Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển với biết bao gian nan, thách thức nhưng cũng đầy vinh quang, tự hào. Với lớp người đi trước mở đường, luôn sáng mãi niềm tin và khát vọng vào tương lai tươi sáng của quê hương.

“Người Đông Triều luôn mang trong mình niềm tự hào thiêng liêng là người con của một vùng đất địa linh nhân kiệt, là nơi có bề dày truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, nơi gắn liền với cội nguồn nhà Trần; nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của khu mỏ Quảng Ninh; nơi ra đời của giai cấp công nhân Vùng mỏ và Đệ tứ Chiến khu Trần Hưng Đạo - Chiến khu Đông Triều oai hùng thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám”. Đó là những lời mở đầu của ông Nguyễn Quang Nhạ, nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Triều (nay là Thị ủy Đông Triều) trong cuộc trò chuyện với chúng tôi. Đó không chỉ là những tâm huyết, tự hào, mà chính là tình cảm sâu nặng của người con sinh ra, lớn lên, gắn bó cả đời với mảnh đất Đệ tứ Chiến khu Anh hùng.

Ông Nguyễn Quang Nhạ kể chuyện cho cháu nghe về một thời gian khó xây dựng quê hương.

Ông Nguyễn Quang Nhạ kể chuyện cho cháu nghe về một thời gian khó xây dựng quê hương.

Ông Nguyễn Quang Nhạ (SN 1940) tại xã Đức Chính, huyện Đông Triều (nay là phường Đức Chính, TX Đông Triều) trong gia đình có truyền thống hiếu học. Năm 1958 ông bắt đầu công việc là nhân viên kế toán của HTX mua bán huyện. Trải qua nhiều vị trí công tác, giai đoạn 1991-2000 ông giữ cương vị Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Triều, đại biểu HĐND tỉnh, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh. Ông nghỉ chế độ năm 2001.

Tuổi thơ của ông gắn liền với những tháng ngày gian lao vất vả, song ông luôn thấy tự hào, khi được sống, cảm nhận sự vui sướng của bầu không khí tự do trên đất nước mình trong những ngày tháng hào hùng sục sôi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Năm 1975 đất nước hoàn toàn thống nhất là thời điểm ông được giao đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện.

Sau những tháng năm vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, nền kinh tế ở miền Bắc nước ta gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Song trong không khí hân hoan của cả nước mừng vui chiến thắng đã thúc đẩy tinh thần vượt mọi khó khăn, phát triển sản xuất, xây dựng đời sống mới lan tỏa khắp nơi nơi trên quê hương Vùng mỏ nói chung, Đông Triều nói riêng.

Ký ức sâu sắc nhất đối với ông là những ngày tháng "vượt nắng, thắng mưa" có mặt trên khắp các công trường trọng điểm của huyện để chỉ đạo các ngành, cùng nhân dân làm thủy lợi trong suốt 10 năm từ 1976-1985. Đông Triều với lợi thế "bờ xôi ruộng mật" luôn là vùng nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, nhưng thời tiết năm nào "mưa thuận gió hòa" thì mùa màng tươi tốt, còn ngược lại thì nông dân khá lao đao. Vì thế, ngay trong những ngày đầu khôi phục sản xuất sau chiến tranh, công tác thủy lợi được lãnh đạo huyện chỉ đạo với quyết tâm chính trị đặc biệt.

TX Đông Triều xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi

TX Đông Triều giành giải nhất tập thể Cuộc thi "Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại" do Tỉnh ủy tổ chức ngày 13/5/2023. Ảnh: Lê Đại (CTV)

TX Đông Triều giành giải nhất tập thể Cuộc thi "Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại" do Tỉnh ủy tổ chức ngày 13/5/2023. Ảnh: Lê Đại (CTV)

Thời điểm đó, phong trào làm thủy lợi được thực hiện theo tinh thần quân sự hóa, mỗi công trình là một chiến dịch với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, LLVT và nhân dân. Trong 10 năm, hệ thống đê điều trên địa bàn huyện được nâng cấp, hồ đập được đắp cơ bản hoàn thành, chấm dứt tình trạng "chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn", diện tích tưới tiêu đảm bảo trên 80% cả 2 vụ chiêm và vụ mùa. Qua đó thúc đẩy nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, góp phần khẳng định địa phương cung cấp lương thực, thực phẩm chủ lực cho tỉnh. Đặc biệt, thủy lợi làm đến đâu kéo theo điện về đến đó, đời sống nhân dân từng bước cải thiện rõ rệt.

Khi công tác trị thủy đã đi vào ổn định, lãnh đạo Đông Triều thời điểm đó tiếp tục bắt tay hoàn thành những kế hoạch tiếp theo nhằm tăng giá trị sản xuất, dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Nông dân xã An Sinh (TX Đông Triều) thu hoạch quả na dai được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Nguyễn Thanh

Nông dân xã An Sinh (TX Đông Triều) thu hoạch quả na dai được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Nguyễn Thanh

“Từ việc cơ cấu, sắp xếp lại diện tích đất đai, đến khi có đất rồi thì trồng cây gì, nuôi con gì mang lại hiệu quả lại là bài toán đặt ra cho người đứng đầu địa phương. Sau khi nghiên cứu về thổ nhưỡng cũng như tham khảo những chuyên gia nông nghiệp, Huyện ủy đã quyết định cử đoàn công tác tới các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang tìm giống vải thiều ngon về nhân giống, vừa làm vừa hướng dẫn để nhân dân tin tưởng, làm theo. Chính từ phát triển các mô hình trồng cây ăn quả ngày ấy đã tạo nền tảng để các xã Bình Khê, Việt Dân, An Sinh… hình thành các trang trại kinh tế vườn đồi quy mô lớn, chất lượng cao như ngày nay. Đây cũng là bước ngoặt để địa phương ngày càng đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, phá thế độc canh cây lúa, chuyển sang sản xuất đa canh” - Ông Nhạ chia sẻ.

Nhiều người về Đông Triều hôm nay không khỏi ngỡ ngàng bởi màu xanh mướt mắt của những cánh đồng mẫu lớn, nhà vườn nối liền nhau từ Tây sang Đông. Bàn tay, khối óc của những người sinh ra trên mảnh đất Đệ Tứ Chiến khu đã góp sức làm giàu, đẹp cho mảnh đất quê hương. Đông Triều đã mạnh mẽ vươn lên trở thành một trong 4 huyện, thị xã đầu tiên trong nước, đơn vị cấp huyện đầu tiên ở miền Bắc đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2014 và đang tiếp tục những bước đi đầy tự tin trên hành trình xây dựng NTM kiểu mẫu.

Ông Nhạ tự hào khẳng định: “Quảng Ninh bây giờ sự đổi thay có lẽ tính bằng tháng chứ không phải bằng năm. Qua thông tin đài báo, các dịp gặp mặt hằng năm với lãnh đạo địa phương, được thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, của tỉnh, tôi rất đỗi vui mừng. Một thời gian khó dựng xây quê hương của lớp thế hệ chúng tôi đã được đội ngũ lãnh đạo sau này kế thừa, phát huy mạnh mẽ, trở thành những người cầm lái tâm huyết, sáng tạo, luôn đặt mục tiêu vì hạnh phúc nhân dân lên trên hết để chung sức xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.


Đông Triều không chỉ là nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở khu mỏ Quảng Ninh, mà còn là nơi ra đời của Chiến khu Trần Hưng Đạo (Chiến khu Đông Triều).

Đông Triều không chỉ là nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở khu mỏ Quảng Ninh, mà còn là nơi ra đời của Chiến khu Trần Hưng Đạo (Chiến khu Đông Triều).

Người nông dân Đông Triều đánh giá cây na cho giá trị cao và bền vững

Người nông dân Đông Triều đánh giá cây na cho giá trị cao và bền vững

Công tác đào tạo được TX Đông Triều quan tâm.

Công tác đào tạo được TX Đông Triều quan tâm.

Ông Hoàng Tuấn Dương (SN 1940, tại Đồ Sơn, TP Hải Phòng), nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Than Quảng Ninh. Năm 1950 khi mới 10 tuổi, ông  cùng gia đình ra Vùng mỏ sinh sống và hòa nhịp rất nhanh cùng ngọn lửa đấu tranh sục sôi của giai cấp công nhân mỏ. Sau ngày giải phóng Vùng mỏ (25/4/1955), ông tiếp tục theo học phổ thông và tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản. Năm 1957 ông chính thức trở thành công nhân than của Công trường lò Lộ Trí (nay thuộc Công ty Than Thống Nhất - TKV).

Với tinh thần lao động hăng hái, nhiệt thành cách mạng, khi mới 19 tuổi ông đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp Nhà nước. Những năm sau đó, ông đã trải qua nhiều nhiệm vụ công tác, như: Bí thư Đoàn Mỏ than Thống Nhất; Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên huấn Đoàn Thanh niên Công ty Than Hòn Gai; Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Công ty Than Hòn Gai; Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Than Quảng Ninh đến năm 2000 thì nghỉ chế độ.

Ở tuổi ngoài 80, ông Hoàng Tuấn Dương vẫn say mê viết, ghi chép lại những sự kiện, kỷ niệm đáng nhớ về những ngày tháng gắn bó với ngành Than. 

Ở tuổi ngoài 80, ông Hoàng Tuấn Dương vẫn say mê viết, ghi chép lại những sự kiện, kỷ niệm đáng nhớ về những ngày tháng gắn bó với ngành Than. 

Nhớ lại những kỷ niệm công tác, gắn bó với ngành Than, ông không giấu được niềm xúc động về một thời kỳ nhiều gian khó mà đầy tự hào: “Ngày 15/5/1955, Xí nghiệp Quốc doanh Than Hòn Gai thành lập, được coi là tiền thân của Công ty Than Hòn Gai ra đời sau này vào năm 1960 gồm các mỏ từ Mạo Khê (Đông Triều) đến Mông Dương (Cẩm Phả). Nói về giai đoạn thành lập, tách ra, hợp nhất của các đơn vị, công ty thuộc ngành Than thì rất nhiều, song có những giá trị không bao giờ thay đổi, đó là tinh thần, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của công nhân mỏ ở thời kỳ nào cũng vậy. Họ luôn là những con người có tính kỷ luật, chăm chỉ, phấn đấu cao. Năm 1955 khi mới tiếp quản khu mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả mới có khoảng 8.000 cán bộ, công nhân với 200 đảng viên, đến năm 1960 đã tăng lên trên 14.300 người với hơn 1.000 đảng viên”.

Cán bộ, công nhân ngành Than đã hăng hái lao động quên mình cho dòng than tuôn chảy với các phong trào thi đua: “Một người làm việc bằng hai”, "Tất cả vì miền Nam ruột thịt"..., đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam. Tháng 12/1964, với tinh thần thi đua ấy, Công ty Than Hòn Gai đã hoàn thành kế hoạch sản xuất trước 15 ngày với sản lượng 3,2 triệu tấn than sạch. Đúng mùng 1 Tết Nguyên đán năm Ất Tỵ 1965, Bác Hồ về thăm, vui Tết với nhân dân, cán bộ tỉnh Quảng Ninh. Bác chúc Tết, khen ngợi các ngành đều đã cố gắng thi đua giành được nhiều thắng lợi vẻ vang trong chiến đấu và lao động sản xuất. Trong đó, Bác khen Công ty Than Hòn Gai đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 20 vạn tấn than sạch. Bác đã tặng “Cờ thưởng luân lưu thi đua khá nhất” cho ngành Than. Những năm sau đó, sản xuất than luôn được xác định là ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh, được Nhà nước quan tâm. Trên tinh thần đó, ngành Than đẩy mạnh việc cơ khí hóa, tăng cường công tác quản lý kinh tế, nên sản lượng than hằng năm đều tăng nhanh, tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh.

Với tinh thần

Thợ mỏ Công ty Than Mạo Khê vào ca sản xuất. Ảnh: Phạm Mạnh Hùng (CTV)

Thợ mỏ Công ty Than Mạo Khê vào ca sản xuất. Ảnh: Phạm Mạnh Hùng (CTV)

Ông Hoàng Tuấn Dương chia sẻ: Khẩu hiệu “Sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc” đã trở thành tiếng gọi thiêng liêng đối với công nhân mỏ. Suốt giai đoạn 1955-1975 sau giải phóng Vùng mỏ đến khi đất nước thống nhất là 20 năm khó khăn, gian khổ vô cùng, nhưng lớp lớp công nhân mỏ và ngành Than đã quyết tâm, nỗ lực không ngừng. Còn nhớ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, kinh tế suy thoái, lạm phát cao, than làm ra khó bán, song thợ mỏ vẫn đoàn kết, sẵn sàng san sẻ việc làm và thu nhập, để cùng nhau vượt qua thử thách.

Với sự thành lập của Tổng Công ty Than Việt Nam (TVN) năm 1994, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) năm 2005, ngành Than từng bước trải qua quá trình xây dựng và phát triển, lớn mạnh về mọi mặt. Nếu như năm 1995 sản lượng than khai thác mới đạt trên 7,2 triệu tấn thì đến năm 2022 sản xuất than nguyên khai đạt 42,2 triệu tấn, doanh thu đạt 165.000 tỷ đồng, cao nhất từ khi thành lập đến nay, tăng trưởng lợi nhuận vượt 5.000 tỷ đồng so với kế hoạch, nộp ngân sách nhà nước 21.350 tỷ đồng, vượt 3.450 tỷ đồng so với kế hoạch giao. TKV tiếp tục đạt được những thành tích toàn diện, giữ vững vai trò chủ lực, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và khẳng định là Tập đoàn lớn mạnh, trụ cột của nền kinh tế.

TKV sản xuất trên 25 triệu tấn than thương phẩm trong 6 tháng đầu năm 2023.

TKV sản xuất trên 25 triệu tấn than thương phẩm trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Hoàng Yến

TKV sản xuất trên 25 triệu tấn than thương phẩm trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Hoàng Yến

Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo của Đảng ủy Than say sưa kể từng chi tiết, những con số thành tích của ngành Than với sự minh mẫn lạ thường. Có lẽ, đối với ông hay bất cứ ai thuộc lớp thế hệ đầu tiên gắn bó và trưởng thành từ ngành Than đều như vậy. Ngành Than đối với họ là lý tưởng, là một phần máu thịt, bởi vậy, qua thời gian, những điều đẹp đẽ ấy chẳng những không phai mờ, mà mãi lấp lánh tự hào như vẻ đẹp vốn có của hòn than đen nhánh tựa kim cương.

“Suốt chặng đường 60 năm đồng hành với Quảng Ninh, lớp lớp các thế hệ thợ mỏ luôn hăng hái thi đua trong chiến đấu, lao động sản xuất với tinh thần “sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”, lập nên những kỳ tích từ thời chiến cho đến thời bình, góp phần thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”. Đó thật sự là niềm vinh hạnh và tự hào lớn lao mà chúng tôi luôn trân trọng” - Ông Dương chia sẻ.


Trung bình mỗi năm, TKV sản xuất và tiêu thụ trên 40 triệu tấn than cung cấp phục vụ cho các ngành nghề kinh tế.

Trung bình mỗi năm, TKV sản xuất và tiêu thụ trên 40 triệu tấn than cung cấp phục vụ cho các ngành nghề kinh tế.

Trung bình mỗi năm, TKV sản xuất và tiêu thụ trên 40 triệu tấn than cung cấp phục vụ cho các ngành nghề kinh tế.

Trung bình mỗi năm, TKV sản xuất và tiêu thụ trên 40 triệu tấn than cung cấp phục vụ cho các ngành nghề kinh tế.

Việc đầu tư thiết bị khai thác hầm lò hiện đại, đồng bộ của Công ty CP Than Vàng Danh góp phần giảm tác động từ việc khai thác than ra môi trường.

Việc đầu tư thiết bị khai thác hầm lò hiện đại, đồng bộ của Công ty CP Than Vàng Danh góp phần giảm tác động từ việc khai thác than ra môi trường.

Cổng vào Khu di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo Ngọc Vừng.

Cổng vào Khu di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo Ngọc Vừng.

Từ hồ bán nguyệt nhìn ra xa là nhà bia và cây đa nơi Bác Hồ nói chuyện với quân dân đảo Ngọc Vừng năm 1962.

Từ hồ bán nguyệt nhìn ra xa là nhà bia và cây đa nơi Bác Hồ nói chuyện với quân dân đảo Ngọc Vừng năm 1962.

106 năm tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, người đảng viên lão thành Phạm Văn Nghi (xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn) đã cùng nhân dân vùng lên giành chính quyền vào tháng 8/1945, tham gia xây dựng quê hương, chứng kiến đất nước phát triển hôm nay.

Ông Phạm Văn Nghi thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng. 

Ông Phạm Văn Nghi thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng. 

Ông Phạm Văn Nghi hiện ở khu phố Ngô Quyền (phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả). Mặc dù đã nặng tai, nhưng ông vẫn nhớ từng chi tiết về những tháng năm gian khổ, nhọc nhằn tham gia hoạt động cách mạng, đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Sinh ra, lớn lên tại đảo Ngọc Vừng, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông là nông dân như bao người dân khác lao động sản xuất sinh sống, đã chứng kiến cảnh áp bức bọc lột dưới chế độ thực dân phong kiến hà khắc. Tháng 8/1945, khí thế cách mạng sục sôi trong cả nước, ngày 27/9/1945, đồng chí Lê Văn Phê, đại diện Việt Minh, từ TX Cẩm Phả đến Ngọc Vừng lãnh đạo nhóm thanh niên, trong đó có ông Phạm Văn Nghi, tổ chức mít tinh, tuyên bố xóa bỏ chính quyền phong kiến tay sai thân Nhật, thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời xã Ngọc Vừng. Ông Nghi là quần chúng ưu tú, biết chữ, nên được phân công làm Ủy viên thư ký của Ủy ban Cách mạng lâm thời xã Ngọc Vừng.

Từ đây, xã Ngọc Vừng trở thành một đơn vị hành chính độc lập, tách khỏi xã Quan Lạn. Ông  Nghi cùng người dân tăng gia sản xuất, giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm cứu đói; tổ chức nhóm vũ trang chống giặc ngoại xâm; thực hiện xóa nạn mù chữ cho nhân dân. Với phương châm "Người biết đọc, biết viết dạy cho người chưa biết", đến năm 1948 người dân xã đảo cơ bản biết đọc, biết viết.

Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh ra đảo Ngọc Vừng, đến thăm trò chuyện với ông Phạm Văn Nghi, năm 1996. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh ra đảo Ngọc Vừng, đến thăm trò chuyện với ông Phạm Văn Nghi, năm 1996. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ông Nghi nhớ rõ, ngày 16/6/1949 ông được cấp trên tin tưởng đề nghị xét kết nạp Đảng. Ông là đảng viên đầu tiên của xã Ngọc Vừng đảm nhận chức vụ Bí thư Việt Minh thôn Ngọc Vừng. Hằng tháng ông sang họp chi bộ tại Quan Lạn. Khi giặc pháp đánh phá xã Quan Lạn, để giữ bí mật, Chi bộ Vân Hải chuyển sang hoạt động tại xã Bản Sen.

Giai đoạn này, để nhận chỉ thị của Chi bộ vào đầu tháng, ông phải đi thuyền đến Bản Sen mất 2-3 ngày mới trở về. Ông thường đi vào ban đêm để tránh địch phát hiện phục kích, tuy đường đi rất hiểm trở, nhưng chưa một lần lộ bí mật. Chi bộ chỉ đạo các thôn tham gia đấu tranh với nhiệm vụ hoạt động “bán thoát ly”, ngày ở rừng, đêm về tham gia sản xuất.

Kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, ông Nghi được cấp trên điều động làm ở Văn phòng Huyện ủy Cẩm Phả; sau đó được cử cán bộ tăng cường tại xã Vạn Yên. Ông kể: "Thời điểm mới giải phóng, địch cài cắm nhiều tổ chức phản động ở lại chống phá ta. Khi đó Vạn Yên là một xã vùng sâu, vùng xa, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu Hoa kiều, đời sống người dân khó khăn, cái đói đeo bám; tổ chức đảng hoạt động chưa hiệu quả. Trước tình hình đó, tôi được cấp trên điều động tăng cường cho xã vài năm để vực dậy phong trào tại đây".

Sau đó ông được huyện rút về, cử phụ trách Phòng Thống kê đến 10 năm. Giai đoạn 1965 -1972 ông được bầu vào Thường vụ Huyện ủy Cẩm Phả. Do Ngọc Vừng nằm án ngữ đường biển, đường hàng không, những năm này trở thành mục tiêu địch đánh phá ác liệt. Huyện ủy Cẩm Phả cử ông ra Ngọc Vừng trực tiếp đôn đốc cán bộ, chiến sĩ, dân quân cùng nhân dân bám đảo, giữ trận địa, xây dựng hầm trú ẩn kiên cố đánh giặc. Chiến tranh chống Mỹ kết thúc, ông được điều động làm Bí thư Đảng ủy Lâm trường Kế Bào, năm 1977 ông nghỉ hưu.

Ở tuổi 106 ông Phạm Văn Nghi xem được tài liệu sách báo.

Ở tuổi 106 ông Phạm Văn Nghi xem được tài liệu sách báo.

Khi nghỉ hưu, ông sống tại Ngọc Vừng, lúc đó còn vô vàn khó khăn. Giai đoạn chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhiều người dân bỏ đi, từ 1.000 người trước đây, chỉ còn 400 người. Do dân số ít nên trường học không có điều kiện để mở, nguy cơ trẻ em mù chữ, thất học hiện hữu. Là một đảng viên, ông nhận thấy vấn đề này cần khắc phục giải quyết ngay.

Nhân lúc đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh ra thăm đảo cùng Chủ tịch và Bí thư xã, ông có ý kiến với Phó Thủ tướng: “Muốn giữ đảo phải có dân, vì nơi đây là đảo tiền tiêu rất quan trọng, trên đảo có bộ đội thì phải có dân”. Ý kiến của ông đã được các đồng chí trung ương ghi nhận, chỉ đạo thực hiện. Sau đó có hàng trăm hộ dân từ đất liền ra đảo làm kinh tế mới.

Trong nhiều cuộc họp Chi bộ thôn và Đảng bộ xã, ông nhìn thấy trong chi bộ, đảng bộ vẫn có sự bất đồng, chưa đoàn kết, nên đã trực tiếp lên huyện gặp, đề xuất bố trí cán bộ cho phù hợp để xây dựng các chi bộ, đảng bộ xã trong sạch vững mạnh. Hơn 40 năm sau khi nghỉ hưu, hằng tháng ông vẫn tham gia sinh hoạt Chi bộ thôn, học nghị quyết tại xã, trực tiếp tham gia viết Lịch sử đảng bộ xã Ngọc Vừng; đề xuất đóng góp ý kiến tâm huyết với cán bộ lãnh đạo thôn, xã trong phát triển kinh tế.

Từ khi về hưu, ông là đảng viên gương mẫu, tận tụy. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn tham gia sinh hoạt chi bộ, có ý kiến tâm huyết thì đóng góp, chia sẻ với cán bộ địa phương. Đã ở tuổi "xưa nay hiếm", nhưng hằng ngày ông vẫn theo dõi sát trên đài, báo về tình hình chính trị - xã hội, vui mừng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua.

Chia tay ông, người đảng viên lão thành ngước nhìn tôi với đôi mắt sáng, nụ cười trên môi. Sống qua một thế kỷ có lẻ, ông vẫn luôn một niềm tin sắt son "luôn có Đảng trong tim mình".

Đại tá Phùng Ngọc Hùng năm nay 90 tuổi đời, 69 năm tuổi Đảng, là đảng viên lão thành cách mạng tiêu biểu của TP Hạ Long. Ông vẫn còn nhớ như in những chặng đường gian khổ nhưng rất đỗi tự hào mà bản thân đã trải qua.

Ông sinh ra trong một gia đình giáo chức có truyền thống yêu nước, bố ông dạy học tại một trường tư tại TX Hòn Gai. Khi Cách mạng Tháng Tám diễn ra, ông  mới 13 tuổi, học tại một trường tiểu học tại Dốc Học. Ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám nổ ra ở hầu hết các nơi. Ông cùng nhân dân tham gia mít tinh tại sân vận động Hòn Gai, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng.

Đại tá Phùng Ngọc Hùng kể về tấm Bằng khen được Lực lượng vũ trang nước Cộng hòa Cu Ba tặng.

Đại tá Phùng Ngọc Hùng kể về tấm Bằng khen được Lực lượng vũ trang nước Cộng hòa Cu Ba tặng.

Tháng 9/1945 ông tham gia tiểu đội thiếu niên tiền phong do khu bộ Việt Minh tổ chức. Tiểu đội khi đó mới có 12 người, do ông làm tiểu đội trưởng. Tiểu đội được trang bị bộ trống với mục đích để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào cách mạng, đánh đuổi kẻ thù ủng hộ Việt Minh. Đến năm 1946 tiểu đội phát triển thành trung đội thiếu niên tiền phong Trần Quốc Tuấn, tham gia hoạt động mít tinh, biểu tình chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam; vận động nhân dân Vùng mỏ vùng lên không làm nô lệ cho thực dân.

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông tham gia hoạt động tại Nam Định, rồi Hải Dương. Năm 1947 ông nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Tháng 7/1953 ông được bổ sung vào Đại đoàn Sơn pháo 351 tham gia Chiến dịch Điên Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, đơn vị ông về tiếp quản TX Sơn Tây (TP Hà Nội).

Ngày 25/4/1955, thực dân Pháp rút khỏi TX Hòn Gai, khu Hồng Quảng thành lập Trung đoàn 244 để tiếp quản bảo vệ Vùng mỏ. Đang ở Sơn Tây, ông được cấp trên điều động về ban pháo binh của Trung đoàn 244 tiếp quản, bảo vệ Vùng mỏ Hồng Quảng. Ông cho biết: Sau khi Pháp rút khỏi Hòn Gai, chúng đã gài lại một số tổ chức phản động của Voòng A Sáng hay Lục Văn Thông cầm đầu để chống phá ta. Ông phụ trách pháo binh, lựa chọn các khu vực xung yếu để bố trí phòng thủ. Ở đất liền bố trí pháo đặt tại Cửa Ông (TP Cẩm Phả) đến Phà Rừng (TX Quảng Yên); ở các tuyến đảo Cô Tô, Ngọc Vừng, Hòn Rồng, nhằm đề phòng tàu biệt kích của địch đổ bộ đánh bất ngờ. Giai đoạn tiếp quản này, đơn vị ông vừa luyện tập, vừa phối hợp tác chiến, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Vùng mỏ quê hương.

“Khi được cấp trên điều động về tiếp quản bảo vệ Vùng mỏ, tôi rất vinh dự, tự hào. Sau gần 10 năm xa cách, nay tôi được trở về mảnh đất nơi mình sinh ra, được nhìn thấy người thân, khuôn mặt lấm bụi than của công nhân mỏ nở nụ cười. Cuộc sống người dân Vùng mỏ sau giải phóng đã đổi thay rất nhiều, nhìn nét mặt ai cũng phấn khởi, có người còn không tin rằng cuộc kháng chiến chống Pháp thành công lớn đến thế. Vậy nên người dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quyết tâm xây dựng, bảo vệ chính quyền nhân dân, chống phản động tay sai, giữ gìn an ninh trật tự” - Ông Phùng Ngọc Hùng chia sẻ

Ông Phùng Ngọc Hùng (hàng đầu, thứ 2 trái sang) khi làm chuyên gia quân sự ở Cu Ba. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ông Phùng Ngọc Hùng (hàng đầu, thứ 2 trái sang) khi làm chuyên gia quân sự ở Cu Ba. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Qua 5 năm (1955-1960) hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản bảo vệ Vùng mỏ, Trung đoàn 244 được cơ cấu lại, một số cán bộ phục viên. Ông Hùng được giữ lại xây dựng đơn vị tiến lên chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Sau khi tỉnh Quảng Ninh được thành lập (ngày 30/10/1963), ông công tác tại Quân khu Đông Bắc.

Đầu năm 1970 ông được điều về Bộ CHQS tỉnh tham gia Ban pháo phòng không, phụ trách tác chiến. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, ông làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 458 pháo binh, Sư đoàn 323, Đặc khu Quảng Ninh. Sau đó ông được cử làm chuyên gia quân sự tại Cu Ba, đến khi hoàn thành nhiệm vụ, ông về Quân khu Ba làm cán bộ tham mưu. Năm 1993 ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì; LLVT nước Cộng hòa Cu Ba tặng Bằng khen và nhiều tặng thưởng cao quý khác.

Ở tuổi 90, Đại tá Phùng Ngọc Hùng phát huy bản chất người lính, gương sáng trong gia đình.

Ở tuổi 90, Đại tá Phùng Ngọc Hùng phát huy bản chất người lính, gương sáng trong gia đình.

Nghỉ hưu, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, đảm nhiệm nhiều chức vụ: Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch MTTQ, Phó Chủ tịch Hội CCB phường Bãi Cháy. Chứng kiến rất nhiều sự đổi thay của quê hương, nhưng những năm tháng tiếp quản, bảo vệ Vùng mỏ vẫn là hình ảnh sâu đậm nhất trong trái tim ông.

Đại tá Phùng Ngọc Hùng xúc động bày tỏ: “Cảm ơn số phận đã cho tôi sinh ra tại vùng đất Quảng Ninh Anh hùng, đã vươn lên trong đấu tranh, giành nhiều thắng lợi vẻ vang. Trong công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được chứng kiến sự đổi thay không ngừng của tỉnh, tôi cũng như bao người con quê hương Quảng Ninh vô cùng tự hào, vững niềm tin vào tương lai tươi sáng của quê hương”.

Nhân dân biểu diễn văn nghệ mừng bộ đội vào tiếp quản Hòn Gai, ngày 24/5/1955. Ảnh: Tư liệu

Nhân dân biểu diễn văn nghệ mừng bộ đội vào tiếp quản Hòn Gai, ngày 24/5/1955. Ảnh: Tư liệu

Ngày xuất bản: 24/10/2023
Thực hiện: Nguyễn Dung - Dương Trường
Trình bày: Vũ Đức