
Trước sự phát triển nhanh của đô thị và công nghiệp - dịch vụ, quỹ đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã và đang triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng KHCN vào sản xuất và hướng tới xây dựng đô thị sinh thái bền vững cho tương lai.
Lộ trình đến năm 2025 TX Đông Triều trở thành thành phố, xu hướng phát triển đô thị đòi hỏi sản xuất nông nghiệp phải có sự chuyển dịch phù hợp, theo hướng nông nghiệp đô thị. Do đó, trên địa bàn thị xã đã có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng KHCN phát triển mạnh mẽ, cho hiệu quả cao, đóng góp quan trọng vào việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Trồng rau thủy canh ở Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188 (TX Đông Triều).
Trồng rau thủy canh ở Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188 (TX Đông Triều).
Một trong những mô hình hiệu quả của nông nghiệp đô thị ở Đông Triều là mô hình sản xuất rau thủy canh (Green Farm 188) của Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188 (phường Mạo Khê), đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP năm 2016. Bà Bùi Thị Thể, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188, cho biết: Với diện tích 2,5ha nhà màng trồng rau theo phương pháp thủy canh hồi lưu, Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188 đang áp dụng công nghệ trồng rau hiện đại, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố về ánh sáng, nhiệt độ, độ thông khí, nhất là thành phần dinh dưỡng, giúp cây rau sinh trưởng, phát triển tốt nhất, đảm bảo VSATTP và giữ lại được hàm lượng vi chất cao hơn nhiều lần so với rau trồng theo các phương pháp thông thường. Hiện nay, công ty đang canh tác khoảng 10 loại rau, củ, quả phục vụ nhu cầu của thị trường. Toàn bộ hạt giống đều được nhập khẩu từ Isarel và Hà Lan. Mỗi tuần, đơn vị cung cấp cho thị trường khoảng 2,5 tấn rau, củ, quả các loại.
Diện tích đất nông nghiệp của TX Quảng Yên thời gian qua bị thu hẹp nhiều do quỹ đất dành phát triển công nghiệp, vì thế, việc phát triển nông nghiệp đô thị tại địa phương đang là xu thế tất yếu. Tại phường Yên Hải và phường Phong Hải, để bù đắp cho việc đất canh tác bị thu hẹp, 2 địa phương đã vận động nông dân nâng cao hệ số sử dụng đất, tiến hành thâm canh giữa cây cao, trung và thấp, hoặc trồng một năm 3-4 vụ/diện tích canh tác. Đơn cử như các mô hình trồng xen kẽ cây cau, ổi, đinh lăng và ớt, hay các ô ruộng dưa gang, dưa lê, dưa hấu...

Lãnh đạo TX Đông Triều thăm mô hình trồng hoa lan của gia đình anh Lê Xuân Liêm (xã Bình Khê, TX Đông Triều).
Lãnh đạo TX Đông Triều thăm mô hình trồng hoa lan của gia đình anh Lê Xuân Liêm (xã Bình Khê, TX Đông Triều).
Ở lĩnh vực thủy sản của TX Quảng Yên, nhiều mô hình đã có sự chuyển dịch. Công ty CP Thủy sản Tân An đã đầu tư công nghệ nuôi tôm 3, 4 giai đoạn trong nhà, năng suất, sản lượng đạt gấp 2,5-4 lần so với nuôi thông thường.
Nhiều mô hình nông nghiệp đô thị đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh như: Sản xuất nấm của Công ty TNHH Long Hải (TX Đông Triều); sản xuất phân bón từ giun trùn quế cho cây trồng của trang trại Tuyết Tuyến Farm, sản xuất đông trùng hạ thảo của HTX Việt Hoàng (TP Hạ Long)... Từ đó, nâng cao giá trị các loại nông sản, tăng thu nhập cho người dân, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hóa, hướng tới xây dựng đô thị sinh thái bền vững cho tương lai.
Mục tiêu đặt ra của Quảng Ninh đến năm 2025 là duy trì số lượng chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn hiện có; phát triển 16 chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm lợi thế của tỉnh đạt chuẩn VSATTP, với sự tham gia liên kết chuỗi của 30 doanh nghiệp, 150 HTX và gần 15.000 hộ sản xuất kinh doanh; đảm bảo việc hình thành và thiết lập các liên kết chuỗi bền vững, từng bước ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Trước mắt, với chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị, nhiều nông dân trong tỉnh đã đổi mới tư duy sản xuất phù hợp với thực tiễn, biến những khó khăn, hạn chế thành sức mạnh để làm giàu bằng chính sự sáng tạo của mình.

Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp tại TP Uông Bí.
Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp tại TP Uông Bí.
Để đạt mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị, tỉnh đã tích cực phối hợp với các ban, ngành từ Trung ương, các nhà khoa học, doanh nghiệp… nhằm hỗ trợ nông dân tiến tới một nền nông nghiệp sạch, cung ứng nông sản sạch và an toàn cho thị trường. Đồng thời, có những giải pháp để theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật, từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, khuyến khích người dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ, nghiên cứu thêm các sản phẩm nông nghiệp mới, đặc trưng, chất lượng, mang thương hiệu của tỉnh để phù hợp với định hướng phát triển lâu dài.
Tỉnh cũng tập trung nguồn lực phân bổ cho hoạt động phát triển nông nghiệp đô thị; thúc đẩy các hoạt động sản xuất nông nghiệp chất lượng cao; làm chủ các kỹ thuật trồng, chế biến và gắn mác, nhãn hiệu, mã vùng cho sản phẩm; đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, tạo kênh phân phối cho sản phẩm...