
Quá trình chuyển đổi số của tỉnh Quảng Ninh đã và đang được triển khai toàn diện, kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc. Tỉnh và các địa phương, các ngành đã tích cực, chủ động thực hiện chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của Đề án Chính quyền điện tử và dữ liệu số đã có; đi đôi với đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với cải cách hành chính. Qua đó, nhằm chuyển đổi căn bản lề lối, phương thức làm việc trong hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân.
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, quan điểm xuyên suốt của Quảng Ninh là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ cấp chữ ký số cá nhân miễn phí cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Song Hà
Các đơn vị cung cấp dịch vụ cấp chữ ký số cá nhân miễn phí cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Song Hà
Thực hiện quan điểm này, tại Kế hoạch chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh được UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 13/3/2024, Quảng Ninh cũng xác định năm 2024 tỉnh ưu tiên chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm có liên quan mật thiết đến người dân như: an sinh xã hội, y tế, giáo dục, du lịch, tổ chức cán bộ, hải quan, xuất nhập khẩu… Từ đó, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất.
Trong năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện rà soát, cắt giảm các giấy tờ khi đã khai thác được thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, 100% TTHC tại tỉnh Quảng Ninh đã loại bỏ hoàn toàn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, thay vào đó là áp dụng 7 phương thức khai thác thông tin công dân mà chủ yếu sử dụng, khai thác trực tuyến từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp người dân không phải cung cấp các loại giấy tờ chứng minh thông tin cư trú. Tháng 7/2024, tỉnh bắt đầu ứng dụng VNeID trong giải quyết TTHC, giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí khi thực hiện các biểu mẫu kê khai. Tài khoản VNeID có thể thay thế CCCD và nhiều loại giấy tờ khác như giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, đăng ký xe… Hệ thống cũng đảm bảo bảo mật thông tin, tránh giả mạo và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao dịch trên môi trường điện tử. Với VNeID, người dân có thể nộp hồ sơ TTHC tại nhà và theo dõi tiến độ xử lý qua ứng dụng.
Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Qua đó, giúp giảm thời gian, chi phí đi lại của người dân, doanh nghiệp cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; tránh được tệ nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ một bộ phận cán bộ công quyền; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ… 25/12/2024, Quảng Ninh có tổng số dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần là 1.307 dịch vụ công (trong đó: 604 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt tỉ lệ 46,2%), 703 dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt tỉ lệ 53,8%).
Cán bộ BHXH tỉnh tiếp nhận và giải quyết các thủ tục liên quan BHXH, BHYT tại Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long. Ảnh: Dương Trường
Cán bộ BHXH tỉnh tiếp nhận và giải quyết các thủ tục liên quan BHXH, BHYT tại Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long. Ảnh: Dương Trường
Cùng với đó, các cơ quan hành chính của tỉnh đã thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ TTHC ngay từ bước tiếp nhận đầu vào theo phương thức quét (scan) hồ sơ, kết quả và đính kèm lên hệ thống Một cửa điện tử. Các sở, ngành, địa phương đã chủ động rà soát, chuẩn hóa quy trình giải quyết TTHC trên môi trường điện tử với quy trình 5 bước (Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu - ký sổ, trả kết quả) hoàn toàn trên môi trường điện tử, trong đó trọng tâm là số hóa toàn bộ hồ sơ giải quyết TTHC gắn với chữ ký số điện tử trong toàn bộ quy trình và được triển khai 100% TTHC đủ điều kiện tại 3 cấp chính quyền. Tỉnh đã trang cấp hơn 300 chữ ký số cá nhân cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia quy trình giải quyết TTHC và chứng thư số thứ hai cho các sở, ban, ngành, địa phương; quản lý tập trung có hiệu quả đồng bộ với 22 con dấu thứ hai và 21 chứng thư số thứ hai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh phát huy hiệu quả giải quyết TTHC theo quy trình “5 bước tại chỗ” và “5 bước trên môi trường điện tử” giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng giám sát quy trình TTHC của các đơn vị, địa phương.
Tính đến nay, cấp tỉnh đã số hóa 57.877 hồ sơ đầu vào, đạt tỉ lệ 99,1%; trả 57.900 kết quả bản điện tử, đạt tỉ lệ 98%; cấp huyện đã số hóa 134.139 hồ sơ đầu vào, đạt tỉ lệ 99,3%; trả 130.141 kết quả bản điện tử, đạt tỉ lệ 93,9%; cấp xã đã số hóa 201.881 hồ sơ, đạt tỉ lệ 98,3%; trả 199.790 kết quả bản điện tử, đạt tỉ lệ 96,7%.

Xác định đẩy nhanh chuyển đổi số phải bằng nền tảng công nghệ, Quảng Ninh đã “đi trước, đón đầu”, tập trung xây dựng hạ tầng “mềm”, hạ tầng số từng bước đồng bộ, hiện đại phục vụ chuyển đổi số. Toàn tỉnh hiện có trên 6.100 trạm phát sóng di động; Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 112,8%. Hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 97,14%. Tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 4G trở lên đạt 99,8%; số thuê bao điện thoại đạt tỷ lệ 1,3 thuê bao/người; tỷ lệ dân số được phủ sóng Internet đạt 100%.
Đặc biệt, Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc phát triển và ứng dụng CNTT thời gian qua. Trong đó nổi bật là việc ưu tiên ứng dụng CNTT sâu rộng vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội; triển khai rộng rãi và hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến; đào tạo nguồn nhân lực CNTT chủ chốt trong các cơ quan nhà nước; phổ cập kỹ năng số cho người dân… Qua đó tiến nhiều bước vững chắc trên tiến trình chuyển đổi số toàn diện.
Tháng 8/2024, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp Hội Tin học Việt Nam công bố báo cáo Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (ICT Index) năm 2023. Theo đó, với điểm số 0,6514, Quảng Ninh đứng ở vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng ICT Index năm 2023. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Quảng Ninh duy trì vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng. Ở 3 chỉ số thành phần, Quảng Ninh cũng đều đứng ở vị trí thứ 3 toàn quốc với chỉ số Hạ tầng kỹ thuật đạt 0,68 điểm; chỉ số Hạ tầng nhân lực đạt 0,52 điểm; chỉ số Ứng dụng công nghệ thông tin đạt 0,75 điểm.
Từ ngày 19-22/11/2024, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức Tuần lễ số quốc tế Việt Nam lần thứ 3 tại TP Hạ Long. Ảnh: Cao Quỳnh
Từ ngày 19-22/11/2024, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức Tuần lễ số quốc tế Việt Nam lần thứ 3 tại TP Hạ Long. Ảnh: Cao Quỳnh
Trong dòng chảy chuyển đổi số, Quảng Ninh cũng đã và xây dựng môi trường thuận lợi để hình thành cộng đồng công dân số. 1.463 Tổ công nghệ số cộng đồng với gần 11.640 thành viên tại các thôn, bản, khu phố trên địa bàn thường xuyên tuyên truyền để người dân nắm, biết các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số, công nghệ số; phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân về Đề án 06, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, cài đặt sử dụng ứng dụng VNelD và các tiện ích, ứng dụng số khác.Tỉnh đã hoàn thành việc cấp thẻ CCCD gắn chíp cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn. Hiện đang tiếp tục thu nhận hồ sơ để cấp thẻ Căn cước cho số công dân đủ độ tuổi và số trường hợp cấp đổi, cấp lại theo Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Từ ngày 01/7/2024 đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận 343.385/1.420.789 trường hợp, đạt tỉ lệ 24,17%. Trong đó: từ 14 tuổi trở lên 76.857/1.116.166 trường hợp, đạt tỉ lệ 6,89%; từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi 166.728/198.493 trường hợp, đạt tỉ lệ 84%; dưới 6 tuổi 99.900/107.088 trường hợp, đạt tỉ lệ 93,29%.
Cùng với đó, hoàn thành thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho 886.691 công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh, đạt tỉ lệ 100%; hoàn thành chuẩn hóa thông tin đối với 1.503.651 thuê bao chính chủ, đạt tỉ lệ 100%; 100% người dân trong độ tuổi lao động có sử dụng điện thoại thông minh; tỉ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử đạt 95%... Tính đến nay, các nhà mạng Viettel Quảng Ninh, VNPT Quảng Ninh đã cung cấp miễn phí 48.313 chữ ký số cho người dân để thực hiện nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến (VNPT 21.438 thuê bao, Viettel 26.875 thuê bao).
Trong đời sống xã hội, các hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều công nghệ mới, hiện đại trên nền tảng thiết bị di động như mobile banking, thanh toán trực tuyến… đóng góp tích cực vào tiến trình chuyển đổi số. Đã có 68 chợ trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện mô hình (riêng thành phố Hạ Long đã triến khai mô hình tại 100% chợ trên địa bàn thành phố). Tỉ lệ doanh nghiệp và tổ chức nộp thuế điện tử đạt 99,78%. Nhiều khách sạn, công ty du lịch, lữ hành đã ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào hoạt động kinh doanh như mua bán tour, đặt phòng trực tuyến, vận hành các phần mềm để quản trị văn phòng, tài chính… Hệ thống các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã và đang tập trung nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại, công nghệ AI vào khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân… 100 cơ sở y tế trong tỉnh thực hiện chuyển đổi số; 18/21 cơ sở khám chữa bệnh đã áp dụng bệnh án điện tử, đạt 85,7%. 50% người dân trưởng thành tham gia và sử dụng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; 100% người dân được cập nhật thông tin sức khỏe và dữ liệu khám chữa bệnh.
Đoàn thanh niên xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) hướng dẫn người dân sử dụng các tiện ích từ Smartphone.
Đoàn thanh niên xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) hướng dẫn người dân sử dụng các tiện ích từ Smartphone.
Để đáp ứng xu hướng mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đã tự tạo kênh bán hàng riêng, tự đăng các sản phẩm rao bán, livestream bán hàng trực tuyến. Đã có gần 350 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn, như: Sendo, Tiki, Shopee, Lazada...; hơn 160 sản phẩm OCOP đã lên sàn Voso.vn, hơn 100 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart.vn. Tại Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh (http://teqni.gov.vn) đang có gần 150 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giới thiệu và bán gần 400 sản phẩm thuộc các ngành hàng: Thực phẩm - ẩm thực; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; nội thất, trang trí, lưu niệm và dịch vụ;...
Mặc dù đã có những thành quả đáng tự hào nhưng công tác chuyển đổi số ở Quảng Ninh vẫn còn có những hạn chế. Đó là chuyển đổi số ở một số ngành, lĩnh vực chưa có đột phá, kết quả chưa rõ nét, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp để thúc đẩy kinh tế số trên địa bàn chưa đạt yêu cầu đề ra. Chính vì thế, trong năm 2025, tỉnh quyết tâm đổi mới tư duy về chuyển đổi số, thực hiện thành công mục tiêu năm 2025 sẽ thuộc nhóm dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng của cả nước và trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.

Thực hiện: Bảo Bình
Trình bày: Hùng Sơn