Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 23:55 (GMT +7)
“Nói không với hư danh”
Thứ 4, 29/08/2007 | 06:53:04 [GMT +7] A A
Năm học mới 2007-2008 sẽ là năm học “5 không”, ngoài “2 không” của năm học trước, còn thêm “3 không”: Không vi phạm đạo đức nhà giáo; không ngồi nhầm lớp và nói không với đào tạo không theo nhu cầu của xã hội.
“5 không” là việc của ngành Giáo dục - Đào tạo, của cả thầy và trò, đề ra và quyết tâm làm. Theo tôi, đối với bậc phụ huynh học sinh cũng cần “nói không với hư danh” trong việc chăm sóc sự học hành của con em mình.
Tôi từng là người trong cuộc và chứng kiến các bậc phụ huynh đón con em là học sinh tiểu học khi tan trường. Thấy con, hầu hết các phụ huynh đều hỏi “hôm nay được mấy điểm?” Con đáp “được 8 ạ!” Phụ huynh thở dài “Chỉ được 8 thôi à?”. Điểm số là quan tâm số một của phụ huynh, trong khi “trẻ em như búp trên cành”, biết bao điều cần được chăm sóc, dạy dỗ, đâu chỉ vì “điểm 10”. Chỉ vì, thầy thì bệnh thành tích, phụ huynh thì chuộng hư danh, nên học trò được “cưng”, ai cũng đạt danh hiệu “học sinh giỏi” với “học sinh tiên tiến”, “học sinh tiên tiến xuất sắc”. Ngay cả các danh hiệu này, không phải ai cũng biết cái nào “bằng” hoặc “to” hơn cái nào!
Hầu hết học sinh tốt nghiệp THPT đều được bố mẹ ủng hộ thi vào đại học, mặc dù đều biết chỉ những em có học lực khá, giỏi mới có cơ hội thi đỗ. Tôi biết có em thi mãi mấy năm không đỗ đại học, bố mẹ cho học đại học luật tại chức. Khi tốt nghiệp, có người giới thiệu em tới làm ở một văn phòng luật sư nhưng kiến thức để làm việc quá sơ sài. Có bằng đại học luật nhưng lại không có chuyên môn để làm việc, cuối cùng, bố mẹ em xin cho em làm chân vận hành máy bơm nước ở một đơn vị. Khi nói chuyện với khách, bố mẹ em này đều than thở: Thời buổi này công ăn việc làm khó thật, gia đình tôi chẳng có vai có vế gì, nên cháu nó học đại học luật nhưng có được làm đúng chuyên môn đâu!
Để ủng hộ ngành Giáo dục-Đào tạo thực hiện tốt “5 không”, các bậc phụ khuynh cũng cần “nói không với hư danh” trong việc đưa con đến trường!
Liên kết website
Ý kiến ()