
Ngày 7/9, bão Yagi (cơn bão số 3) với nhiều bất thường như: Vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính hoảng 250km; vùng gió cực mạnh vượt trên cấp 12 thậm chí giật đến cấp 17 kéo dài 80km xung quanh tâm bão... Sức tàn phá của bão để lại những hậu quả kinh hoàng ở những nơi nó đi qua. Tại Quảng Ninh, những vùng biển trắng, những quả đồi chết - đó là những gì còn lại sau cơn bão Yagi. Rừng và biển là 2 lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão lịch sử này, khi những vùng nuôi thủy sản gần như bị "xóa sổ", những rừng keo xanh ngắt một màu bị gãy ngang thân, đổ rạp, những tàu du lịch bị sóng đánh chìm... Kéo theo đó là sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, sinh kế, đời sống của những người làm du lịch, nuôi trồng, khai thác thủy sản và trồng rừng. Từ đống đổ nát sau giông bão, người dân Quảng Ninh đang nỗ lực nhanh chóng khắc phục khó khăn, quyết tâm làm lại, lấy lại, tin về một ngày mai tươi sáng.

Sau cơn bão Covid-19 kéo dài hơn 3 năm, ngành Du lịch Quảng Ninh đang dần đi vào ổn định thì lại tiếp tục ập đến thiên tai đó là cơn bão số 3. Đặc biệt là Hạ Long - thành phố Di sản, tọa độ hấp dẫn du khách hàng đầu đang đón hàng nghìn khách mỗi ngày thì giờ khắp nơi là cảnh đổ nát hoang tàn, hạ tầng du lịch bị phá hủy.
"Khổ quá anh em ơi. Chạy ra đi. Mau cứu người thôi"- đó là tiếng người gào hét tới lạc giọng, trong một clip ghi lại khoảnh khắc một chiếc tàu du lịch lưu trú hạng sang trên Vịnh Hạ Long bị đánh chìm do siêu bão Yagi, được đăng tải chiều ngày 7/9 trên mạng xã hội, đã khiến cho rất nhiều người xem cảm thấy thảng thốt và đau xót. Đây cũng là một trong những minh chứng rõ nét nhất cho thấy sự nhỏ bé, bất lực của con người trước mẹ thiên nhiên giận dữ.
Khoảnh khắc con tàu lưu trú hạng sang của Công ty TNHH Vận chuyển khách Bài Thơ bị sóng đánh chìm trong cơn bão.
Khoảnh khắc con tàu lưu trú hạng sang của Công ty TNHH Vận chuyển khách Bài Thơ bị sóng đánh chìm trong cơn bão.
Nhớ lại khoảnh khắc được bạn bè, người thân gửi clip về chiếc tàu của Công ty bị sóng đánh chìm, bà Vũ Thị Bích Hồng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận chuyển khách Bài Thơ vẫn chưa hết bàng hoàng, cho biết: Khi nhận được tin về cơn bão, Công ty đã đưa tàu về khu vực cửa hang Sửng Sốt để neo đậu, tránh bão, toàn bộ nhân viên cũng chạy hết lên hang. Thế nhưng, chỉ sau khi bão vào được ít giờ, con tàu nghiêng ngả rồi chìm dần. Thật sự rất đau xót, khi mà hàng tỷ đồng rơi xuống lòng biển chỉ trong tích tắc. Bão tan, Công ty lại tiếp tục mất thêm 1,5 tỷ đồng để trục vớt tàu và có lẽ là hàng tỷ đồng nữa để khôi phục. Thiệt hại lớn như vậy nhưng chúng tôi sẽ cố gắng xoay xở để một vài tháng nữa có thể đưa con tàu trắng xinh đẹp kiêu hãnh của mình quay trở lại biển đón khách như ngày nào.
Đối với ông Phạm Văn Chung (chủ tàu Hạ Long Diamond Cruises), cơn bão số 3 giống như một cơn ác mộng trong suốt những ngày qua. Ông Chung kể: Năm 2023, ngay sau khi nhận thấy ngành Du lịch phục hồi sau Covid-19, tôi quyết định thế chấp mấy căn nhà để đóng con tàu tham quan vỏ sắt 99 khách trị giá 25 tỷ đồng. Phần lớn số tiền đóng tàu đi vay ngân hàng, hàng tháng phải trả lãi, gốc là 180 triệu đồng và cũng cạn kiệt mọi nguồn lực nên khi thấy số tiền bảo hiểm lên tới 150 triệu đồng/năm, tôi dự định sang năm thứ 2 mới mua bảo hiểm cho tàu. Từ khi tàu đi vào hoạt động, khách đông nên số tiền lãi, gốc hàng tháng vẫn đảm bảo trả đủ ngân hàng và có thêm một khoản lãi, gia đình ai cũng phấn khởi với những tín hiệu này. Ngày bão số 3 ập đến, tôi đưa tàu về Âu tàu Hạ Long, cho nhân viên chằng néo tàu lại rất cẩn thận để giảm thiệt hại. Vì yên tâm rằng tàu sẽ an toàn, thời điểm bão số 3 quần thảo trên Vịnh, tôi cũng có mặt ở tàu để trông giữ tài sản. Thế rồi sóng lớn, gió rít ầm ầm, những con tàu vận tải chở hàng neo bên cạnh bỗng quay mũi lái, đâm thẳng vào tàu làm vỡ kính. Con tàu lúc đó không khác gì chiếc lá bị cuốn vào dòng nước lớn, nhận thấy tàu sẽ bị đánh chìm, tôi đành phải bỏ tàu lại để chạy lên bờ và may mắn vẫn an toàn. Đứng trên bờ, nhìn tài sản quý giá và tâm huyết của cuộc đời mình chìm dần, nước mắt mặc dù không thể chảy nhưng trong lòng như đang chết dần.
Con tàu tham quan vỏ sắt 99 khách trị giá 25 tỷ đồng của gia đình ông Phạm Văn Chung hiện đã được trục vớt.
Con tàu tham quan vỏ sắt 99 khách trị giá 25 tỷ đồng của gia đình ông Phạm Văn Chung hiện đã được trục vớt.
Tàu chìm khi mới đi vào hoạt động được vài tháng, số tiền nợ ngân hàng gần như vẫn còn nguyên khiến ông Chung xót của gần như không ăn, ngủ được. Bất lực là thế, nhưng rồi nghĩ đến gia đình, người thân, ông Chung lại “xốc” mình lên để chạy khắp nơi thuê cẩu trục vớt tàu. Với số tiền 700 triệu đồng vớt tàu và sẽ phải mất thêm khoảng 7 tỷ đồng để sữa chữa lại toàn bộ nội thất cũng lại khiến cho ông Chung tiếp tục có những đêm dài. “Tôi sẽ không bỏ cuộc, chỉ có chết tôi mới bỏ biển” - ông Chung ánh lên nụ cười quyết tâm và hy vọng.
Để trục vớt và sữa chữa tàu du lịch bị đắm sẽ mất hàng tỷ đồng.
Để trục vớt và sữa chữa tàu du lịch bị đắm sẽ mất hàng tỷ đồng.
Sau cơn bão số 3, toàn tỉnh có 27 tàu du lịch, 4 tàu chuyển tải bị đắm. Trong đó, có tới 23 tàu du lịch tại cảng Tuần Châu bị đắm, đây là một trong ba bến cảng được phép đón trả khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long với diện tích hơn 1,7 triệu m2 và sức chứa trên 2.000 tàu. Cảng Tuần Châu cũng là nơi đặt nhà chờ của nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du thuyền ngủ đêm trên Vịnh Lan Hạ.
Theo thông tin của các chủ tàu, chi phí đóng tàu du lịch chở khách tham quan Vịnh trong ngày thường khoảng 2-3 tỷ đồng, còn tàu nghỉ đêm, vỏ thép khoảng 25-50 tỷ đồng. Ước tính, để sửa chữa phần thân của một tàu du lịch tham quan tốn khoảng 500 triệu đến 1 tỉ đồng, chưa kể phần sửa máy móc, nội thất. Một số tàu không còn khả năng khôi phục thì phải đóng lại hoàn toàn.
23 tàu du lịch tại cảng Tuần Châu bị đắm trong cơn bão số 3.
23 tàu du lịch tại cảng Tuần Châu bị đắm trong cơn bão số 3.
Nhiều tàu du lịch neo đậu, tránh trú bão tại Cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu bị chìm đến nay vẫn chưa thể trục vớt được hết được. Nguyên nhân chính là phía bên TP Hải Phòng cũng có khá nhiều tàu, phương tiện vận tải thủy gặp nạn, dẫn đến thiếu đơn vị trục vớt. Khó càng chồng thêm khó, thế nhưng phần lớn các chủ tàu bị đắm đang cố gắng xoay xở.
Khách du lịch châu Âu đến thăm Vịnh Hạ Long từ Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.
Khách du lịch châu Âu đến thăm Vịnh Hạ Long từ Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.
Ông Trần Văn Hồng, Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long, cho biết: Cơn bão số 3 tiếp tục là phép thử cho những người làm nghề du lịch với chúng tôi. Nhìn vào hình ảnh những người dân làng Nủ (Lào Cai) vươn lên sau mất mát, chúng tôi thêm vững tin ngày mai sẽ đến và tương lai rồi cũng sẽ dần tốt đẹp hơn. Do đó, tất cả đều quyết tâm, đồng lòng xây dựng lại một đội tàu du lịch hùng hậu như ngày chưa có bão. Nhất là khi trung ương cũng như tỉnh Quảng Ninh và thành phố đang có những giải pháp cấp bách để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại sau bão có thêm điểm tựa để làm lại từ đầu. Vui hơn cả là chưa đầy 2 tuần sau cơn bão dữ, di sản, kỳ quan Vịnh Hạ Long, trọng điểm du lịch của tỉnh đã có những tín hiệu phục hồi tích cực khi trung bình mỗi ngày đón khoảng 5.000-6.000 lượt khách.
Có thể thấy chính những ý chí kiên cường vượt lên khó khăn đang là “chìa khóa” giúp du lịch Hạ Long nói riêng, du lịch Quảng Ninh nói chung sớm lấy lại đà tăng trưởng vốn có, khẳng định hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, giữ vững thương hiệu, vị thế của một trung tâm du lịch hàng đầu cả nước.

Ngay sau cơn bão, trên tinh thần mất ở biển, lấy lại từ biển, người dân NTTS Quảng Ninh bước ngay vào khắc phục hậu quả cơn bão, tập trung chuẩn bị các điều kiện để tái sản xuất thuỷ sản, mục tiêu nhanh nhất là đưa hoạt động NTTS trên biển trở lại bình thường.
Bão số 3 đã để lại hậu quả rất lớn đối với người dân NTTS Quảng Ninh.
Bão số 3 đã để lại hậu quả rất lớn đối với người dân NTTS Quảng Ninh.
Vùng biển xã Hạ Long, huyện Vân Đồn. Vẫn còn những hình ảnh dư âm kinh hoàng do cơn bão số 3 để lại. Cả một vùng lồng bè nuôi cá, nuôi nhuyễn thể trù phú, sôi động trước đó, giờ là vùng nước trắng.
Những thứ còn lại ở cơ sở NTTS của vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Bính là chiếc xuồng nổi hư hỏng, là những đoạn ống HDPE rời rạc, vốn là một phần của giàn nổi, là rất nhiều những quả phao nhựa nằm chồng lên nhau... Dưới sức gió, sức sóng khủng khiếp của cơn bão số 3, những thiết bị NTTS trên đã vỡ và trôi dạt khắp nơi trên biển. May mắn là vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Bính bằng kinh nghiệm làm nghề nuôi biển vài chục năm của mình đã kịp tìm thấy và kéo chúng về.
"Chẳng còn gì nhiều các cô ạ. Nhưng chắc chắn vợ chồng tôi sẽ làm lại. Mục tiêu là trước tháng 10 này chúng tôi sẽ xuống giống, ít nhất được 1 héc ta dây nuôi hầu… " - ông Nguyễn Sỹ Bính khẳng định chắc nịch.
Hợp tác xã NTTS Phất Cờ do ông Nguyễn Sỹ Bính làm Giám đốc từng nổi tiếng với cơ ngơi hàng chục héc ta nuôi cá song, hầu, hà và rong biển. Gắn bó với biển, lấy biển làm kế sinh nhai, vợ chồng ông Bính chưa từng có ý nghĩ bỏ biển, dù trước đó đã không ít lần ông Bính trắng tay do NTTS thất bại. Ngay cả lần này, khi cơn bão số 3 đã gần như lấy đi tất cả tải sản thì vợ chồng ông Bính vẫn kiên định bám biển.
Quyết tâm tái thiết sản xuất, vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Bính xã Hạ Long huyện Vân Đồn thu gom lại vật liệu còn sử dụng được để gia cố, lắp đặt hạ tầng nuôi, mục tiêu có thể thả lứa giống mới vào gháng 10 tới.
Quyết tâm tái thiết sản xuất, vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Bính xã Hạ Long huyện Vân Đồn thu gom lại vật liệu còn sử dụng được để gia cố, lắp đặt hạ tầng nuôi, mục tiêu có thể thả lứa giống mới vào gháng 10 tới.
Vợ chồng ông Bính lặng lẽ nhưng cần mẫn và kiên định kiểm tra từng vật dụng trong đống đổ nát còn có thể sử dụng; tiến hành gia cố lại, sửa chữa những đồ vật hư hỏng… khẳng định một niềm tin ông bà không bỏ biển.
Theo thống kê của huyện Vân Đồn, toàn huyện có khoảng 1.000 hộ gia đình sống dựa vào biển, tương đương với khoảng 6.000 nhân khẩu có công ăn việc làm và thu nhập từ việc nuôi trồng, chế biến thuỷ sản. Riêng số lao động trực tiếp tham gia vào NTTS trên biển của huyện là rất lớn. Vân Đồn trở thành địa phương trọng điểm của tỉnh về NTTS, tổng số ô lồng, diện tích NTTS của Vân Đồn trước cơn bão số 3 lên đến trên 3.000ha, sản lượng mỗi năm 35.000 – 40.000 tấn cá biển và nhuyễn thể các loại.
Trong cơn bão số 3, người NTTS huyện Vân Đồn chịu thiệt hại nặng nề nhất tỉnh. Số lượng thiệt hại ước đến 80% cơ sở hạ tầng và sản lượng thuỷ sản nuôi. Con số thiệt hại cụ thể của NTTS Vân Đồn là trên 32.000 tấn hàu, cá các loại. Rất nhiều hộ nuôi mất trắng sau bão.
Nhằm ổn định tình hình, đảm bảo an sinh người dân, ngay sau cơn bão, huyện Vân Đồn đã tổ chức các đoàn công tác kiểm tra thực địa và hỗ trợ người dân NTTS trên biển, nắm bắt tình hình, thăm hỏi và động viên tinh thần các chủ hộ lồng bè. Huyện Vân Đồn phối hợp tổ chức 3 hội nghị gặp gỡ, lắng nghe kiến nghị và tháo gỡ khó khăn cho ngư dân sau bão. Ghi nhận tại các hội nghị này là tinh thần bám biển của nhân dân, mong muốn được hỗ trợ để có nguồn lực tổ chức ô lồng nuôi mới, tổ chức thả giống mới, tái thiết lại sản xuất sau bão.
Cùng hứng chịu sự đổ bộ của cơn bão số 3, tuy nhiên các hộ dân NTTS ở khu vực đảo Ông Cụ thuộc phường Cẩm Đông (TP Cẩm Phả) may mắn còn giữ lại được phần lớn tài sản sản xuất của mình. Trước đó, do nằm ở vùng biển quy hoạch tương đối kín gió, lặng nước, cộng với sự gia cố, chằng buộc lồng bè, dây neo tương đối chắc chắn của các hộ nuôi thuỷ sản nên các hộ NTTS ở đảo Ông Cụ đã giảm thiểu sự ảnh hưởng của bão số 3. Thống kê sơ bộ của TP Cẩm Phả, thiệt hại do bão số 3 gây ra cho các hộ NTTS ở đảo Ông Cụ khoảng 20%.
Toàn vùng NTTS Ông Cụ hiện đã trở lại hoạt động bình thường. Các hộ nuôi tiếp tục kiểm tra, gia cố về lồng lưới, giàn nổi, chòi canh… và tập trung nuôi dưỡng, bảo vệ đàn cá nuôi hiện có.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn - một trong những hộ nuôi cá quy mô lớn ở đảo Ông Cụ với quy mô 40 ô lồng nuôi, sản lượng khoảng trên 200 tấn cá song và cá giò, trong đó khoảng 100 tấn cá trưởng thành, mỗi con nặng trên 3kg trở lên, đủ tiêu chuẩn để xuất thương phẩm. Theo anh Tuấn, việc số lượng thuỷ sản nuôi giảm mạnh sau bão là cơ hội tăng giá sản phẩm cho những hộ nuôi còn giữ được đàn cá.
Hộ NTTS Nguyễn Văn Tuấn ở khu vực Ông Cụ, phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả may mắn vẫn giữ được phần lớn đàn cá sau bão. Anh Tuấn có kế hoạch bảo vệ, nuôi dưỡng đàn cá để đảm bảo hiệu quả vụ nuôi.
Hộ NTTS Nguyễn Văn Tuấn ở khu vực Ông Cụ, phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả may mắn vẫn giữ được phần lớn đàn cá sau bão. Anh Tuấn có kế hoạch bảo vệ, nuôi dưỡng đàn cá để đảm bảo hiệu quả vụ nuôi.
Sau bão, địa chất đáy biển và dòng nước có những biến đổi nhất định, có thể ảnh hưởng đến vật nuôi, từ kinh nghiệm của mình, anh Tuấn rất chú ý về nguồn nước, phát hiện và xử lý kịp thời, phù hợp những tình huống xấu, nhằm bảo toàn tài sản của mình. Anh Tuấn sớm bổ sung thêm thức ăn và các dưỡng chất cho con cá, tổ chức vệ sinh lồng, lưới, tránh tình trạng cá nhiễm bệnh từ môi trường nuôi, đồng thời phân loại cá để có chế độ chăm sóc phù hợp.
Cùng với cơ sở NTTS của anh Tuấn, hiện đảo Ông Cụ có trên 80 hộ NTTS, trong đó chủ yếu nuôi cá biển. Đây là một trong những vùng nuôi được đánh giá ổn định, đúng quy hoạch và có điều kiện nuôi lý tưởng. Các hộ nuôi trồng ở đây có sự đầu tư lớn và đều có kinh nghiệm nhiều năm nuôi trồng. Ước tính, đảo Ông Cụ đang có khoảng trên 2.000 tấn cá, đây là sản lượng đáng kể góp phần và tổng sản lượng, giá trị ngành thuỷ sản nuôi của Quảng Ninh.
Theo báo cáo của Chi cục Thuỷ sản Quảng Ninh, sau cơn bão số 3, cơ sở NTTS trên toàn tỉnh bị thiệt hại là trên 2.200 cơ sở. Trong đó, các vùng trọng điểm NTTS như: Vân Đồn, Quảng Yên gần như mất trắng, các vùng Cẩm Phả, Hải Hà, Đầm Hà, Móng Cái, Uông Bí, Đông Triều bị thiệt hại một phần. Sản lượng thuỷ sản bị thiệt hại do bão ước trên 40.000 tấn cá và nhuyễn thể các loại. Trong bối cảnh này, để đáp ứng kịch bản tăng trưởng trong lĩnh vực thuỷ sản mà ngành Nông nghiệp đề ra, sản lượng thuỷ sản nuôi toàn tỉnh tính đến cuối năm phải đạt được khoảng 60.000 tấn. Đây là bài toán khó cho ngành Thuỷ sản trong bối cảnh chịu thiệt hại do cơn bão số 3 vừa qua.
Theo tính toán chuyên môn, thời điểm này đã qua thời điểm thả giống thuỷ sản nuôi biển tốt nhất, tuy nhiên vẫn có thể thả giống ở mức độ phù hợp, nhất là đối với các giống thuỷ sản có thể chịu lạnh. Cùng với đó, các địa phương tăng cường đầu tư cho các mô hình NTTS trên bờ, ven bờ, NTTS có ứng dụng công nghệ cao, làm chủ được các điều kiện nuôi, nhằm tạo sản lượng và giá trị, bù đắp cho thuỷ sản nuôi biển. Các hoạt động khai thác thuỷ sản có chọn lọc cũng sẽ được khuyến khích hoạt động, được coi là một giải pháp cho kịch bản tăng trưởng thuỷ sản Quảng Ninh năm 2024.
Nhằm đảm bảo kịch bản tăng trưởng, nhất là đảm bảo kế sinh nhai cho người dân NTTS, đảm bảo an sinh xã hội, ngay sau cơn bão, tỉnh Quảng Ninh kịp thời trợ cấp 180 tỷ đồng cho các địa phương để hỗ trợ thiết yếu cho những hộ dân bị thiệt hại do bão, trong đó có những hộ NTTS bị thiệt hại. Mới đây, tại hội nghị lần thứ 55, trong khuôn khổ thẩm quyền cho phép, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất chủ trương dành 1.000 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi để chuyển đến cho nhân dân và doanh nghiệp chịu thiệt hại do bão sớm ổn định cuộc sống và tái thiết sản xuất, trong đó có hộ dân, doanh nghiệp hoạt động NTTS. Tỉnh khẩn trương đề xuất trung ương có những chính sách hỗ trợ nhân dân Quảng Ninh kịp thời, phù hợp, hiệu quả, nhằm giảm bớt khó khăn cho nhân dân do thiên tai mang lại.
Sau cơn bão dữ, người dân NTTS Quảng Ninh nêu cao quyết tâm bám biển, tự tin khẳng định họ sống nhờ vào biển, vì biển, sẽ luôn bám biển, bám nghề, tinh thần là mất ở biển sẽ lấy lại từ biển. Nếu người NTTS Quảng Ninh được tạo mọi điều kiện phù hợp về cơ chế, chính sách, tín dụng… thì khẳng định những gì mà cơn bão số 3 đã lấy đi sẽ được người dân NTTS Quảng Ninh lấy lại gấp 2, 3 lần.
Chúng tôi có mặt ở huyện Ba Chẽ chỉ vài ngày sau khi cơn bão Yagi quét qua Quảng Ninh. Trên con đường còn nhiều bùn đất đang khô dần sau trận lụt hôm 9/9 do hoàn lưu bão, khiến nước sông Ba Chẽ dâng cao, ở ngay thị trấn, có những ngôi nhà ngập cao đến 4m. Thời điểm ấy, Công an huyện, Ban CHQS huyện và các lực lượng, người dân trên địa bàn đang cùng khắc phục hậu quả bão, bụi từ bùn khô bay tứ tung. Cho đến hôm nay, cuộc sống bình thường đã trở lại với người dân Ba Chẽ.
Thế nhưng, những cánh rừng không may mắn. Cây keo bao đời nay gắn với cuộc sống của người dân Ba Chẽ; những cánh rừng keo, quế, thông và cả lim, lát... vốn đã phủ xanh tất cả những quả đồi, đã từng là cây đổi đời, cây làm giàu cho bà con; nhhững hộ có ít hoặc không còn rừng, quanh năm làm thuê, thu nhập ổn định hàng tháng có thể đủ nuôi cả gia đình... , thế nhưng giờ đây dọc con đường từ trung tâm huyện đi các ngả, những cánh rừng đã không còn màu xanh.
Đứng ngẩn ngơ nhìn cánh rừng gia đình mất bao công trồng và chăm sóc, chỉ đến cuối năm sau thu hoạch, nhưng giờ gần như mất trắng, anh Nịnh Văn Bằng (thôn Khe Tâm, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ) buồn bã nói: "Keo gãy hết rồi, rừng tan hoang hết. Nhà tôi có 8ha, trồng keo hoàn toàn, trong đó có một nửa là keo 4-5 năm, một nửa là keo 3 năm. Số keo 3 năm gãy, hỏng hết. Số keo 4-5 năm cũng tính tận thu, nhưng thuê người khó vì nhà ai cũng gãy tương tự, mà các xưởng thu mua cũng bị quá tải".
Ba Chẽ có trên 31.000ha đất rừng sản xuất, chủ yếu trồng keo. Qua rà soát, đánh giá sơ bộ, hiện nay có trên 18.600ha cây lâm nghiệp bị gãy, đổ. Trong đó, có đến 13.158ha thuộc sở hữu của các hộ dân. Không chỉ keo, 105ha thông cũng bị gãy, đổ (nhiều nhất là tại xã Đạp Thanh). Cũng may trong đợt bão này, rừng gỗ lớn chỉ bị ảnh hưởng nhẹ với gần 50ha cây lim 3 năm tuổi bị đổ nghiêng, cơ bản không bị bật gốc hay gãy ngang thân. Tổng giá trị cây lâm nghiệp toàn huyện ước thiệt hại khoảng 586 tỷ đồng.
Với thời tiết nắng to như hiện nay, nếu không tận thu kịp thời, những cây keo bị gãy do bão số 3 sẽ nhanh chóng bị khô, vừa hao cân nặng, vừa không thể bóc vỏ. Những ngày này, các hộ trồng rừng tranh thủ tận thu, người làm thuê công việc nhiều không xuể. Thế nhưng, điều mà họ lo lắng là đứt lứa keo này, năm sau, năm sau nữa, không có việc làm, đồng nghĩa với việc sẽ chẳng có thu nhập.
Nhà có ít rừng, nên ông Lý Văn Ba (thôn Trường Tùng, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên) đã đầu tư cưa máy để vừa có dụng cụ làm rừng của gia đình, vừa đi làm thuê quanh năm. Trước kia, công việc cứ đều đặn, đủ ăn đủ tiêu. Ông Ba nói: "Từ sau bão số 3, rừng gãy đổ nhiều, người ta gọi liên tục, giá thuê theo ngày công cao hơn, còn phải từ chối chỗ này chỗ kia vì làm không xuể. Thế nhưng, năm sau mới có thể trồng lại rừng, rồi 2 năm nữa, tôi cũng không biết lấy gì mà làm"
Đối với người trồng rừng, giá nhân công cao, trong khi giá bán thấp, số tiền thu về chưa chắc cao hơn chi phí thuê nhân công cắt, vận chuyển. Đó là nỗi lo của anh Trần Văn Tuấn (thôn Hà Thụ, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên): Nhà tôi có hơn 10ha keo, thuê người làm trước kia chỉ có 300-350 ngàn đồng/ngày công, giờ lên 400-450 ngàn đồng/ngày công, thế mà còn khó. Trong khi đó, giá bán chỉ chỗ nào cao thì 800 đồng/kg, có chỗ có khoảng 500 đồng/kg. Rừng càng xa, đường càng khó đi thì chi phí cho vận chuyển càng lớn, trừ đi trừ lại, cũng chẳng ăn thua. Thế nhưng, nếu không dọn thực bì, thì lại chẳng có hiện trường để trồng vụ sau.
Huyện Tiên Yên có trên 53.000ha rừng và đất rừng. Siêu bão Yagi quét qua, đã làm gần 10.000ha cây lâm nghiệp bị gãy đổ, con số thiệt hại vẫn chưa dừng lại ở đó, bởi việc tiếp cận hiện trường, nhất là rừng phòng hộ còn gặp nhiều khó khăn. Tại rừng phòng hộ thuộc địa phận xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên), trên 44ha keo trồng theo Quyết định số 661/QĐ-TTg (ngày 29/7/1998) của Thủ tướng Chính phủ "Về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng", nay đã được 10 năm. Thế nhưng, do ở vị trí ngay cửa biển, nên hứng chịu gió lớn, khiến cây cơ bản đều đã bật gốc, hoặc gãy ngang thân, thống kê sơ bộ, thiệt hại trên 95%. Đây là khu vực dễ tiếp cận nhất trên tổng số 5.000ha rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Tiên Yên, trong đó có một nửa trên bờ và một nửa là rừng ngập mặn. Ông Lê Văn Trọng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tiên Yên, cho biết: Để sớm bắt tay vào vụ mới cũng như thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, đơn vị đề xuất được thực hiện nhanh các thủ tục thanh lý đối với số rừng bị gãy, đổ, nhanh chóng trồng khôi phục sản xuất.
Ông Nguyễn Bá Trượng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH 1TV lâm nghiệp Hoành Bồ phối hợp với các lực lượng quản lý rừng rà soát số rừng còn lại sau mưa bão
Ông Nguyễn Bá Trượng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH 1TV lâm nghiệp Hoành Bồ phối hợp với các lực lượng quản lý rừng rà soát số rừng còn lại sau mưa bão
Toàn tỉnh hiện có trên 434.000ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm đến 70% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh, độ che phủ đạt gần 55%. Thế nhưng, hiện đi dọc tỉnh Quảng Ninh, những cánh rừng vốn xanh tốt nay đã chẳng còn, thay vào đó là những thân cây gãy gập, đổ nghiêng, nhìn từ xa như ruộng ngô mới bẻ bắp, thi thoảng có vạt rừng còn lơ thơ vài cây, không bõ công vun trồng. Cơn bão số 3 có sức tàn phá lớn, cường độ rất mạnh đổ bộ vào địa bàn khiến trên 117.000ha rừng bị hư hỏng, thiệt hại do cây gãy đổ, ước tính tổng giá trị thiệt hại trên 5.000 tỷ đồng, chủ yếu ở rừng sản xuất. Nhiều cánh rừng bị "xóa sổ" hoàn toàn; nhiều chủ rừng trắng tay.
Là một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành Lâm nghiệp, Công ty TNHH 1TV lâm nghiệp Hoành Bồ (TP Hạ Long) có 3.600ha rừng sản xuất, vốn đầu tư khoảng 80 tỷ đồng, thống kê nhanh sau khi bão, 85% trong số đó đã bị "xóa sổ" hoàn toàn. Ông Nguyễn Bá Trượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty TNHH 1TV Lâm nghiệp Hoành Bồ, buồn bã nói: Có rất nhiều diện tích chúng tôi trồng bằng giống mô, quy trình trồng cao sản với chi phí khoảng 50-60 triệu đồng/ha, cao gấp đôi so với trồng theo quy trình thông thường, tính đến hết năm 2024 là hết giai đoạn đầu tư, rồi cứ để đó chờ 4 năm sau sẽ thu hoạch phục vụ tái đầu tư. Thế nhưng, cơn bão số 3 đã tàn phá toàn bộ trên diện tích 3.600ha rừng sản xuất của Công ty, tỷ lệ thiệt hại hoàn toàn khoảng 85%, số còn lại là rừng từ 5 tuổi trở lên, có thể tận thu, nhưng chỉ được 40%, giá trị bán ra chỉ khoảng 20% so với thông thường. Đứt một lứa keo, nghĩa là trong vòng vài năm tới, ngành sản xuất và chế biến gỗ sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn cung.
Cùng chung cảm xúc với ông Nguyễn Bá Trượng, bà Từ Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH 1TV lâm nghiệp Vân Đồn, cũng là doanh nghiệp có rừng lớn nhất trên địa bàn huyện. Bà Minh chia sẻ: Tổng diện tích rừng thuộc sở hữu của công ty TNHH 1TV lâm nghiệp Vân Đồn và các hộ thành viên là gần 6.000ha bao gồm các loại keo, thông, lát. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, gần 5.900ha rừng đã bị gãy, đổ, bật gốc, tổng giá trị thiệt hại khoảng 250 tỷ đồng. Đau xót vô cùng! Nguồn thu trong vài năm tới đã không còn, chúng tôi chưa biết phải bố trí từ nguồn nào để trả lương và nộp BHXH cho người lao động của Công ty.
Bà Từ Thị Minh, Tổng Giám đốc Cty TNHH 1TV lâm nghiệp Vân Đồn chỉ đạo các cán bộ kỹ thuật rà soát toàn bộ hiện trạng rừng
Bà Từ Thị Minh, Tổng Giám đốc Cty TNHH 1TV lâm nghiệp Vân Đồn chỉ đạo các cán bộ kỹ thuật rà soát toàn bộ hiện trạng rừng
Thực tế, ở tất cả các địa phương có rừng trong toàn tỉnh, công tác khắc phục sau bão đang rất khó khăn, nhất là việc thu gom cây rừng gãy đổ do thiếu nhân lực, cung đường vận chuyển sau bão bị sạt trượt, hỏng hóc; giá thu mua giảm, thiếu khu vực tập kết do các xưởng chế biến quá tải, trong khi đó, một số xưởng cũng bị thiệt hại về nhà xưởng, máy móc, khiến việc khôi phục sản xuất còn khó khăn. Đặc biệt, với cây keo, trời nắng, cây bị gãy nên sẽ nhanh bị khô sẽ không thể bóc vỏ, trong khi thời gian thu mua kéo dài, làm giảm giá trị gỗ; dây chuyền thiết bị xuất dăm tại các cảng bị thiệt hại nặng nề... Điều này đã gây khó khăn cho việc thu gom, chế biến, tiêu thụ gỗ.
Ngày 19/9, UBND tỉnh đã họp, bàn giải pháp hỗ trợ tiêu thụ gỗ rừng bị gãy đổ do bão số 3, chỉ đạo khắc phục thiệt hại về lâm nghiệp với sự có mặt của đại diện các công ty lâm nghiệp, đơn vị thu mua, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương áp dụng ngay các chính sách hỗ trợ được quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày (9/1/2017) của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vụ bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Để giúp bà con xử lý thực bì, một trong những giải pháp được tỉnh đưa ra để hỗ trợ bà con trồng rừng là huy động các lực lượng chức năng như công an, quân sự, kiểm lâm, tăng cường nhân lực để phối hợp, hỗ trợ xử lý thu gom cho các hộ trồng rừng, nhất là các hộ ở vùng sâu, vùng xa; bố trí các bãi tạm chứa để nhân dân tập kết gỗ khi khai thác mà chưa vận chuyển, tiêu thụ được. Đồng thời, bố trí lực lượng rà soát, kiểm soát các tuyến đường có nguy cơ sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn trong khai thác; tăng cường công tác giám sát, phòng cháy chữa cháy rừng trong điều kiện cây rừng gãy đổ, đang khô héo do thiếu nước.
Đối với các doanh nghiệp, đơn vị thu mua, chế biến lâm sản, tỉnh yêu cầu cần thống nhất mức giá, thực hiện công khai trên toàn tỉnh; có biện pháp, giải pháp xử lý, tiêu thụ, thu gom các cây chưa đủ tuổi khai thác với tinh thần chung tay chia sẻ rủi ro, "lá lành đùm lá rách", "là rách ít đùm lá rách nhiều", hỗ trợ tối đa cho người dân. Tỉnh cũng đã đề nghị các ngân hàng kịp thời giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người trồng rừng thiệt hại sau bão như: Khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với những khách hàng không còn tài sản thế chấp, cho vay mới với lãi suất phù hợp... Đây là động lực mới để người dân, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất.
Đi khắp các địa bàn tỉnh Quảng Ninh sau bão, hiện diện những quả đồi chết, những vùng biển trắng. Còn nỗi lòng của người nông, ngư dân, doanh nghiệp vẫn nặng trĩu khi đứng trước sự mất mát to lớn về tài sản. Thế nhưng, đất còn, biển còn, người còn, "bàn tay ta làm nên tất cả", với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và sự chung tay hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành, các lực lượng chức năng, sự quyết tâm vươn lên của con người Quảng Ninh với sức mạnh của "Kỷ luật và Đồng tâm", những vùng biển, những cánh rừng chắc chắn sẽ nhanh chóng hồi sinh...

Ngày xuất bản: 21/9/2024
Tổ chức sản xuất: Bùi Hương
Thực hiện: Việt Hoa - Hằng Ngần - Hoàng Nga
Trình bày: Hùng Sơn