Những “lực đẩy” mang thương hiệu Quảng Ninh

Kết thúc năm 2022, Quảng Ninh là địa phương về đích đầu tiên của cả nước trong "Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025” trước 3 năm; toàn tỉnh chỉ còn 258 hộ nghèo (bằng 0,067% tổng số hộ dân trên địa bàn). Để cán đích được những dấu mốc này, 5 năm qua, Quảng Ninh đã ban hành trên 20 chính sách riêng về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), các đối tượng chính sách, yếu thế để lấp đầy những thôn, bản “trắng” hạ tầng cơ sở và đưa cuộc sống của người dân ngày một ấm no, hạnh phúc.
Sáng tạo, linh hoạt trong triển khai thực hiện
Theo kết quả điều tra xác định hộ nghèo vào tháng 6/2005, tỉnh Quảng Ninh có trên 26.500 hộ nghèo (chiếm 10,62% tổng số hộ dân); trong đó khu vực vùng cao chiếm 32,99%; 56 xã có tỷ lệ nghèo từ 25% trở lên; hệ thống cơ sở hạ tầng đến thôn, bản còn thiếu và yếu. Số hộ đã thoát nghèo nhưng chưa thật bền vững, nguy cơ tái nghèo có thể tăng khi xảy ra thiên tai, mất mùa; trình độ dân trí của người nghèo còn thấp, cơ hội tìm việc làm ngày càng khó khăn.
Chính vì vậy, kể từ năm 2006 trở lại đây, Quảng Ninh luôn xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, UBND tỉnh đã nhanh chóng thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo từ cấp tỉnh đến các địa phương, đồng thời vận động các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội… cùng tham gia vào công tác giảm nghèo. Chương trình giảm nghèo đã được triển khai tập trung vào một số giải pháp chính như: Hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động nghèo; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã ĐBKK; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ phát triển xã ĐBKK thuộc chương trình 135... Với cách làm này, giai đoạn 2006-2010, toàn tỉnh đã giảm được một nửa số hộ nghèo, có 4 địa phương (Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí và Cẩm Phả) đạt tiêu chí cơ bản không còn hộ nghèo, 5 địa phương (Cô Tô, Vần Đồn, Hoành Bồ, Quảng Yên, Đông Triều) có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%, 6 xã đã ra khỏi chương trình 135 giai đoạn II…

Mặc dù vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng ĐBKK của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Tuy nhiên, qua công tác rà soát, giám sát cho thấy, khoảng cách chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào DTTS, miền núi với vùng thành thị còn rất lớn. Nhiều xã, thôn mặc dù đã thoát khỏi diện ĐBKK, nhưng các tiêu chí mới chỉ ở mức vừa đủ đạt, thiếu tính bền vững. Do đó, từ năm 2010 đến nay, bên cạnh việc quan tâm ban hành, thực hiện đầy đủ và rất quyết liệt tất cả các chính sách dân tộc theo đúng chỉ đạo của Trung ương, Quảng Ninh cũng đã rà soát, tính toán lại nguồn lực để ban hành những quyết sách riêng có với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân một cách toàn diện.
Điển hình như tháng 12/2016, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND về “bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” và Quyết định số 196/QĐ-UBND ngày 17/1/2017 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” (gọi tắt là Đề án 196).
Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Đề án 196 đã xác định mục tiêu rất rõ ràng và lộ trình cụ thể hàng năm. Trong đó nổi bật là mức hỗ trợ, đầu tư của Đề án vượt trội (mỗi xã cao hơn khoảng 7 lần mức bình quân chung theo cơ chế Chương trình 135 của Trung ương). Đây là cách làm riêng của Quảng Ninh trong thực hiện Chương trình 135 đối với địa bàn ĐBKK. Chỉ sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 50 của HĐND tỉnh, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Đề án 196 lên tới gần 1.200 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư cho địa bàn ĐBKK. Nhờ có nguồn lực bổ sung kịp thời này, 100% xã ĐBKK có đường ô tô được cứng hoá đến trung tâm xã; đường giao thông đến các thôn ĐBKK cơ bản đã được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới; 17/17 xã có trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% số hộ dân ở các xã, thôn ĐBKK được sử dụng điện lưới quốc gia và điện năng lượng mặt trời; trên 92,8% số hộ dân tại xã, thôn ĐBKK được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

“Hạnh phúc của nhân dân là bước phát triển cần thiết, quan trọng trong hành trình phát triển của địa phương”
Chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh là “nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, với chủ đề này đã một lần nữa khẳng định sự phát triển bền vững, luôn lấy cuộc sống và sự hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu cao nhất trong phát triển.
Đối với TX Đông Triều, chúng tôi cũng xác định việc lấy hạnh phúc của nhân dân là bước phát triển cần thiết, quan trọng trong hành trình phát triển của thị xã. Do đó, năm 2023, TX Đông Triều đặt ra mục tiêu phấn đấu không còn hộ nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo của Trung ương với chỉ tiêu giảm 23/23 hộ nghèo giảm 80/443 hộ cận nghèo (giảm từ 0,85% xuống còn 0,70%, hoàn thành trước 2 năm vượt so với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã đề ra).
Để thực hiện mục tiêu này, thị xã đang tổ chức rà soát phân loại nhóm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo để từ đó thực hiện các chương trình mục tiêu, các chính sách trợ cấp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt ở các tiêu chí về dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng thời có các giải pháp tương ứng hỗ trợ giúp đỡ các hộ một cách kịp thời, hiệu quả. Cùng với việc hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, thị xã cũng sẽ huy động các nguồn lực để từng bước đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo định hướng quy hoạch chung đã được UBND tỉnh phê duyệt; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn; tăng cường quan tâm chăm lo công tác giáo dục và đào tạo; bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường xanh, sạch, an ninh, an toàn...
Chia sẻ về cách làm của tỉnh Quảng Ninh trong công tác giảm nghèo, ông Hầu A Lềnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG Trung ương, khẳng định: Quảng Ninh có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá trong xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Tôi rất ấn tượng với những kết quả của tỉnh trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay. Quảng Ninh hết sức năng động, sáng tạo trong việc cụ thể hóa nghị quyết của trung ương trong điều kiện của tỉnh qua từng giai đoạn; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; ưu tiên dành nguồn lực tập trung cho vùng đồng bào DTTS, vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. Bên cạnh việc bố trí ngân sách địa phương, Quảng Ninh cũng sáng tạo trong việc huy động nguồn lực xã hội. Đặc biệt tỉnh đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lồng ghép khéo léo giữa các chương trình mục tiêu ở từng địa bàn; có cơ chế để phát huy vai trò, tinh thần nỗ lực của người dân tự vươn lên thoát nghèo. Với những cách làm như vậy, kết quả đã minh chứng Quảng Ninh có nhiều mô hình hay được trung ương, các tỉnh ghi nhận, đến học tập. Trong giảm nghèo bền vững, tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh thời gian qua ấn tượng, hiện còn chưa đầy 1%. Đây là sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của tỉnh Quảng Ninh.

Người dân xã Hồng Thái Đông (TX Đông Triều) thu hoạch na.
Người dân xã Hồng Thái Đông (TX Đông Triều) thu hoạch na.

Người dân xã Lê Lợi trồng hoa.
Người dân xã Lê Lợi trồng hoa.

Người dân xã Dân Chủ nô nức đi bầu cử trưởng thôn bản khu phố.
Người dân xã Dân Chủ nô nức đi bầu cử trưởng thôn bản khu phố.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Xác định “giảm nghèo bền vững” là một cuộc chiến lâu dài, bởi do tập quán sinh hoạt, địa bàn đồi núi trải dài nên sinh kế của đồng bào DTTS vùng khó khăn chủ yếu vẫn là tự cấp, tự túc, nông sản làm ra chưa tiếp cận được với thị trường, chất lượng các dịch vụ chưa được đảm bảo. Đây cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến nguy cơ tái nghèo tại các vùng ĐBKK vùng đồng bào DTTS sinh sống. Không bằng lòng với những thành quả đạt được, ngày 17/5/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 06).

Người dân xã Quảng Nghĩa (Móng Cái) thu hoạch cỏ voi cung cấp cho Công ty TNHH Phú Lâm.
Người dân xã Quảng Nghĩa (Móng Cái) thu hoạch cỏ voi cung cấp cho Công ty TNHH Phú Lâm.
Nghị quyết 06 xác định rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như sau: Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn. Đến hết năm 2022 không còn thôn, bản ĐBKK theo tiêu chí mới...
So với các chương trình trước đó, Nghị quyết 06 đã mở rộng phạm vi, địa bàn thụ hưởng đến các xã, thôn, bản biên giới, hải đảo và gắn nhiệm vụ phát triển KT-XH với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh trong vùng. Các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đều xây dựng phấn đấu cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đặt ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia, phù hợp với thực tiễn của tỉnh.

“Chất lượng đời sống người dân không ngừng được nâng lên”.
Nhờ có những chính sách an sinh của tỉnh và thành phố mà xã Sơn Dương ngày càng có được sự chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi rõ rệt về kinh tế - xã hội. Dễ nhận thấy nhất, là cách đây khoảng 10 năm, xã còn gần 100 hộ nghèo, thu nhập của người dân trong xã chỉ khoảng 30 triệu đồng/người/năm nhưng giờ đã tăng gấp đôi, khoảng 60 triệu đồng/người/năm.
Đến hết năm 2022, xã Sơn Dương không còn hộ nghèo. Cùng với đó là hệ thống giao thông được đầu tư để kết nối thông suốt khắp các thôn bản; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư nâng cấp. Đặc biệt, còn có sự thay đổi rõ rệt về nếp sinh hoạt, lao động của đồng bào vùng sâu, vùng xa. Chính những đổi thay từ thu nhập đến cơ sở hạ tầng đã giúp chất lượng đời sống người dân không ngừng được nâng lên khi những thói quen lạc hậu dần dần lùi xa.
Hiện người dân trong xã cũng rất vui mừng khi thành phố đang đẩy nhanh dự án đường nối xã Sơn Dương với xã Đồng Lâm. Tuyến đường này khi đưa vào khai thác, sử dụng và kết nối với các tuyến giao thông quan trọng như: Trục cao tốc dọc tỉnh, Quốc lộ 279, đường tỉnh 342 nối Hạ Long - Ba Chẽ - Lạng Sơn và đường nối Tây Yên Tử (Bắc Giang) sẽ góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng gián đoạn giao thông trong mùa mưa lũ. Đồng thời sẽ mở rộng không gian phát triển, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, người dân có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, dự án còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết số 06.
Hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, Nghị quyết 50/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 của HĐND tỉnh xác định tổng nguồn vốn thực hiện Nghị quyết 06 trong giai đoạn 2021-2025 tối thiểu 4.200 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách tỉnh 2.500 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện 1.500 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác 200 tỷ đồng. Căn cứ nguồn vốn được duyệt, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư 101 công trình hạ tầng động lực, thiết yếu tại các địa phương có đông đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Trong đó có 26 công trình giao thông, 30 công trình thủy lợi, 15 công trình giáo dục, 6 công trình y tế, 10 công trình văn hóa, 2 công trình chợ thương mại, 12 công trình nước sinh hoạt.
Bám sát mục tiêu của tỉnh đề ra, các địa phương đã ngay lập tức bắt tay vào triển khai các nhiệm vụ, giải pháp từ rất sớm gắn với công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thông qua xây dựng nhiều dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế phù hợp. Điển hình như ở huyện Tiên Yên, tuyến đường nối xã Đại Thành trước đây sang xã Đại Dực là một trong những dự án đầu tiên được huyện triển khai đầu tư nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU. Tuyến đường có chiều dài hơn 7km, với tổng mức đầu tư 156 tỷ đồng, được khởi công xây dựng năm 2022 và đang được huyện gấp rút hoàn thành trong năm 2023.

Ông Nguyễn Thế Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực chia sẻ: Nằm cách xa trung tâm huyện, hạ tầng giao thông cách trở, con đường vào xã toàn đèo dốc, dễ sạt lở vào mùa mưa bão nên cuộc sống của người dân xã Đại Dực đã từng gặp vô vàn khó khăn. Người dân trong xã đi khai thác nhựa thông thì thường phải thuê người gánh về, số tiền bà con nhận lại được không nhiều. Nhưng sắp tới, khi tuyến đường nối xã Đại Thành cũ sang xã Đại Dực được hoàn thành, xe máy vào được tận bìa rừng, không còn cảnh phải thuê người gồng gánh nữa rồi. Giao thông thuận lợi chắc chắn sẽ giúp mở ra không gian phát triển mới cho xã Đại Dực sau sáp nhập, tạo thuận lợi cho người dân địa phương đi lại cũng như giao thương, phát triển kinh tế - xã hội. Quan trọng hơn cả là có đường rồi, những cảnh đẹp nổi tiếng của xã như: thác Nặm Văm, thác Cô Bảy, thác Khe Lục Mỷ, đồi Tình, đỉnh Thông Châu... sẽ dần được đánh thức để thu hút khách du lịch.
Cùng với Nghị quyết 06, xác định rừng đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo sinh kế của người dân các xã miền núi, ngay sau khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực (ngày 1/1/2019), Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước ban hành Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp bền vững đến 2025, tầm nhìn đến 2030. Đồng thời, ban hành chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững (Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND, ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh). Việc ban hành chính sách Nghị quyết 19, Nghị quyết 337 với một loạt cơ chế ưu đãi cho người trồng rừng, như: Hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, vật tư và 50% chi phí nhân công, chăm sóc, bảo vệ... đã tháo gỡ những nút thắt, rào cản lớn nhất về nguồn lực phát triển rừng. Theo đó, các chủ rừng được tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi qua các ngân hàng. Cụ thể, hằng năm, trên cơ sở rà soát nhu cầu vay vốn của các địa phương, UBND tỉnh sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách, ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng CSXH Quảng Ninh để cho vay và UBND tỉnh cũng sẽ hỗ trợ người dân lãi suất vay vốn từ ngân hàng thương mại. Thời gian cho vay kéo dài trong 25 năm. Cách làm này sẽ giúp các chủ rừng có thêm sự chủ động và quyết tâm trong đầu tư sản xuất mà vẫn đảm bảo sinh kế bền vững.

Lãnh đạo xã Sơn Dương (TP Hạ Long) kiểm tra mô hình trồng cam của người dân.
Lãnh đạo xã Sơn Dương (TP Hạ Long) kiểm tra mô hình trồng cam của người dân.
Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Nghị quyết 19 và các cơ chế chính sách đi kèm được ban hành đúng thời điểm, đúng với tình hình thực tiễn ở Quảng Ninh, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân nên sau 3 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả. Giá trị sản xuất lâm sản tăng trưởng trung bình 11,29%/năm (gấp gần 2 lần so với mục tiêu Nghị quyết). Công tác an sinh xã hội cũng được đẩy mạnh, tạo việc làm cho khoảng 60.000 lao động, thu nhập bình quân của lao động lâm nghiệp đạt trên 70 triệu đồng/năm. Trong đó, đồng bào DTTS, miền núi chiếm tỷ lệ lớn, góp phần ổn định trật tự xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh vùng biên giới, hải đảo.
Từ thực tế với những cách làm sáng tạo, quyết liệt cho thấy, Quảng Ninh đã trở thành điểm sáng nhất cả nước về giảm nghèo, mang về cho vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS những giá trị mới, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân. Qua đó tiếp tục khẳng định rõ tính đúng đắn trong quan điểm phát triển của tỉnh đó là mỗi người dân đều được hưởng thành quả của sự phát triển và không để ai bị bỏ lại phía sau.



Ngày xuất bản: 12/5/2023
Tổ chức thực hiện: Minh Thu
Nội dung: Hoàng Nga - Hoàng Quỳnh
Trình bày: Tất Đạt