
Trong không khí xúc động và tự hào hướng về dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Vùng mỏ, chúng tôi được trực tiếp gặp gỡ những nhân chứng đã có mặt trực tiếp trong ngày tiếp quản năm xưa. Dù đều đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, trong trái tim họ vẫn sống mãi những ký ức và cảm xúc thiêng liêng của những tháng ngày đã đi vào lịch sử.

Ông Nguyễn Cảnh Loan (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) nguyên là Trưởng phòng Tổng hợp, Công an tỉnh Quảng Ninh. Nhớ về thời điểm Vùng mỏ được giải phóng vào tháng 4 đến tháng 11/1955, ông Loan lúc đó đang là chiến sĩ lực lượng Công an Trung ương ở Hà Nội về công tác tại Quảng Ninh. Nhiệm vụ trọng yếu là phải tập trung xây dựng cơ sở, nắm bắt thông tin tình hình từ các nhà máy, xí nghiệp; tâm lý mọi tầng lớp nhân dân; mục tiêu để giữ gìn an ninh trật tự bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ lúc tiếp quản.
Mặc dù tuổi cao, nhưng ông Nguyễn Cảnh Loan vẫn kể giai đoạn khó khăn tiếp quản Vùng mỏ 70 năm trước.
Mặc dù tuổi cao, nhưng ông Nguyễn Cảnh Loan vẫn kể giai đoạn khó khăn tiếp quản Vùng mỏ 70 năm trước.
Trong trí nhớ của mình, ông Loan không thể quên tình cảnh khó khăn lúc đó của Vùng mỏ. Cụ thể, mặc dù thực dân Pháp đã rút, nhưng chúng đã cài cắm lại một số nhóm gián điệp nằm trong đội ngũ trí thức và đồng bào công giáo để tìm cách tuyên truyền chống phá ta. Ở các nhà máy, xí nghiệp, khu mỏ chúng tìm cách phá máy móc gây khó khăn trong hoạt động sản xuất than; đồng thời chúng tuyên truyền luận điệu “Chúa đã vào nam” và “Đức mẹ đồng trinh đã rời miền Bắc” để vận động người dân vùng có đông đồng bào công giáo. Mặt khác bè lũ phản động Voòng A Sáng ở Móng Cái kích động lôi kéo người Hoa sinh sống ở khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả, Yên Hưng, Uông Bí chạy vào miền Nam...
Ông Nguyễn Cảnh Loan tìm từng chi tiết được ông ghi lại trong giai đoạn tiếp quản Vùng mỏ 70 năm về trước.
Ông Nguyễn Cảnh Loan tìm từng chi tiết được ông ghi lại trong giai đoạn tiếp quản Vùng mỏ 70 năm về trước.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ông Loan cùng đồng đội phân tích rõ những tình hình quan trọng. Rằng đội ngũ thợ mỏ dưới thời thực dân Pháp bị o ép, bóc lột, khi được giải phóng, họ là đội ngũ nòng cốt, rất tin tưởng vào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đội ngũ trí thức là các kỹ sư, nhân viên, thợ lành nghề làm việc tại các công ty mỏ, nhà máy điện, cảng... cho Pháp trước giải phóng, nên tâm lý còn e dè, đôi chút lo lắng. Tuy nhiên, đội ngũ này đã được trấn an được cách mạng trọng dụng tiếp tục làm việc theo chuyên môn tại các công trường, nhà xưởng, vận hành thiết bị máy móc phục vụ cho việc tái thiết, khôi phục sản xuất.

Những người lính được tham gia vào đội quân tiến vào tiếp quản Vùng mỏ năm ấy, niềm tự hào ấy chưa bao giờ phai nhạt. Đó là điều mà CCB Lê Ngọc Lâm (phường Hồng Hà, TP Hạ Long), nguyên cán bộ Trung đoàn 244, chia sẻ với chúng tôi.
CCB Lê Ngọc Lâm kể về kỉ niệm kháng chiến hào hùng với đồng đội.
CCB Lê Ngọc Lâm kể về kỉ niệm kháng chiến hào hùng với đồng đội.
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Sư đoàn bộ binh 350 gồm có 5 trung đoàn. Đây là những đơn vị tập hợp từ các chiến trường, địa phương trong các liên khu phía Bắc về làm nhiệm vụ tiếp quản và bảo vệ những thành phố lớn, khu công nghiệp vừa giải phóng. Trong đó có Trung đoàn 244 là một trong 5 trung đoàn được lựa chọn về tiếp quản Vùng mỏ tháng 4/1955.
Theo đúng kế hoạch trên giao, sáng ngày 22/4/1955, đơn vị của CCB Lê Ngọc Lâm vào tiếp quản toàn bộ khu mỏ từ Hòn Gai đến Cẩm Phả (gồm tất cả các mỏ, như: Mông Dương, Đèo Nai, Quang Hanh, Hòn Gai, Nhà máy cơ khí, Nhà máy điện Cột 5…) để giám sát những tên lính Pháp cuối cùng lên tàu ở bến phà Hòn Gai vào ngày 25/4/1955. Đặc biệt, bọn Pháp trước khi rút chúng đã lên kế hoạch vận chuyển những tổ máy phát điện do Mỹ sản xuất còn khá mới và hiện đại đưa ra cảng Cửa Ông để đưa đi. Tuy nhiên, với sự đấu tranh quyết liệt của ta cùng đội ngũ công nhân cảng Cửa Ông lúc đó, buộc chúng không thể đưa thiết bị đi, phải vận chuyển trở lại.
CCB Lê Ngọc Lâm tìm lại số liệu và kỷ vật được ông lưu giữ khi tiếp quản Vùng mỏ.
CCB Lê Ngọc Lâm tìm lại số liệu và kỷ vật được ông lưu giữ khi tiếp quản Vùng mỏ.
Riêng ông Lâm nhận nhiệm vụ quân báo tại Nhà máy điện Cột 5 - vị trí trọng yếu đảm bảo phát điện toàn khu vực Hòn Gai cũng như một số vùng lân cận và các nhà máy, xí nghiệp; phục vụ điện cho nhà thương, bến cảng, sản xuất, kinh doanh toàn khu vực. Tình hình lúc đó, địch có thể tìm cách tháo dỡ, phá hỏng thiết bị máy móc tại Nhà máy điện gây khó cho ta. Hiểu rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ, ông Lâm cùng đồng đội nêu cao tinh thần cảnh giác, chắc tay súng không phút nào ngơi nghỉ, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Mùa xuân này, ông Nguyễn Xuân Quang (phường Cẩm Thành, TP Cẩm Phả) bước sang tuổi 92 với sức khỏe và sự minh mẫn hiếm có. Ông cũng đang là Trưởng Ban liên lạc các cán bộ và gia đình thời kỳ kháng chiến chống Pháp của TP Cẩm Phả. Và với ông, câu chuyện về ngày giải phóng Vùng mỏ là một trong những phần ký ức sâu đậm nhất.
Ông Nguyễn Xuân Quang vẫn giữ thói quen đọc báo để cập nhật tin tức thời sự.
Ông Nguyễn Xuân Quang vẫn giữ thói quen đọc báo để cập nhật tin tức thời sự.
Ngược dòng thời gian trở về năm 1955, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Quang khi ấy vừa hoàn thành khóa đào tạo sơ cấp y tế của khu Hồng Quảng, bắt đầu những tháng đầu tiên nhận công tác tại bệnh xá Cẩm Phả. Tuổi đôi mươi được đứng trong hàng ngũ thanh niên tiến bộ, ông Quang hiểu rõ bối cảnh và diễn biến lịch sử đương thời. Thực dân Pháp thất bại tại Điện Biên Phủ, buộc phải đồng ý với Hiệp định Giơ-ne-vơ. Khu mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả và Hải Phòng lúc đó nằm trong vùng tập kết của quân đội Pháp trước khi rút quân hoàn toàn.
Tính từ ngày đình chiến đến ngày tiếp quản, không khí sục sôi lan tỏa khắp trong làng, ngoài xóm, từng cơ quan, đơn vị, công trường. Quân và dân Vùng mỏ đoàn kết đấu tranh giữ máy móc, không cho quân Pháp di chuyển trái với Hiệp định; vừa tích cực đẩy lùi âm mưu lừa gạt cưỡng ép người dân di cư vào Nam. Tại bệnh xá nơi ông Quang làm việc, không khí lao động ổn định được duy trì, với nỗ lực hạn chế đến mức thấp nhất sự xáo trộn đời sống xã hội trong giai đoạn chuyển giao.
Buổi sáng ngày quân đội ta tiến về tiếp quản Vùng mỏ, ông Quang vẫn đi làm như thường lệ theo đúng lịch trực ban, nhưng chẳng thể nào ngăn tâm trí mình hòa cùng dòng người tấp nập trên con đường lớn. Ai cũng đều nô nức, hân hoan đón chào đoàn xe tiến trung tâm thị xã đầy khí thế. Tiếng hát cười rôm ra hòa cùng tiếng reo hò sung sướng, quang cảnh tưng bừng không tả xiết chưa từng có. Niềm vui đến từ việc trút bỏ được hoàn toàn những gông cùm nô lệ, những chà đạp áp bức, đón nhận tương lai mới độc lập và tự do.

Một nhân chứng khác của ngày giải phòng Vùng mỏ mà chúng tôi được gặp gỡ, là ông Mai Hữu Phần (phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả). Năm 1950, khi chỉ mới 16 tuổi, cậu thiếu niên quê Nam Định theo gia đình ra Hồng Quảng. Để kiếm sống phụ với gia đình, ông Phần hằng ngày đưa cơm cho chủ lên tầng than cao, rồi tham gia đẩy hàng chục lượt xe goòng chở đầy than ra vào mỏ trên các đường trục. Công việc ở mỏ là như vậy, tiền lương thì thấp nhưng vô cùng nặng nề, mức khoán giao cao ngất ngưởng... Những cơ cực ấy chỉ chấm dứt khi Vùng mỏ được hoàn toàn giải phóng, thực dân Pháp rút lui toàn bộ lực lượng theo Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Ông Mai Hữu Phần vẫn nhớ rõ ký ức ngày giải phóng Vùng mỏ 70 năm về trước.
Ông Mai Hữu Phần vẫn nhớ rõ ký ức ngày giải phóng Vùng mỏ 70 năm về trước.
Nhưng ông Phần nhớ rõ, trước khi hoàn toàn rời đi, bọn chủ mỏ sa thải công nhân hàng loạt, tăng giờ làm, tăng mức khoán, lưu lương, bớt gạo... để làm lung lay tinh thần những người thợ. Các máy móc, thiết bị sẽ được di chuyển trái phép vào miền Nam bằng nhiều hình thức, nếu không thì lập tức bị phá hoại... hòng khiến cho chính quyền cách mạng gặp khó khăn khi vào tiếp quản. Trước thủ đoạn ấy của thực dân, công nhân và nhân dân Vùng mỏ đã liên tục đấu tranh, biểu tình, tạo sức ép lớn để bảo toàn các công trường, nhà xưởng, thiết bị... Truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" càng trong gian khó lại càng được tô thắm, góp phần vào thành công của ngày tiếp quản Vùng mỏ đang đến rất gần.
Một ngày trước khi quân ta về tiếp quản, ông Phần cùng các anh em thanh niên phân công nhau cùng làm những chiếc cổng chào để đón đoàn xe tiến về trung tâm thị xã. Người thì tìm gỗ, người tìm tre để làm khung; nhóm khác thì đảm nhận may cờ đuôi nheo, kết vào dây để trang trí... Ai cũng hào hứng và xông xáo với công việc. Sớm hôm sau, lúc trời còn chưa sáng hẳn, anh em đã có mặt đông đủ ở trước rạp chiếu bóng, hăm hở dựng cổng, kết băng rôn khẩu hiệu, tự hào mừng đón quân giải phóng. Những nụ cười ngày hôm đó dường như rạng rỡ hơn bao giờ hết. Không chỉ chiến thắng trên mặt trận quân sự, quân và dân ta đã dành được nhiều thắng lợi trên mặt trận tư tưởng khi nhanh chóng tuyên truyền, ổn định lòng dân, quyết tâm xây dựng cuộc sống mới.
Sau ngày giải phóng Vùng mỏ, ông Mai Hữu Phần làm công nhân, kiêm Thư ký công đoàn bộ phận của công trường thuộc Xí nghiệp Than Cẩm Phả; rồi được vinh dự gặp Bác Hồ khi Người về thăm mỏ Đèo Nai năm 1959. Lời Bác dặn dò năm xưa ông Phần luôn khắc ghi: “Phải cố gắng thi đua, thi đua liên tục, mọi ngành, mọi người thi đua. Muốn thi đua tốt phải giúp đỡ nhau, người giỏi giúp người kém để cùng tiến bộ...”.
Ngày giải phóng Vùng mỏ năm ấy chính là bước ngoặt quan trọng, đặt nền tảng cho sự phát triển vượt bậc của Quảng Ninh hôm nay. Trân trọng giá trị của lịch sử, truyền thống cách mạng, thệ hệ trẻ của Vùng mỏ đang tiếp tục noi gương các bậc cha anh, ghi thêm những thành tích bứt phá của quê hương trong thời kỳ mới.
Ngày xuất bản: 14/4/2025
Thực hiện: DƯƠNG TRƯỜNG - HOÀNG GIANG
Trình bày: MẠNH HÀ