Giữa những ngày tháng chiến tranh khốc liệt, khi bom rơi đạn nổ trở thành một phần của cuộc sống, biết bao câu chuyện tình yêu vẫn âm thầm lớn lên, trở thành nguồn động viên mạnh mẽ cho những người lính ngoài chiến tuyến. Ở Vùng mỏ Quảng Ninh, những cô gái trẻ tiễn người thương ra trận với niềm tin son sắc, với lời hẹn thề gói trọn trong những bức thư tay, những kỷ vật yêu thương gửi vào chiến trường. Những câu chuyện tình yêu thời chiến, dẫu gian nan, dẫu thử thách, vẫn sáng mãi như minh chứng cho lòng son sắt, cho niềm tin vào đất nước thắng lợi, vào ngày mai sum vầy.

Bà Bùi Thị Bình (SN 1949) - cô gái của thôn Núi Đanh, xã Tiền An, TX Quảng Yên năm xưa đã dành trọn những tháng năm thanh xuân để chờ đợi ông Trần Huy Thưởng (SN 1949) - người con trai đã rời quê hương theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tham gia chiến đấu, giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước.

Bà Bùi Thị Bình và ông Trần Huy Thưởng xã Tiền An, TX Quảng Yên trò chuyện về những năm tháng thanh xuân trong chiến tranh ác liệt. 

Bà Bùi Thị Bình và ông Trần Huy Thưởng xã Tiền An, TX Quảng Yên trò chuyện về những năm tháng thanh xuân trong chiến tranh ác liệt. 

Họ từng là đôi bạn cùng làng, cùng lớp, cùng sẻ chia những giấc mơ tuổi trẻ. Nhưng khi chiến tranh, con đường họ đi chia thành hai hướng. Năm 1968, ông Thưởng khoác ba lô lên đường nhập ngũ, còn bà Bình theo đuổi sự nghiệp sư phạm với ước mơ trở thành một giáo viên. Ngày chia tay, hai ông bà chẳng có lời hẹn ước tròn đầy, chỉ một câu dặn dò tha thiết: “Em ở lại, anh đi chiến đấu. Khi nào thắng quân thù, anh sẽ quay về cưới em.”

Và từ đó, ông bà gửi nhớ thương qua những cánh thư hiếm hoi. Trong chiến trường ác liệt, từ năm 1968 đến 1972, bà nhận được vỏn vẹn ba lá thư của ông Thưởng gửi về. Nhưng từ năm 1972, khi đơn vị ông nhận lệnh đi B, những lá thư gửi về rất hiếm, rồi bặt vô âm tín. Bà Bình sống trong những ngày tháng mong chờ mỏi mòn, mỗi ngày đều ngóng trông một lá thư, một tin tức dù chỉ là nhỏ nhất về người thương. Bà Bình tâm sự: Suốt 8 năm không tin tức, mẹ già khuyên nhủ, bạn bè giục giã: “Con chờ mãi làm gì? Có khi… người ta chẳng còn nữa”. Nhưng lời hứa "Khi nào thắng quân thù, anh sẽ quay về với em" vẫn luôn vang vọng trong tôi, trở thành động lực để tôi vững lòng chờ đợi. Tôi đã nói với mọi người rằng “Bao giờ có giấy báo tử của anh Thưởng, tôi mới thôi chờ”.

Tình yêu đợi chờ son sắt của bà Bình là động lực tiếp thêm sức mạnh để ông Thưởng chiến thắng quân thù, được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng 3. 

Tình yêu đợi chờ son sắt của bà Bình là động lực tiếp thêm sức mạnh để ông Thưởng chiến thắng quân thù, được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng 3. 

Câu nói của bà Bình không chỉ khẳng định tình yêu mà còn là lòng kiên trung, son sắt của bà đối với người lính đang ngày đêm chiến đấu nơi chiến trường. Đó còn là niềm tin mãnh liệt vào ngày đất nước toàn thắng, vào ngày người thương bình an trở về.

Năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, những người lính lần lượt trở về quê hương trong niềm hân hoan của cả dân tộc. Đối với bà Bình, đó không chỉ là niềm vui chiến thắng mà còn là khoảnh khắc đoàn tụ thiêng liêng sau 8 năm dài đằng đẵng chờ đợi người đàn ông của đời mình. Bà xúc động kể: Giữa tháng 5/1975, khi đang tập huấn giáo viên ở Hạ Long, tôi nhận được tin ông Thưởng đã trở về. Trái tim như vỡ òa, xúc động đến nghẹn ngào. Người đàn ông mà mình từng ngày mong ngóng, người mà tôi tin tưởng và giữ trọn lòng thủy chung bấy lâu đã thực sự trở về bằng xương bằng thịt, chứ không phải là một di ảnh hay tờ giấy báo tử. Khoảnh khắc ấy, niềm hạnh phúc như vỡ òa, không lời nào có thể diễn tả hết...

Bà Bùi Thị Bình và ông Trần Huy Thưởng cùng con cháu trong nhà xem lại những thước phim tài liệu về cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước và những bằng khen, huân chương của hai ông bà trong năm tháng chiến đấu.

Bà Bùi Thị Bình và ông Trần Huy Thưởng cùng con cháu trong nhà xem lại những thước phim tài liệu về cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước và những bằng khen, huân chương của hai ông bà trong năm tháng chiến đấu.

Sau bao năm xa cách, ông bà tổ chức đám cưới - một đám cưới muộn nhưng tràn đầy yêu thương và viên mãn. Họ cùng nhau xây dựng tổ ấm, cùng nuôi dạy con cháu trưởng thành, cùng nhau đi qua những tháng ngày thanh bình sau chiến tranh.

Ông Thưởng cũng không giấu được sự xúc động khi nhớ lại ngày trở về: “Cuộc chiến khốc liệt tưởng chừng đã cướp đi tất cả, nhưng may mắn thay, tôi đã trở về. Và điều hạnh phúc nhất là người con gái năm xưa vẫn chờ đợi tôi nơi quê nhà, vẫn dành cho tôi một tình yêu vẹn nguyên như ngày đầu”.

Khi tuổi đã xế chiều, hai ông bà vẫn bên nhau, vẫn dành cho nhau những cử chỉ ân cần như thuở ban đầu

Khi tuổi đã xế chiều, hai ông bà vẫn bên nhau, vẫn dành cho nhau những cử chỉ ân cần như thuở ban đầu

Giờ đây, khi tuổi đã xế chiều, hai ông bà vẫn bên nhau, vẫn dành cho nhau những cử chỉ ân cần như thuở ban đầu. Trong căn nhà nhỏ ấm áp, ông Thưởng thường kể lại những năm tháng chiến tranh, những lần vào sinh ra tử, và hơn hết là nhắc về người đã chờ đợi ông suốt quãng thời gian ấy. Cuộc đời họ là minh chứng cho tình yêu son sắt, thủy chung của người phụ nữ Việt Nam - một tình yêu bất chấp thời gian, gian khó, để rồi cuối cùng cũng có một kết thúc viên mãn, trọn vẹn.

Sức mạnh của những bức thư tay, những bức ảnh kỉ niệm trao gửi trong chiến tranh cũng đã khiến những chàng trai, cô gái có thêm động lực để chiến đấu cho ngày độc lập. Tấm ảnh chân dung đen trắng cùng dòng chữ được viết nắn nót “Kỷ niệm em khi xa nhau” của chàng trai Lê Văn Hán (SN 1945) ở TX Hòn Gai năm xưa gửi cho mối tình đầu của mình là cô gái thanh niên xung phong Nguyễn Thị Chi (SN 1947) cũng đã trở thành “Kỷ vật tình yêu”, là động lực để cô gái ấy chờ đợi chàng trai suốt 13 năm.

Năm 1962, theo tiếng gọi tiêng liêng của Tổ quốc, bà Nguyễn Thị Chi lên đường tham gia thanh niên xung phong, trở thành người cấp dưỡng tận tụy trong một đơn vị hải quân. Cùng thời điểm ấy, ông Lê Văn Hán cũng khoác ba lô, lên đường hành quân vào chiến trường miền Nam, mang theo trái tim rực lửa của tuổi trẻ và một lời hẹn thầm lặng với người con gái mình thương.

Họ không có những buổi hẹn hò bên nhau, không có những lời thề non hẹn biển, chỉ có một bức ảnh chân dung đen trắng của ông Hán gửi tặng bà, trên đó nắn nót dòng chữ: "Kỷ niệm em khi xa nhau" và bức ảnh bà Chi chụp gửi tặng ông. Đó chính là lời thổ lộ thầm lặng của đôi lứa yêu nhau nhưng phải chia xa bởi chiến tranh và cũng là kỷ vật mang niềm tin để người con gái chung thủy một lòng, đợi chờ mòn mỏi với niềm tin sắt đá rồi người thương sẽ trở về; là sức mạnh cho người ở tiền tuyến bước qua cuộc chiến khốc liệt, giành chiến thắng.

Bà Chi nghẹn ngào: 13 năm đằng đẵng, một vài lá thư ngắn ngủi và chỉ duy nhất bức ảnh chân dung anh gửi tặng tôi là bằng chứng duy nhất cho tình yêu của chúng tôi lúc bấy giờ. Tuổi xuân cứ thế trôi đi, người ta bảo tôi dại, chờ đợi trong hư vô, nhưng lúc đó tôi chỉ mỉm cười nói: Tình yêu đâu tính bằng năm tháng. Tôi cũng tự nhủ rằng chỉ cần anh còn sống, dù ở đâu, tôi cũng sẽ đợi…

Ngồi kế bên bà, ông Hán cũng bồi hồi kể lại với chúng tôi: Ngày ấy, chiến trường miền Nam đánh nhau ác liệt lắm, tôi thì rất nhớ nhà, nhớ người yêu. Chỉ mong được một ngày nghỉ ngơi để biên thư về nhà. Nhưng mà giặc nó có cho bộ đội Việt Nam một ngày được thảnh thơi đâu, nhiều lúc tôi cũng cố tìm cách để liên lạc về nhà nhưng đánh nhau như thế, đường dây liên lạc Bắc - Nam bị gián đoạn nên không có cách nào khác, chỉ biết chiến đấu hết mình mong được sớm hòa bình trở về với gia đình, người yêu thôi.

13 năm - một quãng thời gian dài đằng đẵng, chiến tranh khiến bao cặp đôi ly tán, nhưng bà Chi vẫn lặng lẽ chờ đợi. Bức ảnh kỷ vật, những lá thư bạc màu theo năm tháng chính là niềm tin, là sức mạnh giúp bà vượt qua những tháng ngày nhớ thương da diết, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến đấu. Còn với ông Hán, bức ảnh của người con gái nơi quê nhà cũng chính là nguồn sức mạnh, giúp ông vững vàng trên chiến trường, lập nhiều chiến công và trở thành "Dũng sĩ diệt Mỹ".

Đất nước hòa bình, ông Hán trở về quê hương sau những năm tháng cống hiến nơi chiến trường. Bà Chi vẫn đợi chờ như lời hẹn năm nào. Tình yêu ấy, sau bao thử thách, cuối cùng cũng đơm hoa kết trái. Hai ông bà nên duyên vợ chồng, cùng nhau xây dựng một mái ấm giản dị nhưng tràn đầy yêu thương.

Bức ảnh đen trắng năm xưa giờ đã úa màu theo thời gian, nhưng tình yêu của họ vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Một tình yêu vượt qua bom đạn, vượt qua thử thách của thời gian, trở thành biểu tượng bất diệt của lòng chung thủy và sức mạnh của niềm tin.

Bà Nguyễn Thị Chi và ông Lê Văn Hán (phường Cao Xanh, TP Hạ Long) ôn lại kỷ niệm cùng xem bức ảnh chụp ngày hai ông bà gặp lại nhau sau khi Đất nước thống nhất. 

Bà Nguyễn Thị Chi và ông Lê Văn Hán (phường Cao Xanh, TP Hạ Long) ôn lại kỷ niệm cùng xem bức ảnh chụp ngày hai ông bà gặp lại nhau sau khi Đất nước thống nhất. 

Hai bức ảnh chân dung trắng đen là tín vật tình yêu thời chiến của vợ chồng bà Chi và ông Hán.

Hai bức ảnh chân dung trắng đen là tín vật tình yêu thời chiến của vợ chồng bà Chi và ông Hán.

Bức ảnh chân dung của ông Hán cùng dòng chữ nắn nót "Kỷ niệm em khi xa nhau" là niềm tin, sức mạnh giúp bà Chi vượt qua những tháng ngày nhớ thương da diết trong thời chiến. 

Bức ảnh chân dung của ông Hán cùng dòng chữ nắn nót "Kỷ niệm em khi xa nhau" là niềm tin, sức mạnh giúp bà Chi vượt qua những tháng ngày nhớ thương da diết trong thời chiến. 

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm đến một ngôi nhà nhỏ ở khu phố 3A, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả. Ngay từ đầu ngõ, tiếng đàn guitar vang lên, hòa quyện cùng giọng hát mộc mạc nhưng thấm đượm tình cảm:

"Từ ngày anh đi, việc đồng em giỏi giang
Ruộng cấy chăng dây cấy lúa thẳng hàng…"

Giai điệu ấy xuất phát từ Thượng úy Nguyễn Mạnh Đát (SN 1950), người chiến sĩ đặc công quả cảm từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước. Ông dành tặng những ca từ ấy cho người vợ tần tảo của mình - bà Bùi Thị Miền (SN 1951). Khúc hát cũng là minh chứng sống động cho tình yêu thủy chung, bền bỉ giữa thời bom đạn của ông bà.

Thượng úy Nguyễn Mạnh Đát dành tặng những ca từ ngọt ngào cho vợ mình là bà Bùi Thị Miền.

Thượng úy Nguyễn Mạnh Đát dành tặng những ca từ ngọt ngào cho vợ mình là bà Bùi Thị Miền.

Năm xưa, ông Đát là một chàng trai thư sinh, đàn hay, hát giỏi, còn bà Miền là cô gái duyên dáng, nết na, vừa đẹp người lại đẹp nết. Ông bà đem lòng cảm mến nhau từ những năm cấp ba, nhưng tình yêu vừa chớm nở đã phải đối mặt với thử thách lớn lao của thời cuộc. Năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, chàng sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Mạnh Đát gác lại sách bút, tình nguyện lên đường ra trận, quyết tâm góp phần chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước.

Ngày tiễn biệt, bà Miền khi ấy mới 16 tuổi, cố giấu đi những giọt nước mắt sau đôi mắt đong đầy niềm hy vọng. Giữa giây phút nghẹn ngào, bà chỉ kịp dặn một câu ngắn gọn: “Anh cứ yên tâm chiến đấu, ở nhà có em lo”. Đó không chỉ là một lời hứa, mà còn thể hiện sự đảm đang, là ngọn lửa ấm áp sưởi ấm lòng người lính giữa bom đạn chiến trường.

Vợ chồng ông Đát, bà Miền hạnh phúc khi nhìn ngắm lại hình ảnh cưới năm xưa. 

Vợ chồng ông Đát, bà Miền hạnh phúc khi nhìn ngắm lại hình ảnh cưới năm xưa. 

Tấm ảnh cưới năm 1972 của vợ chồng ông Đát, bà Miền.

Tấm ảnh cưới năm 1972 của vợ chồng ông Đát, bà Miền.

Giữa những năm tháng chiến tranh khốc liệt, những lá thư từ chiến trường gửi về ngày một thưa thớt. Dù chỉ đôi dòng vội vã nhưng mỗi con chữ đều mang theo hơi ấm, trở thành ngọn lửa nhỏ sưởi ấm lòng bà Miền trong những ngày dài mong đợi. Có những lá thư đã thất lạc giữa chiến tranh, có những lời nhắn gửi chưa kịp đến tay, nhưng niềm tin trong tim bà chưa bao giờ lung lay. Bà Miền xúc động nhớ lại: “Khi đó, dù không biết ngày mai sẽ ra sao, nhưng tôi vẫn tin rằng một ngày nào đó, khi đất nước hòa bình, tôi sẽ lại được nhìn thấy ông ấy trở về”. Chính niềm tin son sắt ấy đã trở thành điểm tựa, giúp bà vượt qua những tháng ngày, nuôi hy vọng về một ngày đoàn tụ trong hòa bình.

Năm 1972, ông Đát được về phép thăm quê. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, một đám cưới giản dị nhưng tràn ngập hạnh phúc đã diễn ra. Tuy nhiên, niềm vui lứa đôi chỉ kéo dài vỏn vẹn ba tháng, ông lại khoác ba lô lên đường ra trận.

Lần này, không còn là cô gái trẻ tiễn người yêu lên đường, bà Miền trở thành người vợ tiễn chồng ra trận. Hiểu những gian lao, hiểm nguy nơi chiến tuyến, bà Miền càng quyết tâm trở thành hậu phương vững chắc. Nhớ lại giây phút ấy, bà xúc động bộc bạch: “Trong thâm tâm, tôi không muốn chồng đi, vì giữa những năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy, biết bao người ra đi mà không bao giờ trở về. Nhưng tôi vẫn đặt trọn niềm tin vào ngày chiến thắng, tin rằng anh ấy sẽ trở về. Vì thế, tôi động viên anh, ở nhà bố mẹ già có em lo, công việc đồng áng em quán xuyến, anh cứ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ với đất nước, bình an trở về với gia đình".

Ngày đất nước hòa bình, khi ông Đát trở về, bà Miền vỡ òa trong hạnh phúc. Bao năm tháng đằng đẵng đợi chờ, những lo âu khắc khoải, những đêm dài cô đơn giờ đây đều tan biến trong cái ôm siết chặt ngày đoàn viên. Giây phút ấy, bà biết rằng niềm tin và sự kiên trì của mình đã được đền đáp xứng đáng.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bà Miền vẫn là người vợ sẻ chia, thấu hiểu đồng hành với người chồng của mình.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bà Miền vẫn là người vợ sẻ chia, thấu hiểu đồng hành với người chồng của mình.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bà Miền vẫn là người phụ nữ tảo tần, sớm hôm lo toan, luôn kề vai sát cánh bên người chồng từng vào sinh ra tử. Hạnh phúc của họ không chỉ là những tháng năm bên nhau, mà còn là sự sẻ chia, thấu hiểu, là tình nghĩa vợ chồng bền chặt qua mọi thăng trầm của cuộc đời. Nhìn lại chặng đường hơn 60 năm, ông Đát ánh mắt lấp lánh niềm hạnh phúc nói: “Cuộc sống như thế là viên mãn rồi. Hai vợ chồng bên nhau qua bao năm tháng mà vẫn hạnh phúc. Được quây quần bên con cháu, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm vui buồn - đó là món quà quý giá nhất mà tôi có được”.

Tình yêu của những người vợ, những cô gái Quảng Ninh chờ chồng, chờ người yêu giữa bom đạn chiến tranh không chỉ là bản tình ca da diết của một thời khói lửa, mà còn là biểu tượng thiêng liêng của lòng thủy chung và sự hy sinh cao cả. Dẫu tháng năm có dài, dẫu gian khó có chất chồng, tình yêu ấy vẫn không hề phai nhạt, mà càng thêm rực rỡ. Chính sự son sắt, kiên cường ấy đã làm nên hậu phương vững chắc, tiếp thêm sức mạnh cho những người lính nơi tiền tuyến, trở thành một biểu tượng đẹp đẽ về người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến.

Thực hiện: Trúc Linh
Trình bày: Hùng Sơn