Các thiết chế văn hóa, thể thao (VHTT) là một phần không thể thiếu của xã hội, song hành với sự phát triển của đời sống nhân dân. Việc đầu tư xây dựng, khai thác, phát huy công năng của các thiết chế VHTT từ tỉnh đến cơ sở đã và đang mang lại hiệu quả tích cực trong việc gắn kết cộng đồng, thiết thực nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Từ đây tạo nền tảng quan trọng để xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Là thành phố thủ phủ của tỉnh, trong những năm qua, cùng với các công trình của tỉnh xây dựng trên địa bàn, TP Hạ Long đã bố trí nguồn lực thỏa đáng đầu tư xây dựng các thiết chế VHTT ngày càng đồng bộ, hiện đại. Hiện cấp thành phố có 1 nhà văn hóa trung tâm, 1 thư viện, nhà thi đấu thể thao tổng hợp; 19/33 xã, phường có nhà văn hóa và hội trường đa năng; 243/243 thôn, khu phố trên địa bàn đều có nhà văn hóa được trang bị các thiết bị âm thanh, ánh sáng, bàn ghế... phục vụ nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao, thông tin tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... đến toàn thể nhân dân.

Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Ninh năm 2022 được tổ chức tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh.
Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Ninh năm 2022 được tổ chức tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh.
Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố còn hơn 470 thiết chế VHTT, như: Sân vận động, sân bóng đá, nhà thi đấu, sân quần vợt, sân bóng chuyền, bể bơi, nhà luyện tập thể thao... thuộc sự quản lý của các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể, tạo môi trường sinh hoạt, vui chơi lành mạnh cho công nhân viên, người lao động và nhân dân trên địa bàn.
Giờ đây không khó để bắt gặp trên các tuyến đường bao biển, sân vui chơi cộng đồng tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố hầu hết đã được lắp đặt các thiết bị, dụng cụ tập luyện thể thao, phục vụ thiết thực nhu cầu rèn luyện sức khỏe hằng ngày của người dân. Bà Nguyễn Thị Thực (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long), chia sẻ: Nhu cầu rèn luyện thể dục thể thao của người dân từ thanh thiếu nhi đến người cao tuổi ngày càng cao, song không phải ai cũng có điều kiện đến các trung tâm, phòng tập hiện đại chuyên sâu. Vì vậy, việc phường, thành phố lắp đặt những dụng cụ thể thao công cộng này rất hữu ích, ai cũng có thể tập luyện, vừa nâng cao sức khỏe vừa tạo nếp sống, môi trường sống thêm lành mạnh, văn minh.
UBND TP Hạ Long cũng đang nghiên cứu quy hoạch tổng thể mặt bằng kèm phương án thiết kế kiến trúc công trình Nhà truyền thống thành phố, thuộc khu vực quỹ đất Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thành phố tại phường Hồng Gai. Đây dự kiến sẽ là một thiết chế văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa của vùng đất Hạ Long, là nơi lưu giữ, trưng bày những sản phẩm, kỷ vật truyền thống của TX Hòn Gai xưa cũng như những thành tựu phát triển của TP Hạ Long hôm nay, giúp người dân thành phố thêm hiểu biết, yêu mến và trân trọng giá trị truyền thống văn hóa lịch sử quê hương.

Các lớp năng khiếu được tổ chức tại Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh, thu hút đông đảo thanh thiếu nhi tham gia.
Các lớp năng khiếu được tổ chức tại Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh, thu hút đông đảo thanh thiếu nhi tham gia.
Không riêng TP Hạ Long, hệ thống thiết chế VHTT trong tỉnh cơ bản đã và đang dần được hoàn thiện về số lượng cũng như chất lượng hoạt động. Cấp tỉnh có Cụm công trình Bảo tàng, Thư Viện tỉnh; Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm; Khu liên hợp thể thao tỉnh; Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi... có quy mô, kiến trúc hiện đại, không chỉ là địa điểm tổ chức các sự kiện VHTT mang tầm quốc gia, quốc tế mà còn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, hàng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan.

Khu liên hợp thể thao tỉnh Quảng Ninh tại phường Đại Yên, TP Hạ Long được đầu tư hiện đại.
Khu liên hợp thể thao tỉnh Quảng Ninh tại phường Đại Yên, TP Hạ Long được đầu tư hiện đại.
Cấp huyện có 13/13 thư viện, 12/13 huyện, thị xã, thành phố có cơ sở vật chất Trung tâm VHTT. Cấp xã có 75/177 xã có nhà văn hoá; 1.448/1.452 thôn, khu phố có nhà văn hóa. Bên cạnh đó là các thiết chế VHTT của các đơn vị, công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (41 công trình) và các doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh với cơ sở vật chất hiện đại, được đầu tư nâng cấp thường xuyên và có đội ngũ cán bộ công tác chuyên trách, đã hình thành một hệ thống thiết chế văn hóa khá hoàn chỉnh trong các đơn vị.


Năm 2022, Quảng Ninh đã ghi dấu ấn ấn tượng với bạn bè bốn phương khi được lựa chọn để tổ chức rất nhiều các sự kiện VHTT tầm cỡ quốc gia và khu vực, như: Đăng cai tổ chức 7/40 môn thi đấu, đón 1.400 người thuộc các đoàn thể thao Đông Nam Á dự SEA Games 31; đăng cai tổ chức lễ khai mạc, bế mạc và 21/43 môn thi đấu của Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX; giải thể thao của các bộ, ngành Trung ương; chương trình trao giải toàn quốc cuộc thi phim ngắn “Màn ảnh xanh”... Kết quả đó là minh chứng cho thấy sự phát huy hiệu quả các thiết chế VHTT cấp tỉnh sau đầu tư, góp phần quan trọng quảng bá, giới thiệu hình ảnh, thúc đẩy phát triển du lịch Quảng Ninh, là động lực quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Thi đấu môn cờ vua SEA Games 31 tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, tháng 5/2022.
Thi đấu môn cờ vua SEA Games 31 tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, tháng 5/2022.
Cùng với đó, hệ thống thiết chế văn hóa cấp huyện đã phát huy hiệu quả, từng bước đáp ứng được nhiệm vụ tuyên tuyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hàng năm, bình quân cấp huyện tổ chức từ 10-14 giải thể thao/huyện; các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi, như: Hội diễn nghệ thuật quần chúng, liên hoan tiếng hát khu dân cư, ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc, đại hội thể dục thể thao... Ngoài ra, các công trình này còn là địa điểm tổ chức các hội thi, hội diễn, các lớp năng khiếu... do các ngành, đoàn thể của các địa phương phối hợp tổ chức, thu hút đông đảo các thành phần, lứa tuổi tham gia.
Hệ thống các thiết chế VHTT cấp xã đến thôn, khu phố cũng đã đáp ứng nhu cầu giao lưu, sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, tạo diện mạo mới ở các khu dân cư, góp phần nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các địa phương...

Các em thiếu nhi thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu) tham gia giao lưu văn nghệ tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022, tại nhà văn hóa thôn.
Các em thiếu nhi thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu) tham gia giao lưu văn nghệ tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022, tại nhà văn hóa thôn.
Việc nâng cao đời sống nhân dân là một trong 7 nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, trên cơ sở nhất quán quan điểm gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người. Vì vậy, nhằm tiếp tục làm phong phú đời sống tinh thần, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, tỉnh đã phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hoá thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Từ đây, tạo cơ sở để hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ hệ thống thiết chế VHTT từ tỉnh đến cơ sở.

Khai mạc Triển lãm ảnh đẹp về thiên nhiên, văn hóa, con người Bình Liêu năm 2022.
Khai mạc Triển lãm ảnh đẹp về thiên nhiên, văn hóa, con người Bình Liêu năm 2022.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, quan tâm ban hành các chính sách đầu tư mua sắm các trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí tổ chức hoạt động để phát huy tốt hệ thống thiết chế VHTT từ cấp tỉnh đến cơ sở; phát động phong trào, tổ chức nhiều mô hình câu lạc bộ về văn hóa, văn nghệ, thể thao thu hút người dân tham gia. Cùng với đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho cán bộ VHTT cấp xã, nhất là ở vùng biên giới, biển đảo, vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động VHTT, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân tham gia đầu tư, sáng tạo, hoạt động và hưởng thụ...


Với sự đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, cơ sở vật chất của hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở ngày càng hoạt động hiệu quả, không chỉ thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa, tinh thần của người dân mà còn đang trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, độc đáo thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, vui chơi mỗi năm.

Sở hữu kiến trúc độc đáo, không gian đẹp, nhiều hiện vật trưng bày có giá trị, Bảo tàng Quảng Ninh luôn nằm trong hành trình khám phá của du khách khi đến với TP Hạ Long. Đặc biệt, được kết nối với các điểm du lịch như cụm di tích và danh thắng núi Bài Thơ (núi Bài Thơ, đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn, chùa Long Tiên), trung tâm thương mại Vincom Center Hạ Long, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, Quảng trường 30/10, Bảo tàng Quảng Ninh đến nay đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo người dân và du khách tới tham quan, trải nghiệm. Năm 2022, Bảo tàng Quảng Ninh đón gần 700.000 lượt khách trong nước và quốc tế, tăng 30% so với năm 2021. Trong 2 tháng đầu năm nay, Bảo tàng đã đón gần 24.900 lượt khách, gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Bảo tàng Quảng Ninh thu hút rất đông khách du lịch, đặc biệt vào mùa cao điểm du lịch hè.
Bảo tàng Quảng Ninh thu hút rất đông khách du lịch, đặc biệt vào mùa cao điểm du lịch hè.
Bảo tàng Quảng Ninh hiện có tổng số 65.000 hiện vật, trong đó có khoảng 3.000 hiện vật được trưng bày theo các chủ đề, ở các không gian khác nhau gồm: Không gian của biển cả và thiên nhiên (tầng 1); khu trưng bày những hiện vật có giá trị lịch sử (tầng 2) và tái hiện toàn bộ lịch sử ngành khai thác than (tầng 3). Không chỉ hấp dẫn khách nội địa, Bảo tàng còn là điểm đến du lịch văn hóa thu hút khách nước ngoài. Bà Leeanne Monagle, du khách Australia, chia sẻ: Bảo tàng Quảng Ninh có kiến trúc rất độc đáo, mang tính biểu tượng cho vùng đất. Hệ thống hiện vật, cách sắp xếp trưng bày rất rõ ràng, dễ theo dõi, tìm hiểu, giúp cho chúng tôi có những cảm nhận, hình dung đầy đủ và rõ nét hơn về mảnh đất, thiên nhiên và con người Quảng Ninh.

Triển lãm “Quảng Ninh - Hội tụ và lan tỏa sắc màu di sản” tại Bảo tàng Quảng Ninh, tháng 2/2023, thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu về giá trị văn hóa, lịch sử của Vùng mỏ.
Triển lãm “Quảng Ninh - Hội tụ và lan tỏa sắc màu di sản” tại Bảo tàng Quảng Ninh, tháng 2/2023, thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu về giá trị văn hóa, lịch sử của Vùng mỏ.
Bà Nguyễn Thị Xiêm, Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, cho biết: Để gia tăng sức hấp dẫn đối với du khách, đơn vị chú trọng công tác bổ sung hiện vật, đổi mới không gian trưng bày, đa dạng hóa hoạt động tương tác với khách tham quan, tăng cường liên kết với các đơn vị lữ hành thu hút khách du lịch.
Không chỉ riêng Bảo tàng Quảng Ninh, các thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn tỉnh cũng đang cho thấy sức hút, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong hành trình khám phá du lịch Quảng Ninh. Trong đó, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh thường xuyên tổ chức các sự kiện như: Triển lãm các sản phẩm OCOP, hội chợ OCOP, triển lãm thành tựu phát triển KT-XH của tỉnh và của các ngành, địa phương, Liên hoan Xiếc quốc tế, Liên hoan Tiếng hát ASIAN+3, GALA xiếc ba miền, Liên hoan Âm nhạc quốc tế... Hay Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ (TP Móng Cái), Trung tâm Văn hóa - Thể thao vùng Đông Bắc (huyện Tiên Yên)... đều đã trở thành điểm du lịch văn hoá hấp dẫn ở khu vực Đông Bắc Tổ quốc, mang đậm bản sắc văn hoá Việt, nhất là những nét văn hoá độc đáo của các dân tộc tỉnh Quảng Ninh.

Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ (TP Móng Cái) thu hút đông du khách đến tham quan. Ảnh: Hoàng Quỳnh
Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ (TP Móng Cái) thu hút đông du khách đến tham quan. Ảnh: Hoàng Quỳnh
Cùng với đó, nhà văn hóa xã tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên được xây dựng với kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa của đồng bào. Theo đó, các địa phương cũng đã tập trung đầu tư, khai thác, đưa các thiết chế văn hóa này trở thành điểm đến du lịch, mang đến cho du khách những trải nghiệm sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc địa phương.
Sức hút từ các thiết chế văn hóa - thể thao của tỉnh hiện không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân với các sản phẩm văn hóa, thể thao mà còn góp phần quan trọng giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp văn hóa, vùng đất, con người Quảng Ninh đến bạn bè bốn phương và thúc đẩy phát triển du lịch, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong nhịp sống hiện đại, khi mà các giá trị văn hóa dễ bị lãng quên thì việc xây dựng Nhà truyền thống cộng đồng người Dao tại Ba Chẽ đã góp phần đáp ứng nhu cầu chiêm bái của người dân, tiếp tục cuộc hành trình tìm lại những giá trị văn hóa truyền thống ở vùng Đông Bắc Quảng Ninh.
Ba Chẽ là địa phương miền núi có hơn 40% dân số là dân tộc Dao với hai nhánh Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán, qua nhiều thế hệ đã tiếp nối làm đậm đà thêm sắc màu văn hóa các dân tộc. Sự hiện diện của hai nhóm người Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán với hai phương ngữ trên địa bàn huyện Ba Chẽ tạo thành bức tranh văn hóa khá đầy đủ, đa sắc màu... là sự tương hỗ cho quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa người Dao.

Các dòng họ dẫn lễ về lễ hội Bàn Vương, tổ chức tại Nhà sinh hoạt cộng đồng người Dao xã Nam Sơn (Ba Chẽ). Ảnh: Thanh Sơn (CTV)
Các dòng họ dẫn lễ về lễ hội Bàn Vương, tổ chức tại Nhà sinh hoạt cộng đồng người Dao xã Nam Sơn (Ba Chẽ). Ảnh: Thanh Sơn (CTV)
Để góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa Dao, từ năm 2020, huyện Ba Chẽ đã xây dựng và khánh thành Nhà Truyền thống cộng đồng người Dao ở thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn. Ngôi nhà có tổng diện tích 1.600m2, trong đó, diện tích nhà kiểu nửa sàn nửa đất rộng hơn 707m2, gồm 2 tầng, được xây dựng từ nguồn vốn của tỉnh và của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Công trình được xây dựng theo Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu chiêm bái của cộng đồng người Dao.
Năm 2022, huyện Ba Chẽ đã khai trương không gian trưng bày văn hoá Dao tại tầng 1 của Nhà Truyền thống cộng đồng người Dao với 2 khu riêng biệt, Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán. Không gian gồm nhiều bức tượng sáp kích thước bằng người thật, miêu tả lễ cấp sắc và sinh hoạt hàng ngày của người Dao, cùng với nhiều vật dụng, dụng cụ của người Dao xưa và nay, rất ý nghĩa trong việc bảo tồn văn hóa Dao.

Bà con người Dao Thanh Y xem không gian trưng bày hình ảnh về dân tộc mình.
Bà con người Dao Thanh Y xem không gian trưng bày hình ảnh về dân tộc mình.
Các mẫu vật đều được phục dựng vẹn nguyên từ đời thực hoặc sưu tầm từ chính những cộng đồng Dao trên địa bàn huyện. Đó là những bộ trang phục Dao truyền thống như các tác phẩm nghệ thuật rực rỡ, tinh tế, truyền tải quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh quan thông qua các hoa văn họa tiết thêu, in. Những tư liệu văn hóa phần nào phản ánh quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng Dao tại Ba Chẽ, cung cấp nhiều bài học lịch sử quý giá, khơi dậy lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc, thu hút du khách.
Hiện nay, nhà sinh hoạt cộng đồng của người Dao Ba Chẽ không chỉ là nơi tìm đến của người Dao trong tỉnh mà cả người Dao từ nhiều tỉnh, thành khác. Đây còn là nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng, các lễ hội đặc sắc trong năm như: Lễ mừng cơm mới, lễ cưới hỏi cho con, lễ cấp sắc. Mỗi lần như thế, bà con lại tổ chức thành các nhóm, mời cả cộng đồng người Dao ở nơi khác đến trải nghiệm.
Thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Dao, gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, Ba Chẽ muốn biến nơi đây trở thành một trung tâm du lịch trải nghiệm, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đây là hướng đi đúng khi đề cao việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, cũng tạo ra một địa chỉ khơi dậy niềm tự hào của nhiều thế hệ người Dao ở Ba Chẽ.

Nghi lễ múa Rùa của người Dao, huyện Ba Chẽ.
Nghi lễ múa Rùa của người Dao, huyện Ba Chẽ.
Ba Chẽ đang từng bước xây dựng, sưu tầm, trưng bày, giới thiệu về di sản văn hóa đặc sắc của người Dao gắn chặt với quá trình phát triển du lịch của địa phương cũng như liên vùng. Thời gian tới, Ba Chẽ sẽ tiếp tục tổ chức các lớp truyền dạy chữ Nôm Dao, khích lệ xây dựng mô hình homestay; tổ chức trồng hoa, tạo cảnh quan du lịch, xây dựng một số nhà nghỉ dưỡng nhỏ theo mô hình nhà để thóc của người Dao; xây dựng cầu tàu, bến tàu và các hạng mục phụ trợ tại khu vực trung tâm thôn; sưu tầm và xuất bản sách về di sản văn hóa tiêu biểu của người Dao ở huyện Ba Chẽ.
Ba Chẽ cũng tập trung vào việc nghiên cứu khôi phục, bảo tồn và trình diễn dân ca, dân vũ; bảo tồn nghi lễ nhập đồng, nhảy lửa; khôi phục bảo tồn trích đoạn trò diễn chay trong lễ cấp sắc; khôi phục nghề truyền thống; hỗ trợ cắt may trang phục truyền thống cho nam giới, phụ nữ, thầy cúng. Đồng thời, huyện tiến hành phục dựng, làm phim về di sản văn hóa tiêu biểu của người Dao; xây dựng mô hình làng văn hóa truyền thống; hình thành các điểm, tuyến du lịch trên địa bàn; vận động, kêu gọi doanh nghiệp cùng kết nối và tham gia đầu tư các hạng mục phụ trợ để từng bước thu hút khách du lịch.


Trong những năm qua, cùng với đầu tư từ ngân sách nhà nước, tỉnh Quảng Ninh đã có các cơ chế khuyến khích xã hội hóa để khai thác tối đa nguồn lực cho đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, rèn luyện thể thao của nhân dân.
Chúng ta đều biết, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có vai trò, vị trí quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đồng thời, là những nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, phát triển câu lạc bộ sở thích, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu các tầng lớp nhân dân; các hoạt động đang từng bước được mở rộng, nội dung chương trình hoạt động ngày càng đa dạng, phong phú hơn với nhu cầu nhân dân.
Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong toàn tỉnh Quảng Ninh đến nay đã và đang được hoàn thiện và nâng cao chất lượng. Các công trình văn hoá, thể thao như Khu liên hợp thể thao tỉnh Quảng Ninh, Bảo tàng – Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và triển lãm tỉnh, Sân vận động Cẩm Phả, Cụm thông tin cổ động Sa Vĩ, sân golf FLC, Sân golf Tuần Châu… đã phát huy vai trò. Năm 2022, với việc Quảng Ninh được chọn đăng cai tổ chức một số môn của Sea Games 31 và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9 đã khẳng định vai trò, hiệu quả đầu tư cho các công trình văn hoá, thể thao tương xứng với sự phát triển của tỉnh là đúng đắn.
Bên cạnh các công trình do tỉnh đầu tư từ ngân sách, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã đầu tư nhiều sân golf, sân bóng đá, bể bơi, nhà văn hoá- thể thao đa năng… Tại các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, hầu hết đều xây dựng các nhà văn hoá - thể thao, các sân cầu lông, bóng đá, luyện tập thể thao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá thể thao của công nhân và nhân dân trên địa bàn.
Ở cấp huyện, cho đến nay, toàn tỉnh chỉ còn huyện Vân Đồn là chưa có Trung tâm Văn hoá thể thao. Cấp xã, trong những năm qua, nhiều nhà văn hoá được đầu tư, hoạt động hiệu quả, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng vào bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc như Nhà văn hoá xã Bằng Cả (thành phố Hạ Long), nhà văn hoá xã Đại Dực (Tiên Yên), nhà văn hoá xã Lục Hồn (Bình Liêu)…
Từ hoạt động của các thiết chế văn hoá thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh đã cho thấy được hiệu quả của đầu tư của tỉnh đối với văn hoá là đúng hướng, phù hợp và cần thiết trong mục tiêu xây dựng văn hoá con người Quảng Ninh như Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 09/3/2018 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đã đề ra.
Triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở, ngày 14/4/2022, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 921/QĐ-UBND phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ thiết chế văn hóa thể thao cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao cấp quốc tế có chất lượng cao phục vụ nhân dân và du khách. Phấn đấu thu hút từ 2 - 2,5 triệu lượt khách du lịch tới tham quan Bảo tàng, Thư viện, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh.
Ngày xuất bản: 12/3/2023
Thực hiện: Nguyễn Dung – Duy Khoa – Huỳnh Đăng – Đại Dương
Trình bày: Hùng Sơn