Tất cả chuyên mục

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh hiện đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 70 đối tượng, trong đó có nhiều người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật thiểu năng trí tuệ, người lang thang mắc bệnh tâm thần, trẻ em tàn tật bị bỏ rơi... Bằng tình yêu thương, sự chân thành, sẻ chia của các cán bộ, nhân viên, nơi đây đã trở thành mái nhà chung, mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhiều số phận kém may mắn...
Cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chăm sóc người cao tuổi tại Trung tâm. |
Những mảnh đời bất hạnh
Chúng tôi đến thăm nơi ở của những người có hoàn cảnh đặc biệt đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh một ngày cuối tháng 3. Bước trên con đường nhỏ, dưới tán cây xanh toả bóng mát dọc lối đi, đâu đó thoảng hương hoa bưởi thơm dịu, ngắm nhìn những luống rau xanh mướt, đàn gà nhởn nhơ kiếm mồi, chúng tôi có cảm giác yên bình như trở về thăm quê hơn là đến trung tâm dành cho người già cô đơn và người tàn tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa. Một cán bộ tại Trung tâm chia sẻ: Ở đây có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu câu chuyện cuộc đời bất hạnh khác nhau. Những số phận bất hạnh được đưa về đây chăm sóc là những cụ già neo đơn không nơi nương tựa, người thiểu năng, tàn tật, lang thang...
Người chúng tôi gặp đầu tiên là bà Nguyễn Bích Thảo, đã vào Trung tâm được hơn 10 năm. Trong câu chuyện kể về cuộc đời mình, người đàn bà với gương mặt khắc khổ, nước mắt nghẹn ngào kể: Năm nay tôi 80 tuổi, thì gần 50 năm một mình nuôi người con bị úng thuỷ não nằm liệt một chỗ. Hồi trẻ tôi cũng có một gia đình đầm ấm như bao người, sau này chồng đi bộ đội, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam đằng đẵng nhiều năm trời. Cuộc sống trống vắng, tôi quyết định nhận nuôi đứa trẻ mới 4 ngày tuổi bị bỏ rơi ở bệnh viện. Những tưởng cuộc sống có mẹ có con sẽ đầm ấm hơn nhưng không may đứa bé lại mắc chứng úng thuỷ não, không thể phát triển như những đứa trẻ bình thường. Bằng tình thương yêu của người mẹ, bà Thảo đã tận tình chăm sóc cho đứa bé từng ngày. Chồng bà từ quân ngũ trở về đã khuyên bà đưa đứa con vào trại trẻ mồ côi và hai vợ chồng vào miền Nam sinh sống nhưng bà không đồng ý và quyết định một mình chăm con. Thời gian trôi đi, sức khoẻ yếu, cuộc sống của mẹ già, con tàn tật càng cơ cực. Trong lúc khó khăn đó, mẹ con bà Thảo đã được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tiếp nhận và nuôi dưỡng. “Mẹ con tôi được Trung tâm nhận nuôi, được các cán bộ ở đây chăm sóc chu đáo, tận tình, tôi thấy ấm áp lắm. Mừng hơn cả là con tôi đã có một mái ấm gia đình chung, được chăm sóc sức khoẻ, có nhiều người cùng cảnh ngộ bầu bạn, chia sẻ. Đây là niềm hạnh phúc lớn nhất đời tôi”, bà Thảo xúc động nói.
Một tiết mục biểu diễn do người cao tuổi được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thể hiện. |
Hoàn cảnh éo le không kém bà Thảo, bà Lâm Thị Bình, 82 tuổi, trước khi vào Trung tâm cũng không có nơi nương tựa, phải sống nhờ trong căn bếp nhỏ, chật hẹp chỉ kê vừa một chiếc giường đôi của người chị dâu. Mặc dù đã ở tuổi gần đất xa trời mà bà chẳng có gì cho riêng mình, cuộc sống không chồng, không con, không nhà cửa, không chứng minh thư, không giấy khai sinh. Bà vào trung tâm trong hoàn cảnh rách rưới, bước đi không vững vì đói khát. Bà Bình chia sẻ: “Được nhận vào Trung tâm, cuộc đời tôi như sống lại lần thứ hai. Nếu không có sự giúp đỡ của các cán bộ trong trung tâm chắc giờ tôi đã không còn trên cuộc đời này…”.
Không chỉ riêng bà Thảo, bà Bình, có nhiều mảnh đời bất hạnh được tiếp nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Về đây họ tìm lại được cảm giác đầm ấm của gia đình, sự chia sẻ, đồng cảm của những tấm lòng nhân ái, những nghĩa cử cao đẹp.
Gắn kết bằng yêu thương
Để xoa dịu nỗi đau, mất mát của những số phận bất hạnh, với mỗi cán bộ nhân viên tại Trung tâm mặc dù công việc khó khăn vất vả, song mọi người cùng cố gắng hết mình, hướng đến mục tiêu chung là chăm lo cho những mảnh đời không may mắn. Mỗi người đều xem trung tâm như một gia đình thứ hai với những người thân cần chăm sóc hằng ngày. Họ làm việc không đơn thuần chỉ để mưu sinh và chỉ có những người có tâm, biết yêu thương những mảnh đời bất hạnh mới có thể gắn bó được với nơi này.
Chị Bùi Thị Thu Hoà, cán bộ chăm sóc trực tiếp đã có thâm niên hơn 10 năm làm việc tại Trung tâm, cho biết: "Với những đối tượng được nuôi dưỡng tại Trung tâm, họ đều đã trải qua những tháng ngày, những cảnh sống hết sức khó khăn nên tâm lý của mỗi người đều không được ổn định. Không chỉ bằng việc chăm sóc đơn thuần, chúng tôi đều phải tìm hiểu và nắm bắt được tâm lý của mỗi người để trong mỗi cử chỉ, hành động đều làm họ cảm nhận được sự yêu thương, chăm sóc cảm nhận được tình người...".
Bà Đào Thị Lành giúp đỡ ông Lê Văn Phấn trong cuộc sống hằng ngày. |
Còn với chị Phạm Thị Ngoan, cán bộ hỗ trợ tâm lý tại Trung tâm thì việc chăm sóc những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với chị đã trở thành trách nhiệm như của những người ruột thịt trong gia đình. Chị kể, mẹ chị trước kia cũng là một cán bộ làm việc tại Trung tâm. Từ nhỏ chị thường xuyên tới nơi làm việc cùng mẹ, tiếp xúc với người già, người khuyết tật tại Trung tâm, nhìn cách mẹ và mọi người chăm sóc cho họ, chị cảm nhận sâu sắc hơn về tình cảm giữa con người với con người dành cho nhau. Sau này khi trưởng thành, chị quyết tâm lựa chọn công việc giống mẹ để tiếp tục mang niềm vui, manh tình cảm yêu thương đến với những mảnh đời bất hạnh.
Không chỉ bằng tình cảm, trách nhiệm của những cán bộ, nhân viên tại Trung tâm mỗi người đều có sự yêu thương, chia sẻ cùng nhau. Tất cả những “mảnh ghép” bất hạnh ấy đã gắn ghép lại với nhau thành bức tranh cảm động về tình người ở mái ấm này. Từ chỗ xa lạ, họ thành bạn, thành anh em, thậm chí là những cặp đôi nương tựa vào nhau. Dường như giữa họ có một sợi dây gắn kết vô hình của những người đồng cảnh ngộ để cảm thông, chia sẻ. Đó là chuyện tình cảm động của những mối tình già có hoàn cảnh éo le, họ đến với nhau để giúp nhau vượt qua khó khăn ở những tháng năm cuối cuộc đời. Như chuyện tình giữa ông Lê Văn Phấn và bà Đào Thị Lành. Ông cao hơn 1,7m, còn bà chỉ cao 80cm. Không những thế, ông lại bị mù, nhưng không ai biết vì lý do gì mà hai người này luôn luôn quấn quýt lấy nhau, bà cứ như đôi mắt thứ hai giúp ông đi lại. Hai ông bà lúc nào cũng cạnh nhau như hình với bóng. Hay như chuyện tình của ông Chíu Gì Tình và bà Lâm Thị Bình. Dường như số phận đã mỉm cười với người đàn bà bất hạnh chưa một lần yêu này. Bà Bình dần dần thành “chỗ dựa” cho ông Tình. Bây giờ chẳng những bà không than phiền vất vả vì chăm ông Tình mà còn hạnh phúc vì đã gặp ông. “Cuộc đời này tôi còn có may mắn khi gặp ông ấy. Tôi vui vì cuối đời còn có người để chia sẻ…”, bà Bình tâm sự.
Những hình ảnh, câu chuyện giản dị, ý nghĩa mà chúng tôi được chứng kiến tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh phần nào cho thấy: Tình yêu thương chính là sợi dây gắn kết những người xa lạ thành một gia đình lớn. Đó cũng là minh chứng rõ nhất khẳng định sự quan tâm toàn diện của tỉnh và cộng đồng xã hội đối với những người còn nhiều thiệt thòi, khó khăn.
Nguyễn Thanh
Ý kiến (0)