PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, là người rất quan tâm và có nhiều nghiên cứu về vùng biển, đảo Quảng Ninh. Nhân dịp PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đến Quảng Ninh công tác, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông.
- Thưa PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, ông có thể đánh giá khái quát về tiềm năng vùng biển, đảo Quảng Ninh?
+ Vùng biển đảo này rất độc đáo, chứa đựng những giá trị di sản tầm quốc gia và toàn cầu. Trước hết, biển đảo Quảng Ninh độc đáo về cảnh quan, là địa phương duy nhất của Việt Nam có gần 2.400 hòn đảo khác nhau, phân bố tập trung sát bờ. Trong đó, vùng biển từ Vịnh Hạ Long nối với quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) có một quần thể đảo đá vôi độc nhất vô nhị trên thế giới. Các giá trị của vùng biển đảo Quảng Ninh cung cấp tiềm năng bảo tồn biển rất cao và tạo tiền đề, lợi thế cho phát triển các ngành kinh tế biển, trước hết là các lĩnh vực kinh tế gắn với bảo tồn thiên nhiên, như du lịch, thuỷ sản, các dịch vụ giải trí đi kèm. Đây là đặc điểm nổi bật (tính trội) của hệ thống biển đảo, là lợi thế trong phát triển kinh tế biển của Quảng Ninh...
- Ông có thể nói rõ hơn về mối quan hệ, sự gắn kết giữa bảo tồn thiên nhiên với phát triển kinh tế?
|
+ Phát triển kinh tế biển dựa vào bảo tồn thiên nhiên biển đảo phải là một trong những trục phát triển ưu tiên của Quảng Ninh. Điều này đã được các chuyên gia nước ngoài xác định cho Quảng Ninh từ trước rồi. Tôi nhớ, khoảng năm 1998, Ngân hàng Thế giới đã cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị “Khuôn khổ phát triển toàn diện” cho vùng duyên hải Quảng Ninh - Hải Phòng và xác định bảo tồn biển và du lịch là một trong 4 trục phát triển ưu tiên của vùng duyên hải này.
Đến bây giờ, với chiến lược tăng trưởng xanh, rõ ràng việc bảo tồn thiên nhiên là hết sức quan trọng. Nó là các nguồn “vốn tự nhiên” duy trì sự thịnh vượng của tỉnh và sinh kế của người dân địa phương ven biển trong dài hạn.
Tôi ví dụ, phát triển du lịch “nghề cá giải trí” như: Câu cá giải trí, đánh cá giải trí, ngắm cá giải trí và lặn biển ở các vùng biển được bảo tồn thu tiền nhiều hơn mà cá vẫn còn nguyên (không bị đánh bắt) thay vì chúng ta đánh bắt, thậm chí còn đánh bắt tận diệt nữa. Đánh thế thì cá đâu mà phục hồi được, nguồn lợi bị bòn rút nhanh, chưa kể thêm là biến đổi khí hậu, biến đổi đại dương cộng vào nữa. Cho nên, tôi cho rằng Quảng Ninh phải bắt đầu lựa chọn các hình thức phát triển từ thế mạnh của mình, từ các giá trị di sản, kỳ quan, giá trị địa chất, địa mạo, vườn quốc gia biển của Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long...
- Với giá trị toàn cầu của Vịnh Hạ Long, chúng ta phải ứng xử với Vịnh theo cách như thế nào, thưa PGS?
+ Với những giá trị quốc gia và toàn cầu của biển đảo nói trên, tôi nghĩ chính quyền, nhân dân tỉnh nhà nên nhận thức rằng di sản là “của để đời” cho muôn đời con cháu. Những giá trị như vậy thuộc tầm toàn cầu và của nhân loại nhưng được ưu ái đặt vào Việt Nam, đặt vào mảnh đất Quảng Ninh này. Nếu nhận thức được như thế, chúng ta mới thấy hết trách nhiệm lớn lao và vinh dự của mình và sẽ thấy cần giữ gìn và tôn vinh thế nào cho xứng đáng với tiềm năng. Còn ngược lại, nếu chúng ta cứ nghĩ rằng đây là di sản trên đất Quảng Ninh, là của riêng và muốn đối xử như thế nào là quyền của mình, thì chả mấy sẽ hỏng hết.
Từ nhận thức đúng, tỉnh sẽ có tầm nhìn chiến lược, kế hoạch hành động đúng theo lộ trình thời gian và sẽ biến tiềm năng, lợi thế thành lợi ích cho tỉnh, cho đất nước và cho nhân loại. Nói như thế để thấy rằng, thiên nhiên đã ban tặng cho tỉnh các lợi thế đặc biệt độc đáo, vấn đề còn lại là tỉnh phải ban hành các cơ chế, chính sách với độ mở cần thiết để theo kịp đòi hỏi thực tế. Không làm được cái đó thì không đạt được mục tiêu phát triển bền vững, nghĩa là không thể có “của ăn, của để”, thoả mãn được yêu cầu hôm nay và cả yêu cầu của con cháu mai sau.
|
- Trước đây, ông đã từng tham gia vào việc quy hoạch không gian biển. Ông có thể chia sẻ vấn đề này, cụ thể là về Vịnh Hạ Long và Cát Bà?
+ Quy hoạch không gian biển là một công cụ mới, giúp chúng ta quản lý biển theo không gian, hỗ trợ quản lý tổng hợp biển, vùng bờ biển và thống nhất quản lý về mặt nhà nước đối với biển đảo. Việt Nam áp dụng công cụ mới này từ năm 2009 và Vịnh Hạ Long được thử nghiệm đầu tiên để Tổ chức Hải dương học Liên chính phủ (IOC) của UNESCO điều chỉnh lại Hướng dẫn Quốc tế về Quy hoạch không gian biển.
Sắp tới, UNESCO có thể sẽ đề nghị mở rộng không gian Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long sang tới vùng biển Cát Bà và có khả năng đổi tên là “Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Cát Bà”. Khi được công nhận, cùng với các danh hiệu khác, vùng biển quần thể đảo đá vôi liên tỉnh này sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho cả hai địa phương, cho quốc gia và tạo thêm hình ảnh mới của biển Việt Nam trên trường quốc tế.
- Muốn khai thác thế mạnh kinh tế biển gắn với việc bảo tồn thiên nhiên, theo ông cần phải làm gì?
+ Hiện nay, Quảng Ninh có thể khai thác thế mạnh kinh tế biển nhưng lại chưa có một mô hình chỉ dẫn thế nào là kinh tế biển đặc thù, bền vững và có hiệu quả nhất dựa trên thế mạnh của riêng mình. Trước tiên, cần từ bỏ cách phát triển theo tư duy ngắn hạn, hướng tới lợi ích dài hạn. Tôi lấy ví dụ, nếu cứ làm đường liền ra đảo Tuần Châu, Cái Bầu như vừa qua thì vô tình đã biến chức năng đảo thành bán đảo, và rồi phù sa bồi lấp, các đảo trên sẽ biến thành một khối núi ven biển mà Quảng Ninh thì đang có quá nhiều núi ven biển rồi. Ngoài ra, biến đổi khí hậu đã được cảnh báo có độ rủi ro cao, đặc biệt là vùng ven biển trong đó có Quảng Ninh. Đây là một dự báo rất đáng quan tâm.
|
- Còn việc phát triển du lịch ở những đô thị ven biển thì sao, thưa ông?
+ Có một vùng biển giàu đẹp chưa đủ, phải quy hoạch và xây dựng được những đô thị ven biển đẹp dựa trên tính trội của vùng này, tạo liên kết vùng và khai thác các giá trị vốn có, thổi văn hoá vào quy hoạch và những công trình kiến trúc để tạo ra điểm nhấn của đô thị ven biển, điểm đến của du khách.
Đến Hạ Long, du khách phải cảm nhận được môi trường của di sản biển, cảnh quan biển, hương vị biển. Cần một tầm nhìn toàn diện, bao quát và một chiến lược dài hạn phát triển vùng ven biển Quảng Ninh với các điểm nhấn đô thị biển và mối liên kết giữa chúng. Tóm lại, tiềm năng biển đảo Quảng Ninh rất lớn, rất độc đáo, tôi rất mê. Nhưng cũng muốn nói rằng, nếu cách khai thác như hiện nay cứ tiếp diễn thì chưa đáp ứng được kỳ vọng chuyển từ phát triển “nâu” sang “xanh” của lãnh đạo tỉnh đang hướng đến. Tôi đã thích thú khi nghe PGS.TS. Phạm Minh Chính, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, trình bày rất thuyết phục về chủ trương như vậy tại Hội thảo Quốc gia lần thứ nhất về “Phát triển kinh tế biển xanh: Vấn đề và cách tiếp cận cho Việt Nam”. Đây là hướng đi đúng của Quảng Ninh.
- Phải chăng, xây dựng Đặc khu hành chính - kinh tế Vân Đồn là sẽ khai thác tiềm năng, lợi thế từ biển đảo của Quảng Ninh thưa ông?
+ Tôi cho rằng, trong nhiều mâu thuẫn cần giải quyết để phát triển thì Vân Đồn có một mâu thuẫn rất đặc thù. Đó là mâu thuẫn do chồng chéo về mặt thể chế của một đơn vị hành chính cấp huyện trùng về không gian với một ban quản lý khu kinh tế ven biển. Để giải quyết loại mâu thuẫn này cần phải “nhất thể hoá” thành một thực thể hành chính, có thể là một khu kinh tế mở, một huyện đảo thông minh, một khu kinh tế đảo xanh hay một đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như đã chọn.
Nhưng dù là mô hình nào đi nữa thì câu chuyện phát triển Vân Đồn phải cần một đẳng cấp thể chế và đẳng cấp công nghệ cao với “độ mở” rộng nhất có thể. Vân Đồn phải sàng lọc kỹ ngay từ giai đoạn sớm và sẵn sàng từ chối những nhà/dự án đầu tư “đen hoặc nâu”, công nghệ thấp, lạc hậu. Điều này sẽ tạo cơ hội thu hút được những nhà đầu tư lớn với những dự án sạch, xanh và dự án hiệu quả tầm cỡ quốc tế. Nhà đầu tư trong nước cũng phải đáp ứng những tiêu chuẩn chung ở đẳng cấp như vậy mới được chấp nhận bỏ vốn vào Vân Đồn. Thêm nữa, để phát triển Vân Đồn thì những thế mạnh của biển phải được khơi dậy. Đây tuyệt đối không thể là khu công nghiệp mà phải lấy trục phát triển du lịch - dịch vụ gắn với bảo tồn sinh thái và văn hoá biển đảo. Phát triển du lịch 4S với 3 lợi thế tự nhiên: Sun (ánh nắng mặt trời chan hoà), Sea (có biển xanh trong), Sand (có bãi cát đẹp) và một lợi thế do chính người Quảng Ninh quyết định: Service (dịch vụ tốt). Vân Đồn phải trở thành điểm đến có tần suất lặp lại của du khách cao thì mới thành công.
- Vậy theo PGS, Đặc khu Vân Đồn cần đi theo hướng nào?
+ Theo tôi, hướng đi của Vân Đồn phải dựa trên 3 tiêu chí: Thứ nhất, là tính trội của Vân Đồn so với những nơi khác, đó là một vùng sinh thái biển đảo. Thứ hai, là tính đa dụng vì đây là khu vực có tính đa dạng về tài nguyên, về các giá trị bảo tồn và về tiềm năng phát triển kinh tế biển đảo. Thứ ba, là tính liên kết của một vùng kinh tế mở, có khả năng ảnh hưởng lan toả ra các vùng xung quanh. Muốn vậy, phải có hệ thống đường bộ hiện đại, có sân bay dân dụng đủ để đón những chuyến bay quốc tế hiệu quả. Rồi kết nối nội bộ trong Vân Đồn bằng cách xây những cây cầu đẹp như ở Đà Nẵng. Làm sao để mỗi cây cầu vừa là một công trình văn hoá độc đáo, vừa là yếu tố kết nối các mảng không gian biển đảo nội vùng.
|
Tôi vẫn mơ ước nối Vân Đồn với đất liền không phải bằng con đường như hiện nay mà mạnh dạn thay vào thành một cây cầu đẹp, đẳng cấp. Liên kết được sẽ giúp Vân Đồn trở thành một hệ kinh tế - xã hội “mở”, một hệ giao lưu và trở thành “cực phát triển” quan trọng trong bình đồ không gian kinh tế biển - ven biển của Quảng Ninh. Đừng biến Vân Đồn thành một hệ “kín”, một đô thị biển hiện đại, giàu có nhưng không có tầm ảnh hưởng lan toả. Vân Đồn “độc lập” nhưng “không cô lập”...
- Ông vừa nhắc đến sự kết nối vùng. Còn một sự kết nối khác là kết nối quốc tế của Vân Đồn. Điều này thực ra đã được làm từ nhiều thế kỷ trước qua việc xây dựng thương cảng trên biển. Ông có sự liên hệ nào trong câu chuyện này?
+ Bởi thế, tôi mong phát triển cả du lịch bằng đường biển, làm sao phục hồi được “cái hồn” của thương cảng Vân Đồn xưa - một đô thị thương mại biển cổ trong thời hội nhập quốc tế sâu rộng. Những du thuyền hạng sang quốc tế sẽ không chỉ đến Vịnh Hạ Long mà còn cập cảng Vân Đồn. Tôi có một niềm tin rằng, cùng với Vịnh Hạ Long, thì Bái Tử Long và Vân Đồn sẽ là những “thương hiệu” mới của Quảng Ninh năng động và của một Việt Nam biển trong tương lai gần...
- Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Chu Hồi về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học (thực hiện)
|
Ý kiến ()