Tất cả chuyên mục

Quá nửa đời người gắn bó với cây chè, hiểu giá trị của cây chè, bà Đào Thị Bính (thôn 5, xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà) luôn giữ nghề, tìm cách phát triển nghề, tạo ra những sản phẩm chè khô thơm ngon nhất. Gần đây, bà Bính đi đầu trong định hướng phát triển mô hình canh tác cây chè hữu cơ và chế biến các sản phẩm trà hiện đại, trong đó có hồng trà.
Cần cù, tỉ mỉ, bà Đào Thị Bính kiểm tra từng gốc cây, từng búp lá trong vườn chè của mình mỗi sáng. Bà nói, vườn chè này không dùng bất cứ loại phân, thuốc hoá học nào, cũng vì thế mà hay bị cỏ dại mọc, côn trùng cắn phá. Giải pháp duy nhất là phải phát hiện sớm và diệt trừ bằng tay, đảm bảo làm sao mỗi búp chè hái về để sao sấy làm hồng trà phải là những búp chè sạch, ngon nhất.
Chế biến hồng trà không khác là mấy so với quy trình chế biến chè khô nói chung, tuy nhiên nguồn nguyên liệu phải tươi, sạch, đậm vị, thơm nồng hương chè, kết hợp với sự tỉ mỉ trong khâu sấy, ủ là có thể cho ra những mẻ hồng trà chất lượng. Hồng trà hiện được dùng làm nguyên liệu để chế biến nhiều loại đồ uống liền, thông dụng nhất là làm trà sữa, loại sản phẩm đang bán thịnh hành ngoài thị trường.
Làm chè hữu cơ, rồi chế biến hồng trà thực ra không cho lợi nhuận bằng làm các loại chè truyền thống, bà Bính chia sẻ. Trong khi nếu làm chè khô nguyên liệu hoặc chè khô thông thường có đối tượng khách hàng phổ thông thì chúng tôi dễ bán hơn, tiêu thụ đều hơn, còn với hồng trà thì kén người mua hơn, một số thời điểm trong năm bán rất chậm. Thế nhưng bù lại nếu làm được hồng trà thì thể hiện được tay nghề của người làm trà Hải Hà cao hơn, tính đa dụng của cây chè Hải Hà được nâng lên. Quan trọng hơn là hướng trồng chè hữu cơ sẽ là hướng phát triển tất yếu, đáp ứng nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng ngày càng cao, ngày càng chú trọng bảo vệ sức khoẻ của mình thông qua những đồ ăn thức uống.
Hiện nay, bà Đào Thị Bính là tổ trưởng tổ hợp tác canh tác chè hữu cơ xã Quảng Thịnh với 21 thành viên. Cùng chung một niềm tin với cây chè, mong muốn nâng tầm cây chè Hải Hà, bà Bính cùng các thành viên tổ hợp tác tham gia các khoá tập huấn về quy trình canh tác hữu cơ, tự học hỏi kiến thức canh tác nông nghiệp xanh, sạch từ những mô hình thực tế đã được tham quan trải nghiệm, cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hay rút ra trong quá trình thực tế sản xuất. Hiện nay, tổ hợp tác chè hữu cơ của bà Đào Thị Bính còn được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hải Hà tin tưởng giải ngân nguồn vốn hỗ trợ sản xuất với mức vay 100 triệu đồng/lao động, lãi suất ưu đãi để phát triển, mở rộng mô hình, tiến tới tạo ra sản phẩm OCOP chè hữu cơ Hải Hà.
Ý kiến ()