
Trong xu thế của cuộc cách mạng 4.0, với cái “tâm” của người làm báo Đảng, những người làm báo Quảng Ninh hôm nay đang cùng nhịp bước hướng tới thời kỳ phát triển mạnh mẽ, vững chắc của tỉnh. Nhìn lại 6 thập niên đã qua, sự phát triển các ấn phẩm báo Quảng Ninh hôm nay luôn có dấu ấn của những nhà báo gạo cội - những người đứng đầu, cầm lái con thuyền báo chí của tỉnh nhà.


Nhà báo Nguyễn Huy Trợ, nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh, cùng các phóng viên trẻ đến thăm lại ngôi nhà từng là tòa soạn Báo Than tại TP Cẩm Phả năm 2012.
Nhà báo Nguyễn Huy Trợ, nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh, cùng các phóng viên trẻ đến thăm lại ngôi nhà từng là tòa soạn Báo Than tại TP Cẩm Phả năm 2012.
Trước năm 1964, cố Tổng Biên tập Nguyễn Huy Trợ từng trải qua công tác tuyên giáo, văn phòng, phụ trách báo Vùng Mỏ. Khi Báo Quảng Ninh được thành lập, ông được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập. Chưa đầy một năm sau ngày thành lập tỉnh, Quảng Ninh lại cùng miền Bắc bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Toà soạn báo khi đó ở số 30, phố Hữu Nghị (nay là khu nhà Cung Văn hoá lao động Việt - Nhật) và cả TX Hồng Gai bị đánh phá ác liệt. Giai đoạn 1966-1973, Báo Quảng Ninh phải sơ tán nhiều lần, ban đầu là vào khu vực mỏ Hà Lầm, rồi xuống cây số 13, Quang Hanh (TX Cẩm Phả), tiếp đó vào tận các xã Sơn Dương, Dân Chủ thuộc huyện Hoành Bồ cũ.

Cố Tổng Biên tập Nguyễn Huy Trợ.
Cố Tổng Biên tập Nguyễn Huy Trợ.
Công việc làm báo vốn đã vất vả, làm báo trong điều kiện tỉnh mới thành lập, vừa làm vừa chiến đấu trong bom đạn của giặc Mỹ thì sự gian khổ, hiểm nguy càng lớn. Khi sơ tán, cố Tổng Biên tập Nguyễn Huy Trợ đã cùng với cán bộ, phóng viên của cơ quan vừa phải chặt cây làm lán trại, đào hầm để tránh đạn bom, vừa đi cơ sở để lấy tư liệu viết tin, bài. Tỉnh mới được sáp nhập, địa bàn công tác rộng, trong khi lực lượng phóng viên mỏng, chưa xây dựng được nhiều cộng tác viên, nên cả toà soạn đều phải nỗ lực hết mình.
Ở Quang Hanh chừng 1 năm, cơ quan phải di chuyển vào vùng rừng núi thuộc xã Sơn Dương. Vào đây, Báo Quảng Ninh nhận được sự đùm bọc, giúp đỡ thân tình của đồng bào các dân tộc trong xã. Ở nơi sơ tán, cố Tổng Biên tập Nguyễn Huy Trợ lo gìn giữ sức khoẻ cho bản thân và cán bộ, phóng viên. Tại địa bàn đứng chân, cán bộ, phóng viên của báo vừa chặt cây làm lán trại, đào hầm để tránh bom đạn, tranh thủ cuốc đất, trồng rau, tăng gia sản xuất, vừa đi cơ sở để lấy tư liệu viết tin, bài, nhưng báo Quảng Ninh vẫn được đảm bảo xuất bản đúng kỳ.

Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh Nguyễn Huy Trợ (giai đoạn 1972-1988) phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm kỷ niệm 90 năm Báo Than (năm 2018). Ảnh tư liệu
Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh Nguyễn Huy Trợ (giai đoạn 1972-1988) phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm kỷ niệm 90 năm Báo Than (năm 2018). Ảnh tư liệu
Ở thời điểm đó, cả cơ quan Báo Quảng Ninh chỉ có hơn 30 cán bộ, phóng viên, nhân viên và báo cũng chỉ in khổ nhỏ, phát hành 1 kỳ/tuần. Báo thường ít khi có ảnh vì khi đó ở Quảng Ninh chưa có kỹ thuật làm bản kẽm. Bản kẽm vừa đắt vừa hiếm, mua được ít bản kẽm phải dùng rất dè sẻn, khi cần dùng thì đưa về Hà Nội hoặc Hải Phòng nhờ chế bản ảnh trên kẽm.
Tuy đời sống khổ cực, thiếu thốn đủ bề, đi lại dưới bom đạn rất nguy hiểm, nhưng cán bộ, phóng viên Báo Quảng Ninh luôn đồng cam, cộng khổ, giúp đỡ nhau để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Và trong nỗ lực chung đó, cố Tổng Biên tập Nguyễn Huy Trợ chính là tấm gương sáng về tinh thần tự học, tự đào tạo, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Hơn 40 năm làm báo tận tụy và cống hiến, cố Tổng Biên tập Nguyễn Viết Khai gắn bó với Báo Quảng Ninh tới 38 năm. Trong đó, ông làm Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh từ tháng 2/1988 đến tháng 5/2000. Cố Tổng Biên tập Nguyễn Viết Khai chính là người có công xây dựng trụ sở toà soạn cuối những năm 80 của thế kỷ XX, từ nguồn đầu tư gần 100 triệu đồng được các cơ quan, đơn vị và nhân dân ủng hộ. Trong đó, có đơn vị, cơ quan, địa phương ủng hộ bằng tiền, có nơi ủng hộ bằng đá, xi măng, sắt thép, phương tiện vận chuyển... Thậm chí có 4 đảng viên ở Ba Chẽ rất khó khăn vẫn gửi tiền ủng hộ người 5.000 đồng, người 10.000 đồng. Chưa đầy 1 năm, từ tháng 8/1989 đến tháng 6/1990, trụ sở Báo Quảng Ninh đã được xây dựng xong. Ngày 20/6/1990, kỷ niệm 65 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) cũng là ngày khánh thành Trụ sở Báo Quảng Ninh.

Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh Nguyễn Viết Khai (giai đoạn 1988-2000) trong dịp chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tối 30/8/1994. Ảnh tư liệu
Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh Nguyễn Viết Khai (giai đoạn 1988-2000) trong dịp chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tối 30/8/1994. Ảnh tư liệu
Có lẽ kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời cố Tổng Biên tập Nguyễn Viết Khai như ông từng chia sẻ là được gặp gỡ và tặng báo Quảng Ninh cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là năm 1994, nhân kỷ niệm lần thứ 83 Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tỉnh uỷ Quảng Ninh mời Đại tướng và gia đình về nghỉ tại khu biệt thự Nhà tròn Bãi Cháy (bây giờ nơi này là Khách sạn Novotel). Cố Tổng Biên tập Nguyễn Viết Khai đã tặng Đại tướng 3 số báo Quảng Ninh. Lật từng trang, xem từng số báo, Đại tướng khen báo Quảng Ninh thứ bảy in màu đẹp, sáng sủa. Đại tướng góp ý, báo không nên dùng chữ nhỏ quá, người đọc khó xem, nhất là đối với người cao tuổi. Đại tướng cho biết, năm 1936 khi nổ ra cuộc đình công của hơn 3 vạn thợ mỏ, Đại tướng đã về Vùng mỏ theo dõi cuộc đình công và viết bài cho Báo Le Travail.

Cán bộ Hội Nhà báo tỉnh thăm, chúc Tết nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh Nguyễn Viết Khai, Xuân Kỷ Mão 2023.
Cán bộ Hội Nhà báo tỉnh thăm, chúc Tết nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh Nguyễn Viết Khai, Xuân Kỷ Mão 2023.
Sinh thời, cố Tổng Biên tập Nguyễn Viết Khai luôn đau đáu về nghề. Ông từng chia sẻ: Báo chí địa phương mới chỉ đi trúng - đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, mà chưa có nhiều bài viết mang tính chất phát hiện, "đóng đinh" được trong dư luận. Các nhà báo thế hệ bây giờ cần tích cực đi sâu vào thực tế, khám phá những vấn đề của xã hội để kịp thời đưa tin, phản ánh. Người làm báo phải tự tin, dân chủ, bình đẳng trong thực hiện nhiệm vụ. Các bài báo đừng viết như báo cáo, phải có chính kiến và chắt lọc theo tư duy của bản thân. Đồng thời, thường xuyên đổi mới tư duy trong định hướng và phong cách viết; đầu tư rút tít hấp dẫn để thu hút người đọc.

Cố Tổng Biên tập Nguyễn Viết Khai thời trẻ (ngoài cùng bên trái).
Cố Tổng Biên tập Nguyễn Viết Khai thời trẻ (ngoài cùng bên trái).


Nguyên Tổng biên tập Báo Quảng Ninh Lê Toán.
Nguyên Tổng biên tập Báo Quảng Ninh Lê Toán.
Nhà báo Lê Toán làm Quyền Tổng biên tập rồi Tổng Biên tập vào đầu những năm 2000, khi lãnh đạo và các nhà báo chủ chốt của Báo Quảng Ninh đang ở lứa tuổi 30-40. Tuổi trẻ, người nào cũng trăn trở muốn đổi mới. Trước hết là đổi mới về quy trình nghiệp vụ toà soạn. Ở thời điểm ấy Thư ký toà soạn vẫn phải mang bản thảo viết tay và ảnh sang nhà in để làm công việc chế bản. Việc tách ảnh màu phải chuyển đi Hà Nội thuê làm. Chính vì lý do đó, thông tin trên báo thường chậm.
Cũng từ khoảng năm 2000, tin học dần được ứng dụng vào cuộc sống. Báo Quảng Ninh cũng như các cơ quan báo Đảng trong toàn quốc bắt đầu sử dụng máy vi tính thay cho máy chữ. Nguyên Tổng Biên tập Lê Toán cùng một số nhân viên kỹ thuật trong toà soạn đến Nhà in Tiến Bộ (Hà Nội) học kỹ thuật chế bản. Rồi việc chế bản ảnh đen trắng và tách ảnh màu cũng được thực hiện thành công tại toà soạn, đây là cơ sở rất quan trọng để từ ngày 1/1/2001, báo Quảng Ninh xuất bản 4 số trong tuần (thứ 2, thứ 4, thứ 6 và số Cuối tuần).

Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh Lê Toán (giai đoạn 2001-2002) tặng báo Quảng Ninh cho Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu năm 2001. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Tổng Biên tập Lê Toán tặng báo Quảng Ninh cho Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu năm 2001. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Báo Quảng Ninh thường xuyên tổ chức đối thoại với bạn đọc. Yêu cầu cập nhật thông tin luôn là thách thức với mỗi cán bộ, phóng viên. Muốn tiếp tục tăng kỳ xuất bản, phải thực hiện tin học hoá toàn bộ công nghệ làm báo tại toà soạn. Đầu năm 2001, số máy vi tính của Ban Thư ký toà soạn chỉ có 4 cái. Với cương vị là người đứng đầu, tháng 6/2001 nguyên Tổng Biên tập Lê Toán đã trực tiếp soạn văn bản đề nghị Thường trực Tỉnh uỷ cho phép Báo Quảng Ninh thực hiện chế bản điện tử tất cả các số báo tại toà soạn. Hằng ngày, Thư ký toà soạn cùng các hoạ sĩ, kỹ thuật viên tin học miệt mài thực hiện công tác biên tập, chế bản điện tử. Số báo Quảng Ninh xuất bản ngày 20/6/2001 kỷ niệm 76 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam đã ghi dấu một bước ngoặt: Báo Quảng Ninh là cơ quan báo Đảng đầu tiên trong toàn quốc thực hiện chế bản điện tử tại toà soạn.

Nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh Lê Toán tặng sách cho Thư viện tỉnh.
Nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh Lê Toán tặng sách cho Thư viện tỉnh.
Thành công nối tiếp thành công. Báo Quảng Ninh xuân Nhâm Ngọ năm 2002 được phát hành với số lượng hơn 1 vạn tờ - lần đầu tiên báo Quảng Ninh phát hành số lượng lớn như vậy. Tiếp đó, ngày 21/6/2002, Báo Quảng Ninh tiếp tục xuất bản tăng thêm 2 kỳ/tuần. Đây là sự kiện phát triển của Báo Quảng Ninh, cũng là sự kiện của hệ thống báo Đảng toàn quốc.
Kế tục và phát huy truyền thống từ Báo Than, Báo Quảng Ninh đã không ngừng đổi mới, phát triển, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, là tiếng nói của chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Năm 2003, Báo Quảng Ninh chính thức phát hành 7 kỳ/tuần, trở thành nhật báo.
Trong sự đổi mới và phát triển đó, dưới sự chèo lái của những người lãnh đạo như nguyên Tổng Biên tập Lê Toán, đội ngũ làm báo trẻ ngày càng thể hiện phẩm chất của người làm báo Đảng, cần cù, sáng tạo, đổi mới tư duy để đưa tờ báo ngày một phát triển.

Sau hơn chục năm luân chuyển cơ quan, nhà báo Nguyễn Chí Thiết về làm Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh từ tháng 7/2002 đến tháng 8/2005 thì nghỉ hưu. Vì trước đó đã gắn bó lâu dài với Báo Quảng Ninh nên ông không mất thời gian để tìm hiểu, nắm bắt tình hình cơ quan. Cả tòa soạn Báo Quảng Ninh lúc đó có 51 người. Báo vừa tăng kỳ xuất bản từ 4 lên 6 kỳ/tuần, cán bộ, phóng viên rất phấn khởi trước sự phát triển mới, nhưng vẫn còn nhiều lo lắng.
Ngày đầu về cơ quan, nguyên Tổng Biên tập Nguyễn Chí Thiết đã làm việc với cán bộ chủ chốt, lắng nghe một số ý kiến về những khó khăn hiện tại đối với tổ chức, biên chế, tiền lương. Trong đó có khó khăn của 15 người đang làm việc tại cơ quan, nhưng chưa được hưởng tiền lương NSNN. Số này hầu hết đều là phóng viên mới, hằng tháng không phải thực hiện định mức, nhưng chỉ được cơ quan hỗ trợ mấy trăm ngàn đồng. Nhiều người chưa yên tâm, song vẫn cố gắng làm việc và hy vọng cơ quan sẽ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Tổng Biên tập Nguyễn Chí Thiết bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Hội CCB Báo Quảng Ninh.
Tổng Biên tập Nguyễn Chí Thiết bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Hội CCB Báo Quảng Ninh.
Thấu hiểu tâm trạng của cán bộ, phóng viên, nhất là phóng viên trẻ, nguyên Tổng Biên tập Nguyễn Chí Thiết chủ động họp bàn thống nhất trong lãnh đạo để báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy cho Báo Quảng Ninh được bổ sung thêm một Phó Tổng Biên tập, nâng biên chế hưởng lương ngân sách nhà nước từ 36 lên 52 người. Bí thư Tỉnh uỷ lúc đó là đồng chí Hà Văn Hiền đã đồng ý nội dung đề nghị này và giao cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy cùng với Báo Quảng Ninh thực hiện. Cũng thời điểm này, Báo Quảng Ninh tiến hành sắp xếp, điều chỉnh tổ chức ở một số bộ phận, đồng thời có kế hoạch lựa chọn, đề nghị bổ nhiệm một số lãnh đạo ban nghiệp vụ.
Ở cương vị người đứng đầu cơ quan, nguyên Tổng Biên tập Nguyễn Chí Thiết luôn trăn trở về nguồn thu nhập của cán bộ, phóng viên quá thấp, không khuyến khích được người làm nhiều, làm tốt. Đúng lúc ấy, Chính phủ ban hành Nghị định 61/2002/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các nhà xuất bản, cơ quan báo chí thực hiện việc lập quỹ nhuận bút; tạo sự thống nhất trong chi trả nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Nguyên Tổng Biên tập Nguyễn Chí Thiết đã tổ chức ngay một nhóm tập trung nghiên cứu xây dựng đề án thực hiện. Sau nhiều lần trình duyệt các cơ quan chức năng của tỉnh, đề án được thông qua. Chế độ nhuận bút mới cao hơn nhiều so với mức cũ, giúp tạo thu nhập ổn định cho cán bộ, phóng viên.
Nguyên Tổng Biên tập Nguyễn Chí Thiết cũng mạnh dạn thực hiện cơ chế trích một phần tiền quảng cáo cho phóng viên vay mua phương tiện làm việc như máy ảnh, máy vi tính. Cách làm này giúp cơ quan có thêm phương tiện làm việc không phải trông chờ vào NSNN, đồng thời phóng viên hoàn toàn chủ động khi đi làm nhiệm vụ. Qua các thời kỳ Báo Quảng Ninh luôn theo sát và đi cùng sự phát triển của báo chí cả nước để phục vụ kịp thời sự lãnh đạo của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của bạn đọc. Nguyên Tổng Biên tập Nguyễn Chí Thiết cũng đề xuất với lãnh đạo tỉnh đồng ý cho Báo Quảng Ninh phát hành số báo thứ bảy, chính thức trở thành nhật báo từ ngày 1/7/2003. Ở thời điểm mà nhiều tỉnh chưa có báo điện tử thì lãnh đạo tỉnh đã đồng ý cho Báo Quảng Ninh xây dựng đề án ra báo Quảng Ninh điện tử.

Nguyên Tổng biên tập Báo Quảng Ninh Nguyễn Chí Thiết (giai đoạn 2002-2005).
Nguyên Tổng biên tập Báo Quảng Ninh Nguyễn Chí Thiết (giai đoạn 2002-2005).


Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh Lương Mạnh Hùng (thứ 2, từ phải sang) tại Hội nghị Tổng kết công tác Thông tin Tuyên truyền năm 2008.
Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh Lương Mạnh Hùng (thứ 2, từ phải sang) tại Hội nghị Tổng kết công tác Thông tin Tuyên truyền năm 2008.
Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1982 về công tác tại Báo Quảng Ninh, trải qua nhiều cương vị khác nhau, nhà báo Lương Mạnh Hùng (Lương Hùng) được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập từ tháng 10/2005 đến khi qua đời vào tháng 11/2009.
Nhà báo Nguyễn Hải Chinh, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh, nhớ lại: Vào những ngày đầu mở Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tôi được Ban Biên tập giao nhiệm vụ đưa một nhóm phóng viên đi tìm hiểu và phản ánh sự kiện mới mẻ này. Trong nhóm phóng viên ấy, bên cạnh những gương mặt đã khá quen biết với bạn đọc, với đất và người dân Móng Cái, còn có nhà báo trẻ Lương Hùng. Lương Hùng vốn học văn. Khi về Báo Quảng Ninh thì làm việc ở Ban Nội chính, sau đó chuyển qua Ban Quảng Ninh thứ bảy. Đề tài quen thuộc của Lương Hùng là văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao và "một chút" trong mảng an ninh trên báo. Nhưng cũng chính ở mảng "một chút" ấy đã đem lại cho Lương Hùng giải Ba, Giải Báo chí toàn quốc năm 2002 với tác phẩm "Một nghị quyết được cuộc sống đặt tên" viết chung với nhà báo Ngô Tiến Cảnh.
Từ khi làm phóng viên đến giai đoạn làm lãnh đạo, cố Tổng Biên tập Lương Hùng đều coi trọng tính phản biện của báo chí. Theo nhà báo Lương Hùng, bản thân bài báo không có sức mạnh, sức mạnh chính là ở sự thật, ở lẽ phải mà bài báo đã phản ánh. Chính vì thế, báo chí mới có được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận, của đông đảo quần chúng nhân dân. Đó chính là “hậu phương” rộng lớn và vững chắc nhất của những người làm báo.

Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh Lương Hùng (thứ hai, phải sang), giai đoạn 2005-2009, trong một kỳ xét Giải Báo chí Quảng Ninh.
Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh Lương Hùng (thứ hai, phải sang), giai đoạn 2005-2009, trong một kỳ xét Giải Báo chí Quảng Ninh.
Thời kỳ nhà báo Lương Hùng làm Tổng Biên tập, Báo Quảng Ninh ra mắt báo Quảng Ninh điện tử. Ngoài chuyển tải các thông tin từ báo in thì báo Quảng Ninh điện tử liên tục cập nhật tin tức, bài viết về các sự kiện hằng ngày trong nước và quốc tế. Trong giai đoạn này, Báo Quảng Ninh đã làm tốt trách nhiệm xã hội của mình.
Sinh thời, Tổng Biên tập Lương Hùng từng quan niệm: Với chức năng là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh, việc ra đời Quỹ Xã hội từ thiện của Báo Quảng Ninh sẽ có tác dụng rất lớn trong việc khích lệ, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong cuộc sống hiện nay. Báo sẽ là chiếc “cầu nối”, giúp những tấm lòng hảo tâm đến được với những con người, những cảnh đời đang gặp nhiều khó khăn trong xã hội...
Tổng Biên tập Lương Hùng có chút lãng tử, nhưng cũng rất nghiêm túc trong công việc. Ông là người lãnh đạo nghiêm khắc với phóng viên. Nhà báo Thân Quốc Huấn, nguyên Trưởng Ban Chính trị - Xã hội (Báo Quảng Ninh) nhớ lại: Cả trong cuộc sống đời thường, cũng như trong công việc, Lương Hùng đều thể hiện sự tự tin, quyết đoán, đã làm là làm đến cùng với một cá tính không trộn lẫn với ai. Con người Lương Hùng là vậy. Và điều đó thể hiện trên từng trang viết. Từ cách đặt tít, cách nêu sự kiện, cách lý giải vấn đề, cho đến cách đặt câu dùng chữ... Lương Hùng đều có lối riêng độc đáo. Thời kỳ làm phóng viên đã vậy, đến lúc đảm trách cương vị lãnh đạo tờ báo, những bài viết của Lương Hùng vẫn vậy. Thậm chí, nhiều phóng viên trẻ rất sợ Lương Hùng biên tập bài viết của mình, bởi Lương Hùng là người cầu toàn trong câu chữ, đã thế còn rất nóng tính; không ưng ý là “quạt” luôn. Nhưng cũng chính từ sự nghiêm khắc ấy của Lương Hùng, nhiều phóng viên trẻ về Báo Quảng Ninh đã nhanh chóng vượt qua được giai đoạn “chập chững” để trở thành những nhà báo vững vàng, có bản lĩnh và phong cách riêng.

Nói về công tác Đảng trong cơ quan báo chí, nguyên Tổng Biên tập Nguyễn Tiến Mạnh cho rằng phải đổi mới một cách mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, điều hành, tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của cơ quan; nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy; đổi mới, hoàn thiện bộ máy cơ quan tinh gọn, hiệu quả trên cơ sở nâng cao quyền, trách nhiệm cho các phòng, bộ phận.
Đồng thời, xác định rõ vị trí việc làm một cách đúng đắn, phù hợp, cụ thể; xoá bỏ sự điều hành trung gian; xây dựng đội ngũ, bộ máy mạnh về chuyên môn, vững về chính trị, tư tưởng, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, có ý thức sáng tạo, đáp ứng sự phát triển của sự nghiệp báo chí; hướng tới xây dựng toà soạn vững mạnh, nâng cao chất lượng các ấn phẩm báo chí, tạo sự hấp dẫn với người đọc trong, ngoài tỉnh và quốc tế.
Cụ thể quan điểm trên, Báo Quảng Ninh đã xây dựng đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”.

Tổng Biên tập Nguyễn Tiến Mạnh cùng đoàn công tác của Báo Quảng Ninh tặng gạo cho hộ nghèo ở xã Đại Dực, huyện Tiên Yên. Ảnh: Lan Anh
Tổng Biên tập Nguyễn Tiến Mạnh cùng đoàn công tác của Báo Quảng Ninh tặng gạo cho hộ nghèo ở xã Đại Dực, huyện Tiên Yên. Ảnh: Lan Anh
Một mô hình nữa cũng được triển khai tích cực trong giai đoạn nhà báo Nguyễn Tiến Mạnh giữ cương vị Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh đó là mô hình toà soạn hội tụ. Trong đó, hoạt động của phóng viên, biên tập viên phải vừa có kỹ năng viết tin, bài, vừa sử dụng tốt các thiết bị công nghệ, kỹ thuật cho cả báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh. Bắt đầu từ ngày 1/9/2017, Báo Quảng Ninh chính thức vận hành mô hình Tòa soạn hội tụ và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.
Triển khai thực hiện mô hình tòa soạn hội tụ, Báo Quảng Ninh đã tập trung vào việc đổi mới, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức cơ quan báo chí, cũng như quy trình sản xuất để đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu sản xuất các tác phẩm báo chí hiện đại; cùng với đó là chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên, biên tập viên...
Để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ tuyên truyền trong tình hình mới, Báo Quảng Ninh đã xây dựng chương trình hành động với các mục tiêu đột phá. Đó là, đột phá trong cách tuyên truyền, trong trình bày và phân cấp, phân quyền theo đúng tinh thần đề án “Đổi mới toàn diện Báo Quảng Ninh, xây dựng mô hình toà soạn điện tử hiện đại” đã được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thông qua, cùng những chỉ đạo cụ thể của các đồng chí lãnh đạo tỉnh.

Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh Nguyễn Tiến Mạnh giới thiệu mô hình "Tòa soạn hội tụ" của Báo Quảng Ninh với đại biểu các cơ quan báo Đảng năm 2017.
Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh Nguyễn Tiến Mạnh giới thiệu mô hình "Tòa soạn hội tụ" của Báo Quảng Ninh với đại biểu các cơ quan báo Đảng năm 2017.
Mô hình tòa soạn hội tụ, trong đó các phòng, ban chuyên môn, phóng viên, biên tập viên, cũng như lãnh đạo cùng làm việc trong một không gian mở trên nền tảng Internet đã giúp cho đội ngũ phóng viên trưởng thành hơn trong hoạt động nghiệp vụ, hội tụ đầy đủ những kỹ năng của một nhà báo hiện đại. Năm 2014, Báo Quảng Ninh dưới thời Tổng Biên tập Nguyễn Tiến Mạnh đã được đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ giao chủ trì phối hợp với Đài PT-TH tỉnh, Sở TT-TT, cùng các sở, ngành liên quan xây dựng đề án thành lập Tổ hợp truyền thông đa phương tiện. Đây là những ý tưởng manh nha để 5 năm sau ra đời Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh như hiện nay.

Chủ tịch Hội Nhà báo, Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh Nguyễn Tiến Mạnh, chúc mừng các tác giả đạt giải tại Giải Báo chí Quốc gia năm 2014.
Chủ tịch Hội Nhà báo, Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh Nguyễn Tiến Mạnh, chúc mừng các tác giả đạt giải tại Giải Báo chí Quốc gia năm 2014.
Ngày đăng: 5/1/2024
Thực hiện: PHẠM HỌC
Trình bày: ĐỖ QUANG