Cách đây tròn 60 năm, trưa 30 tháng chạp và mùng Một Tết năm Ất Tỵ (tức ngày 1 và 2/2/1965) Bác Hồ về thăm, vui Tết với đồng bào, công nhân và bộ đội tỉnh Quảng Ninh. Đó cũng là lần cuối cùng Bác về thăm Quảng Ninh. Chỉ 2 ngày ít ỏi nhưng hết sức quý giá, Người đã dành trọn thời gian tới thăm, nói chuyện với cán bộ, đồng bào và căn dặn phải quyết tâm xây dựng Quảng Ninh thành một tỉnh giàu mạnh. Những tình cảm sâu sắc, lời căn dặn chân tình và cả mong mỏi của Bác dành cho Quảng Ninh đã trở thành động lực để quân và dân Vùng mỏ ra sức thi đua, phấn đấu trong lao động, sản xuất, hiện thực hóa khát vọng xây dựng Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Vọng vang lời Bác
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Cả cuộc đời, Người đã hy sinh tình nhà để lo việc nước. Người để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng. Trong tình thương yêu bao la đó, Người luôn dành tình cảm sâu nặng, sự quan tâm chu đáo, ân cần cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, với 9 lần về thăm. Một trong những dịp đặc biệt ấy là vào Xuân Ất Tỵ 1965, Bác Hồ quyết định về ăn Tết với đồng bào, chiến sĩ Vùng mỏ để biểu dương thành tích tiêu biểu của tỉnh trong những năm mới thành lập.
Đoàn xe của Bác rời Hà Nội đúng ngày 30 tháng Chạp. Trên đường đi, Bác nói với các đồng chí xung quanh, Quảng Ninh vừa lập công xuất sắc, đánh thắng trận đầu ngày 5/8/1964, bắt sống tên giặc lái đầu tiên nên chúng ta phải xuống động viên và chúc mừng. Sắp tới Tổ quốc ta đang rất cần than để đẩy mạnh sản xuất, phục vụ đời sống. Chúng ta xuống Quảng Ninh để động viên quân và dân vùng mỏ đẩy mạnh sản xuất trong năm mới.
Đến Quảng Ninh, Bác ở Khách sạn Hạ Long, tầng 2, phòng số 208, nhìn ra Vịnh Hạ Long. Trên Vịnh Hạ Long gần 20 năm trước, Bác Hồ đã đàm phán với đô đốc Pháp Đác-giăng-li-ơ. Đứng trên con tàu hội đàm, Bác nói với các cán bộ tháp tùng Bác: "Vùng mỏ của nước ta thật đẹp và giàu. Thợ mỏ của ta thật vô cùng anh dũng".
Bác Hồ đi dọc Bãi Cháy. Không xa là trụ sở phòng bưu điện, nơi các nhân viên bưu chính đã dũng cảm bảo vệ máy móc và bắn máy bay địch. Bên phía thị xã Hòn Gai là bến than và Công ty Kiến trúc, nơi các chiến sĩ tự vệ đã chiến đấu quyết liệt. Phía xa là dãy đồi Hà Tu, nơi có trận địa pháo cao xạ đã góp phần bắn rơi máy bay Mỹ. Bác Hồ nói với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thọ Chân sự cảm kích của Bác trước chiến thắng của quân và dân Quảng Ninh đối với không lực Hoa Kỳ.
Sáng mồng một Tết Ất Tỵ, Bác Hồ qua phà Bãi Cháy sang thị xã Hòn Gai. Hàng vạn đồng bào, chiến sĩ, thợ mỏ Quảng Ninh đã tập trung tại sân Trường cấp 3 Hòn Gai để đón và chúc Tết Bác. Từ xa, Bác xuất hiện, nhân dân Quảng Ninh hô to: “Bác Hồ muôn năm”, “Bác Hồ muôn năm”, “Bác Hồ muôn năm”. Với nụ cười hiền hậu, Bác đi bắt tay cán bộ và nhân dân đứng hai bên đường. Bác kể chuyện ba năm về trước và nay Bác về thăm lại thấy tỉnh Quảng Ninh tiến bộ rất nhiều, việc hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh thành công tốt đẹp, Bác rất mừng. Bác gặp và biểu dương các chiến sĩ, công nhân chiến đấu giỏi và đạt năng suất cao.
Bác Hồ khen ngợi những thành tích to lớn trong sản xuất và trong chiến đấu của Quảng Ninh năm 1964. Bác động viên: “Năm ngoái, tỉnh nhà đã giành được hai thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi thứ nhất là ngày mồng 5 tháng 8, quân và dân ta đã cho bọn đế quốc Mỹ một bài học thích đáng, đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ và bắn bị thương một số máy bay khác. Trong thắng lợi đó, quân và dân Vùng mỏ đã bắn rơi 3 máy bay và bắt sống tên phi công Mỹ. Thắng lợi thứ hai là Công ty Than Hồng Gai đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 20 vạn tấn than...”
Vui lòng về thành tích sản xuất của Vùng mỏ, Bác tặng ngành Than "Cờ thưởng luân lưu thi đua khá nhất" (mỗi quý bầu chọn một lần). Quý đầu tiên Bác quyết định tạm giao cho Mỏ Than Đèo Nai. Bác căn dặn thợ mỏ cùng toàn thể nhân dân tiếp tục phát huy thắng lợi trong sản xuất, công tác và sẵn sàng chiến đấu. Bác thân mật nói: "Năm nay Bác tặng Cờ thưởng luân lưu cho cả ngành Than, đơn vị nào muốn được lá cờ thì phải thi đua gương mẫu trong mọi việc. Những cán bộ và công nhân nào xuất sắc nhất Bác sẽ tặng giải thưởng riêng". Bác cho phép các đơn vị ngành Than được trực tiếp báo công với Bác khi hoàn thành kế hoạch vượt thời gian. Bác thường xuyên đọc báo Quảng Ninh, báo Vùng mỏ và đã tặng Huy hiệu của Người cho những công nhân mỏ đặc biệt xuất sắc được các báo biểu dương sau khi đã yêu cầu Tỉnh uỷ Quảng Ninh kiểm tra.
Người cũng nhắc nhở quân và dân toàn tỉnh luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng chiến thắng. Người nhấn mạnh đến vai trò của tỉnh trong việc sản xuất than cho Tổ quốc, nêu lên một số phương hướng phấn đấu của ngành than trong những năm sắp tới.
Là người được giao nhiệm vụ lắp đặt loa phóng thanh, micro để Bác Hồ chúc Tết tại sân Trường cấp 3 Hòn Gai trước hàng vạn đồng bào, chiến sĩ, thợ mỏ Quảng Ninh, ông Phạm Đình Chương (nay 88 tuổi) nguyên cán bộ của Đài Truyền thanh Hòn Gai vẫn nhớ như in kỷ niệm ông và các đồng nghiệp thức xuyên đêm để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ông Phạm Đình Chương chia sẻ: Đó là niềm vinh hạnh nhất cuộc đời của tôi được làm cán bộ tuyên truyền, được trực tiếp nghe Bác huấn thị với nhân dân Vùng mỏ. Đặc biệt hơn, tôi lại là người được gần Bác hơn, gần cả tiếng nói, gần cả dung mạo. Tôi vẫn nhớ Bác Hồ căn dặn rất nhiều nội dung nhưng có lẽ ý nghĩa nhất thời điểm đó là Quảng Ninh được Bác về vui Tết với nhân dân Vùng mỏ trong những ngày Xuân Ất Tỵ. Đó là niềm vui, niềm phấn khởi nhất.
Sau khi dự mít tinh với 2 vạn đại biểu các dân tộc tỉnh Quảng Ninh tại TX Hòn Gai, Bác Hồ cùng đoàn đại biểu Trung ương và tỉnh đã đến chúc Tết nhân dân thôn Khe Cát, xã Minh Thành, huyện Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên), dọc đường đi Bác nghỉ chân ở đồi thông Yên Lập (xã Minh Thành). Sau đó, Bác đến thăm, chúc Tết quân và dân TX Uông Bí (nay là TP Uông Bí), thăm các chuyên gia Liên Xô đang giúp ta xây dựng nhà máy điện, mỏ than, nhà máy cơ khí.
Tại chuyến đi này, Bác Hồ đã căn dặn nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh: “Việc hợp nhất hai tỉnh đã thành công tốt, cán bộ và đồng bào các dân tộc đoàn kết vui vẻ, hăng hái thi đua, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, quyết tâm xây dựng Quảng Ninh thành một tỉnh giàu mạnh”. “Đẩy mạnh hơn nữa Tết trồng cây. Cho đến nay, có nơi làm khá, nhưng nhiều nơi còn kém. Phải làm cho Tết trồng cây thành một phong trào quần chúng vì mai sau nó sẽ là một nguồn lợi rất lớn cho nhân dân”.
Quảng Ninh vươn cao, vươn xa, trở thành một tỉnh giàu mạnh
Trong hành trình hơn 60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh luôn khắc ghi lời căn dặn của Người. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã đoàn kết, từng bước ổn định sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân, dũng cảm chiến đấu góp phần đánh bại cuộc leo thang đánh phá miền Bắc; động viên hàng nghìn con em các dân tộc tham gia bộ đội, chiến đấu trên khắp các chiến trường và lập nhiều chiến công xuất sắc.
Cùng với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chi viện cho chiến trường miền Nam, nhân dân các dân tộc Quảng Ninh cũng phấn khởi bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Đặc biệt, ghi nhớ lời Bác dặn “Phải xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh luôn đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm” quyết tâm đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Đến nay, Quảng Ninh đã có sự đổi thay lớn lao cả về tầm vóc và diện mạo, bứt phá vươn mình trở thành tỉnh năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, trở thành trung tâm đổi mới của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, là cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2024 đạt gần 350.000 tỷ đồng, đứng thứ 7 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt trên 10.200 USD. Thu ngân sách nhà nước luôn vượt chỉ tiêu và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Một trong những dấu ấn nổi bật là đã đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối; kiến tạo không gian và các hành lang phát triển mới.
Quảng Ninh luôn gắn kết chặt chẽ, hài hoà phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, với nhiều chủ trương, chính sách mang tính vượt trội so với nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt chú trọng tới khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Các giá trị lịch sử, văn hóa, di sản thiên nhiên được bảo tồn, tôn tạo, phát huy, gắn với phát triển du lịch. Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp, về đích sớm hơn 2 năm so với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2025; về đích trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị luôn được chú trọng, có nhiều đổi mới. Cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ lãnh đạo các cấp đoàn kết, thống nhất, mạnh dạn đột phá, dám nghĩ, dám làm, có nhiều đổi mới trong phương thức lãnh đạo. Tổ chức bộ máy được tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền được nâng lên. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các chỉ số phản ánh chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân thuộc nhóm đầu cả nước, góp phần phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh Quảng Ninh và ngành Than luôn luôn đồng hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Thực hiện quá trình chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, mặc dù đóng góp ngành Than vào tăng trưởng của tỉnh có xu hướng giảm dần, song vẫn giữ vị trí, vai trò trụ cột đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh và góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Nói về sự phát triển “thay da đổi thịt” của Quảng Ninh sau 60 năm qua kể từ ngày Bác Hồ về thăm 2/2/1965, ông Ngô Mão (85 tuổi) ở khu 1B, phường Hồng Hải, TP Hạ Long xúc động: “Phải nói là một sự đổi thay ngoài sức tưởng tượng! Tôi là một người dân, đảng viên lâu năm sinh sống ở TP Hạ Long, tôi cũng không thể hình dung tốc độ phát triển mạnh mẽ của thành phố hôm nay. Mà đâu chỉ thành phố, gương mặt nông thôn cũng đổi thay tích cực. Khắp các làng quên giờ đây nhà cửa san sát, to đẹp đàng hoàng. Quảng Ninh nằm trong tốp đầu của toàn quốc về phát triển kinh tế, xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “quyết tâm xây dựng Quảng Ninh thành một tỉnh giàu mạnh, nhưng hôm nay chúng ta có có thể tự hào nói rằng, Quảng Ninh hôm nay đã giàu đẹp đúng như mong muốn của Người”.
Trong giai đoạn hiện nay khi cả nước đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những thành quả tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện trong 60 năm qua theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là nền tảng, điều kiện quan trọng để Quảng Ninh tự tin, tự lực, tự cường, hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để hiện thực hóa mục tiêu cao cả, toàn tỉnh đang bắt tay vào thực hiện nhiều nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Đó là hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo chủ trương của Trung ương. Hiện toàn tỉnh đang quyết tâm, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm. Đồng thời, tích cực chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã tổ chức thành công gần 40% đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2025-2027 và dự kiến hoàn thành 100% trong tháng 2/2025. Đại hội Đảng bộ cơ sở hoàn thành trong tháng 4/2024, tiến tới đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025-2030. Đối với nhiệm vụ thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy, đến thời điểm này tỉnh đã hoàn thành xong phương án hợp nhất và đề xuất sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương trước tiến độ đề ra.
Ông Phạm Văn Bộ, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 3, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, cho biết: Bước vào kỷ nguyên mới, việc tinh gọn bộ máy là yêu cầu tất yếu. Tôi tin chắc rằng Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung khi thực hiện thành công việc tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", tin chắc rằng hiệu lực hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước sẽ được nâng lên; chất lượng giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ hiệu quả. Chắc chắn rằng, đất nước, xã hội sẽ có bước phát triển mới, tự tin bước vào kỷ nguyên mới.
Những thành quả đạt được và cả những công việc mà tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện đều hướng đến mục tiêu cao nhất là đưa Quảng Ninh tiếp tục vươn cao, vươn xa, trở thành một tỉnh giàu đẹp, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đúng như lời căn dặn của Bác suốt 60 năm qua.
Thực hiện: Thu Chung
Trình bày: Vũ Đức