
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Giao thông là mạch máu của tổ chức, giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng, giao thông xấu thì các việc đình trệ”. Bao nhiêu năm qua lời nói của Người vẫn vẹn nguyên giá trị khi thực tế đã khẳng định hạ tầng giao thông là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương. Có kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách… thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững.
Hiểu được điều đó, Quảng Ninh đã không ngừng nỗ lực, tranh thủ nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, mở đường cho sự phát triển kinh tế- xã hội và tạo thuận lợi thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Sáng ngày 26/1/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành cầu Tình Yêu, tuyến đường bao biển nối thành phố Hạ Long với thành phố Cẩm Phả của tỉnh Quảng Ninh. Thủ tướng và đoàn công tác cũng đã đi thông tuyến kỹ thuật cao tốc Vân Đồn-Móng Cái. Phát biểu sau khi thăm các công trình giao thông của tỉnh, Thủ tướng đã nhấn mạnh: Việc phát triển hạ tầng giao thông tại Quảng Ninh có ý nghĩa quan trọng. Tỉnh đã góp phần thực hiện và chứng minh sự đúng đắn trong chủ trương, đường lối rất lớn của Đảng về phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông. Các dự án hạ tầng giao thông giúp đẩy mạnh kết nối vùng, liên kết Quảng Ninh với các địa phương vùng Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, chứng minh tinh thần tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể" và chứng minh bản lĩnh, tinh thần đoàn kết, thống nhất của lãnh đạo địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Cầu Tình Yêu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Cầu Tình Yêu.
Nhận định của Thủ tướng đã khái quát một cách sâu sắc nhất những quyết tâm cũng như sự thành công trong xây dựng các công trình giao thông của Quảng Ninh. Bám sát các đột phá chiến lược mà Đảng đã đề ra, tỉnh đã ưu tiên triển khai đột phá chiến lược về đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nốỉ vùng, liên vùng, nội vùng. Đặc biệt, với quyết tâm chính trị cao và tư duy đổi mới, đột phá trong cách nghĩ, cách làm, tỉnh đã huy động được nguồn lực to lớn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với hàng loạt các dự án lớn, có ý nghĩa chiến lược và vai trò động lực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung.
Thực tế cho thấy, hiệu quả công tác đầu tư công của Quảng Ninh ngày càng cải thiện, đầu tư tập trung trọng điểm các dự án lớn, quan trọng, có tính toán liên kết kết nối, có tác động lan tỏa lớn góp phần quan trọng vào xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng vững chắc. Tổng số kế hoạch vốn đầu tư giai đoạn 2005 - 2020 là 119.082 tỷ đồng, tăng bình quân 19,9%/năm, kế hoạch vốn năm 2021 là 17.310 tỷ đồng, gấp 16 lần so với năm 2005. Với việc đẩy mạnh phân cấp cũng như tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung nguồn lực cho đầu tư, tổng lực dành cho đầu tư của cả tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 là 71.107 tỷ đồng , gấp 2,1 lần giai đoạn 2011 - 2015 và gấp 4,8 lần giai đoạn 2005 - 2010.
Trong đó, tổng nguồn vốn ngân sách Quảng Ninh dành cho chi đầu tư phát triển ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi ngân sách địa phương (trên 50%), tỷ lệ giải ngân vốn/kế hoạch ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch giai đoạn 2011 -2015 đạt bình quân 88,3%; giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân 90,96%, năm 2021 đạt 93%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn bố trí cho các công trình dự án trọng điểm (có tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng) chiếm hơn 46% tổng nguồn vốn phân bổ cho các dự án khởi công mới. Việc bố trí vốn đầu tư được tập trung có trọng tâm, trọng điểm, tập trung các công trình có tính động lực cao, góp phần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình, dự án vào sử dụng phát huy hiệu quả.

Đến nay đã hoàn thành đưa vào khai thác đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; Dự án Cầu Cửa Lục 1, 3; Đường bao biển nối thành phố Hạ Long - thành phố Cẩm Phả; Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Triều và đường dẫn nối QL 18 (thị xã Đông Triều) với Đường tỉnh 389 (huyện Kinh Môn, Hải Dương); triển khai cải tạo nâng cấp đồng bộ hệ thống đường tỉnh đảm bảo tính kết nối, lan tỏa như: Đường tỉnh 338, 331B, 326; Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18C; Đường nối QL4B với QL18C; Đường nối từ đường tỉnh 398B (Hải Dương) với đường tỉnh 345 (Quảng Ninh)...; đồng thời đang triển khai thực hiện các dự án giao thông quan trọng, động lực như: Dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, phối hợp cùng Hải Phòng triển khai xây dựng cầu Lại Xuân, cầu Bến Rừng..., nhằm đảm bảo kết nối liên thông tổng thể liên vùng.
Với quan điểm "Giao thông đi trước một bước", đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển gắn với tái cơ cấu đầu tư công hằng năm đều đạt trên 53% tổng chi NSĐP và kiên trì thực hiện có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trung bình cứ 01 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8-9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào Quảng Ninh. Nhờ đó, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2014 - 2020 đã huy động được trên 123.000 tỷ đồng vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng, tạo sự bứt phá về hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ,...

Điều đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế trở thành giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, dịch vụ, du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế, với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực, có tính lan tỏa cao theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và xã hội đảm bảo nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn. Quảng Ninh đã chủ động kết nối, mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước đầu tư dự án vào địa bàn. Mạnh dạn, linh hoạt vận dụng đầu tư theo hình thức PPP với các hình thức đầu tư, quản trị phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng dự án, với thực tiễn của địa phương, coi trọng hiệu quả sau đầu tư.
Tỉnh đã kêu gọi và các Nhà đầu tư đã thực hiện đầu tư các dự án đường cao tốc, Cảng hàng không quốc tế với số vốn đầu tư lớn. Đến nay, đã triển khai 46 dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng số vốn 58.800 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước tham gia chiếm 10%, chủ yếu tập trung cho công tác GPMB; trung bình cứ 01 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8 - 9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào Quảng Ninh.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định, Quảng Ninh là hình mẫu trong huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông. Tỉnh đã chủ động đề xuất những giải pháp huy động nội lực kết hợp thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng giao thông, giúp giải quyết được điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội. Thành công và kinh nghiệm của Quảng Ninh là tư liệu quý để các cơ quan Trung ương phối hợp tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sớm thông qua nghị quyết để tạo cơ sở triển khai trên toàn quốc, là hình mẫu cần được nhân rộng.




Giao thông là mạch máu của nền kinh tế, muốn kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng nói chung, giao thông phải đi trước một bước. Đây là điều tâm huyết của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong quá trình phát triển của tỉnh. Chính nhờ vậy, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã được ưu tiên đẩy nhanh xây dựng, hiện đại hóa. Qua đó, đã thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ, tạo nên những hành lang, không gian phát triển mới, được tính toán, cân nhắc với kiến tạo cảnh quan - kiến trúc công trình mang dấu ấn bản sắc địa phương để phục vụ cho phát triển du lịch và tăng cường năng lực đối trọng xuyên biên giới.

Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn.
Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn.
Với việc ưu tiên, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chất lượng cao cả nội tỉnh và liên tỉnh, cả đường bộ, đường biển và hàng không; nhờ đó, hạ tầng giao thông của tỉnh vượt trội và vượt xa so với các địa phương khác. Cụ thể: sân bay quốc tế Vân Đồn thuộc loại hiện đại nhất trong cả nước; Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai; Đường cao tốc Vân Đồn–Móng Cái kết nối Quảng Ninh với Hải Phòng, Hà Nội; các đường quốc lộ kết nối với Bắc Giang (Quốc lộ 279), với Lạng Sơn (Quốc lộ 4B), và với Hải Dương (Quốc lộ 18). Quảng Ninh hiện cũng là địa phương có số km cao tốc dài nhất Việt Nam, với khoảng 200 km, bằng 10% độ dài cao tốc của cả nước.
Bên cạnh đó, giao thông đô thị cũng không ngừng phát triển. Trên cơ sở các đồ án quy hoạch, các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung đô thị, tỉnh Quảng Ninh đã dành nguồn lực, đồng thời kêu gọi được nhiều nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án giao thông trọng điểm như: Tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; mở rộng tuyến đường Trần Quốc Nghiễn, cầu Bài Thơ 1,2, thành phố Hạ Long; tuyến đường nối KCN Cái Lân, KCN Việt Hưng với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; tuyến đường nối cảng hàng không Vân Đồn với khu công viên phức hợp... Ngoài ra, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực phối hợp với các tỉnh trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ để triển khai các hoạt động hợp tác, kết nối như: Phối hợp với Hải Dương xây dựng cầu Triều kết nối Đông Triều với Kinh Môn; phối hợp với thành phố Hải Phòng triển khai các thủ tục xây dựng dự án cầu Rừng, dự án cầu Lại Xuân, dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 10...

Với những kết quả đã đạt được, đến nay, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc khi có sân bay, đường cao tốc và hệ thống cảng biển hiện đại. Thông qua đó, kêu gọi được các nhà đầu tư phát triển các dự án hạ tầng dịch vụ du lịch, thương mại, các dự án hạ tầng văn hóa, thể thao, các dự án hạ tầng công nghiệp và các dự án khu đô thị cao cấp, tạo diện mạo mới của các đô thị, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các dự án hạ tầng giao thông được đầu tư, đưa vào khai thác đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo nên một diện mạo mới cho hạ tầng giao thông Quảng Ninh theo hướng hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn, đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế. Hiện tỉnh Quảng Ninh đang triển khai đầu tư xây dựng một số dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa động lực như: Dự án Đường ven sông kết nối từ Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến Đông Triều với chiều dài 46,8 km, quy mô 10 làn xe; Phối hợp với thành phố Hải Phòng sớm đầu tư xây dựng hoàn thành các dự án cầu Rừng, cầu Lại Xuân, Tiếp tục đề xuất Bộ Giao thông vận tải triển khai dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B, Quốc lộ 279; xem xét khởi động lại đầu tư đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Theo nhiều chuyên gia, với hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ và đang phát triển vượt trội, Quảng Ninh sẽ tiếp tục mở rộng không gian phát triển, tạo ra cơ hội đầu tư phát triển vô cùng lớn trong không gian phát triển. Quảng Ninh sẽ trở thành điểm giao thông trung chuyển, trung tâm logistics của Vùng và quốc gia, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN. Điều này cũng đã được minh chứng bằng thực tế là Quảng Ninh đã và đang kết nối thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không giữa các vùng trong tỉnh, với tất cả các địa phương khác và với quốc tế. Đồng thời, những thay đổi về địa chính trị kết hợp với những xu thế mới trong môi trường kinh tế toàn cầu đang thúc đẩy chuyển dịch chuỗi cung ứng từ các nước Châu Á khác, nhất là từ Trung Quốc đến Việt Nam; và Quảng Ninh chắc chắn là một điểm được ưu tiên lựa chọn.
Hiện tỉnh đang kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng một số cảng biển quan trọng như: Nam Tiền Phong, Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Mũi Chùa; xây dựng các bến du thuyền tiêu chuẩn quốc tế tại vịnh Cửa Lục. Quy hoạch các trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng biển; trung tâm logistics chuyên dùng gắn với sân bay Vân Đồn; trung tâm logistics gắn với cửa khẩu: Móng Cái, Hoành Mô - Đồng Văn, Bắc Phong Sinh và các trung tâm logistics gắn với công nghiệp, đô thị, các vùng nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Định hướng phát triển các cảng, bến trên các tuyến vận tải chính, các tuyến luồng đường thủy nội địa quốc gia, luồng đường thủy nội địa địa phương.
Như vậy, một trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ dần hình thành ở Quảng Ninh; làm cho Quảng Ninh trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; một trung tâm du lịch chất lượng cao. Nhờ đó, Quảng Ninh sẽ thành điểm trung chuyển kết nối trung chuyển giao thông, trung tâm logistics của toàn Vùng; là điểm đến và dừng chân của du khách quốc tế chất lượng cao.

Để những điều này thành hiện thực, tỉnh Quảng Ninh kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển.
Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật công nghệ phát triển hệ thống giao thông thông minh để điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông, giảm thời gian, chi phí đi lại, thuận tiện và thân thiện với môi trường... Cùng với đó là phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đa dạng và tiên tiến, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối giữa các đảo, xác định đây là giải pháp quan trọng trong thời gian tới của tỉnh Quảng Ninh để đáp ứng nhu cầu giao thông trong tương lai, cũng như xu thế phát triển của thời đại.



Thùy Linh
Trình bày: Hùng Sơn