
Ba tháng nghỉ hè vui tươi, bổ ích đã dần khép lại, cùng với học sinh toàn tỉnh những học trò vùng cao cũng đang háo hức, rộn ràng chuẩn bị cho ngày tựu trường. Đối với các em học sinh nơi đây, niềm vui của các em chính là được khoác lên mình bộ quần áo mới, học tập trong sự dạy bảo, yêu thương của thầy cô, dưới mái trường khang trang, đón ngày khai giảng...

Lãnh đạo huyện Vân Đồn kiểm tra cơ sở vật chất tại trường THCS Đài Xuyên. Ảnh Ngân Hà (Trung tâm TT-VH Vân Đồn)
Lãnh đạo huyện Vân Đồn kiểm tra cơ sở vật chất tại trường THCS Đài Xuyên. Ảnh Ngân Hà (Trung tâm TT-VH Vân Đồn)

Nhiều trường học ở Vân Đồn được đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa để chuẩn bị điều kiện tốt nhất đón học sinh đến trường
Nhiều trường học ở Vân Đồn được đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa để chuẩn bị điều kiện tốt nhất đón học sinh đến trường
Háo hức đón chào năm học mới
Những ngày này, công trình Trường THPT Bình Liêu đang được gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để đảm bảo đưa công trình vào hoạt động trước năm học mới 2023-2024. Công trình được xây mới, có tổng mức đầu tư hơn 95 tỷ đồng. Đây là ngôi trường chất lượng cao, có khu nhà học chính cao 3 tầng, gồm 18 lớp học; khu nhà học bộ môn 10 phòng; khu nhà hiệu bộ; khu nhà công vụ 11 phòng nghỉ giáo viên, 3 phòng nghỉ học sinh; khu nhà đa năng và các công trình phụ trợ khác. Đây cũng chính là công trình chào mừng 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh và là điểm nhấn về hạ tầng hiện đại của huyện.

Trường THPT Bình Liêu đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng trước khi đưa vào sử dụng trong năm học mới 2023-2024.
Trường THPT Bình Liêu đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng trước khi đưa vào sử dụng trong năm học mới 2023-2024.
Trước thềm năm học mới, không chỉ với thầy cô, học sinh mà với tất cả nhân dân Bình Liêu đều vui mừng khi thấy con em mình sẽ được học tập trong một ngôi trường mới bề thế, khang trang, hiện đại. Bà Lô Thị Hiền, khu Bình Quân, thị trấn Bình Liêu, phấn khởi: Trường THPT Bình Liêu là ngôi trường hiện đại nhất của huyện từ trước đến nay. Năm học này, nhìn các con, các cháu được học tập tại đây chúng tôi thấy thật sự vui mừng, yên tâm. Điều kiện trường lớp, cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại sẽ giúp các con có môi trường thuận lợi để rèn luyện, phấn đấu, đạt được những kết quả cao hơn trong học tập.
Không riêng huyện Bình Liêu, năm học này, thầy cô, học sinh huyện Ba Chẽ cũng vô cùng phấn khởi khi đón năm học mới với ngôi trường Phổ thông dân tộc Nội trú Ba Chẽ được cải tạo, mở rộng khang trang, tiện nghi với tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng. Niềm vui đón chào năm học mới cũng lan tỏa ở khắp các địa phương vùng sâu, vùng xa, hải đảo như Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà... với rất nhiều ngôi trường được sửa chữa, nâng cấp, đầu tư trang thiết bị dạy và học.

Trường THCS&THPT Quảng La (xã Quảng La, TP Hạ Long) được lựa chọn gắn biển công trình chào mừng 60 năm Ngày thành lập tỉnh. Ảnh: Lan Anh
Trường THCS&THPT Quảng La (xã Quảng La, TP Hạ Long) được lựa chọn gắn biển công trình chào mừng 60 năm Ngày thành lập tỉnh. Ảnh: Lan Anh
Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, tiếp sức cho các em được đến trường, trước mỗi dịp năm học mới, các cấp, ngành, địa phương, nhà hảo tâm đều tăng cường phối hợp tổ chức các chương trình thăm, tặng quà, trao học bổng, tặng đồ dùng học tập... Đơn cử, TP Hạ Long đã tích cực vận động học sinh, giáo viên địa bàn thuận lợi ủng hộ sách cho gần 1.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn; Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential) phối hợp cùng Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh trao tặng 66 xe đạp cho học sinh nghèo trên địa bàn toàn tỉnh với tổng kinh phí 100 triệu đồng; Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh phối hợp với Nhóm từ thiện Quảng Ninh thân yêu tặng quà chuẩn bị năm học mới cho học sinh mồ côi, khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn tại xã Quảng Lâm (Đầm Hà) với tổng kinh phí 60 triệu đồng... Từ đó kịp thời hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng sâu, vùng xa thêm vững bước tới trường.

Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi tỉnh và Nhóm Từ thiện Quảng Ninh thân yêu trao tặng quà cho học sinh mồ côi, khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tại xã Quảng Lâm (Đầm Hà) trước thềm năm học mới. Ảnh: Dương Trường
Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi tỉnh và Nhóm Từ thiện Quảng Ninh thân yêu trao tặng quà cho học sinh mồ côi, khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tại xã Quảng Lâm (Đầm Hà) trước thềm năm học mới. Ảnh: Dương Trường
Đổi mới giáo dục vùng cao
Trong những năm qua, với mục tiêu để mỗi người dân được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho các vùng khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, trong đó đặc biệt quan tâm triển khai các cơ chế, chính sách đầu tư cho giáo dục.

Khu vệ sinh mới xây cho học sinh tại Điểm trường Phiêng Sáp, Trường Tiểu học Đồng Tâm (xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu).
Khu vệ sinh mới xây cho học sinh tại Điểm trường Phiêng Sáp, Trường Tiểu học Đồng Tâm (xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu).
Theo đó, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục, kéo gần khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền, tỉnh đã dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, xây trường học mới tại các địa phương miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh và các địa phương đã đầu tư xây mới các trường như: THPT Đường Hoa Cương (Hải Hà), THPT Quan Lạn (Vân Đồn), THPT Hải Đông, Phổ thông dân tộc nội trú Tiên Yên (Tiên Yên); THPT Bình Liêu, THCS-THPT Hoành Mô (Bình Liêu), Trường THCS-THPT Quảng La (Hạ Long)... Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được một hệ thống trường lớp đến tận các khe bản, vùng sâu, vùng xa, theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, các trường được bố trí ở những vị trí khu vực trung tâm, thuận tiện cho học sinh đến trường.

Học sinh Trường THCS Vô Ngại (huyện Bình Liêu) đọc sách tại thư viện xanh của nhà trường.
Học sinh Trường THCS Vô Ngại (huyện Bình Liêu) đọc sách tại thư viện xanh của nhà trường.
Đồng thời, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ học sinh khu vực miền núi, hải đảo, biên giới tới trường. Điển hình như: Nghị quyết số 60/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh “Về việc hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy hè cho trẻ em mầm non tại cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các xã trong danh mục đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”; Nghị quyết số 63/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh “Ban hành Quy định chế độ thưởng, hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh Quảng Ninh và một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT Chuyên Hạ Long và từ năm học 2021-2022 đến năm học 2025-2026”, trong đó học sinh đoạt giải là người dân tộc thiểu số ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào, miền núi, biên giới, hải đảo sẽ được thưởng bằng 1,5 lần mức thưởng quy định; Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND “Về hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm 2022-2023”...
Cùng với đó, các địa phương cũng chủ động, ưu tiên dành nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục, con người. Nổi bật, huyện Đầm Hà đã xây dựng, triển khai Đề án “Phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; huyện Bình Liêu triển khai Đề án về “Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”...
Với sự chăm lo, chuẩn bị chu đáo của các cấp, ngành, địa phương, các nhà trường đã và đang góp phần thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa miền núi và miền xuôi của tỉnh, đảm bảo cho học sinh mọi nơi đều bình đẳng để tiếp cận với giáo dục một cách tốt nhất. Tin tưởng các em học sinh trên địa bàn tỉnh sẽ cùng nhau bước vào một năm học mới 2023-2024 thật an toàn, tươi vui và thành công.

Trường mầm non Quảng An (xã Quảng An, huyện Đầm Hà) sửa chữa một số hạng mục chuẩn bị cho năm học mới.
Trường mầm non Quảng An (xã Quảng An, huyện Đầm Hà) sửa chữa một số hạng mục chuẩn bị cho năm học mới.

Chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024, không chỉ tất bật với công tác chuẩn bị giáo án, dọn dẹp vệ sinh trường lớp, các thầy cô giáo ở các huyện miền núi, vùng cao của tỉnh còn đang tích cực bám thôn, bản, bám dân để vận động học sinh đến trường đầy đủ. Dẫu còn những nhọc nhằn song các thầy cô luôn nêu cao quyết tâm phấn đấu để đảm bảo sĩ số các lớp, từ đó thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học ở địa phương.
Cùng thầy giáo Nguyễn Văn Tám, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Lâm, xã vùng cao Quảng Lâm (Đầm Hà) đến nhà vận động học sinh giữa cái nắng chói chang của tháng 8, chúng tôi càng thêm thấu hiểu sự vất vả cũng như tâm huyết của các thầy cô nơi đây. Đến nhà học sinh nào, thầy Tám cũng tận tình hỏi thăm gia đình, vận động phụ huynh cố gắng tạo điều kiện cho con em đến trường, xem từng học sinh đã chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập đến đâu...
Thầy Tám cho biết: Năm nào cũng vậy, trước dịp khai giảng hơn nửa tháng là giáo viên trong trường đã chia tổ phân công nhau phối hợp với hội phụ huynh học sinh, chính quyền địa phương đi đến từng nhà để nắm bắt hoàn cảnh, thăm hỏi, động viên và vận động các em trong độ tuổi đến lớp. Mỗi nhà một cảnh, tùy vào mỗi điều kiện, cũng như tâm lý học sinh mà chúng tôi có cách vận động, tuyên truyền phù hợp, tháo gỡ những khó khăn để giúp các em được đến trường đầy đủ, nhất là học sinh lớp 6 mới bước vào trường cần quan tâm nhiều hơn.
Năm học 2023-2024, Trường THCS Quảng Lâm đón 228 học sinh. Đến thời điểm này, các thầy cô đã cơ bản hoàn thành công tác thông báo, vận động học sinh ra lớp chuẩn bị cho năm học mới.
Bà Chìu Nhì Múi, bản Thanh Bình, xã Quảng Lâm chia sẻ: Hoàn cảnh gia đình tôi, hai ông bà nuôi cháu từ bé rất khó khăn. Chuẩn bị năm học mới cho các cháu, gia đình khó khăn, không thể sắm sửa gì như các bạn khác nên cũng rất lo lắng. Tuy nhiên, rất may là có các thầy, cô ở trường đến hỏi thăm, động viên tinh thần gia đình, hỗ trợ các phần quà như sách mới, các dụng cụ học tập cho cháu. Gia đình tôi rất cảm động và quyết tâm tạo điều kiện cho cháu đi học đều, chăm ngoan.
Tại các bản làng vùng cao trong tỉnh, những ngày này, rất nhiều giáo viên phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để huy động học sinh đến lớp. Một số thầy cô chia sẻ, kỳ nghỉ hè, một số em lên nương, vào rừng cùng cha mẹ. Có khi một nhà phải đến mấy lần mới gặp được phụ huynh và các em. Tuy đường sá đi lại giờ đã được thuận tiện hơn song địa hình ở một số thôn, bản xa, thưa dân đi lại vẫn rất vất vả nhất là những ngày trời mưa đường lầy lội, trơn trượt nguy hiểm.

Ban Giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Quảng Đức (Hải Hà) phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn vận động học sinh ra lớp đảm bảo đầy đủ đón năm học mới. Ảnh: Đơn vị cung cấp
Ban Giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Quảng Đức (Hải Hà) phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn vận động học sinh ra lớp đảm bảo đầy đủ đón năm học mới. Ảnh: Đơn vị cung cấp
Thầy giáo Trần Văn Trọng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Quảng Đức (Hải Hà) chia sẻ: Năm học tới, trường đón trên 300 học sinh. Dự kiến, ngày 29/8, các em sẽ tựu trường. Học sinh của trường sống ở 12 thôn, bản, 98% học sinh là người dân tộc thiểu số, có nơi cách trường hơn chục cây số, đường khó đi, như bản Cấu Lìm, bản Mốc 13... Vì thế, từ đầu tháng 8, nhà trường đã phải chỉ đạo giáo viên làm công tác huy động học sinh ra lớp. Thậm chí phải lên tận nương nhắc nhở, vận động học sinh nhớ ngày trở lại trường, vào năm học mới. Từ nguồn xã hội hóa, năm nay, nhà trường còn hỗ trợ sách vở, quần áo cho 14 học sinh có hoàn cảnh khó khăn để giúp các em thêm động lực đến trường.
Được biết, năm học 2023-2024, huyện Hải Hà có 44 trường học từ cấp mầm non đến trung học phổ thông với 18.000 học sinh. Ghi nhận sáng ngày 22/8/2023, khối lớp 1 tựu trường sớm nhất, tỷ lệ ra lớp đạt 86,08% (tỷ lệ này tính ở 14/16 trường có cấp tiểu học đã cho học sinh lớp 1 tựu trường). Huyện phấn đấu, ngày 29/8/2023, các khối lớp còn lại số học sinh ra lớp sẽ đạt tỷ lệ 100%.
Không khí năm học mới đã rộn ràng trên khắp thôn bản vùng cao. Với nhiệt huyết, sự tận tâm, yêu thương học trò, những thầy, cô giáo công tác dạy ở các trường vùng cao vẫn đang ngày ngày vượt gian khó, để mọi học sinh đều được đến lớp, được học tập với các thiết bị thông minh, hiện đại, được ăn đầy đủ dinh dưỡng, vui chơi thỏa thích cùng bạn bè, được thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Từ đó, tạo tiền đề để học sinh vùng cao vươn lên bằng tri thức, có một nền tảng kiến thức đầy đủ để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.

Năm học 2023-2024 đang đến gần, các trường học trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất sẵn sàng đón học sinh đến trường.
Theo kế hoạch, năm học 2023-2024, toàn huyện Ba Chẽ có 22 cơ sở giáo dục. Trong đó có 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, 7 trường mầm non, 13 trường tiểu học, trung học cơ sở và 1 trường trung học phổ thông. Toàn huyện có 67 điểm trường (trong đó có 26 điểm trường lẻ cấp mầm non, 19 điểm trường lẻ cấp tiểu học) so với năm học trước giảm 2 điểm trường lẻ.
Năm học này, huyện Ba Chẽ có 6.867 học sinh. Trong đó, bậc mầm non có 90 nhóm lớp với 1.922 trẻ, cấp tiểu học có 153 lớp, 2.503 học sinh, cấp trung học cơ sở có 56 lớp (tăng 2 lớp so với năm học trước) với tổng số học sinh 1.741 (tăng 125 học sinh so với năm học trước); cấp trung học phổ thông có 15 lớp, 593 học sinh (tăng 64 học sinh so với năm học trước). Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên của huyện có 4 lớp với 91 học viên.
Với một huyện còn nhiều khó khăn như Ba Chẽ, công tác chuẩn bị năm học mới cần nhiều nỗ lực, cố gắng từ phía giáo viên, học sinh và phụ huynh. Huyện đang tích cực chuẩn bị, nhằm tạo mọi điều kiện cho công tác dạy và học, tiếp tục thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Huyện đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhiều phòng học, phòng làm việc cho giáo viên, mua sắm trang thiết bị dạy học, bàn ghế, máy tính, từng bước cải thiện điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp học.
Để chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới, ngay sau khi năm học 2022-2023 kết thúc, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã kiểm tra các điểm trường, xây dựng kế hoạch và tham mưu cho huyện đầu tư sửa chữa, bổ sung cơ sở, vật chất, các trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học, đáp ứng các điều kiện phục vụ công tác dạy và học ngay từ đầu năm học mới. Huyện đã sửa chữa 9 công trình nhỏ với tổng số vốn đầu tư trên 6,8 tỷ đồng. Các công trình đã cơ bản hoàn thành, bàn giao trước năm học mới. Phòng cũng đã rà soát và thực hiện mua sắm thiết bị dạy học và bán trú với trị giá hơn 4 tỷ đồng.
Trong những ngày cuối tháng 8/2023, các trường học trên địa bàn huyện đang phối hợp với hội phụ huynh học sinh dọn dẹp khuôn viên, sân trường lớp sạch sẽ, kê bàn ghế các lớp học ngăn nắp, gọn gàng; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động học sinh ra lớp đảm bảo tỷ lệ học sinh đến trường đạt cao nhất.
Các trường nội trú, bán trú thực hiện tốt công tác vệ sinh chăn, chiếu, giường, đồ dùng, đồ ăn cá nhân, bảo đảm an toàn thực phẩm, đảm bảo ăn chín, uống sôi; tổ chức các bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng; chấp hành nghiêm túc quy trình chế biến và bảo quản thức ăn theo quy định. Người trực tiếp chế biến thực phẩm nấu cơm cho học sinh được kiểm tra sức khỏe, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân đúng theo quy định; tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc về thực hiện giao, nhận thực phẩm và lưu mẫu thức ăn theo quy định của ngành y tế.
Về phía các trường đã trang sắm đủ sách giáo khoa phục vụ cho công tác dạy học; thông báo và hướng dẫn cho phụ huynh mua sách giáo khoa cho con em. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường rà soát để thực hiện các giải pháp hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn các điều kiện cần thiết đảm bảo giấy viết, sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo; các quà tặng và chương trình hỗ trợ khác. Ngành giáo dục phối hợp với các xã xuống thôn nắm tình hình, tuyên truyền và vận động học sinh ra lớp nhằm đảm bảo sĩ số học sinh trong ngày khai giảng. Huyện quyết tâm không để học sinh vì khó khăn kinh tế mà không được đến trường.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên được bồi dưỡng chính trị, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn tại huyện và tỉnh để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Phòng Giáo dục và Đào tạo Ba Chẽ đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hạ Long cử giáo viên cốt cán của Hạ Long về Ba Chẽ bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn theo các chuyên đề đặt hàng của ngành.
Với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho năm học mới của các nhà trường, tin tưởng rằng các em học sinh trên địa bàn huyện sẽ cùng nhau bước vào một năm học mới thật an toàn, tươi vui và thành công; góp phần đưa phong trào thi đua dạy tốt, học tốt ngày càng phát triển mạnh mẽ.


Việt Nam được biết đến là một quốc gia, một dân tộc có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo từ lâu đời. Truyền thống ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển, thể hiện qua Bác rất quan tâm đến giáo dục. Sinh thời, Người từng khẳng định: Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hóa.
Ngày 5/9/1945 – tức ba ngày sau khi đọc tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho học sinh nhân ngày khai giảng năm học mới. Trong thư, Bác viết “các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Bác nhắn nhủ: “Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang”.

Không chỉ viết thư cho học sinh ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà mà suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp “trồng người”. Tư tưởng nhân văn của Người luôn hướng về cộng đồng, con người Việt Nam: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc làm sao cho dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành...”. Để thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội thì chiến lược con người phải đi trước một bước. Từ rất sớm, Bác đã nêu ra một luận điểm nổi tiếng: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Do đó, Người đã dặn dò: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Ðể làm tròn sứ mệnh “trồng người” vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.
Trong bức thư cuối cùng gửi cho ngành giáo dục, ngày 15/10/1968, Bác tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu của nền giáo dục nước ta là phải gắng sức phấn đấu theo kịp với trình độ và chất lượng của các nước văn minh, tiên tiến. Bác yêu cầu nền giáo dục nước nhà: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó”.
Những lần về thăm Quảng Ninh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều sự quan tâm đến giáo dục. Ngày 9/5/1961, nói chuyện với đồng bào chiến sĩ Cô Tô, Bác nhắc nhở: “Cần cố gắng thanh toán nạn mù chữ và đẩy mạnh phong trào bổ túc văn hoá trong cán bộ và nhân dân”. Trong chuyến về thăm tỉnh Hải Ninh ngày 19 và 20/1/1962, Bác đã đi thăm thầy và trò Trường cấp I, II Hải Ninh, Trường Tiểu học Hoa văn. Nói chuyện với đồng bào tỉnh Hải Ninh, Người lưu ý “Công việc bổ túc văn hoá và giáo dục phổ thông đều có cố gắng, nhưng việc xoá mù còn yếu. Năm nay phải cố gắng nhiều hơn”.
Đất nước ta bước vào đổi mới. Sự nghiệp giáo dục vì thế càng vô cùng quan trọng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt phát triển đất nước. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày đăng: 27/8/2023
Thực hiện: NGUYỄN DUNG – DUY KHOA – PHẠM HỌC – ĐẠI DƯƠNG
Trình bày: VŨ ĐỨC