
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những chiến công oanh liệt của các chiến sĩ đặc công Rừng Sác vẫn còn được ghi nhớ và trân trọng. Và thật tự hào khi Quảng Ninh - vùng đất mỏ kiên trung đã có hai người con ưu tú góp mặt trong hàng ngũ những chiến sĩ đặc công Rừng Sác anh hùng, trở thành biểu tượng bất diệt của tinh thần quật khởi, của ý chí bất khuất mà bao thế hệ người Việt Nam luôn ghi nhớ và noi theo.
Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Công Bao sinh năm 1947, quê ở xã Cẩm La, huyện Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên). Anh là 1 trong 8 chiến sĩ lừng danh của Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, đơn vị 2 lần Anh hùng, do Đại tá Lê Bá Ước làm Đoàn trưởng.
Ảnh chân dung Anh hùng Nguyễn Công Bao được nhà nhiếp ảnh Văn Sáu - phóng viên mặt trận khi đó ghi lại trước trận đánh cảm tử.
Ảnh chân dung Anh hùng Nguyễn Công Bao được nhà nhiếp ảnh Văn Sáu - phóng viên mặt trận khi đó ghi lại trước trận đánh cảm tử.
Trong trận đánh mưu trí, quyết liệt đêm mùng 2 rạng ngày 3/12/1973, các anh đã thiêu huỷ toàn bộ căn cứ Tổng kho xăng dầu Nhà Bè của Mỹ - Ngụy bên sông Lòng Tàu, Sài Gòn. Anh có biệt tài bơi lặn giỏi từ những ngày mò cua bắt ốc, chăn trâu, cắt cỏ bên sông, cùng bạn bè trang lứa học tiểu học trường làng. Những trang sử của ông cha đánh giặc giữ nước trên dòng sông quê hương đã nung nấu trái tim chàng trai vùng sông biển Hà Nam.
Năm 1968 anh tình nguyện nhập ngũ, được bổ sung vào một đơn vị đặc công thuỷ. Dịp nghỉ phép thăm nhà, anh xây dựng gia đình với cô giáo Vũ Thị Hiệp, người làng Phong Hải. Những ngày hạnh phúc của anh chị quá ngắn ngủi. Rồi anh vội vã về đơn vị huấn luyện các chiến sĩ mới. Tới đơn vị, anh viết thư về cho chị: “Gà gáy hôm đó nhỡ đò, anh đã cởi trần bơi từ bến đò Chanh, dọc sông Chanh qua sông Rừng rộng mênh mông sang bờ Thuỷ Nguyên, rồi chạy bộ về đơn vị kịp giờ điểm danh…”.
Năm 1972, khi chị Hiệp sinh con trai được 2 tháng rưỡi thì anh Nguyễn Công Bao được lệnh lên đường vào chiến trường B làm nhiệm vụ đặc biệt thuộc đơn vị C5, E10, đặc công Rừng Sác. Lúc đó anh đã là một đảng viên với cấp bậc thượng sĩ, chức vụ Trung đội trưởng. Đơn vị chọn thành lập Đội cảm tử gồm 8 người do anh Hà Quang Vóc làm tổ trưởng, anh làm tổ phó, cùng các anh Trần Ngọc Sĩ, Nguyễn Hồng Thế, Phạm Văn Tiềm, Đỗ Hải Quân, Nguyễn Văn Dực, Hoàng Hữu Hinh. Các anh đã làm lễ tuyên thệ, truy điệu sống dưới cờ trong căn cứ Rạch Lá - Ông Kèo, trước khi vào trận đánh Kho xăng Nhà Bè. Hà Quang Vóc và Nguyễn Công Bao đã chỉ huy đồng đội bơi ngầm vượt qua 14 lần hàng rào kẽm gai, chướng ngại vật nguy hiểm, chó bécgiê, ngỗng báo động… của địch để bố trí trận đánh.
Cùng lúc trên đường rút về, những quả mìn đặc biệt do các anh mưu mẹo ém vào các bồn xăng, các điểm hiểm yếu đồng loạt nổ tung, thì anh và Tiềm bị địch phát hiện. Trận đánh diễn ra vô cùng căng thẳng, ác liệt giữa 8 chiến sĩ cảm tử với bọn địch, lực lượng rất lớn gồm bộ binh, nhiều tàu chiến, máy bay trực thăng quần đảo trên sông Lòng Tàu. 6 chiến sĩ ta lọt được ra ngoài. Hai anh Bao và Tiềm đã bị lọt vào vòng vây của 7 chiếc tàu tuần tiễu của địch. Địch bủa vây, bắn xối xả, ném cơ man lựu đạn xuống sông. Bị sức ép kinh khủng dưới nước, hai anh trồi lên, đã bị chúng chao lưới kéo lên tàu. Hai anh còn tiếp tục chiến đấu, tiêu diệt thêm nhiều tên nữa. Biết không thể thoát được, nhưng kiên quyết không để địch bắt sống, Bao và Tiềm đã dùng vũ khí đặc biệt còn lại trong người hy sinh thân mình và huỷ luôn tàu giặc. Những chiến sĩ rút ra ngoài đã trực tiếp quan sát được bối cảnh hy sinh anh dũng của hai anh trên sông…
Sau trận đánh, đơn vị đã nhiều lần bí mật tìm kiếm nhưng vẫn không thể tìm được thi hài của Bao và Tiềm. Hai liệt sĩ được tuyên dương “Hành động Anh hùng” và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Thời điểm đó, hãng thông tấn Roi tơ đã phải thốt lên: “Những chiến sĩ Việt cộng này tinh khôn đến lạ lùng. Họ đã đánh vỡ dạ dày của quân đội Sài Gòn… Họ đã đốt sạch 200 triệu lít xăng trong 12 bồn chứa lớn bằng ngọn lửa rừng rực cháy suốt 12 ngày đêm…”.
Hình ảnh kho xăng Nhà Bè bốc cháy dữ dội trong trận đánh rạng sáng 3/12/1973. Ảnh tư liệu
Hình ảnh kho xăng Nhà Bè bốc cháy dữ dội trong trận đánh rạng sáng 3/12/1973. Ảnh tư liệu
Trận tập kích phá hủy Tổng kho xăng Nhà Bè của Nguyễn Công Bao và đồng đội đã làm chấn động cả thế giới. Sự hy sinh to lớn của các anh không chỉ góp phần làm nên thành công của trận đánh lịch sử, mà còn cắt đứt mạch máu giao thông vận tải của Mỹ - Ngụy Sài Gòn, khiến cho quân Mỹ không thể thực hiện ý đồ đánh chiếm ra miền Bắc, là tiền đề để ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Đặc biệt vào năm 2013, tròn 40 năm sau ngày hy sinh, liệt sĩ Nguyễn Công Bao đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Và đến năm 2014, Quảng Yên đã có một con đường mang tên người anh hùng của quê hương - đường Nguyễn Công Bao. Con đường dài gần 5km, chạy từ đê Cống Vông qua xã Cẩm La đến ngã ba đình Cốc, phường Phong Cốc (TX Quảng Yên).
Nhà thơ Dương Phượng Toại - bạn học của Anh hùng Nguyễn Công Bao đứng tại con đường mang tên ông.
Nhà thơ Dương Phượng Toại - bạn học của Anh hùng Nguyễn Công Bao đứng tại con đường mang tên ông.
Giới thiệu về con đường này, nhà thơ Dương Phượng Toại - bạn học của Anh hùng Nguyễn Công Bao, cho biết: "Con đường này với cư dân làng đảo Hà Nam chúng tôi vô cùng ý nghĩa, cũng là con đường đi qua quê vợ của liệt sĩ Nguyễn Công Bao. Đây là con đường thứ 2 trên đất nước Việt Nam được đặt theo tên người anh hùng của vùng đảo Hà Nam, sau đường Nguyễn Công Bao tại huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh".
“Tôi vô cùng tự hào về Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Công Bao, một người bạn học trường làng thuở thiếu thời của tôi. Tự hào về người con, một chiến sĩ anh hùng quả cảm của quê hương tôi. Anh đã hy sinh hạnh phúc gia đình, hy sinh xương máu góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước để có hạnh phúc hôm nay. Nhân dân rất tự hào về quê hương có con đường mang tên người Anh hùng. Chúng tôi còn ước vọng ngày mái trường Liên cấp I và II xã Cẩm La cũng sẽ mang tên Anh: "Trường Nguyễn Công Bao" để đến mãi sau này các thế hệ con cháu chúng tôi biết ngôi trường mang tên ý nghĩa này và tự hào về truyền thống quê hương. Đó cũng là một cách ứng xử giáo dục về lịch sử quê hương đất nước. Một ứng xử văn minh uống nước nhớ nguồn của hậu thế” - Nhà thơ Dương Phương Toại chia sẻ thêm.
Và cho đến tận bây giờ, tên người anh hùng Nguyễn Công Bao sẽ mãi là niềm tự hào, mến thương của nhân dân Quảng Yên nói riêng và của Vùng mỏ nói chung.
Anh hùng Liệt sĩ Hà Quang Vóc sinh năm 1947 trong một gia đình nghèo ở thôn Yên Định, xã Đầm Hà. Cha làm thợ rèn, mẹ làm nghề nông. Ông là con thứ 5 trong gia đình có 8 anh chị em. Theo tiếng gọi của Đảng và Tổ quốc, năm 1966, ông nhập ngũ, tham gia chiến dịch Khe Sanh. Ba năm sau, ông được đào tạo đặc công ở Đoàn 305. Năm 1971, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Lao động Việt Nam. Ông liên tục nắm giữ những chức vụ quan trọng trong đội đặc công thuộc đội 5, Trung đoàn 10, Đoàn 27, Bộ Chỉ huy Miền, hoạt động ở vùng chính quyền Sài Gòn phòng thủ kiên cố nhất.
Anh hùng Hà Quang Vóc tại chiến khu rừng Sác. Ảnh tư liệu
Anh hùng Hà Quang Vóc tại chiến khu rừng Sác. Ảnh tư liệu
Kho xăng, dầu Nhà Bè lúc bấy giờ được coi là kho hàng của ba hãng nhiên liệu nổi tiếng Caltex, Shell và Essco. Trong đó, Shell là kho lớn nhất, rộng 14ha, 72 bồn xăng. Đây được ví như "cái dạ dày nhiên liệu", cung cấp hơn một nửa số lượng xăng, dầu cho các hoạt động dân sự và quân đội của Mỹ - Ngụy. Chúng coi đây là điểm tập kết nhiên liệu "bất khả xâm phạm" với hàng rào song sắt chẻ ba bùng nhùng, cao khoảng 3,5m. Bên trong kho, bố trí chó nghiệp vụ, mìn, pháo sáng, hệ thống đèn pha, tháp canh rất cẩn mật, chặt chẽ. Tiếp đó là vòng phòng thủ hệ thống thủy địa, trên không có cả máy bay trinh sát L19 và 4 chiếc trực thăng tuần tra, canh gác hàng giờ. Đặc biệt nhất, "đặc khu Rừng Sác" được lính Ngụy canh giữ 24/24h. Việc phá kho "đặc khu" này là một bài toán nan giải cho các chiến sĩ đặc công.
Sau 14 tháng trinh sát, điều tra, đội 5 cử ra 8 chiến sĩ tinh nhuệ nhất, tổ chức thành 2 tổ để thâm nhập vào “con đường máu”. Đội đã tính đến 11 tình huống có thể xảy ra, để tìm cách ứng phó. Đoàn 10 Rừng Sác làm lễ xuất quân cho các chiến sĩ cảm tử quân. Trong lễ xuất quân, chiến sĩ Hà Quang Vóc đã thề “chưa đốt kho Shell, thì chưa trở về”. Đêm mùng 2 rạng sáng mùng 3/12/1973, chiến sĩ Hà Quang Vóc được phân làm đội phó đội 5 thuộc tổ 2 đánh kho xăng. Tổ đặc công cắt rào để cả tổ xâm nhập vào khu kho, vượt qua một bãi đất trống khoảng 200m2. Khi tiếp cận được hàng rào cao 1,5m thì các chiến sĩ chia làm hai nhóm tiếp tục vào trận địa được liệt vào dạng kiên cố nhất áp sát và thực hiện việc đốt cháy kho nhiên liệu. Khoảng gần 1 giờ sáng, kho xăng dầu Nhà Bè đã bị nổ và cháy dữ dội. Quân đội Sài Gòn báo động inh ỏi và xả súng loạn xạ, tàu thuyền náo loạn khúc sông, trên không thì máy bay C47 trút pháo sáng. Chúng la hét om sòm làm náo động cả một vùng. Dưới mưa bom bão đạn, Hà Quang Vóc nhanh chóng thoát thân và ném lựu đạn mở đường máu cho đồng đội chạy thoát. Kho xăng Shell nổ tung và bốc cháy dữ dội suốt 12 ngày đêm rồi lan sang kho của các kho xăng khác. Việc đốt cháy kho xăng, dầu Nhà Bè đã làm kinh động chính quyền Mỹ - Ngụy, chấn động thế giới.
Phần mộ anh hùng liệt sĩ Hà Quang Vóc tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đầm Hà. Ảnh: Thanh Nga (Trung tâm TT-VH Đầm Hà)
Phần mộ anh hùng liệt sĩ Hà Quang Vóc tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đầm Hà. Ảnh: Thanh Nga (Trung tâm TT-VH Đầm Hà)
Sau trận đánh đó, Hà Quang Vóc cùng với các đồng chí đã thực hiện nhiều trận đánh khác. Năm 1974, Hà Quang Vóc là Trung đội trưởng được giao nhiệm vụ tiêu diệt chiếc tàu chở đầy xăng dầu của Mỹ đậu trên sông Lòng Tàu. Đúng ngày xuất kích, ông bị lên cơn sốt, đơn vị đã tính đến chuyện tìm người thay thế, nhưng trước tinh thần tiên phong và ý chí quyết tâm đánh giặc của một đảng viên, đơn vị đã đồng ý giao nhiệm vụ cho ông. Đêm 1/2/1974, Trung đội trưởng Hà Quang Vóc cùng đồng đội là các chiến sĩ đặc công Rừng Sác tay ôm súng, ngực đeo bộc phá được ngụy trang lặng lẽ trườn êm trong dòng sông. Ông ra lệnh cho đồng đội tiến thẳng về phía trước, còn mình tạt ngang sang bên và dùng súng bắn vào một toán lính đánh lạc hướng để đồng đội tiến sát đến cài bộc phá vào mục tiêu và rút lui an toàn. Tiếng nổ khiến lửa đỏ rực bến sông thì cũng là lúc tiếng súng của ông ngừng bắn. Ông đã hy sinh thân mình để giúp cho đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần thực hiện kế hoạch phá vành đai bảo đảm cửa ngõ Sài Gòn, đập tan tuyến đường vận chuyển hàng hóa, vũ khí đạn dược về nội thành Sài Gòn của quân đội của Mỹ - Ngụy.
.

Ghi nhận chiến công của liệt sĩ Hà Quang Vóc, Đảng và Nhà nước ta truy tặng ông Huân chương Quân công hạng Ba và ngày 15/1/1976, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tên ông đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta khắc ghi vào trang sử hào hùng của dân tộc. Để tưởng nhớ và tri ân những công lao to lớn của Anh hùng liệt sĩ Hà Quang Vóc, tên ông đã được đặt cho một con đường ở huyện Đầm Hà. Huyện Đầm Hà cũng đã xây dựng tượng đài người Anh hùng Hà Quang Vóc để tưởng nhớ một người con quê hương Đầm Hà nói riêng và Quảng Ninh nói chung đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu, góp phần nhỏ bé của mình cùng quân dân cả nước đánh thắng quân xâm lược Mỹ và lính Ngụy tay sai.
Hiện nay, tại thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà có một con phố mang tên ông và đã xây dựng tượng đài người Anh hùng Hà Quang Vóc. Đây là một trong những địa chỉ đỏ để nhắc nhở các thế hệ tiếp bước noi theo học tập và rèn luyện.
Kết nạp đoàn viên mới tại tượng đài anh hùng liệt sĩ Hà Quang Vóc tại Đầm Hà.
Kết nạp đoàn viên mới tại tượng đài anh hùng liệt sĩ Hà Quang Vóc tại Đầm Hà.
Anh Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Huyện Đoàn Đầm Hà, chia sẻ: “Sự hy sinh của Anh hùng liệt sĩ Hà Quang Vóc đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng cán bộ, đoàn viên thanh niên và người dân của quê hương Đầm Hà. Anh đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, sự kiên trung và tinh thần đấu tranh không ngừng nghỉ vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Câu chuyện về anh hùng Hà Quang Vóc không chỉ là một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước mà còn là lời nhắc đối với cán bộ, đoàn viên thanh thiếu nhi huyện nhà cần tiếp tục hun đúc và làm giàu thêm truyền thống đạo lý tốt đẹp ấy”.
Rừng Sác đã trở thành nơi chốn linh thiêng, những con người bám trụ, chiến đấu và hy sinh nơi đây góp phần cho hồn thiêng nước Việt trường tồn, bền vững. Câu chuyện về cuộc đời và những chiến công của hai Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Công Bao và Hà Quang Vóc, những người con ưu tú, quả cảm của quê hương Quảng Ninh, cho đến tận hôm nay vẫn được nhắc đến với niềm tự hào, trân trọng và biết ơn sâu sắc. Máu xương các anh đã hòa vào với Đất mẹ để viết tiếp những trang sử hào hùng trên quê hương Việt Nam và trên Vùng mỏ giàu truyền thống cách mạng.
Ngày xuất bản: 28/4/2025
Thực hiện: Thu Hoài
Trình bày: Vũ Đức