền thống, giàu bản sắc văn hóa như Quảng Ninh. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh chưa đồng đều giữa đô thị và miền núi, hải đảo. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu công tác.

Nguồn nhân lực trên lĩnh vực đào tạo, quản lý và thực hành chuyên môn đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người, phát huy bản sắc địa phương. Hiện nay, đội ngũ này đang đứng trước những yêu cầu mới, đặc biệt là những kiến thức về khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao về tư tưởng, thẩm mỹ, nghệ thuật và kinh tế…
Những năm qua, với sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa ở Quảng Ninh không ngừng được bổ sung, gia tăng về số lượng; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý về văn hoá ở các cấp có tư duy đổi mới, có năng lực hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Đội ngũ cán bộ văn hóa này với tâm huyết và trách nhiệm của mình đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển văn hóa. Bộ máy của các cơ quan tham mưu trong lĩnh vực, ngành văn hóa được kiện toàn, tạo mạng lưới rộng khắp từ tỉnh đến huyện, xã. 100% xã, phường, thị trấn đã bố trí ít nhất 1 công chức phụ trách lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã bố trí cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý, tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở và cộng đồng dân cư.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành văn hóa cơ bản được đào tạo bài bản, tích cực tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, khung năng lực, vị trí việc làm, đặc biệt là bồi dưỡng sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tham mưu hoạch định, tổ chức thực thi và đánh giá chính sách văn hóa.
Theo thống kê của Sở Nội vụ Quảng Ninh, tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 904 cán bộ, công chức, viên chức các cấp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Trong đó, có trình độ chuyên môn: Thạc sĩ trở lên 161 người (chiếm 17,76%), đại học 640 người (70,8%), còn lại là cao đẳng và trung cấp; trình độ lý luận chính trị: Cử nhân, cao cấp 82 người (9,07%), trung cấp 498 người (55,1%), sơ cấp 69 người (7,63%); trình độ quản lý nhà nước: Chuyên viên chính và tương đương trở lên 104 người (11%), chuyên viên và tương đương 412 người (45,6%)...
Dù vậy, thực tế cho thấy, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về văn hóa chưa thực sự đầy đủ, toàn diện, còn coi trọng lĩnh vực kinh tế hơn nên việc bố trí, sử dụng cán bộ còn nhiều bất cập. Vẫn còn tình trạng bố trí, sử dụng một số cán bộ văn hóa chưa được đào tạo bài bản, không có kinh nghiệm về quản lý văn hóa, thậm chí hạn chế về năng lực, chuyên môn hoặc không đảm nhiệm được công việc ở các vị trí khác thì điều chuyển về làm công tác văn hóa.
Việc tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành văn hóa, nghệ thuật còn gặp nhiều khó khăn, do không có nguồn tuyển. Trong thời gian qua, tỉnh không thu hút được chỉ tiêu tiến sĩ ngành quản lý văn hóa về giảng dạy tại Trường Đại học Hạ Long cũng như không tuyển được đối tượng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ “Về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ” thuộc lĩnh vực văn hóa.
Hiện nay, trong bối cảnh giao lưu, hội nhập toàn cầu vẫn còn một bộ phận công chức, viên chức ngành văn hóa chậm thích ứng, chậm đổi mới, hạn chế về ngoại ngữ, tin học... nên chất lượng công tác tham mưu còn chưa cao. Công chức văn hóa ở một số xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo còn hạn chế về năng lực, trình độ. Việc cập nhật, bồi dưỡng chuyên sâu, nâng cao nghiệp vụ theo vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa còn chưa thường xuyên, liên tục.
Bên cạnh đó thì chính sách về tiền lương, đãi ngộ, điều kiện, môi trường làm việc còn thấp so với nền kinh tế và giá cả thị trường nên cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa còn gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê, bình quân thu nhập tiền lương đối với công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa đạt khoảng 6 triệu đồng/tháng…
Xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược để thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế kể trên, thời gian qua, Quảng Ninh đã tập trung triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực văn hóa nói riêng. Một trong những giải pháp quan trọng là đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo định hướng của Đảng. Đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào việc định hướng, tổ chức và huy động sức sáng tạo trong nhân dân, cùng với các nguồn lực khác hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Nhân viên Ban quản lý Di tích - Danh thắng Yên Tử giới thiệu các giá trị của chùa Hoa Yên, Yên Tử cho du khách.
Nhân viên Ban quản lý Di tích - Danh thắng Yên Tử giới thiệu các giá trị của chùa Hoa Yên, Yên Tử cho du khách.

Các cán bộ văn hoá của tỉnh khảo sát tại khu phố cổ Tam phường Thất hạng, trong chuyến học tập về văn hoá, nghệ thuật tại Phúc Kiến, Trung Quốc, tháng 11/2018.
Các cán bộ văn hoá của tỉnh khảo sát tại khu phố cổ Tam phường Thất hạng, trong chuyến học tập về văn hoá, nghệ thuật tại Phúc Kiến, Trung Quốc, tháng 11/2018.

Lãnh đạo Ban quản lý di tích Bạch Đằng giới thiệu về giá trị di tích cho du khách tham quan, dâng hương tại di tích đền Trần Hưng Đạo (Quảng Yên).
Lãnh đạo Ban quản lý di tích Bạch Đằng giới thiệu về giá trị di tích cho du khách tham quan, dâng hương tại di tích đền Trần Hưng Đạo (Quảng Yên).


Quảng Ninh hiện có 4 thành phố, 2 thị xã, song có trên 60% đơn vị hành chính cấp xã (109/177) là miền núi, biên giới, hải đảo. Dân cư là đồng bào 42 dân tộc thiểu số chỉ chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh nhưng lại cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh, chủ yếu ở địa bàn miền núi, hải đảo, biên giới khó khăn nhưng có vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng - an ninh. Gần 50% dân số sống ở vùng nông thôn, miền núi nhưng chỉ đóng góp 5,1% GRDP. Khoảng cách giữa 20% người giàu nhất với 20% người nghèo nhất trong tỉnh chênh lệch trên 8 lần...
Chính vì thế, báo cáo của Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh đã xác định, một trong những khó khăn đầu tiên trong xây dựng phong trào văn hoá ở Quảng Ninh là địa bàn rộng, đa dạng về vùng miền, điều kiện kinh tế - xã hội giữa các vùng không đồng đều, chênh lệch lớn trong thu nhập của người dân; đa dạng thành phần dân tộc; đặc trưng văn hóa, nhu cầu hưởng thụ văn hóa khác nhau...

Bên cạnh những khu di tích được quan tâm đầu tư tôn tạo như Yên Tử thì nhiều di tích khác vẫn chưa thu hút nhiều nguồn lực xã hội hóa.
Bên cạnh những khu di tích được quan tâm đầu tư tôn tạo như Yên Tử thì nhiều di tích khác vẫn chưa thu hút nhiều nguồn lực xã hội hóa.
Theo đánh giá trong báo cáo của UBND tỉnh gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV về việc thực hiện chính sách, pháp luật về Di sản văn hóa, việc thu hút nguồn lực xã hội để phát triển văn hóa còn hạn chế. Rất ít các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quan tâm đầu tư lĩnh vực văn hóa cơ sở, phát triển các sản phẩm văn hóa. Nhiều di sản văn hóa, di tích đặc biệt cần thêm nguồn lực đầu tư, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị nhưng chưa thu hút được nguồn lực xã hội.
Công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với những đóng góp của tổ chức, cá nhân cho việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích có những hạn chế, dẫn đến việc khó quản lý nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Công tác bảo tồn mới chỉ giải quyết những vấn đề mang tính cấp bách, chưa xây dựng kế hoạch có quy mô tổng thể, lâu dài mang tính liên kết bền vững.
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trong toàn tỉnh chưa đồng bộ. Nhiều thiết chế chưa đủ tiêu chuẩn, chưa đáp ứng được yêu cầu luyện tập, sinh hoạt văn hóa và thi đấu. Nhiều địa phương thiếu công viên, các điểm vui chơi giải trí, thiếu đất công cộng dành cho nhân dân vui chơi, rèn luyện sức khỏe. Một số khu công nghiệp, khu kinh tế chưa có các thiết chế văn hóa, thể thao cho công nhân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh, Quảng Ninh đa dạng vùng, miền, dân tộc, văn hóa nên công tác quản lý nhà nước có nhiều khó khăn. Ý thức tự giác chấp hành của một số người dân, du khách ở nhiều nơi còn hạn chế. Đời sống của một bộ phận nhân dân vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc còn có khoảng cách khá xa so với các khu vực đô thị trong tỉnh làm hạn chế cơ hội tiếp cận, hưởng thụ văn hóa. Một số tổ chức, cá nhân chỉ chú trọng phát triển kinh tế, chưa quan tâm đúng mức đến việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa. Tính tự giác tham gia hưởng ứng các phong trào còn chậm, chưa đồng đều, chưa thực sự phát huy được hết vai trò chủ thể của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Đội ngũ nghệ nhân dân gian ở Quảng Ninh có sự đóng góp tích cực trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Trong ảnh: Nghệ nhân Hoàng Thị Viên ở Bình Liêu truyền dạy hát then cho giới trẻ.
Đội ngũ nghệ nhân dân gian ở Quảng Ninh có sự đóng góp tích cực trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Trong ảnh: Nghệ nhân Hoàng Thị Viên ở Bình Liêu truyền dạy hát then cho giới trẻ.
Trước thực trạng đó, theo các chuyên gia văn hóa, Quảng Ninh cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cụ thể hóa với tình hình thực tế, kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp và tiếp thu văn hóa tiên tiến; sử dụng hiệu quả nguồn lực ngân sách và đẩy mạnh huy động xã hội hóa cho đầu tư phát triển hoạt động, phong trào văn hóa cơ sở, thiết chế văn hóa, con người trên cơ sở phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển, bảo đảm tính kế thừa và coi trọng hiệu quả sau đầu tư; đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, trùng lắp.
Nhận diện rõ những hạn chế đó, xác định rõ các tiềm năng, cơ hội và lợi thế khác biệt của văn hóa, con người, trong đó xác định văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Ngày xuất bản: 26/9/2023
Nội dung: TẠ QUÂN - NGỌC MAI - PHẠM HỌC
Trình bày: MẠNH HÀ