Ngày 25/4/1955, bộ đội ta tiến vào tiếp quản Vùng mỏ trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn thợ mỏ. Việc khôi phục sản xuất than sau ngày Vùng mỏ giải phóng đã trở thành nhiệm vụ cấp bách và vô cùng khó khăn. Thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ và Bác Hồ, giai cấp công nhân mỏ và cả những viên chức dưới chính quyền cũ đã trở lại vị trí làm việc với một khí thế mới.

Ngay trong ngày giải phóng, Bộ Công Thương đã tiếp nhận bàn giao Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (SFCT). Lúc đó, chúng ta bắt đầu quản lý một khu công nghiệp tầm cỡ lớn của miền Bắc, trong khi đội ngũ cán bộ bấy giờ hiểu biết công nghệ khai thác than còn sơ sài, thiếu vốn liếng về quản lý kinh tế... Điều này đặt chính quyền cách mạng dưới một cuộc chiến đấu mới. Nhưng với khí thế của người chiến thắng, đàng hoàng và tự tin, chính quyền cách mạng đã nỗ lực lớn để giải quyết tốt mọi công việc.

Năm 1955, sau khi ta tiếp quản Vùng mỏ, trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ là trụ sở của Xí nghiệp Quốc doanh than Hòn Gai, nay là Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản

Năm 1955, sau khi ta tiếp quản Vùng mỏ, trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ là trụ sở của Xí nghiệp Quốc doanh than Hòn Gai, nay là Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản

Chính phủ đã xin phép Hồ Chủ tịch cho thuê các kỹ sư người Pháp trực tiếp điều hành công ty. Bác đồng ý và chỉ thị cần trọng dụng lại những viên chức đã làm cho người Pháp, nhất là người giàu kinh nghiệm. Sau khi nghe báo cáo việc các kỹ sư Pháp ra điều kiện nhanh nhất cũng phải mất hai năm để khôi phục sản xuất than, Bác khẳng định chỉ mất hai tháng, chậm nhất là đến 2/9 phải chở được than về Hà Nội. Để làm được điều đó, Bác quyết định dành cho Vùng mỏ một cơ chế đặc biệt, đặt tên là Đặc khu Hồng Quảng.

Chính phủ giao cho Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng và Thủ đô Hà Nội chọn những cán bộ, sĩ quan, công nhân giỏi nghề, dày dạn kinh nghiệm chi viện toàn diện cho khu mỏ; đồng thời chi viện cho khu mỏ 300 thanh niên lái xe và thợ cơ khí giỏi tham gia vào lực lượng xung kích phục hồi sản xuất.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác: “Anh chị em công nhân mỏ phải bảo vệ hầm mỏ, máy móc, nhà máy, kho tàng và nâng cao năng suất”, công nhân mỏ trong một khí thế mới đã khắc phục khó khăn, từng bước khôi phục lại toàn bộ tầng lò, nhà máy, bến cảng đưa vào hoạt động.

Ngày 24/4/1955, mỏ Cẩm Phả tiếp tục hoạt động. Ngày 26/4/1955, các xí nghiệp ở Hòn Gai, Hà Lầm cũng đi vào sản xuất. Ngày 15/5/1955, Xí nghiệp Than Hòn Gai được thành lập.

Trong cuốn hồi ký "Một thời chinh chiến" do Ban Liên lạc những người kháng chiến Quảng Hồng và Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh xuất bản năm 2003, ông Lê Bùi, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Chánh Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh Quảng Ninh, kể lại: "Đất nước cần than! Việc khôi phục sản xuất than đã trở thành nhiệm vụ chính trị thiêng liêng, cấp thiết... Đó là những năm tháng Vùng mỏ sôi động như một chiến trường, công nhân vào sản xuất như người chiến sĩ xông ra mặt trận; cán bộ lãnh đạo sâu sát bám máy, bám tầng, bám lò, ngày đêm có mặt trên trận tuyến làm than... tính toán giải quyết những nhu cầu, nhằm hoàn thành kế hoạch nhà nước; cũng không quên những vấn đề thiết yếu về đời sống, sức khỏe người lao động, bổ sung chế độ chính sách theo đặc thù của ngành khai thác than".

Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, 4.254 công nhân và lao động khác ở khu vực bị thất nghiệp được chính quyền cách mạng giải quyết việc làm. Trong vòng 15 ngày đầu tháng 7/1955, sản xuất than của các mỏ khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả đã tăng lên 484 tấn, chất lượng than được nâng lên, giá thành mỗi tấn than giảm xuống. Trong tháng 7/1955, tháng đầu tiên công nhân tự quản lý xí nghiệp, sản xuất than đạt 31.404 tấn, bằng 100% kế hoạch.

Tuy nhiên, tốc độ sản xuất than vẫn còn chậm vì thiếu phương tiện vận chuyển. Khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là phải làm sao phục hồi hệ thống đường trục vận chuyển than và hệ thống thiết bị sàng tuyển bốc rót than ở hai bến Hòn Gay, Cẩm Phả mà trước khi tháo chạy, Pháp đã phá hỏng. Chưa kể hệ thống nhà sàng, đống bến, cầu poóc-tích rót than cũng bị tháo dỡ, phá hoại rất nặng nề. Hệ thống điện cao thế, hạ thế bị phá hoại nặng nề nhất mà theo các kỹ sư Pháp đánh giá, phải mất 20-24 tháng mới có thể khôi phục được. Thế nhưng người thợ điện Lê Văn Hiển ở Cửa Ông đã nhanh chóng vẽ lại toàn bộ hệ thống điện, đấu nối tất cả chỉ trong hơn 1 tháng, khiến các kỹ sư Pháp kinh ngạc.

Công nhân Lê Văn Hiển (thứ hai, phải sang), người thợ điện Xí nghiệp bến Cửa Ông bằng trí nhớ tuyệt vời đã vẽ lại sơ đồ điện, đưa nhà sàng, bến cảng phục hồi trở lại sản xuất trong thời gian chưa đầy một tháng. Ảnh tư liệu

Công nhân Lê Văn Hiển (thứ hai, phải sang), người thợ điện Xí nghiệp bến Cửa Ông bằng trí nhớ tuyệt vời đã vẽ lại sơ đồ điện, đưa nhà sàng, bến cảng phục hồi trở lại sản xuất trong thời gian chưa đầy một tháng. Ảnh tư liệu

Mặc dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng khi được hỏi về giai đoạn Vùng mỏ khôi phục sản xuất than, ông Hoàng Tuấn Dương, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Than Quảng Ninh vẫn kể lại đầy hào sảng về một giai đoạn mà khí thế trong công nhân mỏ đầy hồ hởi với tinh thần làm chủ và quyết tâm cao nhằm sản xuất than cho đất nước.

Ông Dương nhớ lại: Hồi đó Vùng mỏ mới giải phóng còn thiếu thốn đủ thứ. Vào làm lò ai có gì mặc nấy, có gì đội nấy, giày dép ai có thì đi, ai không có đi chân đất. Vậy mà ai cũng hăng say lao động. Ai cũng nỗ lực quyết tâm làm thật nhiều than cho Tổ quốc. Chính lòng nhiệt tình, sự sáng tạo vượt khó và ý thức làm chủ của người công nhân dưới chế độ mới, đường ray hỏng đã sớm được công nhân mỏ tìm ra vật liệu thay thế. Từ thời hạn 3 tháng mà kỹ sư Pháp xác định, công nhân mỏ nghiên cứu và thấy khả năng có thể rút xuống 22 ngày. Và rồi khi bắt tay vào thực hiện, chính những công nhân mỏ đã khôi phục được chiếc trục hỏng bị đánh giá “lạc hậu”, chỉ trong 20 ngày, vượt kế hoạch 2 ngày so với dự kiến ban đầu của ta và vượt hẳn 50 ngày so với ý định của kỹ sư Pháp, tiết kiệm 1.170 ngày công và hơn 832 vạn đồng nguyên vật liệu.

Xí nghiệp Quốc doanh than Hòn Gai cắm cờ, treo biển trên cổng trong ngày thành lập 15/5/1955.

Xí nghiệp Quốc doanh than Hòn Gai cắm cờ, treo biển trên cổng trong ngày thành lập 15/5/1955.

Niềm vui rất lớn đã đến khi hệ thống đường trục số 2 Đèo Nai đã chở được những tấn than đầu tiên. Ngày 19/8/1955, kỷ niệm 10 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, tàu than đầu tiên đã về đến Hà Nội báo công với Bác Hồ.

Tiếp đà thắng lợi này, công nhân Xí nghiệp Bến Cửa Ông đã nhanh chóng sửa chữa, khôi phục hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng một máy sàng than trước thời gian quy định, tiết kiệm 141 ngày công; đồng thời hệ thống đường sắt vận chuyển than từ Cẩm Phả ra Cửa Ông cũng được phục hồi... Một số ngành phụ trợ như vận tải ô tô, các xí nghiệp tuyển than, các cảng, các nhà máy cơ khí sửa chữa cũng được tìm kiếm phụ tùng thay thế, khôi phục những bộ phận hư hỏng để đưa vào vận hành, phục vụ sản xuất.

Ông Hoàng Tuấn Dương, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Than Quảng Ninh kể cho con gái nghe về giai đoạn khôi phục sản xuất than của Vùng mỏ sau ngày tiếp quản.

Ông Hoàng Tuấn Dương, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Than Quảng Ninh kể cho con gái nghe về giai đoạn khôi phục sản xuất than của Vùng mỏ sau ngày tiếp quản.

"Việc khôi phục đường trục số 2 Đèo Nai và nhà sàng Cửa Ông đã giúp tăng sản lượng than tháng 8/1955 của toàn Vùng mỏ từ 2.400 tấn/ngày lên 3.000 tấn, rồi 3.400 tấn/ngày, gấp 1,5 lần so với ngày đầu tiếp quản. Đây được đánh giá là thành tích nổi bật nhất trong thời kỳ khôi phục sản xuất mỏ còn tiếp tục khôi phục nhà máy, sản xuất hơi hàn, nhà máy luyện than, giải quyết đường điện cao thế ở cảng Cửa Ông phục vụ hoạt động cho các cần cẩu “poóc tích” trong điều kiện thiếu thiết bị kỹ thuật, thiếu kỹ sư và thợ lành nghề" - ông Hoàng Tuấn Dương nhấn mạnh.

Ở mỏ than Mạo Khê - một khu mỏ hoang tàn, sau giải phóng, ban khôi phục mỏ Mạo Khê đã nghiên cứu khai thác lò chợ dốc Salê. Đây cũng là đường lò đầu tiên của Mạo Khê được khôi phục sau giải phóng. Mặc dù đường lò này còn nhiều thiếu thốn nhưng trong quá trình sản xuất, mỏ đã áp dụng nhiều phương pháp để sản xuất có hiệu quả.

Nhờ những nỗ lực sáng tạo phi thường của hơn ba vạn thợ mỏ mà năm 1955, dù chỉ thực sự sản xuất trong 5 tháng, toàn ngành Than vẫn khai thác được 440.000 tấn. Phong trào thi đua “Phá kỷ lục” sôi động khắp các công trường, phân xưởng cùng phong trào học bổ túc văn hóa và các hội diễn văn nghệ, thi đấu thể thao diễn ra thường xuyên, tạo nên khí thế mới khi người thợ mỏ thực sự làm chủ vùng than. 

Bước sang năm 1956, việc khôi phục sản xuất than vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của Vùng mỏ và ngành than. Lúc này, các tuyến đường sắt Cẩm Phả - Cửa Ông, Hòn Gai - Hà Lầm - Hà Tu đã được sửa chữa và đưa vào sử dụng; đồng thời mở nhiều công trường khai thác lộ thiên để mở rộng diện khai thác, tăng sản lượng, giải quyết việc làm cho người thất nghiệp do chế độ cũ để lại. Mỏ Mạo Khê cũng mở thêm các đường lò mới phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất. Nhà nước từng bước trang bị thêm máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển cho ngành than..

Khí thế hồ hởi sản xuất than trên các công trường sau ngày tiếp quản Vùng mỏ. Ảnh tư liệu

Khí thế hồ hởi sản xuất than trên các công trường sau ngày tiếp quản Vùng mỏ. Ảnh tư liệu

Với rất nhiều nỗ lực và quyết tâm, những thắng lợi kỳ diệu trong sản xuất than đã được hiện thực hoá trong từng năm, sản lượng than tăng vọt. Năm 1956 sản lượng khai thác than của Vùng mỏ đã lên tới 1.233.320 tấn (ngang bằng với sản lượng cao nhất thời thịnh vượng của chủ mỏ Pháp) và đến hết năm 1958 với khí thế hăng hái của công nhân mỏ, sản lượng than đã đánh dấu mốc lịch sử vẻ vang đạt 1.633.000 tấn.

Tốc độ tăng trưởng Vùng mỏ không dừng ở đó, do có sự tiếp sức của các nước bạn, sản xuất than đã có điều kiện chuyển sang cơ giới hóa, hiện đại hóa các dây chuyền từ khai thác, vận chuyển, sàng tuyển, bốc rót... Thời kỳ này cả nước hướng về vùng than với niềm tự hào to lớn vì không chỉ có đủ than tiêu dùng mà ngành Than đã tạo được nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước. Chỉ sau hơn 5 năm, ngành Than đã sản xuất được hơn 9 triệu tấn than, trong đó xuất khẩu được trên 5,26 triệu tấn.

Nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Chánh Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh Quảng Ninh - Lê Bùi từng khẳng định trong cuốn hồi ký "Một thời chinh chiến": “Đây là thắng lợi có ý nghĩa chính trị và dân sinh, giáng một đòn trí mạng vào bọn thực dân chủ mỏ đã từng hằn học và dọa chúng ta rằng “Ít ra cũng phải 20 hay 25 năm nữa người An Nam mới đào được than!... Đúng như đường lối của Đảng: Biết tin và dựa vào công nhân lao động và nhân dân Vùng mỏ, biết cách phát động phong trào, chúng ta đã vượt qua trở ngại khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao".

Thực hiện: Khánh Đan
Trình bày: Tất Đạt