Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. 79 năm đã đi qua nhưng dấu ấn về cuộc cách mạng mùa thu năm ấy vẫn còn in đậm trên quê hương Vùng mỏ, trên những di tích xưa hay qua những câu chuyện kể của những nhân chứng lịch sử.

Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử, là niềm tự hào của cả dân tộc, mà những bài học ý nghĩa, sáng tạo từ cuộc cách mạng để lại vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước hôm nay. Tự hào truyền thống, nhân dân Vùng mỏ Quảng Ninh không ngừng nỗ lực, đoàn kết, đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng quê hương, đất nước vững bước trên mỗi chặng đường phát triển mới.

"Bác Năm Vùng mỏ" là cách gọi thân mật về cụ Nguyễn Ngọc Đàm (SN 1922), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh (1964-1980), người đi theo cách mạng từ những ngày đầu Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Đây cũng là tên cuốn hồi ký ghi lại quá trình hoạt động cách mạng và những đóng góp của cụ trên vùng đất Quảng Ninh, nơi tái hiện rõ nét hồi ức về mảnh đất, con người Quảng Ninh qua mỗi thời kỳ lịch sử.

Tết Độc lập đầu tiên

Chúng tôi may mắn được gặp, được trò chuyện với cụ trong căn nhà ấm cúng của cụ và gia đình tại phường Hồng Hà (TP Hạ Long). Năm nay đã 102 tuổi, dù mới trải qua một vài biến cố về sức khỏe, khiến mọi hoạt động như nói, đi lại đều trở nên khó khăn hơn, nhưng cụ vẫn rất minh mẫn, vẹn nguyên ký ức về những ngày Cách mạng Tháng Tám.

Cụ Nguyễn Ngọc Đàm và con gái đọc cuốn hồi ký "Bác Năm Vùng mỏ".

Cụ Nguyễn Ngọc Đàm và con gái đọc cuốn hồi ký "Bác Năm Vùng mỏ".

Cụ Nguyễn Ngọc Đàm và con gái đọc cuốn hồi ký "Bác Năm Vùng mỏ".

Cụ bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tiên mình trở về Vùng mỏ hoạt động cuối năm 1945, được phân công phụ trách Nhà máy điện Cọc 5 và khu vực Bãi Cháy thuộc Đặc khu Hòn Gai. Thời điểm này cũng là Tết Nguyên đán, cái Tết đầu tiên đất nước ta được sống trong không khí độc lập, tự do. Vì mới giành độc lập, cơ sở vật chất còn thiếu thốn đủ bề, các cơ quan chủ yếu sống nhờ vào sự giúp đỡ, san sẻ của nhân dân, nhưng với tình đồng chí, đồng đội, tinh thần đoàn kết, thân mật, tận tình, đã khiến mọi người dù mới gặp nhau lần đầu như đã quen từ lâu.

Người dân Vùng mỏ khi ấy, nhất là công nhân lao động, tuy còn nghèo, nhưng đều rất phấn khởi, hào sảng. Không khí ngày Tết Độc lập đầu tiên vô cùng sôi động, ý nghĩa, nhiều hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian được tổ chức. Đặc biệt, cờ đỏ sao vàng và cờ đỏ búa liềm được treo ở tất cả các dãy phố, trước mỗi cửa nhà, mỗi con đường, ngã rẽ, cả thị xã như được bao quanh bởi sắc đỏ rực rỡ của tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc. Người dân lao động thực sự làm chủ nước nhà sau bao năm sống cực khổ dưới ách thống trị của thực dân Pháp.

Sống trong không khí ấy, trong niềm hân hoan ấy, "Trong lòng tôi tràn đầy một niềm tin, một khát vọng của tuổi trẻ. Bởi dẫu cơm ăn chưa đủ no, áo mặc chưa đủ ấm, nhưng những gì mắt thấy, tai nghe ở Vùng mỏ này vẫn còn như mới hôm qua, nó đã theo tôi trên những bước đường công tác sau này", cụ xúc động nói.

Giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Hòn Gai (Tranh trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh).

Giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Hòn Gai (Tranh trưng bày tại Bảo tàng tỉnh).

Giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Hòn Gai (Tranh trưng bày tại Bảo tàng tỉnh).

Qua 3 ngày Tết, người lính ấy trở lại với công việc. Bối cảnh trong nước lúc đó, sau khi lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân ta được thực hiện quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu để bầu ra đại biểu Quốc hội khóa I, và đến ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được thông qua.

Trong lúc này, Đảng chủ trương phải chuẩn bị một cách tích cực, chủ động đối phó với cuộc xâm lược trở lại của thực dân Pháp ở Nam Bộ và sự uy hiếp của quân Tưởng ở miền Bắc, nhằm lật đổ chính quyền cách mạng. Có thể nói, trong giai đoạn này, cách mạng nước ta đứng trước rất nhiều khó khăn thử thách. Cùng một lúc Đảng ta phải tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp, giải quyết nạn đói, diệt giặc dốt, tránh phải đương đầu với nhiều kẻ thù cùng một lúc.

"Đối với tôi, được trở lại Vùng mỏ là một sự may mắn. 2 năm (1946-1947) hoạt động tại đây đã giúp tôi được trưởng thành về nhiều mặt, được trải nghiệm thực tiễn đấu tranh trong vùng địch chiếm đóng; được phân công những nhiệm vụ đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ và linh hoạt, khôn khéo thì mới có thể hoàn thành, kể cả trong những trận chống càn quét của kẻ thù. Khi ấy nơi đây được biết đến là vùng đất giàu truyền thống với tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” đã giành thắng lợi tại cuộc Tổng bãi công của 3 vạn thợ mỏ năm 1936. Đặc biệt là Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với lực lượng vũ trang từ Đệ tứ Chiến khu Đông Triều cùng sự ủng hộ của quần chúng đã giành chính quyền về tay nhân dân", cụ chia sẻ.

Quảng Ninh sau ngày tiếp quản

Sáng 25/4/1955, quân và dân khu Hồng Quảng tổ chức lễ mít tinh trọng thể chào mừng ngày giải phóng hoàn toàn khu mỏ; ra mắt Ủy ban Quân chính Hồng Quảng, đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhận lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi tiếp quản Vùng mỏ, nhiệm vụ quan trọng của chính quyền non trẻ lúc bấy giờ là khôi phục các cơ sở hầm mỏ, nhà máy. Đồng thời tập trung giải quyết hậu quả hết sức nặng nề do thực dân Pháp để lại, đặc biệt là nạn đói, nạn dốt và thất nghiệp rất nghiêm trọng, sản xuất trong tỉnh chỉ đủ cung cấp 1/3. Mặt khác phải tiếp tục đối phó với bọn phản động trong nước được cài cắm ở lại.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Đàm (người đứng, đội mũ cối) trên ô tô về tiếp quản TX Hòn Gai ngày 25/4/1955. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Cụ Nguyễn Ngọc Đàm (người đứng, đội mũ cối) trên ô tô về tiếp quản TX Hòn Gai ngày 25/4/1955. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Cụ Nguyễn Ngọc Đàm (người đứng, đội mũ cối) trên ô tô về tiếp quản TX Hòn Gai ngày 25/4/1955. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Là người đứng đầu của chính quyền khu mỏ, cụ đã tập trung lãnh đạo khôi phục sản xuất than và hoạt động của các nhà máy cơ khí để phục vụ việc sửa chữa máy móc, phương tiện cho khai thác hầm lò, nhất là ở khu vực Cẩm Phả. Cùng với đó, thực hiện chủ trương khai hoang phục hóa ruộng đất, làm thủy lợi, thu mua lâm thổ sản, vừa giải quyết việc chống nạn đói, vừa tích lũy. Với tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm", hăng hái lao động, không quản khó khăn gian khổ, sản xuất đã bước đầu đạt được nhiều kết quả tốt, các xí nghiệp hầm mỏ nhanh chóng ổn định, tạo nên sự phấn khởi, lạc quan, tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng, vào Đảng và chính quyền, của nhân dân Vùng mỏ. Kể từ khi ấy, hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp, ruộng vườn, đồi núi, sông biển đã do nhân dân ta làm chủ, để chuẩn bị bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh thống nhất nước nhà và xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc của miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cụ Nguyễn Ngọc Đàm và con gái chăm sóc cây cối trong vườn nhà.

Cụ Nguyễn Ngọc Đàm và con gái chăm sóc vườn nhà.

Cụ Nguyễn Ngọc Đàm và con gái chăm sóc vườn nhà.

20 năm kể từ năm 1960, với 16 năm trên cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh (Chủ tịch UBND tỉnh), cụ Nguyễn Ngọc Đàm đã phát huy vai trò lãnh đạo, phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, anh dũng trong đấu tranh chống Mỹ, cần cù sáng tạo trong lao động, phát huy tiềm năng lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế một cách đồng bộ và hiệu quả, vững chắc; với nhiều mô hình mới, cách làm mới được tổ chức. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày được nâng cao, tình hình chính trị được ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững. Quảng Ninh đã tạo cho mình một vị thế mới trong tiến trình đổi mới, mở cửa, hội nhập của đất nước.

Từ một Tiểu đội ở Đệ tứ Chiến khu trước Cách mạng Tháng Tám, Ký Con phát triển thành Trung đội, Đại đội với nhiều chiến công vang dội sau này. 

Trước khi trở thành Đại đội Ký Con đánh đồn Cao Cô Tô, Trung đội Ký Con là đơn vị chủ lực Chiến khu Trần Hưng Đạo. Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh

Trước khi trở thành Đại đội Ký Con đánh đồn Cao Cô Tô, Trung đội Ký Con là đơn vị chủ lực Chiến khu Trần Hưng Đạo. Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh

Trước khi trở thành Đại đội Ký Con đánh đồn Cao Cô Tô, Trung đội Ký Con là đơn vị chủ lực Chiến khu Trần Hưng Đạo. Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh

Sự phát triển của Tiểu đội thành Đại đội Ký Con gắn liền với tên tuổi Đại đội trưởng Lê Phú. Cụ Lê Phú đang sống tại số nhà 27, ngõ 517, đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, người đàn ông gần chạm ngưỡng bách niên nhưng còn rất minh mẫn, lật dở những kỷ vật thời tham gia cách mạng như chạm vào miền ký ức xa xăm thuở nào. 

Cụ Lê Phú trao tư liệu liên quan đến Đại đội Ký Con cho lãnh đạo huyện Cô Tô.

Cụ Lê Phú trao tư liệu liên quan đến Đại đội Ký Con cho lãnh đạo huyện Cô Tô.

Cụ Lê Phú trao tư liệu liên quan đến Đại đội Ký Con cho lãnh đạo huyện Cô Tô.

Cụ Lê Phú SN 1925, quê ngoại ở phường Cộng Hòa (TX Quảng Yên). Năm 1940 Lê Phú vào làm công nhân Nhà máy Cơ khí Uông Bí, cuối năm 1942 gia nhập thủy binh Pháp. Tháng 4/1945 Lê Phú bắt liên lạc được với Nguyễn Bình, Tư lệnh Chiến khu Đông Triều, được lệnh của Nguyễn Bình, tháo 2 khẩu đại liên trên tàu để đưa về trang bị cho nghĩa quân. 

Lá cờ đỏ thắm thêu dòng chữ "Ký Con"

Sau khởi nghĩa ở Đông Triều, Chí Linh và tước vũ khí địch ở phủ lỵ Kinh Môn, lãnh đạo Chiến khu đã có chủ trương đồng thời đánh cả Uông Bí và Bí Chợ để địch không thể ứng cứu cho nhau. Thời điểm đó, Bí Chợ là trại thanh niên Đại Việt do phát xít Nhật huấn luyện, cũng là trường đào tạo sĩ quan Đảng Đại Việt do một quan hai Nhật trực tiếp chỉ huy. Trại Bí Chợ án ngữ trên đường 18.

Theo sách "Đại đội Ký Con" do NXB QĐND ấn hành năm 1991, vào khoảng 5 giờ ngày 1/7/1945, có sự nội ứng của người trong trại, đội du kích ta được trang bị thêm 2 tiểu liên băng tròn 50 viên đạn cùng với súng trường, đã ém sẵn ở gần buồng ngủ của lính Đại Việt. Khi kẻng báo thức nổi lên, quân du kích chốt chặn các cửa buồng ngủ và hô to: Việt Minh đây nằm im.

Tranh vẽ nghĩa quân Đệ tứ chiến khu Đông Triều.

Tranh vẽ nghĩa quân Đệ tứ Chiến khu Đông Triều trong đó có những chiến sĩ Ký Con.

Tranh vẽ nghĩa quân Đệ tứ Chiến khu Đông Triều trong đó có những chiến sĩ Ký Con.

Bị bất ngờ, tất cả đều không dám chống cự. Chưa đầy 5 phút, quân du kích đã làm chủ trại Bí Chợ, chiếm kho súng, thu 5 xe bò chiến lợi phẩm gồm 100 súng, toàn bộ quân trang quân dụng và đạn dược. Việt Minh tuyên bố giải tán trường huấn luyện Bí Chợ, kêu gọi mọi người đi theo cách mạng. Ai không theo thì cho về quê quán làm ăn.

Cụ Lê Phú kể: Sau chiến thắng Bí Chợ, số quân của Chiến khu Đông Triều đã lên tới gần 400 người, được biên chế thành các trung đội tương đối hoàn chỉnh lấy tên là Hoàng Hoa Thám, Phạm Hồng Thái, Hoàng Văn Thụ. Sau chiến thắng này Tiểu đội Ký Con được thành lập. Lê Phú được cử làm Tiểu đội trưởng. Đội viên là du kích của Chiến khu và 4 lính Đại Việt tình nguyện theo cách mạng. Ban đầu Tiểu đội họp bàn việc đặt tên. Có 2 ý kiến đặt tên Ký Con, là bí danh của Đoàn Trần Nghiệp, lãnh tụ Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo, một thanh niên nhiệt huyết chống Pháp đã bị thực dân kết án tử hình. Ý kiến được  đồng thuận, Ủy ban Quân sự cách mạng Chiến khu chuẩn y. Các chị em Phụ nữ cứu quốc ở Đông Triều tặng cho Tiểu đội một lá cờ đỏ thắm có thêu dòng chữ "Ký Con". 

Trận đầu ra quân đã giành chiến thắng

Sau đó ít ngày, Tiểu đội Ký Con bổ sung 2 tiểu đội du kích để xây dựng một Trung đội; trong đó có 1 tiểu đội do đồng chí Lê Hai làm Tiểu đội trưởng. Trung đội Ký Con được coi là đơn vị chủ lực, là đội dự bị của Chiến khu, đóng ở trại Sếu cách chùa Bắc Mã, nơi được chọn là đại bản doanh của Ủy ban Quân sự cách mạng Chiến khu chừng 7km. Hằng ngày Trung đội Ký Con làm nhiệm vụ bảo vệ Chiến khu và huấn luyện quân sự. 

Tháng 7/1945, thế và lực của quân du kích cách mạng trên đà phát triển mạnh, Ủy ban Quân sự cách mạng Chiến khu chủ trương mở rộng phạm vi hoạt động và ảnh hưởng nhằm gây thanh thế của Việt Minh bằng những cuộc tiến công quy mô lớn hơn. Sau khi nghiên cứu tình hình, Ủy ban Quân sự cách mạng quyết định đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên. Tư lệnh Nguyễn Bình quyết đánh chiếm Quảng Yên với 3 trung đội tham gia; trong đó có 2 tiểu đội của Trung đội Ký Con do Trung đội trưởng Lê Phú chỉ huy. 

Sơ đồ diễn biến trận tập kích đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên.

Sơ đồ diễn biến trận tập kích đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên.

Sơ đồ diễn biến trận tập kích đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên.

Chiều 19/7, nghĩa quân vượt sông từ Đông Triều về, bí mật bao vây Quảng Yên. Rạng sáng 20/7, quân ta đánh thẳng vào trại lính bảo an; bên trong đã có người của ta làm nội ứng mở cửa đồn. Tên quan hai chỉ huy và toàn bộ lính buông súng quy hàng. Một tiểu đội Ký Con do Lê Phú chỉ huy đã bố trí án ngữ bên rừng, nghe tiếng súng nổ đã nhanh chóng tiến vào tước vũ khí của bọn lính cơ.

Một tiểu đội Ký Con khác do Bùi Sinh chỉ huy, mai phục ở bến Quảng Yên, đổ bộ tiến chiếm dinh tỉnh trưởng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nghĩa quân được lệnh triển khai lực lượng trên đê sông Chanh chặn đường ứng cứu của địch từ Hải Phòng sang.

Quân du kích còn chiếm kho bạc, nhà bưu điện và các cơ quan công sở khác, bắt giữ nhiều tên phản động gian ác; hoàn toàn làm chủ thị xã, thu hơn 500 khẩu súng, một kho đạn và nhiều quân trang, quân dụng khác để trang bị cho nghĩa quân. Quảng Yên là tỉnh lỵ đầu tiên trong nước được giải phóng từ trước Cách mạng Tháng Tám.

Nghĩa quân tổ chức mít tinh kêu gọi ủng hộ Việt Minh, gia nhập các đoàn thể đứng lên kháng Nhật cứu nước. Cả TX Quảng Yên và các vùng lân cận sôi sục khí thế cách mạng. 

Thành lập Đại đội Ký Con

Ngày 22/8/1945, khi lệnh khởi nghĩa được ban bố, cả TP Hải Phòng náo nức chuẩn bị. LLVT của Chiến khu Đông Triều chia làm 2 cánh tiến về Hải Phòng. Cánh thứ nhất gồm Đại đội Hoàng Văn Thụ, Đại đội Đề Thám cùng 2 tiểu đội của Trung đội Ký Con do Hải Thanh chỉ huy, xuất phát từ sông Đạm Thủy về chiếm Sở Dầu, trấn giữ vị trí đầu cầu ven thành phố.

Cánh quân thứ hai gồm Đại đội Phạm Hồng Thái và 1 tiểu đội của Trung đội Ký Con do Nguyễn Bình chỉ huy, sang Thủy Nguyên qua bến Bính tiến vào Nhà hát Lớn thành phố. Đúng 10 giờ ngày 23/8, cuộc mít tinh trọng thể diễn ra tại Nhà hát Lớn, tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai của phát xít Nhật, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Hải Phòng.

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Tô thắp hương phần mộ các liệt sĩ Đại đội Ký Con tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cô Tô.

CBCS Đồn Biên phòng Cô Tô thắp hương phần mộ các liệt sĩ Đại đội Ký Con tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cô Tô.

CBCS Đồn Biên phòng Cô Tô thắp hương phần mộ các liệt sĩ Đại đội Ký Con tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cô Tô.

Trung đội Ký Con (quân phục thống nhất từ sau chiến thắng Bí Chợ) do Lê Phú chỉ huy đã tham gia xuống đường tuần hành biểu dương lực lượng. Sau đó Trung đội về đóng tại trại lính bảo an; ít ngày sau được chuyển về trại Bu-ê (nay là Bộ Tư lệnh hải quân), bổ sung quân là tự vệ chiến đấu và thanh niên cứu quốc, được Ủy ban Quân sự cách mạng Chiến khu xây dựng thành Đại đội Ký Con. Đại đội có 3 trung đội, trong đó có 1 trung đội toàn nữ. Lê Phú tiếp tục được cử là Đại đội trưởng. 

Chỉ sau 2 tháng kể từ khi thành lập Chiến khu Đông Triều, Tiểu đội Ký Con đã trở thành Đại đội. Khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, Giải phóng quân Việt Nam thành Vệ quốc đoàn và bộ đội Ký Con đã vinh dự được mang tên bộ đội Vệ quốc đoàn thuộc Chiến khu Duyên hải do tướng Nguyễn Bình làm Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Hòa làm chính trị viên. Đại đội Vệ quốc đoàn Ký Con là lực lượng nòng cốt bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ ở vùng duyên hải Bắc bộ khi đó. 

Quảng Ninh là một "cái nôi" hình thành và phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam. Những dấu ấn của thợ mỏ thấm đẫm, trải dài và lan rộng trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh. Đây là động lực quan trọng để mỗi người dân Vùng mỏ luôn nỗ lực lao động, sáng tạo, vượt qua bao khó khăn, xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu mạnh.

Di tích lịch sử Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam (còn gọi là Di tích Miếu Mỏ) thuộc địa phận thôn Trại Hà, xã Yên Thọ (TX Đông Triều). Năm 2008, Địa điểm này được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích cấp tỉnh. Vào mỗi dịp lễ, Tết, ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ, các đơn vị ngành Than về đây dâng hương như một nét đẹp truyền thống, tri ân các bậc tiền nhân khai sinh ra ngành Than Việt Nam và những người thợ mỏ đã hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than, tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống; đồng thời giáo dục tinh thần yêu nước, yêu nghề, yêu quê hương cho cán bộ, đảng viên, người lao động TKV.

Quảng trường 12/11 (TP Cẩm Phả) nơi diễn ra cuộc Tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936.

Quảng trường 12/11 (TP Cẩm Phả) nơi diễn ra cuộc Tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936.

Quảng trường 12/11 (TP Cẩm Phả) nơi diễn ra cuộc Tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936.

Cẩm Phả là địa phương chiếm phần lớn di tích về ngành Than. Mảnh đất này là nơi mở đầu cuộc Tổng bãi công lớn nhất của hơn 3 vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936 với khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm - Chúng ta nhất định thắng”. Đây là một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa rất to lớn, tiêu biểu cho phong trào cách mạng nước ta thời kỳ 1936-1939. Năm 1996, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) có quyết định công nhận xếp hạng Nơi mở đầu cuộc Tổng bãi công của 3 vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936 là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Là cái nôi của phong trào công nhân, Cẩm Phả để lại nhiều dấu tích, công trình kiến trúc, mang nhiều giá trị, phản ánh một giai đoạn lịch sử hào hùng ở Vùng mỏ, như: Cầu trục Poóc-tích số 1, Trận địa pháo cao xạ 37mm, Hầm chỉ huy số 1, Khu di tích và danh thắng Vũng Đục, Trụ sở Báo Than… Đặc biệt có di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm Mỏ than Đèo Nai năm 1959, được công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 2016. 

Các đại biểu dâng hương tại Di tích địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai.

Các đại biểu dâng hương tại Di tích địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai.

Ngày 30/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm mỏ Đèo Nai, nói chuyện với công nhân, cán bộ công trường… Tại đây Bác căn dặn: “Ngày nay, khu mỏ là của nhân dân nói chung và của công nhân nói riêng. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm...”. Những lời dạy của Bác luôn là kim chỉ nam cho các thế hệ công nhân mỏ, hăng say lao động sản xuất, tiếp nối, lan tỏa những giá trị tinh thần tốt đẹp. 

TP Hạ Long cũng là địa phương còn lưu giữ những dấu ấn một Vùng mỏ Anh hùng. Đầu tiên phải kể đến Di tích trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (nay là Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh của TKV, đường Lê Thánh Tông, phường Hồng Gai, TP Hạ Long), nơi gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của ngành công nghiệp khai thác và hoạt động điều hành sản xuất, kinh doanh than tại Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung. Di tích này được xếp hạng là di tích cấp tỉnh năm 2021. 

Công nhân Công ty Than Thống Nhất khai thác than trong lò chợ. Ảnh: Phạm Tăng

Công nhân Công ty Than Thống Nhất khai thác than trong lò chợ. Ảnh: Phạm Tăng

Những di tích về ngành Than không chỉ là chứng tích ghi dấu một giai đoạn hào hùng của lịch sử Vùng mỏ, mà còn là những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng tự hào, tự tôn cho thế hệ trẻ. Qua đó mỗi người dân hiểu rõ hơn về lịch sử truyền thống của ngành Than nói riêng, Vùng mỏ nói chung, nhất là sự gắn bó mật thiết, máu thịt, "Tuy hai mà một, tuy một mà hai” giữa Quảng Ninh và ngành Than, phát huy truyền thống, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”. Bằng nhiều nguồn lực, tỉnh luôn quan tâm tôn tạo, gìn giữ và phát huy các di tích.

Thực tế đã chứng minh, “Kỷ luật và Đồng tâm - Chúng ta nhất định thắng” đã vượt qua giá trị khẩu hiệu hành động ngày ấy, trở thành bài học quý, là động lực tinh thần để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh tiếp tục vượt qua những chặng đường gian khó, nhất là trong 3 năm (2020-2022) bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, để tăng tốc phát triển, tạo nên những kỳ tích mới.

Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số trong 9 năm liên tiếp (2015-2023). Quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng nhanh, năm 2023 đạt 315.839 tỷ đồng, gấp 5,7 lần so với năm 2010, gấp 58,2 lần so năm 2000 và 334,2 lần so với năm 1991, đứng thứ 3 khu vực phía Bắc (sau TP Hà Nội, TP Hải Phòng), đóng góp 10,1% vào tổng quy mô nền kinh tế của Vùng đồng bằng sông Hồng. Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp cao nhất vào ngân sách cả nước (thu nội địa giai đoạn 2016-2020 đứng trong top 5/63 tỉnh, thành có số thu cao), là một trong 18 địa phương trong nước có điều tiết ngân sách cho quốc gia.

Hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, dựa chủ yếu vào nguồn lực xã hội, kết hợp với vai trò dẫn dắt bởi nguồn lực nhà nước, được đầu tư tập trung, bài bản, khoa học, tỉnh đã xây dựng mới 3.182km đường bộ, nâng tổng chiều dài đường bộ toàn tỉnh lên hơn 6.000km, trong đó có 176km cao tốc, đưa Quảng Ninh là địa phương có số km đường cao tốc nhiều nhất nước hiện nay.

Quảng Ninh có tốc độ đô thị hóa nhanh thuộc diện cao nhất nước, với 4 thành phố, 2 thị xã trực thuộc tỉnh, tỷ lệ đô thị hóa đến hết năm 2023 đạt 69,46%. Trong đó TP Hạ Long dần trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện, gắn với Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. 

Đời sống của công nhân ngành Than được nâng cao.

Đời sống của công nhân ngành Than được nâng cao.

Đời sống của công nhân ngành Than được nâng cao.

Các vùng miền trong tỉnh có sự phát triển khá cân đối, chênh lệch vùng miền dần được thu hẹp, đời sống người dân được nâng cao. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 9.500 USD, gấp 3,9 lần so với năm 2010, gấp 21,6 lần so với năm 2000 và 40,5 lần so với năm 1995, gấp 2,23 lần so với bình quân chung cả nước, đứng thứ 2 toàn quốc. Trong đó đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đạt 6,1 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,23 lần so với thu nhập bình quân cả nước.

"Kỷ luật và Đồng tâm" đã hòa trộn cùng văn hóa, con người và mảnh đất Quảng Ninh, đi suốt chiều dài lịch sử đã trở thành sức mạnh tinh thần làm nên những thắng lợi vẻ vang, là tài sản tinh thần vô giá có sức mạnh to lớn làm nên tầm vóc của Vùng mỏ Anh hùng. Khó khăn, thách thức phía trước vẫn còn nhiều, tin tưởng rằng với truyền thống, văn hóa và tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” đã được hun đúc, được khẳng định, Quảng Ninh sẽ tiếp tục tạo nên những kỳ tích mới, viết tiếp những trang sử tự hào.

Tem kỷ niệm Quốc khánh 2/9 luôn là một chủ đề đặc biệt, có ý nghĩa thiêng liêng trong lịch sử tem bưu chính Việt Nam, đánh dấu những chặng đường phát triển khác nhau của đất nước. Với những người sưu tầm tem của Quảng Ninh, sở hữu những con tem gắn với ngày trọng đại này của đất nước cũng là một “tài sản” vô giá.

Ông Nguyễn Cảnh Loan với bộ sưu tập tem về ngày Quốc khánh 2/9.

Ông Nguyễn Cảnh Loan với bộ sưu tập tem về ngày Quốc khánh 2/9.

Ông Nguyễn Cảnh Loan với bộ sưu tập tem về ngày Quốc khánh 2/9.

Trong căn phòng nhỏ chỉ khoảng 20m2 tại phường Hồng Hà (TP Hạ Long), ông Nguyễn Cảnh Loan, năm nay gần 90 tuổi, cặm cụi sắp xếp lại gia tài lớn của mình là những bộ tem mà ông đã dày công sưu tầm trong hơn 60 năm qua. Vốn là một nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nên với ông, sưu tầm tem không chỉ là một thú chơi, mà những con tem còn chứa đựng những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đồ họa.

Những con tem về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc khánh 2/9 được ông Loan đặc biệt trân trọng, gìn giữ.

Những con tem về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc khánh 2/9 được ông Loan đặc biệt trân trọng, gìn giữ.

Những con tem về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc khánh 2/9 được ông Loan đặc biệt trân trọng, gìn giữ.

Trong hàng chục bộ tem mà ông sở hữu, bộ tem về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc khánh 2/9 được ông đặc biệt trân trọng, nâng niu, sắp xếp khoa học theo trình tự thời gian. Ông Loan cho biết: Từ năm 1945 đến nay, nước ta đã có trên 10 bộ tem, gồm hơn 100 mẫu tem và 3 mẫu block tem về đề tài kỷ niệm Quốc khánh 2/9 được phát hành. Ngoài ra, Liên Xô, Trung Quốc và Cộng hòa Dân chủ Đức (trước đây)... cũng phát hành những bộ tem kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam.

Quốc khánh 2/9 trên tem Bưu chính Việt Nam

Ngày 2/9/1946, Bưu chính Việt Nam phát hành bộ tem đầu tiên Kỷ niệm 1 năm Cách mạng Tháng Tám và ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (DCCH). Bộ tem gồm 5 mẫu, do họa sĩ Nguyễn Sáng thiết kế, thể hiện hình ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với 5 màu (xanh lá mạ, đỏ, vàng, lam, tím) tương ứng với 5 mệnh giá. Bộ tem độc đáo này được người chơi tem rất yêu thích, bởi đây không chỉ là bộ tem đầu tiên của một đất nước độc lập, tự do, mang Quốc hiệu Việt Nam, mà còn là bộ tem bưu chính đầu tiên do chúng ta tự thiết kế, in ấn và phát hành.

Bộ tem “Kỷ niệm 1 năm Cách mạng Tháng Tám và Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, phát hành ngày 2/9/1946.

Bộ tem “Kỷ niệm 1 năm Cách mạng Tháng Tám và Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, phát hành ngày 2/9/1946.

12 năm sau, ngày 2/9/1957, bộ tem Kỷ niệm lần thứ 12 Quốc khánh nước Việt Nam DCCH được phát hành với 2 mẫu tem thể hiện hình ảnh Quốc huy Việt Nam. Tiếp đó là bộ tem kỷ niệm lần thứ 15 Quốc khánh 2/9 (năm 1960) gồm 5 mẫu, do họa sĩ Bùi Trang Chước và Lê Phả vẽ mẫu, trong đó có 2 mẫu vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, 3 mẫu còn lại thể hiện hình ảnh các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, văn hóa - giáo dục.

Bộ tem kỷ niệm 15 năm Ngày Quốc khánh 2/9, phát hành năm 1960.

Bộ tem kỷ niệm 15 năm Ngày Quốc khánh 2/9, phát hành năm 1960.

Năm 1970, Bưu chính Việt Nam phát hành bộ tem 5 mẫu kỷ niệm 25 năm Ngày Quốc khánh, 1 mẫu vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, 4 mẫu vẽ các anh hùng liệt sĩ: Võ Thị Sáu, Phan Đình Giót, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi, lan tỏa tinh thần yêu nước, cổ vũ hai miền Nam - Bắc thi đua đánh giặc lập công, thống nhất đất nước.

Năm 1975, bộ tem kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc khánh 2/9 gồm 3 mẫu, thể hiện 3 chủ đề: Quốc kỳ, Quốc huy nước Việt Nam DCCH và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với đó là 1 block tem hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, trên nền là hình ảnh cây đa Tân Trào - biểu tượng của “Thủ đô kháng chiến”. Bộ tem này được giới chơi tem nhận định là một trong những bộ tem đẹp nhất về chủ đề Ngày Độc lập 2/9.

Block tem phát hành năm 1975, kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc khánh 2/9.

Block tem phát hành năm 1975, kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc khánh 2/9.

Một bộ tem khác cũng được cộng đồng chơi tem đánh giá cao là bộ Kỷ niệm 35 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, gồm 4 mẫu, giới thiệu hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc huy nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, hang Pác Bó, suối Lê Nin ở Cao Bằng. 

Bộ tem phát hành năm 1980 kỷ niệm 35 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Bộ tem phát hành năm 1980 kỷ niệm 35 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Kể từ năm 1985, Chính phủ quyết định chỉ phát hành tem kỷ niệm Quốc khánh vào những năm chẵn (10 năm/lần). Cùng năm đó, Bưu điện Việt Nam lần đầu tiên tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu tem kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Bộ tem 4 mẫu và 1 block do họa sĩ Trần Thế Vinh thiết kế đã được chọn và phát hành tháng 8/1985, thể hiện chủ đề 40 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 1995, bộ tem 6 mẫu, do họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn thiết kế được chọn làm tem “Kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9”. 10 năm sau, Bộ tem “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam” phát hành năm 2005 nhân kỷ niệm 60 năm Quốc khánh Việt Nam với 54 mẫu tem đã được ghi vào Sách kỷ lục Việt Nam là bộ tem bưu chính lớn nhất, đạt kỷ lục về số lượng họa sĩ tham gia thiết kế (22 người).

Quốc khánh 2/9 trên tem quốc tế

Chủ đề Quốc khánh Việt Nam 2/9 còn được thể hiện trên nhiều con tem bưu chính quốc tế. Chỉ tính riêng Bưu chính Liên Xô, Trung Quốc, Cộng hòa dân chủ Đức đã phát hành 7 bộ tem gồm 12 mẫu tem về chủ đề này.

Bộ tem bưu chính nước ngoài đầu tiên có chủ đề ngày Quốc khánh Việt Nam là do Bưu chính Liên Xô phát hành ngày 25/8/1960, kỷ niệm 15 năm Quốc khánh nước Việt Nam DCCH, gồm 2 mẫu, thể hiện các hình ảnh Khuê Văn Các, cây tre, ruộng lúa và máy cày.

Bộ tem do Bưu chính Liên Xô phát hành ngày 25/8/1960, kỷ niệm 15 năm Quốc khánh Việt Nam.

Bộ tem do Bưu chính Liên Xô phát hành ngày 25/8/1960, kỷ niệm 15 năm Quốc khánh Việt Nam.

Cũng trong năm 1960, Bưu chính Trung Quốc phát hành 2 mẫu tem thể hiện các hình ảnh Tháp Rùa, Quốc kỳ, thiếu nhi hai nước Việt Nam và Trung Quốc chào mừng Quốc khánh Việt Nam.

2 mẫu tem do Bưu chính Trung Quốc phát hành năm 1960 nhân kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam.

2 mẫu tem do Bưu chính Trung Quốc phát hành năm 1960 nhân kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam.

Tháng 9/1965, Liên Xô và Trung Quốc tiếp tục phát hành bộ tem chào mừng 20 năm Quốc khánh Việt Nam. Tem của Bưu chính Liên Xô thể hiện các hình ảnh hoa sen, cây tre, kiến thiết đất nước trên nền cờ đỏ sao vàng. Bưu chính Trung Quốc phát hành bộ tem “Ủng hộ nhân dân yêu nước Việt Nam chống đế quốc Mỹ” gồm 4 mẫu thể hiện các bức ký họa hình ảnh nhân dân Việt Nam trong chiến đấu.

Tem của Bưu chính Liên Xô phát hành năm 1965 chào mừng 20 năm Quốc khánh Việt Nam.

Tem của Bưu chính Liên Xô phát hành năm 1965 chào mừng 20 năm Quốc khánh Việt Nam.

Ngày 2/9/1970, Bưu điện Cộng hòa Dân chủ Đức phát hành mẫu tem kỷ niệm 25 năm Quốc khánh nước Việt Nam DCCH và 1 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mẫu tem thể hiện hình ảnh chân dung Hồ Chủ tịch với dòng chữ tiếng Đức màu đen “Tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh” và màu đỏ “Việt Nam bất khả chiến bại”.

Bộ tem quốc tế thứ 6 về sự kiện 2/9 của Việt Nam là “Kỷ niệm 30 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” do Bưu chính Liên Xô phát hành ngày 28/8/1975, gồm 1 mẫu tem thể hiện hình ảnh Quốc huy cùng Quốc kỳ Việt Nam và Liên Xô đang tung bay.

Bộ tem và phong bì "Kỷ niệm 40 năm Quốc khánh nước CNXHCN Việt Nam” được Bưu chính Liên Xô phát hành ngày 2/9/1985.

Bộ tem và phong bì "Kỷ niệm 40 năm Quốc khánh nước CNXHCN Việt Nam” được Bưu chính Liên Xô phát hành ngày 2/9/1985.

Bộ tem quốc tế thứ 7 “Kỷ niệm 40 năm Quốc khánh nước Cộng hoà XHCN Việt Nam” được Bưu chính Liên Xô phát hành ngày 2/9/1985, gồm 1 mẫu tem thể hiện hình ảnh Quốc huy Việt Nam. Cũng trong năm 1985 Liên Xô cho ra đời một phong bì kỷ niệm in sẵn tem phổ thông với hình ảnh trên phong bì là Quốc huy và Quốc kỳ Việt Nam. 

Trong suốt chặng đường gần 80 năm kể từ ngày đất nước giành độc lập, hình ảnh thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ngày Quốc khánh 2/9 đã được nhiều lần thể hiện trong các mẫu tem bưu chính. Đó cũng là cách để ghi chép lịch sử qua tem, lưu giữ và nhắc nhở thế hệ sau nhớ về sự kiện trọng đại khai sinh đất nước đã đi vào lịch sử như một mốc son chói sáng, tự hào.

Ngày xuất bản: 1/9/2024
Chỉ đạo thực hiện: LAN HƯƠNG
Tổ chức sản xuất: HOÀNG QUÝ
Thực hiện: HẰNG NGẦN - THU HOÀI - PHẠM HỌC - CAO QUỲNH - XUÂN HÒA
Trình bày: MẠNH HÀ