
"Hồng Gai có núi Bài Thơ/có hang Đầu Gỗ, có chùa Long Tiên". Địa danh núi Bài Thơ đã đi vào ca dao như một biểu tượng thân thuộc của Hồng Gai xưa, TP Hạ Long ngày nay. Ngọn núi hội tụ cả một dòng chảy của lịch sử, thi ca và những chiến công vẻ vang nơi đất mỏ anh hùng. Đây còn là vọng gác trọng yếu trên vùng Vịnh Cửa Lục, trải dài qua các triều đại phong kiến đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sừng sững, kiêu hãnh giữa biển trời, chở che, bảo vệ cho nhân dân Hồng Gai và trở thành niềm tự hào bao đời nay của mỗi người con đất mỏ.

Là ngọn núi cao nhất vùng biển Cửa Lục (TP Hạ Long), nằm án ngữ trên con đường hàng hải cổ từ phương Bắc vào nội địa nước ta, thuở xa xưa, núi Bài Thơ đã như một pháo đài cổ sừng sững, được coi là vọng gác trọng yếu của cửa ải Đông Bắc. Từ trên đỉnh núi, có thể bao quát cả một vùng rộng lớn, vì vậy các triều đại phong kiến Việt Nam đã lập đồn trú cắt cử lính canh gác biên cương tại đây.
Núi Bài Thơ là ngọn núi cao nhất vùng biển Cửa Lục (TP Hạ Long), giữ vị trí trọng yếu trong suốt chiều dài lịch sử.
Núi Bài Thơ là ngọn núi cao nhất vùng biển Cửa Lục (TP Hạ Long), giữ vị trí trọng yếu trong suốt chiều dài lịch sử.
Truyền thuyết kể lại, từ xưa lính gác trên núi, hễ có giặc đến thì đốt lửa báo về kinh thành, còn khi bình yên thì treo đèn báo hiệu, từ đó tên gọi núi Rọi Đèn (hay còn gọi là núi Truyền Đăng) ra đời. Năm 1468, vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi tuần vùng biển An Bang. Trước cảnh núi non hùng vĩ, biển trời xanh biếc đẹp như tranh vẽ, nhà vua đã xúc cảm làm một bài thơ và cho khắc vào phía Nam của vách núi Truyền Đăng. Từ đó núi có tên là Đề Thơ, sau gọi là núi Bài Thơ.
Xưa kia quanh chân núi là những vụng sâu kín gió, nơi bến đỗ của thuyền đánh cá. Người dân chài Hạ Long đã chọn ngọn núi này làm mốc định hướng cho thuyền bè ra vào trên các luồng lạch. Ngày nay, trên đỉnh núi Bài Thơ có tấm bia đá khắc ghi vị trí chiến lược quan trọng của ngọn núi trong lịch sử. Trên tấm bia đá có ghi: “Từ đỉnh núi này, hàng ngàn năm trước đã là vọng gác trọng yếu vùng biên ải Đông Bắc của Tổ quốc. Đêm đêm lính canh đốt đèn báo hiệu, chỉ đường cho thuyền bè cập bến. Khi có giặc thì đốt lửa báo tin về kinh đô...".
Lá quốc kỳ trên đỉnh núi Bài Thơ - một biểu tượng thiêng liêng của TP Hạ Long.
Lá quốc kỳ trên đỉnh núi Bài Thơ - một biểu tượng thiêng liêng của TP Hạ Long.
Có một câu chuyện cảm động đến nay vẫn còn lưu truyền trong dân gian Hạ Long về người lính đồn trú trên đỉnh Rọi Đèn. Chuyện kể rằng, triều đình cứ luân phiên ba năm một lần thay lính đồn trú. Nhưng có thời kỳ triều đình bị chia rẽ, người lính đồn trú qua mấy kỳ ba năm vẫn chưa được thay phiên, nhưng ngày ngày người lính ấy vẫn không rời vị trí đứng gác, cho đến khi già, chết hóa thành đá. Câu chuyện dân gian cũng là lời ngợi ca về lòng kiên trung và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của người lính.
Qua bao thăng trầm của lịch sử, núi Bài Thơ vẫn là một địa điểm chiến lược trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Dưới thời Pháp thuộc, núi Bài Thơ là nơi liên lạc của Đảng giữa Quảng Ninh với Hải Phòng, là nơi cất giữ tài liệu, hòm thư bí mật của đặc khu Hòn Gai, là nơi đưa đón cán bộ từ căn cứ chiến khu về hoạt động ở Khu mỏ. Đặc biệt, cũng trên ngọn núi này, kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động (1/5/1930), lá cờ Đảng tung bay trên núi Bài Thơ đã thúc giục quần chúng nhân dân khu mỏ đấu tranh giành lại chính quyền. Kể từ đó, hình ảnh lá cờ đỏ bay trên đỉnh núi Bài Thơ mãi khắc sâu trong lòng người dân đất mỏ với niềm tự hào, xúc động.
Còi báo động trên núi Bài Thơ thời chống Mỹ. (Ảnh: Tư liệu)
Còi báo động trên núi Bài Thơ thời chống Mỹ. (Ảnh: Tư liệu)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, núi Bài Thơ như một tượng đài chiến thắng của thế hệ người Hồng Gai đánh Mỹ. Từ đỉnh núi Bài Thơ, các lực lượng phòng không, không quân và quân đội nhân dân Việt Nam có thể dễ dàng quan sát các hoạt động của máy bay địch trên không, đồng thời phát tín hiệu báo động cho nhân dân và bộ đội dưới mặt đất.
Suốt giai đoạn cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc từ năm 1964 đến 1972, núi Bài Thơ đã chở che cho nhân dân Hồng Gai. Những người dân thị xã ém sát vào chân núi Bài Thơ, sống dưới mái đá, trong các hang động, vẫn bám trụ chiến đấu, sản xuất và học tập. Đài ra đa đặt trên lưng chừng núi Bài Thơ ngày đêm báo hiệu chính xác từng đợt máy bay Mỹ đến đánh phá. Đặc biệt, núi Bài Thơ là nơi đặt còi báo - một hệ thống báo động vô cùng quan trọng trong những ngày đầu của cuộc chiến. Những hồi còi vang lên từ đỉnh núi là tín hiệu cho người dân và lực lượng quân sự chuẩn bị đối phó với các cuộc tấn công từ không quân Mỹ.
Hiện trên núi Bài Thơ vẫn còn những dấu tích của Nhà cơ vụ, nhà tổng đài, tổ đường dây, hang sơ tán, trú ẩn, nhà viba...
Hiện trên núi Bài Thơ vẫn còn những dấu tích của Nhà cơ vụ, nhà tổng đài, tổ đường dây, hang sơ tán, trú ẩn, nhà viba...
Trận địa pháo 12,7mm của dân quân tự vệ phường Bạch Đằng đặt trên núi Bài Thơ đã tham gia chiến đấu bảo vệ thị xã Hồng Gai, góp phần vào thắng lợi chung của quân dân Vùng mỏ. Tại các hang ở sườn phía Đông Bắc núi Bài Thơ, Trung tâm điện chính Bưu điện Quảng Ninh đã sơ tán nhà cơ vụ và đặt một trạm viba để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt.
Tại sườn phía Bắc, hang Thị đội là nơi thường trực chỉ huy chiến đấu của Ban CHQS thị xã Hồng Gai. Các hang đá phía Bắc còn được sử dụng làm nơi sơ tán an toàn cho Trạm sửa chữa cơ khí của Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai, nhà trẻ cơ khí, lớp học, trạm cấp cứu của bệnh viện…
Vẻ đẹp của Núi Bài Thơ trong ánh chiều tà.
Vẻ đẹp của Núi Bài Thơ trong ánh chiều tà.
Núi Bài Thơ vừa như một công trình điêu khắc uy nghi của tạo hóa, vừa như một tấm bia đá trầm mặc mang dấu ấn các thời đại. Đây không chỉ là một biểu tượng của vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là minh chứng cho sự kiên cường của quân dân Vùng mỏ, khi mỗi ngọn núi, dòng sông cũng cùng quân dân ta đánh giặc. Dáng núi hiên ngang, sừng sững qua dặm dài thời gian, chứng kiến những thăng trầm của vùng đất này từ khói lửa chiến tranh đến những tháng năm độc lập. Mỗi lần vọng nhìn về núi Bài Thơ là một lần nhắc nhở các thế hệ hôm nay về truyền thống cha ông, để thêm trân trọng và giữ gìn sự bình yên của quê hương Vùng mỏ.
Thực hiện: Xuân Hòa
Trình bày: Hùng Sơn