Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 23:44 (GMT +7)
OCOP - nhìn từ một huyện nghèo
Chủ nhật, 08/03/2015 | 06:05:04 [GMT +7] A A
OCOP là tên viết tắt bằng tiếng Anh của chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (One commune one product) được UBND tỉnh phê duyệt từ ngày 23-10-2013 và bắt đầu triển khai từ đầu năm 2014. Đây là một chương trình phát triển sản xuất hàng hoá theo xu thế hiện đại; nhiều nội dung trong quá trình triển khai có thể nói là rất mới mẻ, bỡ ngỡ, nhất là với các chủ thể sản xuất là bà con nông dân.
Trong bối cảnh ấy, một điều khá thú vị là khi nhìn lại một năm triển khai chương trình, theo đánh giá của cơ quan chức năng, trong số các địa phương thực hiện có hiệu quả, Ba Chẽ - một huyện miền núi nghèo, với trình độ dân trí nói chung còn thấp, lại tỏ ra khá nổi trội… Các sản phẩm mà Ba Chẽ đăng ký tham gia chương trình, như măng mai, trà hoa vàng, ba kích tím v.v.. đã được người nông dân nắm bắt một cách nhanh nhậy và thực hiện có hiệu quả. Ba Chẽ hiện đang tập trung quy hoạch vùng chuyên canh các sản phẩm chủ lực của địa phương, tập trung xây dựng hạ tầng sản xuất chế biến sản phẩm, hình thành các tổ chức kinh tế, tạo mối quan hệ hợp tác với các nhà khoa học, đơn vị tư vấn v.v.. để hỗ trợ bà con nông dân và các đơn vị kinh tế tham gia chương trình. Đồng thời, huyện cũng đã và đang xây dựng một kế hoạch giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại địa phương cũng như các nơi khác một cách khá bài bản. Nói cách khác, Ba Chẽ đang “đi đúng lộ trình” của chương trình OCOP theo định hướng của tỉnh.
Để đạt được kết quả như vậy, một điều cần nhấn mạnh là việc cấp uỷ, chính quyền huyện đã vào cuộc một cách rất quyết liệt. Ban điều hành OCOP của huyện được thành lập, trong đó có một bộ phận chuyên trách do chính Bí thư Huyện uỷ trực tiếp chỉ đạo. Chính điều đó đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chương trình.
Từ việc triển khai chương trình OCOP một cách hiệu quả ở Ba Chẽ cho thấy, nếu chủ trương của cấp uỷ, chính quyền phù hợp, đáp ứng được lòng dân, và trong quá trình thực hiện có sự chuẩn bị chu đáo, cách thức tiến hành bài bản, việc thông tin tuyên truyền tiến hành thường xuyên, sâu rộng v.v.. thì mọi khó khăn đều có thể “hoá giải” để đạt hiệu quả như mong muốn…
Hy vọng, sau một năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP của tỉnh nói chung sẽ có bước phát triển mới, có thêm nhiều địa phương, đơn vị, tổ chức kinh tế v.v.. tiêu biểu hơn nữa, nhằm góp phần thúc đẩy lộ trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh phát triển một cách vững chắc.
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()