Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 19:31 (GMT +7)
Những con số
Chủ nhật, 30/11/2014 | 06:25:08 [GMT +7] A A
Trong nghiên cứu khoa học hay trong công tác điều tra, những con số thống kê thường rất hay được sử dụng. Từ những con số thống kê, người ta có thể đưa ra những kết luận, những suy đoán, dự báo v.v.. về một vấn đề nào đó, thuộc một lĩnh vực nào đó, một cách tương đối chính xác; thậm chí trong nhiều trường hợp, những con số thống kê đôi khi còn có tính thuyết phục, có thể làm thay đổi cả nhận thức ban đầu về bản chất sự việc mà người điều tra đang quan tâm...
Tuy nhiên, những con số thống kê cũng giống như “con dao hai lưỡi”; nếu đó là kết quả của một sự điều tra nghiêm túc, tỉ mỉ, trên một diện rộng... thì không nói làm gì; nhưng nếu quá trình điều tra mà tiến hành hời hợt, diện điều tra thiếu chọn lọc, thiếu khách quan v.v.. thì chính những con số thống kê thu được lại làm sai lệch bản chất sự việc, phản ánh không đúng thực tế khách quan đang diễn ra...
Nói cái điều mà hầu như ai cũng biết này là bởi hiện nay việc sử dụng các con số thống kê theo kiểu như vậy không phải không có. Có thể do sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu trách nhiệm khi tiến hành điều tra, cũng có thể do cố ý muốn “nắn” các con số theo ý mình, người làm thống kê thường “làm xiếc” với chúng. Ở một xã nọ, năm vừa qua có 2 gia đình thuộc diện hộ nghèo, cuối năm chỉ còn 1 gia đình; và trong báo cáo tổng kết năm, khi đề cập đến việc giảm nghèo, người ta chỉ nói “trong năm có 50% số gia đình đã thoát nghèo...”. Đây là con số chính xác, không bắt bẻ vào đâu được; thế nhưng, từ đó tính tỷ lệ phần trăm thì rõ ràng là không thuyết phục, vì số đối tượng thống kê quá ít, chưa mang tính khái quát. Tương tự, khi theo dõi trên báo chí, truyền hình, ta vẫn thường nghe nói đến những con số tai nạn giao thông ở đâu đó giảm hàng mấy chục phần trăm “so với cùng kỳ năm trước” (mà thực chất là chỉ giảm 1 hoặc 2 vụ...). Chính cái tỷ lệ phần trăm ấy đã khiến cho người nghe đánh giá sai thực tế; từ đó sẽ đưa ra những suy luận, dự báo không chính xác!
Nếu đọc các báo cáo tổng hợp của các cơ sở, địa phương, đơn vị v.v.. vào dịp tổng kết năm, có thể thấy không ít trường hợp thống kê và sử dụng những con số thống kê “non” như thế. Hầu như trong bất cứ lĩnh vực nào cũng có hiện tượng này. Và như nói ở trên, cho dù đó là do vô tình hay cố ý “làm xiếc”... thì hậu quả mà nó mang lại cũng đều rất nguy hiểm. Vậy nên, chưa nói tới những “con số ma”, những con số không có thực v.v.. mà ngay cả những con số thống kê được coi là chính xác(?) thì khi xem xét, đánh giá chúng vẫn cần có sự tỉnh táo, nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan.
Hiện nay đang là thời điểm các ngành, các cấp, các địa phương, cơ quan, đơn vị v.v.. tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả một năm công tác và bàn định kế hoạch cho năm sau. Và chắc chắn trong các báo cáo tổng hợp không thể không có những con số thống kê. Mong rằng đó là những con số phản ảnh đúng bản chất thực tế, đừng có những con số thống kê theo kiểu “làm xiếc”...
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()