Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 02:46 (GMT +7)
Phát triển đa dạng các khu vực kinh tế trên địa bàn
Thứ 5, 15/09/2022 | 07:26:52 [GMT +7] A A
Những năm qua, lĩnh vực kinh tế của Quảng Ninh có sự phát triển mạnh mẽ. Điều này có sự đóng góp không nhỏ của các khu vực kinh tế trên địa bàn.
Để thu hút các doanh nghiệp, tỉnh không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư trực thuộc UBND tỉnh. Thường xuyên đổi mới quy trình giải quyết các thủ tục đầu tư theo hướng minh bạch và thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, từ đó rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo cấp quốc gia, quốc tế.
Tỉnh cũng xác định địa bàn trọng điểm, nhà đầu tư chiến lược, dự án động lực để tập trung thu hút; có cơ chế, chính sách, chỉ đạo, điều hành cụ thể đối với từng dự án. Quyết liệt chỉ đạo công tác GPMB, thu hồi các dự án “treo” tạo quỹ đất “sạch” cho nhà đầu tư; thường xuyên đối thoại, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua việc tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư với phương châm “Hiệu quả của doanh nghiệp là sự thành công của tỉnh” để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện tích cực thể hiện rõ qua kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Liên tiếp từ năm 2016 đến năm 2021, Quảng Ninh luôn duy trì vị trí số 1 trong 63 tỉnh, thành phố trên bảng xếp hạng PCI.
Hiệu quả trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giúp tỉnh thu hút lượng lớn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào địa bàn. Tính đến nay, Quảng Ninh có 145 dự án FDI đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 8,15 tỷ USD. Trong đó có 85 dự án trên địa bàn các KCN, KKT với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,19 tỷ USD; 60 dự án ngoài KCN, KKT với tổng vốn đầu tư trên 3,96 tỷ USD. Nguồn vốn FDI đầu tư trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu vào các ngành, lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; kinh doanh bất động sản; bán buôn, bán lẻ; dịch vụ lưu trú, ăn uống và vui chơi giải trí; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, hơi nước; vận tải. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nộp ngân sách năm 2021 là 1.759 tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng thu ngân sách nội địa. Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh là khoảng 38.500 người.
Cùng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh cũng thu hút lượng lớn doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh đầu tư kinh doanh trên địa bàn. Năm 2021, Quảng Ninh có 2.055 doanh nghiệp thành lập mới; 6 tháng đầu năm 2022 có 1.320 doanh nghiệp thành lập mới; nâng tổng số doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đến thời điểm hết tháng 6/2022 là 17.142 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 382.510 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này đã triển khai rất nhiều dự án trên địa bàn, nhất là ở Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên. Trong đó nổi bật là những doanh nghiệp lớn đã đầu tư nhiều công trình, dự án động lực, như: Vingroup, Sun Group, FLC, Amata, BIM, LIDECO, Viglacera...
Hoạt động của các doanh nghiệp khu vực kinh tế nhà nước trên địa bàn cũng sôi động. Đến nay, Quảng Ninh vẫn còn hơn 200 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc có vốn nhà nước; trong đó 67 doanh nghiệp, 146 chi nhánh. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đơn vị này chủ yếu tập trung ở lĩnh vực khai thác và kinh doanh than, điện, vật liệu xây dựng, xăng dầu, thủy lợi, lâm nghiệp, môi trường đô thị... Thời gian qua, các doanh nghiệp, đơn vị này sản xuất kinh doanh khá ổn định, góp phần tạo việc làm, tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, tạo giá trị doanh thu cho tỉnh. Mặc dù chỉ chiếm 3% trong tổng số doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng các doanh nghiệp nhà nước đã đóng góp 13.824 tỷ đồng vào ngân sách năm 2021, chiếm 32,7% tổng thu ngân sách nội địa.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hiện vẫn tập trung nhiều ở khu vực đô thị lớn; bởi vậy, để thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, tỉnh cũng chú trọng đến kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn. Quảng Ninh luôn duy trì trong nhóm các tỉnh có số HTX thành lập mới cao nhất toàn quốc. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 410 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp với 26.930 thành viên. Các HTX đã đổi mới phương thức hoạt động, sản xuất kinh doanh; năng lực sản xuất và chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên, doanh thu bình quân đạt 850 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt 200 triệu đồng; thu nhập bình quân đạt 3,4 triệu đồng/lao động/tháng.
Sự quyết tâm của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và sự nỗ lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã góp phần phát triển mạnh kinh tế trên địa bàn Quảng Ninh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh đạt 10,66%; tổng thu NSNN đạt hơn 28.800 tỷ đồng.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()