Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 06:30 (GMT +7)
Nói không với “bệnh hình thức”
Thứ 3, 08/01/2008 | 06:44:43 [GMT +7] A A
Bắt đầu từ năm học 2006-2007, ngành Giáo dục trong cả nước đã nổ phát súng đầu tiên tuyên chiến với căn bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử - một vấn nạn tồn tại trong xã hội từ nhiều năm qua. Ngay lập tức chủ trương này được toàn dân ủng hộ, đánh giá cao. Và tác dụng của nó mang lại thật rõ ràng, chất lượng dạy và học đã thực chất hơn, công bằng xã hội được đảm bảo hơn.
Ngoài căn bệnh thành tích mà không phải chỉ ngành Giáo dục mới có, hiện nay ở nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương, đơn vị còn tồn tại một căn bệnh cũng hết sức nguy hiểm, nó kìm hãm sự phát triển và tạo ra những kết quả ảo - đó là căn bệnh hình thức, phô trương.
Bệnh hình thức được tồn tại, biến tướng dưới nhiều dạng thức, cách làm. Biểu hiện rõ nét nhất là ở các cuộc họp, tổng kết cuối năm, trong các cuộc thi tìm hiểu, phát động phong trào quần chúng v.v. ở nhiều cuộc họp, tổng kết, sơ kết, có lẽ phần quan trọng nhất là công bố và trao tặng các phần thưởng, danh hiệu này nọ mà đáng lẽ ra phải là những bàn luận về bài học, kinh nghiệm được đúc rút ra qua một thời gian thực hiện thực tế. Không ít hội nghị diễn ra với điệp khúc chủ toạ đọc bản báo cáo dài lê thê (mà các đại biểu đều đã được phát) kể lể những thành tích từ nhỏ đến lớn, một vài hạn chế tồn tại, sau đó dăm ba ý kiến phát biểu rồi đơn vị tổ chức kết luận…
Do cách tổ chức buồn tẻ, hình thức, thiếu tính thiết thực, làm cho có, nên việc đi dự các cuộc họp, hội nghị đã trở thành “nỗi khổ” của nhiều người. Và điều này đã lý giải vì sao ở nhiều cuộc họp lúc khai mạc thì đông đủ nhưng sau đó cứ vơi dần, hoặc có những cuộc họp vắng tới hơn một nửa số người được triệu tập.
Còn trong nhiều cuộc thi tìm hiểu, phát động phong trào, chiến dịch tính hình thức còn bộc lộ rõ hơn. Để có số lượng báo cáo thành tích người ta có “sáng kiến” làm sẵn đáp án rồi yêu cầu mọi người chép lại, hay nhiều khi phải “đóng kịch” khi ra trình diễn trước đông người. Trong các cuộc ra quân lúc đầu làm rầm rộ, tích cực để quay phim, chụp ảnh nhưng sau đó lại “án binh bất động” hoặc làm chiếu lệ… Với cách làm kiểu này tác dụng, hiệu quả mang lại chẳng được bao nhiêu mà ngược lại nó còn làm giảm ý nghĩa của các hoạt động, làm cho người dân “nhờn” với pháp luật, các quy định, tạo ra khoảng cách giữa nói và làm v.v.
Căn bệnh hình thức do đó hết sức nguy hiểm. Nếu không loại bỏ, tuyên chiến với căn bệnh này nó rất có thể sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu, kìm hãm sự năng động, sáng tạo của con người; tạo ra những hình ảnh hào hoa nhưng trống rỗng. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải nói không với bệnh hình thức.
Liên kết website
Ý kiến ()