4
18
/
1100299
Nơi dấu chân cha in những đường lò
longform
Nơi dấu chân cha in những đường lò

Từ thời Pháp thuộc, vùng mỏ Quảng Ninh đã có rất nhiều người từ các tỉnh khác đến làm phu, ở lại sinh cơ lập nghiệp, đến nay đã qua nhiều thế hệ. Có những gia đình nhiều đời nối nhau gắn bó với nghề mỏ, do đó, không biết tự lúc nào những người thợ mỏ bao thế hệ vẫn truyền lửa cho con cháu tiếp nối truyền thống cha ông, kế nghiệp xây dựng và phát triển vùng Mỏ giàu mạnh hơn nữa, dẫu biết nghề mỏ còn nhiều lắm những nhọc nhằn, gian nan…

Tôi sinh ra lớn lên ở đất mỏ Vàng Danh, nơi có ông nội, bố và cả những người họ hàng của tôi đã gắn bó cuộc đời với vùng than. Xung quanh khu nhà tôi ở đa phần cũng là những gia đình thợ mỏ. Lớp cha trước, lớp con sau, bạn bè cùng trang lứa của tôi bây giờ phần lớn cũng đang công tác tại các đơn vị, phân xưởng của Công ty CP Than Vàng Danh.

Trong ký ức những ngày thơ bé, với đặc thù ngành mỏ, bố tôi phải đi ca, mẹ cũng vất vả cả ngày ngoài chợ. Ngoài giờ đi học, bọn trẻ con chúng tôi thường làm bạn với mẩu than vụn vẽ nguệch ngoạc khắp sân, quệt bụi than lên mặt nhau làm trò cười khúc khích. Cứ thế tôi lớn lên, cùng sự gắn bó với màu áo công nhân quen thuộc, cùng khuôn mặt, bàn tay lấm bụi than đen của bố, hòa trong lời ca, tiếng hát lạc quan, vui tươi, đầy khí thế sôi nổi dẫu có khó khăn, vất vả của lớp lớp công nhân mỏ Vàng Danh.

Thợ lò Đỗ Tuấn Anh bên cạnh bố của mình.

Còn nhớ, năm 2012, gia đình tôi vinh dự được đón Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới thăm, biểu dương tinh thần lao động và tặng quà nhân dịp Tháng Công nhân. Cảm xúc vinh dự, tự hào khi ấy khiến tôi càng thấm thía những lời dặn của bố. Đó là ý nghĩa của truyền thống “Kỷ luật – Đồng Tâm” của công nhân mỏ - điều mà bất cứ ai công tác trong ngành than đều thuộc và ghi nhớ. Bố bảo: “Với mỗi công nhân mỏ, khí chất của vùng than đã ngấm vào máu. Dù cuộc sống này có bao nhiêu đổi thay đi nữa, thì tình yêu, sự gắn bó với mỗi vùng than của mỗi người thợ mỏ vẫn chẳng hề thay đổi. Vì vậy, không chỉ cần làm việc với quyết tâm, mà còn cả với lòng biết ơn, và trách nhiệm”.

Hình ảnh về bố vẽ lên ước mơ trong tim người thợ trẻ.

Tháng 6/2011 tôi chính thức được trở thành thợ lò của Than Vàng Danh. Như bao thợ mỏ trẻ khác tôi cũng trải qua những khó khăn, áp lực của những ngày đầu vào lò, và cả những cố gắng không ngừng, để làm quen với môi trường làm việc vất vả. Thế nhưng như một cái duyên, càng làm việc, chúng tôi càng quen, càng thấy yêu nghề và đã gắn bó được chặng đường hơn một thập kỷ. Một chút tự hào nho nhỏ khi tôi cũng là một trong những thợ lò có thu nhập luôn nằm trong tốp cao của Công ty. Và vui hơn nữa, em trai tôi Đỗ Trung Hiếu vừa tốt nghiệp Đại học Mỏ Địa chất, tới đây cũng sẽ tiếp bước truyền thống gia đình vào công tác trong ngành Than.

Vàng Danh - hai tiếng thân yêu chính là gia đình lớn thứ hai của chúng tôi, nơi ấy có giá trị truyền thống, giá trị tinh thần không thế thay thế, mà chúng tôi đã được vun đắp và có trách nhiệm phải gìn giữ mãi về sau.

Không sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh, nhưng 3 anh em chúng tôi lại gắn bó với mảnh đất Vùng Mỏ như một cái duyên đặc biệt. Gia đình tôi ở Tân Trào, Thanh Miện, Hải Dương. Hai cụ thân sinh tôi sinh được 3 người con trai. Vốn là gia đình thuần nông, có chút ruộng vườn ông bà đã tính chia sẵn cho các con chứ chưa bao giờ nghĩ cho các con thoát ly. Thế rồi như một cái duyên, 3 anh em họ Lê chúng tôi lại trở thành những thợ lò “chính hiệu” của Than Hòn Gai.

Cơ duyên gắn bó với ngành Than của anh em chúng tôi xuất phát từ mong muốn tìm cho mình một công việc ổn định có thu nhập để đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình. Từ năm 1990, anh trai cả ra Hạ Long làm vận chuyển than ở cảng. Tiếp đó, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh thứ 2 cũng xuống học nghề thợ lò ở Trường Hồng Cẩm từ năm 1998. Đến tôi, cũng theo chân các anh xuống vùng than, học một khoá thợ lò. Sau thời gian thực tập, năm 2000, cả 3 anh em chính thức trở thành thợ lò của Phân xưởng Khai thác 2, Xí nghiệp Than Thành Công (trước thuộc Công ty Than Hạ Long).

Thấm thoát đã hơn 20 năm công tác, anh trai cả đã nghỉ chế độ, còn tôi và anh thứ hai vẫn công tác tại Công ty. Hầu hết các danh hiệu thợ mỏ ưu tú, chiến sĩ thi đua, giấy khen, bằng khen của Công ty, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam TKV, Bộ Công Thương chúng tôi đã đều đạt được. Vinh dự nhất là anh trai cả đã được đón nhận Huân chương Lao động hạng 2. Nhưng điều hạnh phúc hơn, đó chính là chặng đường 20 năm chúng tôi đã luôn nỗ lực, gửi gắm biết bao tình cảm, tâm huyết, đóng góp cho sự phát triển của Công ty, cho ngành Than – nơi đã trở thành một phần máu thịt của chúng tôi.

Gia đình nhỏ hạnh phúc của thợ lò Lê Văn Thưởng.

Nhờ gắn bó với nghề mỏ, cuộc sống của chúng tôi từ lúc khó khăn đã trở nên ổn định. Vì vậy, chúng tôi luôn trân trọng công việc, trân trọng những hòn than lấp lánh và tình cảm yêu mến, đoàn kết của những anh em đồng nghiệp - những người luôn sát cánh trong mỗi ca làm việc dưới lò sâu và cả trong cuộc sống hàng ngày.

Tôi rất thích những ca từ này trong bài hát “Tôi là người thợ lò” của nhạc sĩ Hoàng Vân: Ta đi khơi nguồn suối than, cho than xuôi về bến/... Nào đồng chí chúng ta ơi, ta tiến quân vào lò/... Nào vác gỗ lên vai, ta bước tiếp nào/ Đào mỗi thước thêm sâu, sức ta thêm mạnh/ Nhìn gương than lấp lánh như muôn vì sao sáng.... Đó thật sự là hình ảnh lao động của chúng tôi trước đây. Những năm đầu, công nhân làm than vất vả vô cùng, khi ấy sức người là chính chứ không có máy móc hỗ trợ nhiều như bây giờ. Từ đi bộ vào lò, đến bốc vác, gánh gồng, đội từng thúng than hết sức nhọc nhằn, lại làm theo kíp 12 tiếng/ngày chứ không theo 3 ca. Gian khổ là vậy, nhưng ai cũng vượt qua, gắn bó với nghề đến tận bây giờ.

Phòng điều độ than hiện đại của công ty Than Hòn Gai.

Vùng mỏ Quảng Ninh đã trở thành quê hương thứ 2, nơi chứng kiến quá trình cống hiến, trưởng thành của những người thợ mỏ như chúng tôi, và in dấu trong đó là cả những yêu thương dành cho mảnh đất, con người vùng than anh hùng và hào sảng.

Tôi sinh ra trong một gia đình thợ mỏ. Bố của tôi (Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Nghệ sỹ vùng mỏ Phạm Ngọc Anh - người đã cống hiến cho mỏ gần 40 năm, nay đã nghỉ hưu) cũng là người đã gắn bó cả đời với ngành than, với người thợ mỏ.

Trong gần 40 năm công tác, ông đã chụp hàng trăm nghìn bức ảnh có giá trị về nghệ thuật và lịch sử ở vùng đất mỏ. Những năm cấp 2 (năm 1995), tôi thường theo chân bố vào công trường than để chụp ảnh. Mỗi lần được ngắm nhìn những bức ảnh bố chụp về người thợ mỏ, tôi luôn thích thú vô cùng. Và cũng từ đó, hình ảnh những người thợ mỏ luôn luôn đau đáu trong tôi và thôi thúc tôi lớn lên noi gương theo nghiệp của bố.

Anh Phạm Cường chụp cùng bố tại triển lãm ảnh vùng Mỏ.

Để hiện thực hóa ước mơ của mình, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi đã xin vào học một khóa đào tạo thợ rồi về công tác làm tại phân xưởng cơ điện của Công ty Cổ phần Than Vàng Danh năm 2004. Trong quá trình công tác, sẵn niềm đam mê với “nhiếp ảnh” tôi đã hăng hái đăng ký tham gia hỗ trợ chụp ảnh cho các sự kiện của đoàn thanh niên, công đoàn của công ty. Và rồi, cái duyên với nghề thực sự đến với tôi khi được cơ quan tạo điều kiện cho đi học hơn 3 năm tại trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long (nay là trường Đại học Hạ Long). Tốt nghiệp, tôi được nhận nhiệm vụ mới tại văn phòng công ty, đảm nhận việc quay phim, chụp ảnh, viết tin bài phục vụ công tác thông tin tuyên truyền cho Công ty từ năm 2010 đến nay. Tôi thấy mình là người may mắn khi được lãnh đạo Công ty giao cho nhiệm vụ quay phim, chụp ảnh để được thỏa sức thể hiện niềm đam mê của mình mọi lúc, mọi nơi và quan trọng hơn là hiện thực khát khao lớn nhất của cuộc đời là được nối nghiệp của bố, tiếp tục tái hiện cuộc sống và chân dung của những người thợ mỏ theo cách riêng của mình.

Anh thừa hưởng niềm đam mê nhiếp ảnh, đặc biệt là về hình tượng người thợ mỏ từ chính bố của mình.

Với suy nghĩ ấy, trong hơn 10 năm gắn với nghề, tôi luôn cùng chiếc máy ảnh có mặt ở khắp các đường lò, gương than cũng như ở nhiều nơi bên những tầng máy sàng tuyển và những toa than óng ánh ra cảng để ghi được những tấm hình sinh động phục vụ nhu cầu tuyên truyền, động viên thợ mỏ. Trong quá trình tác nghiệp, niềm vui, hạnh phúc nhất chính là khi bất chợt “chộp” được những khuôn hình ưng ý. Đó có thể là khoảnh khắc những người thợ vừa mới tan ca, những giọt mồ hôi chảy trên gò má đầy bụi than của họ hay nụ cười tươi rói đầy khí thế của những tốp thợ trẻ chuẩn bị bước vào một ca sản xuất mới; hoặc chỉ là những phút giải lao tán gẫu hay cuộc sống bình dị bên gia đình của thợ lò …

Ánh mắt biết cười của người thợ mỏ.

Tôi vẫn thường chia sẻ với các đồng nghiệp của mình về ấn tượng lớn nhất của mình khi được tác nghiệp dưới lò sâu – đó chính là ghi lại được khoảnh khắc anh em đang ngồi đợi đồng nghiệp của mình bắn mìn phá hỏa. “Chộp” được khoảnh khắc trong bóng tối khói mìn tỏa ra dưới ánh đèn, những người thợ mỏ trở nên lung linh, huyền diệu như một tác phẩm được diễn trên sân khấu dưới ánh đèn sắc màu. Càng đi sâu vào cuộc sống của thợ mỏ, tôi càng thấy yêu mến, trân trọng, công việc của họ tuy vất vả nhưng cũng rất thi vị. Họ chính là nguồn cảm hứng bất tận để tôi có thể ghi lại những khoảnh khắc có 1 không 2 như tác phẩm “Phút giao ca”, “Chờ tiếng còi phá hỏa”, “Nụ cười”, “Chuẩn bị cơm hộp cho thợ mỏ”..., được vinh danh ở giải thưởng và trưng bày triển lãm... Tôi vẫn luôn thầm cảm ơn bố - người luôn “truyền lửa” cho đam mê của tôi; thầm cảm ơn người thợ mỏ - những đồng nghiệp luôn truyền cảm hứng cho tôi.

Tôi sinh ra và lớn lên ở khu lán thợ Núi Con, TP Cẩm Phả. Ông bà ngoại tôi, bố mẹ tôi đều làm thợ mỏ tại Than Đèo Nai. Ngày bé tôi còn được nghe bố mẹ kể là các cụ ngoại (người Nam Định) cũng làm than. Như vậy, nếu tính ngược lại, các cụ ngoại của tôi cũng có mặt làm phu mỏ từ những năm đầu của thế kỷ XX thời Pháp thuộc.

Năm 1948, bố mẹ tôi lấy nhau sinh được 8 người con, 6 gái, 2 trai. Lúc còn nhỏ, tôi và các anh chị em sống cùng ông bà, bố mẹ trong khu tập thể lán thợ của mỏ, ngày ngày được chứng kiến sự tấp nập những giờ vào ca, tiếng cười giòn tan sau mỗi tan ca. Có lần tôi còn lén theo bố lên phân xưởng xem bố sửa điện, sửa máy. Thấy ông làm việc rất hăng say, mồ hôi thì ướt sũng áo, mặt mũi chân tay lúc nào lấm lem, tôi thực sự rất khâm phục bố. Giờ đây, mỗi lần nghe những ca từ sâu lắng, da diết trong ca khúc “Thương cha tôi thợ mỏ” tôi lại xúc động.

Bố tôi là một người rất đặc biệt. Tuy không được học hành, song ông rất giỏi về nghề điện, có thể quấn mô tơ, làm quạt điện, đọc được các bản vẽ thiết kế về điện. Ông là thợ lành nghề. Ông đã nhiều năm làm tổ trưởng tổ điện mỏ Đèo Nai và nhiều năm liên tục là công nhân ưu tú. Ông cũng là người duy nhất được Giám đốc mỏ Đèo Nai khi đó nhường nhà mà Mỏ xây cho giám đốc cho gia đình tôi ở. Đó là ngôi nhà ở tổ 3, khu 2B, Cẩm Thành, hiện tại ngôi nhà này gia đình anh cả tôi đang sinh sống.

Nhiều người vẫn hỏi tôi là phụ nữ sao không chọn nghề nào nhẹ nhàng đỡ vất vả mà lại làm thợ mỏ? Tôi vẫn nói rằng chính nhiệt huyết, đam mê của bố với nghề đã ảnh hưởng lớn đến tôi cộng thêm truyền thống đã hun đúc từ nhiều thế hệ trong gia đình cống hiến cho vùng mỏ nên tôi đã quyết định nối nghiệp bố vào công tác tại tổ điện mỏ Đèo Nai. Đến nay cũng làm việc cho đơn vị được 35 năm và hiện nay đang là tổ trưởng tổ vận hành trạm điện. Không chỉ vận hành điện, tôi cũng tham gia tích cực hoạt động công đoàn, hoạt động nữ công; phong trào văn nghệ của Công ty và được phong danh hiệu Nghệ sỹ Vùng Mỏ.

Gia đình Nghệ sĩ vùng mỏ Ngô Thúy Bình.

Trong 8 anh chị em tôi, 1 anh đi bộ đội năm 1972 , hy sinh năm 1974. Còn 7 người, chỉ có chị cả tôi làm ngành ngân hàng còn lại 6 người đều là thợ mỏ. Chồng tôi cũng là thợ mỏ. Chúng tôi có 2 cháu gái, cháu đầu giờ nối tiếp truyền thống gia đình làm thợ mỏ của Công ty. Nếu tính cả dâu, rể, nội, ngoại, tức cả đại gia đình phải hơn trăm người làm mỏ. Tất cả đều quây quần gần nhau, xa nhất là Hạ Long, rồi đến Cửa Ông, nhiều nhất là Cẩm Phả. Mỗi lần tụ họp gia đình, chúng tôi vẫn thường tâm sự với nhau rằng: Thời bố mẹ, ông bà nghèo khó hơn nhưng tình yêu với nghề mỏ luôn cháy rực. Nay cuộc sống của con cháu đã khấm khá hơn, chúng ta phải tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của gia đình, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của vùng mỏ để xây dựng ngành than ngày càng đi lên…

Từ nông thôn, trong một gia đình nghèo, đông con ở Nam Định, bố tôi lên đường chọn vùng đất mỏ Mạo Khê làm chốn dừng chân. Đây cũng chính là nơi tôi và các chị em tôi được sinh ra và lớn lên. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ con ở xóm tôi đi đâu cũng ríu rít câu thơ: “Ngầm trong lòng đất/ Ở mãi hầm sâu/ Ơi chú thợ mỏ/ Chú đi về đâu/ Chú có mỏi mắt/ Chú có mỏi người/ Mà sao cháu thấy/ Chú vẫn vui cười…”. Tôi cũng không nhớ những câu thơ ấy của ai, nhưng nó đã theo tôi suốt từ thời còn học lớp 1 cho đến bây giờ. Hình ảnh chú thợ mỏ, ánh đèn lò trên mũ, đẩy chiếc xe goòng sâu trong lòng đất đối với tôi có gì đó luôn bí ẩn, ấn tượng, có sức thu hút…

Bố tôi là nguyên quản đốc phân xưởng xây dựng, mẹ tôi là công nhân phân xưởng khai thác 8 tại Công ty Than Mạo Khê nay đã nghỉ hưu. Ngay khi còn nhỏ, bố tôi đã hướng tôi theo học cơ điện, ông bảo học khai thác vất vả lắm, sức tôi không làm được đâu. Nhưng có lẽ vì tình yêu mỏ, sức hút từ hình ảnh chú thợ mỏ đã thôi thúc tôi theo học ngành khai thác tại Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh và trở thành một Kỹ sư khai thác mỏ hầm lò. Sau khi tốt nghiệp, tôi chính thức công tác tại Công ty Than Mạo Khê.

Bố mẹ kỹ sư Nguyễn Mạnh Hưởng đều dành cả cuộc đời cống hiến cho ngành than.

Những ngày đầu vào làm tại lò rất vất vả đúng như bố tôi từng nói, đã có lúc muốn buông xuôi, bởi sự nhọc nhằn mà gian khổ của nghề làm lò nhưng nhớ đến lời đã nói với bố rằng mình sẽ làm được tôi lại tiếp tục cố gắng. Bố luôn dặn dò, động viên tôi: “Đã chọn nghề thì phải trung thành với nghề, tâm huyết và phấn đấu với nghề”. Khắc khi lời ông dạy, càng làm tôi càng trân trọng nghề, trân trọng sức mạnh tinh thần đồng đội trong lò. Dù đã biết đến tinh thần đoàn kết ấy qua những câu chuyện bố mẹ kể song tôi vẫn không khỏi xúc động, bàng hoàng khi tận mắt chứng kiến những khi lò bị tụt, mọi người đã cùng nhau tập trung khắc phục sự cố, cùng nhau nỗ lực vượt qua.

Tiếp bước truyền thống, anh Hưởng cũng trở thành một kỹ sư tận tâm với nghề.

Đến nay, khi được tín nhiệm phân công đảm nhận vị trí quản đốc phân xưởng khai thác 6, bản thân tôi vẫn luôn lấy lời bố dạy khi xưa là tôn chỉ, phương châm làm việc của bản thân mình. Phân xưởng tôi hiện có 12 anh em công nhân người dân tộc Nùng, Tày, Cao lan, Mông ....Với tất cả kinh nghiệm và kiến thức của mình, tôi luôn cố gắng kèm cặp giữ chân thợ lò, nhất là những thợ lò mới tuyển người dân tộc thiểu số, vùng cao. Tôi luôn cố gắng trở thành sợi dây đoàn kết, động viên các anh em trong phân xưởng phấn đấu hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Cũng chính sự vất vả, nguy hiểm của nghề thợ lò luôn khiến bố mẹ tôi luôn quan tâm, động viên tôi. Nhớ thời gian đầu mới vào nghề, có những hôm làm ca 2 về muộn, chờ đến giờ chưa thấy về là bố tôi lại gọi điện, gọi không được, bố tôi lên tận khai trường, khi nào gặp được mới yên tâm. Đến giờ, bố mẹ tôi đã nghỉ hưu, nhưng ông bà luôn sát cánh cùng gia đình tôi, tạo điều kiện và chăm lo cho các con tôi mỗi khi vợ chồng tôi đi làm ca kíp về muộn.

Bữa cơm gia đình đầm ấm yêu thương.

Bố tôi gắn bó với mỏ 40 năm, mẹ tôi 30 năm thì nghỉ hưu và đến nay tôi cũng đã gắn bó được 20 năm. Trong gia đình tôi bây giờ còn có thêm anh rể và em rể tôi đều là thợ lò ở Công ty Than Mạo Khê. Nhà có nhiều thợ lò nên có chế độ gì cả nhà cũng đều được hưởng. Cả gia đình tôi gắn bó với mỏ, nên ai cũng hiểu và trân trọng tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” – một tài sản vô giá của lớp lớp thế hệ ngành Than, tạo nên sức mạnh tinh thần lớn mạnh, giúp chúng tôi những người thợ mỏ thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục vững tin, nỗ lực cống hiến, bước sâu vào lòng đất đem về những “vàng đen” cho Tổ quốc, dù biết bao khó khăn, thác ghềnh, hiểm nguy ở phía trước.

Người truyền lửa cho tôi vào nghề thợ lò chính là cha tôi - công nhân Vũ Duy Khương hiện ông cũng đang là thợ lò công tác tại Phân xưởng Năng lượng cùng Công ty CP Than Mông Dương.

Người thợ mỏ luôn giành được sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo.

Ở nhà là cha con, khi vào mỏ, cùng chui “thùng cũi” thì lại là đồng nghiệp. Từ những câu chuyện cha kể những ngày còn bé đến nay, tôi luôn thấy bóng dáng những người thợ mỏ lấp lánh trong đó. Có lẽ cũng bởi được nhen nhóm và biết tới công việc của một thợ lò nên bản thân tôi ngày mới vào mỏ đã bắt nhịp khá nhanh. Tôi luôn tự ý thức trách nhiệm trong công việc và cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ đơn vị giao cho.

Gia đình thợ mỏ Vũ Xuân Vượng.

Nghe những câu chuyện nghề từ cha, tôi càng thêm tự hào và cảm thấy may mắn hơn bởi từ việc lao động thủ công trước kia thì đến nay, chúng tôi đã là những lao động công nghệ, được làm việc với các máy móc thiết bị hiện đại để giảm sức lao động chân tay, nâng cao năng suất, đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhận thức được vai trò của người thợ mỏ trong thời đại mới, chúng tôi luôn cố gắng để học hỏi, trau dồi kiến thức, nâng cao tay nghề bậc thợ, từ đó góp phần xây dựng Văn hóa thợ mỏ, Văn hóa doanh nghiệp, bồi đắp thêm tinh thần, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của người Thợ mỏ.


Thực hiện: Minh Thu - Thu Chung - Trúc Linh

Kỹ thuật đồ họa: Mạnh Hà


Máu thịt của Quảng Ninh
Vùng đất vàng đen của Tổ quốc, có một mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhau giữa ngành kinh tế và hệ thống chính trị, là “Than với Quảng Ninh, Quảng Ninh với Than”. Lớp lớp thế hệ những người thợ mỏ là máu thịt của nhân dân Quảng Ninh!  
   
"Tiếng than rơi là nhịp đập trái tim tôi"
85 năm qua, truyền thống "Kỷ luật và đồng tâm" đã được lớp lớp thợ mỏ tiếp tục phát huy, kết hợp sức mạnh thời đại để vượt qua mọi khó khăn, đưa ngành than phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
   
Người thợ mỏ -Người chiến sĩ
Từ những chiến sĩ Binh đoàn Than năm xưa, đến những người thợ mỏ ngày nay, dù ở tầng than cao hay dưới đường lò sâu, ở mặt trận nào, họ đều mang “tinh thần thép” của người thợ mỏ - người chiến sĩ, luôn đoàn kết, kiên trung, tràn đầy tình đồng đội, tình yêu Tổ quốc  
   
Khi chúng tôi vào lò...
Mỗi thợ mỏ khi vào ca, họ trở thành những chiến sĩ thực thụ trong hầm lò, gánh vác trọng trách lớn mà Tổ quốc giao phó, đó là không ngừng lao động, sản xuất để đánh thức nguồn tài nguyên đang “ngủ sâu” dưới lòng đất, biến than thành “vàng đen” phục vụ cho công cuộc phát triển.  
   
Mạch nguồn sáng tác không vơi cạn…
Người thợ mỏ đã đi vào thơ, ca, nhạc, hoạ… từ chính cuộc sống cần lao của mình, từ sự thăng hoa về cảm xúc của các văn nghệ sĩ, mà trong số đó không ít người vốn sống với than và đi lên từ than…