4
18
/
1101106
Những nét đặc sắc Tết nơi vùng biển, đảo của tỉnh
longform
Những nét đặc sắc Tết nơi vùng biển, đảo của tỉnh

Cover

Những ngày này, hòa chung niềm vui háo hức cùng nhân dân cả nước, nhân dân sinh sống nơi vùng biển, đảo của tỉnh Quảng Ninh đang hướng về những ngày Tết Cổ truyền của dân tộc với tâm thế phấn khởi, mong chờ. Sắc Xuân đón Tết của người dân vùng biển, đảo có những nét đặc trưng riêng. Nhà nhà, người người phấn khởi đón mùa xuân mới khi cuộc sống ngày càng ấm no và ước nguyện cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nặng gánh cá đầy.

Cover

Tỉnh Quảng Ninh có 9/13 huyện, thị xã, thành phố tiếp giáp biển, với nhiều xã đảo có số đông bà con nhân dân sinh sống, định canh, định cư làm nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và phát triển dịch vụ, du lịch. Sau những ngày tất bật, bội thu sản phẩm, gia tăng thu nhập, bà con tạm gác lại công việc mưu sinh, tề tựu bên gia đình, làng xóm để chuẩn bị đón một cái Tết Cổ truyền dân tộc đầm ấm, đủ đầy.

Ảnh với chú thích
Hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện Cô Tô sạch đẹp, khang trang, sẵn sàng phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Cô Tô - huyện đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc trong những ngày này không khí đón Tết, vui Xuân đang tràn ngập trên mọi ngả đường, con phố, hiện hữu trên những mái nhà của người dân huyện đảo. Là huyện đảo, nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào biển, nên Tết đến, Xuân về là thời điểm những người đi biển làm ăn xa nhà tạm gác lại công việc chài lưới, trở về đoàn tụ, sum họp cùng gia đình chung vui, hưởng lợi thành quả lao động vất vả sau một năm đầy cố gắng.

Anh Phạm Văn Thất (thôn Hải Tiến, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô) cho biết: Gia đình tôi có nghề truyền thống khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển. Năm qua nhờ thời tiết mưa thuận, gió hòa, gia đình làm ăn được, trừ chi phí cũng tiết kiệm được vài trăm triệu. Cũng như nhiều nhà sinh sống, định cư tại huyện đảo, ai cũng mong một năm gặt gái được nhiều thắng lợi để trở về bên gia đình đoàn tụ, sum họp trong những ngày Tết Cổ truyền của dân tộc. Cũng như nhiều năm trước, thời điểm Tết ông Công, ông Táo 23 tháng chạp là tàu tôi trở về bờ, đoàn tụ cùng gia đình lo sắm Tết và chuẩn bị sẵn sàng một tinh thần tốt, tâm thế tốt để vươn khơi sau ngày nghỉ Tết.

Ảnh với chú thích
Khu neo đậu tránh, trú bão cấp vùng được đầu tư đồng bộ, hiện đại trên huyện đảo Cô Tô.

Mặc dù là huyện đảo, thế nhưng Tết ở Cô Tô cũng không khác xa đất liền là mấy, bởi hạ tầng kinh tế, văn hóa ở đây trong những năm qua đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại nhằm xây dựng Cô Tô trở thành một “hòn ngọc sáng” của nền kinh tế biển gắn chặt với đảm bảo quốc phòng - an ninh ở vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc. Mỗi một năm, huyện Cô Tô đều được tỉnh hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và phát triển dịch vụ, du lịch. Cô Tô là huyện đầu tiên của tỉnh và cả nước hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng biển đảo nên bà con nhân dân nơi đây đã tận dụng được lợi thế để đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên biển, làm giàu cho gia đình, quê hương. Riêng năm 2023, sản lượng thủy sản do người dân nuôi trồng, khai thác, đánh bắt trên địa bàn huyện đạt 5.800 tấn, đạt trên 107% kế hoạch năm, tăng 1,75% so với năm 2022. Tết năm nay của người dân huyện đảo to hơn, sung túc hơn nhiều năm trước đó. Ai ai cũng phấn khởi chờ mong Tết sum vầy, tiếp tục tái tạo sức lao động để một năm vươn khơi, bám biển.

Chị Trần Thu Hằng (thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô) chia sẻ: Sau một năm bộn bề với công việc, những gia đình ngoài huyện đảo chúng tôi lại được quây quần bên gia đình sum họp, đón Tết. Tết ở huyện đảo tuy không nhộn nhịp bằng đất liền, nhưng cấp ủy, chính quyền ở đây luôn tạo ra bầu không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân bằng những hoạt động văn hóa, văn nghệ, những trò chơi dân gian đặc sắc đầy ý nghĩa trong dịp Tết. Gia đình tôi ai cũng mong chờ được tham gia vui chơi các hoạt động huyện tổ chức dịp Tết này. Chúng tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc, yên tâm bám biển, bám đảo, xây dựng và làm giàu từ biển.

Ảnh với chú thích
Ban Quản lý cụm di tích lịch sử văn hoá Đình - Chùa - Miếu - Nghè xã Quan Lạn thay cờ ngũ sắc chuẩn bị đón Tết.

Còn ở huyện Vân Đồn, không khí chuẩn bị đón Tết Cổ truyền dân tộc của người dân các xã đảo cũng lan tỏa khắp xóm nhỏ, ngõ nhỏ và trên những con tàu sau những ngày dài vươn khơi nằm bờ chờ chủ nhân sau Tết. Xã đảo Quan Lạn - 1 trong 5 xã đảo của huyện Vân Đồn trong những ngày này tràn ngập không khí Tết, khi mà nhiều người dân xa quê hay những người làm nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên biển đã trở về nhà chuẩn bị đón Tết, vui Xuân.

Ông Hoàng Huy Sầm, Phó Chủ tịch UBND xã Quan Lạn (huyện Vân Đồn) cho biết: Xã Quan Lạn có đến 90% dân số sống, gắn bó với nghề biển nên quanh năm làm việc, làm bạn với biển. Cùng với lễ hội Chèo bơi hàng năm (tổ chức 18/6 âm lịch), thời điểm Tết đến là khoảng thời gian xã đảo đông vui, nhộn nhịp nhất với tiếng nói cười vui vẻ của người lớn, trẻ nhỏ; nhà nhà, người người tất bật lo đi chuẩn bị đón Tết.

Ảnh với chú thích
Người dân xã đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn) lựa chọn cành đào trang trí Tết. 

Tết năm nay ở xã Quan Lạn có phần no đủ, đầm ấm và viên mãn hơn mọi năm trở về trước, với lý do trên địa bàn xã đã không còn hộ nghèo, cận nghèo theo theo tiêu chí mới của tỉnh; đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao do người dân đã biết tận dụng lợi thế, làm tốt công tác phát triển dịch vụ du lịch và khai thác, đánh bắt thủy sản. Với những hộ dân không có điều kiện phát triển kinh tế, nằm trong diện khó khăn, nhà ở dột nát thì đã được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn chung tay hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới, bàn giao đưa vào sử dụng trong dịp Kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2023).

Bà Nguyễn Thị Cường (thôn Thái Hòa, xã Quan Lạn) cho biết: Năm nay gia đình tôi thực sự đón Tết đầm ấm, sum vầy khi được Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà mới. Ngôi nhà đã hoàn thành, khang trang, sạch đẹp, thật sự ý nghĩa, làm ấm lòng gia đình trong những ngày Tết giá rét này.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản
Ảnh trong văn bản

 Đời sống người dân xã đảo Quan Lạn ngày một no đủ, đầm ấm, phong phú.

Ở Quảng Yên -  địa phương có nghề truyền thống khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên biển, với số đông bà con nhân dân sống tập trung ở các xã, phường, như: Tân An, Liên Vị, Yên Hải, Hà An. Những người làm nghề biển ở đây thường có thời gian làm việc dài ngày trên biển, vì thế Tết đến, Xuân về ai cũng mong chờ, háo hức để được đoàn tụ, sum họp người thân, bạn bè, làng xóm. Trong những câu chuyện của họ, không chỉ thể hiện niềm vui với những thành quả đạt được một năm qua, chia sẻ kinh nghiệm nghề biển, giúp nhau phát triển kinh tế mà họ còn thăm hỏi, động viên, chúc nhau sức khỏe tràn đầy để vững vàng bước sang năm mới gặt hái những thắng lợi mới… Những đứa trẻ ở khu vực này cũng háo hức mong chờ  Tết với ước mong những bộ quần áo, váy mới và những món quà Xuân… Anh Trần Văn Thạch (phường Tân An, TX Quảng Yên) cho biết: Vì cái Tết no đủ nên gia đình tôi mấy ngày qua vẫn tranh thủ đi khai thác, đánh bắt thủy sản và sẽ nghỉ Tết vào tầm 26 tháng Chạp. Trong quãng thời gian về nghỉ Tết, bên cạnh việc chăm lo, sửa soạn đón Tết cho gia đình, tôi tranh thủ đưa phương tiện đi bảo dưỡng nhằm chuẩn bị tốt nhất cho chuyến ra biển vào đầu năm mới nhiều may mắn. 

Ghi nhận ở các địa phương có biển, đảo của tỉnh, đến thời điểm này, công tác đảm bảo đón Tết, vui xuân cho nhân dân các xã đảo đều được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chuẩn bị chu đáo và triển khai rất tích cực. Đặc biệt, các địa phương trước đã thực hiện rà soát đầy đủ các hộ gia đình chính sách xã hội, gia đình khó khăn, trẻ em cơ nhỡ, người yếu thế để có biện pháp động viên, hỗ trợ kịp thời; đồng thời đáp ứng đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết cho nhân dân, đảm bảo mọi người dân vùng biển, đảo của tỉnh đón một cái Tết đầy đủ, vui tươi, phấn khởi, an toàn trong sự đùm bọc, yêu thương lẫn nhau, tạo nên một sắc Tết ấm áp riêng có của người dân vùng biển, đảo tỉnh Quảng Ninh.

Cover

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, trên khắp vùng biển đảo của quê hương Quảng Ninh, đâu đâu cũng thấy không khí rộn ràng, hối hả. Tàu thuyền xuôi về bến, tôm cá đầy khoang; ngư dân nở nụ cười rạng rỡ, những cái ôm siết người thân khi trở về sau chuyến đi biển dài ngày; các chợ bến tấp nập người xe, hàng hóa… Tất cả những thanh âm, hình ảnh thân thương ấy đã vẽ nên một bức tranh sinh động về miền biển Quảng Ninh đẹp giàu, tràn đầy hạnh phúc dịp Tết đến, Xuân về.

Những ngày này, khi không khí Tết đã bắt đầu len lỏi gõ cửa từng nếp nhà, góc phố, tại Khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá thôn Tiến Tới (xã Đường Hoa, huyện Hải Hà), những chuyến tàu đánh bắt khơi xa cuối cùng cũng đã cập cảng, đưa những “người con” của biển về với gia đình, chuẩn bị đón một cái Tết đầm ấm. Gần 1 tháng hải trình trên ngư trường Vịnh Bắc Bộ, tại khu vực thượng, hạ Mai (phía Đông Đảo Trần, huyện Cô Tô) của đội tàu đã thu về được cả trăm tấn cá cơm và nhiều hải sản các loại. Hầu hết cá tôm của bà con ngư dân cũng đã được các thương lái ký hợp đồng dài hạn từ trước thu mua ngay trên biển, khi vẫn còn tươi xanh.

Ảnh với chú thích
Vợ con, người thân - hậu phương vững chắc nhất của những ngư phủ làng chài Tiến Tới chờ đón người thân trở về sau chuyến biển cuối cùng của năm.

Ông Lê Quý Trọng (chủ tàu QN 90166 TS, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tiến Tới) vừa dang rộng vòng tay bế bổng  cháu nội 3 tuổi, được bà đưa ra tận cảng để đón ông, vừa phấn khởi chia sẻ: Chuyến này đi tuy cũng có mấy hôm gió mùa, sóng to biển động, nhưng chung quy vẫn là một chuyến thành công, thuận buồm xuôi gió. Biển khơi cho lộc thế này, chắc chắn bà con ngư dân sẽ được đón một cái Tết đủ đầy, ấm áp, hạnh phúc bên gia đình người thân…

Ảnh với chú thích
 Cô cháu gái nhỏ mừng vui khi gặp lại ông nội nhau sau nhiều ngày ông đi biển.

Sinh ra và lớn lên ở Tiên Yên, làm quen với nghề sông nước từ thuở niên thiếu và chính thức đi biển từ năm 18 tuổi, đến năm 1993, chàng thanh niên Lê Quý Trọng (khi ấy mới 20 tuổi) đã lựa chọn mảnh đất ven biển Tiến Tới để lập nghiệp, lập gia đình, sinh con và duy trì nghề biển, đến nay cũng đã được hơn 3 thập kỷ. Nhớ lại những ngày đầu làm ngư dân, ông Trọng bồi hồi: “Duyên số đưa mình đến với nghề biển, lấy vợ là người làng chài Tiến Tới, rồi theo nghề, yêu nghề, duy trì và phát triển nghề đến bây giờ. Ngày xưa bà con ngư dân ra khơi vất vả, tàu thuyền thì nhỏ, trang thiết bị thì sơ sài, vì thế cũng vất vả hơn bây giờ nhiều lắm, chủ yếu đánh bắt gần bờ thôi. Từ năm 2003, sau một thời gian vừa ra khơi, vừa tìm tòi học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm, tôi đã mạnh dạn phát triển kỹ thuật đánh bắt bằng tàu cỡ lớn, sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng công suất cao và hệ thống lưới chụp 4 tăng-gông, rồi dần dần hướng dẫn, hỗ trợ bà con cùng làm.

Ảnh với chú thích
Anh Trần Văn Hung cập bến trong vòng tay đón chào của vợ và 2 con. Chuyến này trở về với cá nặng lưới đầy, anh Hung cùng nhiều hộ ngư dân Đường Hoa sẽ có một cái Tết đủ đầy, hạnh phúc

“Đến nay, sau một thời gian xây dựng và phát triển, số phương tiện hoạt động thủy sản của xã Đường Hoa đã lên đến gần 300 chiếc. Trong đó, có 18 tàu lớn có chiều dài trên 15m, chuyên vươn khơi ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ; tàu từ 12 - 15m có hơn 30 chiếc, cũng hoạt động khơi xa. Hầu hết tàu được trang bị hầm lạnh, máy phát điện, máy định vị, máy thông tin liên lạc tầm xa, máy dò ngang, hệ thống đèn chiếu sáng, máy tời, cần cẩu, neo dù và nhiều thiết bị hàng hải khác… không chỉ đảm bảo an toàn và hiệu quả cho hoạt động khai thác thủy sản của bà con ngư dân, mà còn giúp bà con tuân thủ tốt pháp luật trên biển. Trong đó, nhiều tàu hiện đại lắm, vốn đầu tư lên đến chục tỷ đồng, nhưng cũng thu về hiệu quả rất cao, như tàu của anh Trần Văn Hung kìa, vừa rồi là được mùa nhất đội đấy…”- Ông Trọng chia sẻ.

Theo hướng tay chỉ của ông Trọng, không khó để nhận ra người đàn ông cao lớn, nước da nâu đồng được sóng gió Biển Đông nhuộm đang rạng rỡ vui mừng trong vòng tay chào đón của vợ con. Anh Trần Văn Hung hiện giờ là chủ chiếc tàu QN 95858 TS – tàu to và hiện đại nhất đội tàu Đường Hoa. Chuyến biển vừa rồi, trừ đi tiền dầu máy, lương nhân công và các chi phí khác, anh Hung thu lãi hơn trăm triệu đồng. Từ nghề biển, gia đình anh Hung đã xây được nhà cao tầng khang trang, mua được xe ô tô hiện đại… Tươi cười hỏi han vợ con sau chuyến đi biển dài ngày, anh Hung nhắc vợ nhanh sắm sửa đồ lễ, cùng anh em đội tàu đến Đình làng Tó để dâng hương tạ các vị thần linh đã phù hộ, che chở cho ngư dân Đường Hoa, chia lộc biển để bà con ai cũng có một cái Tết đủ đầy và mong cho một năm mới thuận buồm xuôi gió.

Ảnh với chú thích
Ngư dân dọn dẹp tàu thuyền, vệ sinh ngư cụ để nghỉ Tết và cùng sẵn sàng cho mùa cá mới khi đất trời vào Xuân

Đình làng Tó ở thôn Tiến Tới, xã Đường Hoa được lập nên từ năm 1515, thờ Thành Hoàng và 12 vị Hoàng Hải Đại Vương trấn giữ ở các cửa sông, cửa biển, là những người có công khai canh, chiêu sinh, lập và bảo vệ làng. Không kể đến dịp lễ hội Đình được tổ chức từ ngày 14 - 16 tháng Giêng hằng năm, cứ mỗi lần kết thúc một chuyến ra khơi, việc đầu tiên bà con Đường Hoa làm sau khi tàu cập bến là tới dâng hương dâng lễ tạ Đình. Lần trở về dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn này, cùng với cá nặng lưới đầy sau một chuyến biển thành công, mâm lễ ông Trọng, anh Hung cùng bà con dâng lên tạ các vị thần linh cũng đủ đầy, trang trọng hơn. Trong không gian linh thiêng, khói hương trầm đầm ấm, cụ thủ từ đọc bài văn khấn, ông Trọng cùng bà con ngư dân thành tâm cúi đầu lễ tạ, cầu mong các vị Thần Linh phù hộ cho năm mới mưa thuận gió hòa, biển khơi ban lộc, đời sống bà con tiếp tục khấm khá, no đủ hơn…

Ảnh với chú thích
Ở nhà ông Trọng, chị em phụ nữ tất tả chuẩn bị mâm cơm tất niên

Cụ thủ từ Trần Văn Quy, Ban Quản lý Đình làng Tó, chia sẻ: Đình làng Tó là nơi còn lưu giữ được rất nhiều nét văn hoá tâm linh đặc trưng của ngư dân vùng biển. Mội chuyến đi biển trở về, bà con ngư dân đều sắm sửa lễ vật đến dâng lễ tại Đình, cảm ơn trời đất thần linh phù hộ, cầu mong mùa biển mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang. Những ngày gần Tết này, Đình làng càng trở thành một chốn tâm linh mang đầy ý nghĩa, là điểm tựa tinh thần, tâm linh để bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển…

Từ mái đình làng biển ở khắp các miền quê vùng biển trên địa bàn tỉnh như Đình làng Tó (xã Đường Hoa, huyện Hải Hà), Đình Trà Cổ (phường Trà Cổ, TP Móng Cái), Đình Quan Lạn (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn), Đình - Nghè Cẩm Hải (xã Cẩm Hải, TP Cẩm Phả)… những thế hệ ngư dân Quảng Ninh vẫn mang theo niềm tin, đời đời cha truyền con nối, giong buồm ra khơi, đưa nghề biển Quảng Ninh ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Ảnh với chú thích
Ông Trọng cùng cháu gái trang trí cành đào đang đúng độ bung nở rực rỡ để chuẩn bị đón Tết

Xong xuôi lễ tạ Đình, ông Lê Quý Trọng gửi lời hẹn anh em đội tàu buổi trưa tất cả có mặt tại nhà ông Trọng để dự bữa cơm tất niên. Ở làng chài ven biển này, bữa cơm tất niên không cố định, mà luôn là ngày những chuyến tàu cuối năm cập bến an toàn. Vừa nhanh tay cắm cành đào phai đang độ bung hoa, cùng cháu gái trang trí đèn nháy, phong bao lì xì, ông Trọng chia sẻ: “Những năm gần đây, nhờ sự tuyên truyền tích cực của các sở, ngành chức năng của tỉnh và cấp ủy, chính quyền huyện, xã, bà con ngư dân càng ngày càng đoàn kết, phát triển, đặc biệt là chúng tôi hiểu rõ và tuân thủ pháp luật lắm. Từ mái đình làng biển ở khắp các miền quê vùng biển trên địa bàn tỉnh như Đình làng Tó (xã Đường Hoa, huyện Hải Hà), Đình Trà Cổ (phường Trà Cổ, TP Móng Cái), Đình Quan Lạn (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn), Đình - Nghè Cẩm Hải (xã Cẩm Hải, TP Cẩm Phả)… những thế hệ ngư dân Quảng Ninh vẫn mang theo niềm tin, đời đời cha truyền con nối, giong buồm ra khơi, đưa nghề biển Quảng Ninh ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản
Ảnh trong văn bản

Những ngư dân làng chài Tiến Tới, xã Đường Hoa, huyện Hải Hà cùng người thân nâng ly bên nhau trong bữa cỗ tất niên đủ đầy những món ngon miền biển, cùng chúc nhau đón Tết hạnh phúc.

Bên mâm cỗ tất niên đủ đầy các món ăn mang hương vị biển quê hương, những gia đình ngư dân quây quần bên nhau đầm ấm, kể lại cho nhau nghe những kỷ niệm của những chuyến ra khơi trong năm cũ; nhắc nhớ lại những mong ngóng, yêu thương của người ở “hậu phương”… Trong tiếng hô “Chúc mừng năm mới” âm vang cả một góc thôn của ngư dân làng chài Tiến Tới, mọi người cùng cầu chúc cho nhau một mùa vươn khơi mới bình an, may mắn, thành công. Ánh mắt sáng ngời, nụ cười rạng rỡ, khuôn mặt hân hoan của bà con ngư dân trong ngày tất niên thể hiện rõ nhất sự đổi thay tích cực, sự tấn tới đi lên của đời sống ngư dân – những người đang ngày ngày tìm được sự phú quý từ biển khơi…

Cover

Ở các xã đảo của tỉnh, việc mua sắm hàng hóa Tết tuy khó khăn hơn so với đất liền, nhưng với những con tàu được đầu tư hiện đại, có trọng tải lớn, hàng hóa luôn được chứa đầy ắp khoang, vận chuyển ra các xã tuyến đảo, phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân.

Chỉ còn tuần lễ nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thế nhưng những bến cập tàu đưa khách và hàng hóa ra các tuyến đảo của tỉnh rất sôi động, tấp nập hơn hẳn so với những ngày thường. Những con tàu nằm chờ hàng, chở khách ra các tuyến đảo trong những ngày này cũng đủ chủng loại, kích thước, với trọng tải chở hàng lên đến hàng chục tấn. Ông Đàm Văn Hoan - một trong những chủ tàu đã gắn bó với nghề chở hàng hóa từ huyện Vân Đồn ra xã đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn), chia sẻ: Những ngày bình thường, lượng hàng hóa chở ra đảo chỉ đạt khoảng vài tấn, nhưng vào dịp Tết Nguyên đán, tàu của tôi chở đến cả chục tấn hàng/chuyến. Hàng hóa chở ra đảo dịp Tết chủ yếu là nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày, rất là phong phú bao gồm gạo các loại, đồ khô, rau củ quả, bánh, mứt, kẹo, thực phẩm chế biến sẵn, cây cảnh, hoa cảnh... Để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển, phục vụ Tết, tôi thường xuyên cho tàu đi kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, vỏ thân tàu.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Người dân xã đảo Quan Lạn trang trí nhà cửa chuẩn bị đón Tết.

Do là địa bàn tuyến đảo nên không khí mua sắm Tết của người dân cũng tấp nập, khẩn trương hơn so với tuyến đất liền do phương tiện vận chuyển hàng hóa vào, ra đảo chỉ bằng phương tiện vận tải thủy, mất nhiều thời gian. Do vậy, thông thường đến ngày 15 tháng chạp hằng năm, hầu hết các chủ cửa hàng trên tuyến biển, đảo của tỉnh đã phải đi vào đất liền để mua hàng hóa chở ra các đảo cung cấp cho người dân. Với những ngày Tết Cổ truyền của dân tộc, theo phong tục thờ cúng, tín ngưỡng tôn giáo của người dân Việt Nam, bánh chưng, mứt kẹo không thể thiếu, do vậy, lượng gạo nếp, đỗ xanh, bánh kẹo được các chủ cửa hàng nhập với số lượng lớn để đưa ra đảo nhằm cung cấp đầy đủ cho người dân.

Theo chia sẻ của nhiều người dân, là địa bàn tuyến đảo nên gạo nếp, bánh, mứt, kẹo không thể sản xuất được nên vào những ngày Tết, lượng hàng hóa này luôn thuộc diện bán chạy nhất. Anh Trần Văn Dị - chủ cửa hàng tạp hóa xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô) cho biết: Cách đây một tháng, gia đình tôi đã phải lên kế hoạch để nhập hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân trên đảo. Hàng hóa sau khi nhập, được vận chuyển bằng tàu thủy ra đảo. Các mặt hàng cũng phong phú về chủng loại, mẫu mã, đảm bảo chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiêu thụ của nhân dân, nhất là gạo các loại, bánh, mứt, kẹo, đồ khô...

Ảnh với chú thích
Hàng hóa phong phú, đa dạng tại chợ Cái Rồng (huyện Vân Đồn) phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân các xã đảo.

Với những gia đình ở tuyến biển, đảo không có thời gian, điều kiện đi vào đất liền mua hàng hóa Tết, thì cơ bản họ sẽ tìm đến các cửa hàng như của gia đình anh Dị trên đảo để mua sắm. Còn những gia đình có điều kiện về thời gian, họ trực tiếp đi tàu khách vào đất liền để mua sắm. Do vậy, trong những ngày cận Tết, lượng người vào, ra các đảo bằng phương tiện vận tải thủy ở các địa phương Vân Đồn, Móng Cái, luôn đông đúc, nhộn nhịp hơn hẳn so với ngày bình thường. Riêng tại huyện Vân Đồn, trong những ngày này luôn duy trì trên 20 chuyến tàu chở khách, hàng hóa ra tuyến đảo Cô Tô (bao gồm cả xã đảo Thanh Lân) và 5 xã đảo (Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Thắng Lợi và Bản Sen) của huyện Vân Đồn.

Ảnh với chú thích
Người dân huyện Cô Tô khai thác thuỷ sản chuyến cuối trước khi về nghỉ Tết.

Các chuyến tàu tại Bến cảng cao cấp Ao Tiên và cảng Cái Rồng thời điểm này trong năm luôn đông đúc, nhộn nhịp người dân các xã đảo đi mua sắm Tết. Do là địa bàn tuyến đảo nên người dân đi vào đất liền mua sắm Tết chủ yếu là những mặt hàng ở ngoài đảo khan hiếm, như: Bánh, mứt kẹo, rau củ quả, gia cầm, cây, hoa cảnh các loại.

Bà Châu Thị Hậu (thôn Ninh Hải, xã Minh Châu, huyện Vân Đồn) cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ tầm 20 tháng Chạp là tôi cùng người nhà vào đất liền mua sắm Tết. Mặt hàng chúng tôi tìm mua là những vật phẩm thờ cúng tổ tiên và sinh hoạt hàng ngày trong những ngày Tết. Những mặt hàng này rất dễ mua, chỉ cần vào chợ Cái Rồng là có thể mua đủ, giá cả phải chăng, phương tiện vận chuyển hàng ra đảo thuận lợi, an toàn.

Ảnh với chú thích
Tàu vận chuyển hàng hoá ra các xã đảo huyện Vân Đồn.

Để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ Tết cho nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung và tuyến biển, đảo nói riêng, từ hơn tháng nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao Sở Công Thương phối hợp với sở, ngành, chính quyền các địa phương liên quan chỉ đạo các cơ sở sản xuất, nhà phân phối đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông, tiêu thụ, cung cấp hàng hóa, nhất là những loại mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ người dân những ngày Tết, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã, chất lượng sản phẩm, không được khan hiếm, thiếu hụt, tăng giá. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở GT-VT, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng, quản lý bến cảng đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn giao thông thủy, kiểm soát trọng tải các tàu chở khách, hàng hóa, đảm bảo thông thương thuận lợi giữa đất liền ra tuyến đảo.

Ảnh với chú thích
Cửa hàng tạp hóa bán hàng Tết phục vụ nhân dân tại thôn Đông Nam, xã Quan Lạn (huyện Vân Đồn).

Để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ Tết cho nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung và tuyến biển, đảo nói riêng, từ hơn tháng nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao Sở Công Thương phối hợp với sở, ngành, chính quyền các địa phương liên quan chỉ đạo các cơ sở sản xuất, nhà phân phối đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông, tiêu thụ, cung cấp hàng hóa, nhất là những loại mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ người dân những ngày Tết, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã, chất lượng sản phẩm, không được khan hiếm, thiếu hụt, tăng giá. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở GT-VT, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng, quản lý bến cảng đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn giao thông thủy, kiểm soát trọng tải các tàu chở khách, hàng hóa, đảm bảo thông thương thuận lợi giữa đất liền ra tuyến đảo.

Trung tá Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: Trong những ngày gần Tết, lưu lượng phương tiện vận tải trên bộ, trên biển chở người, hàng hóa tăng đột biến, trong đó có các tuyến đảo các địa phương Cô Tô, Vân Đồn, Móng Cái. Nắm bắt được tình hình, đơn vị đã phối hợp với ngành chức năng duy trì quân số trực, kiểm soát người, hàng hóa vận chuyển vào, ra các đảo. Các phương tiện vận tải chở người, chở hàng ra đảo phục vụ người dân phải tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt quy định của nhà nước, đảm bảo an toàn cho người dân, du khách.

Theo báo cáo của chính quyền địa phương có các xã đảo, trung bình mỗi xã đảo của tỉnh có khoảng 10 cửa hàng lớn, nhỏ bán hàng hóa phục vụ nhu cầu sử dụng trong những ngày Tết của nhân dân. Các mặt hàng phong phú, đầy đủ về chủng loại, có nguồn gốc xuất xứ, được kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng. Như vậy, cùng với nhân dân trong đất liền, các xã tuyến đảo của tỉnh đến thời điểm này cũng đầy đủ các mặt hàng phục vụ Tết, tất cả đều hướng đến một cái Tết Cổ truyền dân tộc Giáp Thìn 2024 sung túc, đầm ấm, sum vầy; gia đình ấm no, hạnh phúc.

Cover

Sáng sớm một ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trong tiết Xuân mưa phùn lất phất, tàu Cô Tô 01 hú lên hồi còi dài, nhổ neo rời cảng, đem theo không chỉ đào quất thắm sắc Xuân, quà bánh đượm vị Tết, mà còn chở theo vô vàn tình cảm thương yêu, chia sẻ từ huyện đảo Cô Tô và cả đất liền gửi ra cho CBCS các đơn vị lực lượng vũ trang và nhân dân đảo Trần – hòn đảo tiền tiêu miền Đông Bắc của Tổ Quốc. Tết theo chuyến tàu đến với nơi hải đảo xa xôi, cùng quân và dân đảo Trần thắp bừng lên niềm tin vào sức sống mãnh liệt và hy vọng về tương lai yên bình nơi biên cương đầu sóng ngọn gió.

Ảnh với chú thích
Những chậu hoa tươi thắm sắc Xuân được vận chuyển tới đảo Trần, mang theo không khí mùa Xuân cho bộ đội và dân đảo.

Ngày giáp Tết, bầu trời và mặt biển mờ mịt trong màn mưa bụi. Chỉ đứng tại cầu cảng Cô Tô một lúc thôi, chiếc áo khoác ngoài của chúng tôi cũng đã ướt loang. Dù thời tiết không thuận lợi, nhưng những xe kéo vẫn hối hả ngược xuôi ra vào cảng, mang theo cây đào, cây quất, những phần quà Tết của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Cô Tô và các đơn vị trong và ngoài huyện để đưa lên tàu gửi tặng CBCS và nhân dân đảo Trần. Không chỉ những phần quà là hiện vật, món quà Tết ý nghĩa nhất theo chuyến tàu chở Tết ra đảo xa chính là sự có mặt của hơn 100 cán bộ các phòng, ban, hội viên các đoàn thể và các ca sĩ, diễn viên quần chúng cùng một chương trình nghệ thuật đặc biệt vui Tết có chủ đề “Đảo Trần sắc Xuân mới”.

Vừa hối hả cùng mọi người bê chậu quất tươi xanh, đủ quả chín, quả xanh, lộc biếc vận chuyển lên tàu, anh Phạm Văn Đức, đoàn viên thanh niên khu 4, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô chia sẻ: “Đào quất này anh em chúng tôi đã vận chuyển từ Vân Đồn ra đây được mấy hôm, chăm sóc giữ gìn cẩn thận để cây xanh tốt, hoa bung nở. Hôm nay sẽ đưa ra tặng CBCS và dân đảo để kịp trang trí đón Tết”.

Ảnh với chú thích
Các hộ dân sinh sống trên đảo Trần hân hoan chào đón Tàu Cô Tô 01 chở theo hương Xuân, vị Tết ra với đảo tiền tiêu.

Đưa hàng hóa, quà tết ra đảo mùa này không phải điều dễ dàng khi thường xuyên có gió mùa và sóng to. Chuyến đi lần này tuy có thuận lợi là đúng lúc đợt gió mùa vừa kết thúc, biển lặng sóng, nhưng lại gặp tiết trời mưa phùn, sương mù gây hạn chế tầm nhìn. Anh Nguyễn Văn Vũ, cán bộ Ban Quản lý các dịch vụ công ích huyện Cô Tô, chia sẻ: “May mắn là chuyến đi này sóng không to, biển yên bình. Tuy nhiên, thời tiết sương mù như này cũng khá khó khăn đấy, phải thật tập trung để đảm bảo an toàn cho người và quà Tết ra đảo".

Lần đầu được tham gia đoàn tổ chức vui Xuân đón Tết cho đảo Trần, cô Vương Thị Hạnh, Chủ nhiệm CLB Dân ca huyện Cô Tô vô cùng vui mừng phấn khởi, cùng đội văn nghệ say sưa luyện tập lại mấy bài hát để chuẩn bị cho chương trình văn nghệ. Cô Hạnh chia sẻ: “Tuy cũng là người con của Cô Tô, nhưng CBCS và dân đảo Trần lại ở xa bờ, khó khăn vất vả cũng nhiều hơn. Vì thế chúng tôi mong muốn rằng lời ca tiếng hát của mình sẽ là một món quà tinh thần quý báu, động viên quân và dân đảo Trần vượt khó khó khăn, có được không khí vui tươi rộn ràng trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc”.

Ảnh với chú thích
Những phần quà Tết từ đất liền theo tay cán bộ, người dân từ đảo Cô Tô lớn đến với CBCS và người dân đảo Trần.

Cứ thế, tiếng máy tàu hòa cùng tiếng sóng vỗ mạn tàu chầm chậm đưa chúng tôi đến với đảo Trần. Toàn đoàn ai cũng náo nức, bâng khuâng, ai cũng mong được đem tình cảm, hơi ấm của đất liền ra với quân và dân nơi đảo tiền tiêu trong những ngày Tết đến, Xuân về.

Ảnh với chú thích
Người dân thôn Trần phấn khởi, mừng vui khi đón nhận những phần quà Tết từ đất liền.

Sau hải trình gần 25 hải lý kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, tàu Cô Tô 01 đã cập cảng Đảo Trần trong sự đón chào của CBCS các đơn vị LLVT và dân đảo. Đón tay những phần quà Tết từ tàu đưa lên, anh Hoàng Việt Tuân, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, mừng vui phấn khởi tâm sự: Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đơn vị quân đội, 13 hộ dân với 53 nhân khẩu ở đảo Trần chúng tôi đều được hỗ trợ nhà ở khang trang cùng với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế. Đặc biệt, từ sau khi có điện lưới quốc gia, đời sống của người dân và CBCS trên đảo đã thay đổi hoàn toàn. Các công trình hạ tầng an sinh, tâm linh văn hóa cũng được quan tâm xây dựng giúp quân và dân yên tâm công tác, bám biển, bám đảo… Thôi ta nhanh nhanh vận chuyển đồ đạc đến Nhà văn hóa, mọi thứ cho chương trình tất niên đã được chuẩn bị xong xuôi từ sớm”.

Ảnh với chú thích
CBCS các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo Trần dọn dẹp vệ sinh, trang trí cảnh quan đơn vị để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Không như Tết trong đất liền, ở Đảo Trần xa xôi, ngày đông vui nhộn nhịp nhất trong dịp Tết lại là ngày tất niên, khi đoàn công tác của huyện Cô Tô đưa quà ra đảo. Vào ngày này, CBCS các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo và dân đảo là cùng nhau gói bánh chưng, trang trí cây đào, cây quất và tổ chức chương trình văn nghệ vui Tết đón Xuân. Mới đi đến đầu thôn, từ Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Trần đã vang ra tiếng nhạc rộn ràng, tiếng trẻ con cười nói, tiếng mọi người í ới gọi nhau nhanh trải chiếu, sắp khuôn, sẵn sàng gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn để gói bánh chưng.

Ảnh với chú thích
Đồng chí Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cùng ngồi gói bánh chưng với CBCS và Nhân dân đảo. 

Dù ở nơi đảo xa còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng ngày Tết ở đảo vẫn không thể thiếu bánh chưng xanh – nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Từng chiếc bánh vuông vức, xanh tươi màu lá dong thành hình dưới bàn tay khéo léo và sự phối hợp nhịp nhàng của quân và dân đảo Trần. Dưới mái hiên nhà sinh hoạt cộng đồng, đồng chí Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cùng ngồi gói bánh chưng với CBCS và nhân dân đảo. Đồng chí chia sẻ: Giữ vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, kinh tế biển đảo vùng Đông Bắc của Tổ Quốc, tuy nhiên, do khoảng cách về địa lý và điều kiện thời tiết đặc thù, đảo Trần vẫn còn gặp không ít khó khăn. Để động viên CBCS, nhân dân trên đảo, nhất là trong dịp Tết, huyện Cô Tô đã xây dựng kế hoạch và nhanh chóng triển khai chương trình vui Xuân đón Tết tại đảo Trần. Chủ đề của chương trình được huyện đặt là “Tết hải đảo thắm tình quân dân” cũng đã khái quát toàn bộ được ý nghĩa của hoạt động này. Cấp ủy, chính quyền Cô Tô luôn tin tưởng và kỳ vọng rằng, dù xa đất liền, dù khó khăn vất vả, nhưng CBCS các đơn vị lực lượng vũ trang và nhân dân đảo Trần vẫn sẽ luôn đoàn kết một lòng, vững bền ý chí, vượt qua mọi gian nan thử thách để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao, góp sức bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ảnh với chú thích
Quân và dân đảo Trần cùng nhau quây quần gói bánh chưng xanh. Dưới mái hiên Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Trần, không khí Tết Xuân đã hiển hiện rõ ràng trong sự hân hoan.

Trong những ngày cận Tết này, công việc của CBCS các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo Trần càng thêm bận rộn khi vừa phải đảm bảo kế hoạch công tác, bố trí trực Tết; vừa tăng cường bám nắm địa bàn, chủ động xử lý kịp thời tình huống; đồng thời tổ chức đón tiếp các đoàn đến thăm, chúc Tết và phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị tổ chức các hoạt động vui Xuân cùng bà con nhân dân. Tết là thời khắc đoàn viên ai cũng mong đợi, thế nhưng với những chiến sĩ trên đảo, ý thức trách nhiệm người lính và tình cảm với đồng đội, tình cảm gắn bó quân dân đã giúp người lính đảo xa thêm vững vàng.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Đảo Trần sắc xuân mới" là một món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa mà huyện Cô Tô gửi tới CBCS và Nhân dân hải đảo xa xôi.

Binh Nhất Trịnh Văn Duy, huấn luyện tại Tiểu đoàn Bộ binh đảo Trần, quê ở huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) phấn khởi chia sẻ: Lần đầu đón Tết trong quân ngũ, chúng em có cơ hội thể hiện sự khéo léo, thành thạo trong các công việc như trang trí cổng Tết, vẽ báo tường, chăm sóc bồn hoa cây cảnh. Năm nay, dù đón Tết xa gia đình nhưng em có nhiều đồng đội thân thiết ở bên để cùng trò chuyện, động viên nhau yên tâm trực Tết ở đơn vị. Không chỉ vậy, những ngày Tết này, chúng em còn được đón các đoàn công tác từ đất liên ra thăm, tặng quà động viên; được cùng bà con nhân dân quây quần gói bánh chưng, trang trí đào quất, bày mâm ngũ quả… Các hoạt động vui Xuân đón Tết ý nghĩa này vừa cho chúng em nhiều trải nghiệm thú vị, vừa giúp chúng em vơi đi cảm giác nhớ nhà, thấy lòng ấm áp hơn…

Ảnh với chú thích
Trong ánh lửa trại rực rỡ giúp xua tan đi sương giá, lời ca tiếng hát của quân và dân đảo Trần cất cao giữa trùng khơi, thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết, quyết tâm bám biển.

Khi những chiếc bánh chưng cuối cùng được gói hoàn thành, cũng là lúc đội văn nghệ chuẩn bị sẵn sàng cho chương trình nghệ thuật “Đảo Trần sắc xuân mới”. Chương trình được dàn dựng công phu với sự tham gia của hơn 50 ca sĩ, diễn viên nghiệp dư của huyện Cô Tô. Vừa thưởng thức xong ca khúc “Lính đảo Trần” do Nghệ sỹ vùng mỏ Quốc Hưng – cán bộ Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Cô Tô thể hiện, Binh nhất Phạm Hữu Công xúc động chia sẻ: Đây là lần đầu tiên em đón Tết xa nhà, và cũng là lần đầu tiên được tham gia một chương trình ý nghĩa đến vậy. Khi nghe lời bài hát “Lính đảo Trần” có đoạn: “Em ơi, anh là lính. Lính đảo Trần có gió làm niềm vui. Lính đảo Trần có sóng làm lời ca. Giữa trùng xa cháy lên khúc quân hành…”, em thấy thật xúc động và tự hào, càng thêm quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cấp trên giao, góp sức bảo vệ bình yên biển trời Tổ quốc…

Cuối chương trình, khi lửa trại cháy lên rực rỡ, xua tan đi mây mù đảo xa, cán bộ, quân và dân đảo Trần cùng nắm tay nhau hát vang ca khúc “Nối vòng tay lớn”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”… Tiếng hát của quân và dân cất cao giữa trùng khơi như xua đi giá rét, thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết, quyết tâm bám biển bám đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ảnh với chú thích
Lũ trẻ ở đảo Trần hân hoan, hạnh phúc, ríu rít nô đùa bên nhau trong không khí Tết Xuân.

Những hoạt động vui Tết đón Xuân kết thúc cũng là lúc chuẩn bị bước sang ngày mới, từ lời gợi ý của đồng chí Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, đoàn chúng tôi quyết định đến dâng hương dâng lễ tại Chùa Trúc Lâm đảo Trần. Được khởi công từ tháng 10/2022, vượt qua những khó khăn, cách trở về địa lý, công trình chùa Trúc Lâm đảo Trần đã được thi công “thần tốc” và hoàn thành xong giai đoạn 1 đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh.

Thượng tọa Thích Thanh Lịch, Trụ trì chùa Trúc Lâm đảo Trần, chia sẻ: “Qua hơn 2.000 năm chiều dài lịch sử, với mỗi người con nước Việt, chùa và Phật giáo đã trở thành một biểu tượng văn hóa thiêng liêng, hàm chứa bên trong khát vọng về sự bình an, hạnh phúc. Đi đâu đó xa xôi, khi quay trở về quê hương, nhìn thấy mái chùa thấp thoáng có nghĩa là đã trở về nhà… Chùa Trúc Lâm đảo Trần được xây dựng trên một cột mốc chủ quyền thiêng liêng nơi biên hải càng có thêm nhiều ý nghĩa lớn lao, không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân, mà còn là một điểm tựa tinh thần vững chắc, giúp quân và dân yên tâm công tác, bám biển, bám đảo, bảo vệ chủ quyền đất nước thiêng liêng… Tên Chùa Trúc Lâm đảo Trần cũng có ý nghĩa vô cùng to lớn khi nhắc nhớ giữa miền biển đảo biên cương về thiền phái Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, từ đó giúp hoằng dương Phật pháp giữa trùng khơi…

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Thượng tọa Thích Thanh Lịch cùng cán bộ và dân đảo làm lễ cầu quốc thái dân an, cầu mong hạnh phúc, yên bình cho vùng biển đảo tiền tiêu miền Đông Bắc thiêng liêng.

Đêm mùa Xuân, trong làn khói hương trầm ấm áp, tiếng kinh cầu quốc thái dân an nhẹ nhàng bay bổng, hòa vào tiếng chuông chùa ngân vang và tiếng sóng biển rì rào, như gửi lời cầu chúc và hy vọng về sự bình yên, hạnh phúc cho nơi biển đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc thiêng liêng…

Ảnh trong văn bản
Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản
Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản
Ảnh trong văn bản

Chỉ đạo thực hiện: Nguyễn Huế
Thực hiện: Mạnh Trường- Minh Hà
Đồ họa: Vũ Đức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu