Trải qua 9 năm cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với khí thế Bạch Đằng Giang lịch sử, với truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, giai cấp công nhân mỏ và người dân lao động khu Hồng Quảng, tỉnh Hải Ninh đã viết lên những trang sử hào hùng, giành được hoàn toàn quyền làm chủ mảnh đất vùng Đông Bắc thân yêu của Tổ quốc, vĩnh viễn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, chung tay xây dựng cuộc sống mới. Đặc biệt, ngày 30/10/1963, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá II, Quốc hội đã ra nghị quyết, quyết nghị phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh. Đánh dấu mốc rất quan trọng để giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh bước vào thời kỳ cách mạng mới.

Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân năm 1953-1954 với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã đập tan những nỗ lực cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trên chiến trường Đông Dương. Ngày 20/7/1954, Hiệp định quốc tế về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết tại Giơ-ne-vơ (Thuỵ Sĩ). Pháp và các nước tham dự hội nghị Giơ-ne-vơ phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Bộ đội ta vào tiếp quản TX Hòn Gai tháng 4/1955, trong sự chào đón tưng bừng của người dân. Ảnh tư liệu Bảo tàng Quảng Ninh.

Bộ đội ta vào tiếp quản TX Hòn Gai tháng 4/1955, trong sự chào đón tưng bừng của người dân. Ảnh tư liệu Bảo tàng Quảng Ninh.

Thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ về việc chuyển quân và rút quân, tỉnh Hải Ninh là một trong những nơi địch rút sớm nhất miền Bắc, ngày 8/8/1954, quân Pháp rút khỏi Tiên Yên, tỉnh Hải Ninh sạch bóng quân xâm lược. Phần lớn địa bàn tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai nằm trong khu vực tập kết 300 ngày.

Để chuẩn bị cho công tác tiếp quản Khu mỏ, xuất phát từ nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của địa phương, căn cứ vào các đặc điểm địa lý kinh tế, hành chính, dân cư, truyền thống lịch sử, ngày 22/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 221/SL thành lập khu Hồng Quảng trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Yên và đặc khu Hòn Gai (các huyện Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách và Sơn Động sáp nhập trở lại tỉnh Hải Dương và Bắc Giang). Để chuẩn bị cho công tác tiếp quản Khu mỏ, Khu uỷ Hồng Quảng quyết định thành lập 2 Đảng uỷ ở 2 thị xã Hòn Gai, Cẩm Phả, các Ban Cán sự ở Quảng Yên, Cửa Ông, Cát Bà. Khu cũng thành lập một đoàn cán bộ tiếp quản vào tiếp thu cơ sở sản xuất Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (SFCT).

Người dân Cẩm Phả tưng bừng đón bộ đội vào giải phóng. Ảnh tư liệu Bảo tàng Quảng Ninh.

Người dân Cẩm Phả tưng bừng đón bộ đội vào giải phóng. Ảnh tư liệu Bảo tàng Quảng Ninh.

Người dân Cẩm Phả tưng bừng đón bộ đội vào giải phóng. Ảnh tư liệu Bảo tàng Quảng Ninh.

Ngày 11/4/1955, các hiệp định về việc chuyển giao khu chu vi Hải Phòng được ký kết giữa ta và Pháp. Ngày 18/4/1955, đội tiếp quản hành chính của ta tiến vào Cửa Ông, Cẩm Phả nhận bàn giao của Pháp. Ngày 22/4/1955, một lực lượng chính trị quân sự của ta chính thức tiếp quản Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Yên.  Ngày 24/4/1955, lực lượng quân sự của ta tập kết bên Bãi Cháy, chuẩn bị tiếp quản Hòn Gai. 12 giờ trưa ngày 24/4, tên lính Pháp cuối cùng rời Khu mỏ. 13 giờ cùng ngày, lực lượng quân sự và chính trị của ta vào tiếp quản Hòn Gai trong không khí tưng bừng náo nhiệt của ngày vui giải phóng. Sáng ngày 25/4/1955, ta đã tổ chức cuộc mít tinh lớn ở thị xã Hòn Gai, ra mắt Uỷ ban quân chính Hồng Quảng, đọc nhật lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi quân dân Hồng Quảng.

Ngay sau đó, nhân dân các dân tộc tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng bước vào giai đoạn mới, đó là tập trung giải quyết hậu quả nặng nề của chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế.  Đây là nhiệm vụ rất nặng nề bởi sau khi thực dân Pháp rút khỏi tỉnh Hải Ninh đã để lại nơi đây nạn đói triền miên cùng 95% dân số mù chữ. Còn ở khu Hồng Quảng, nạn đói và thất nghiệp là hai vấn đề nghiêm trọng nhất sau khi ta tiếp quản. Trước tình hình đó, cấp uỷ, chính quyền vừa phải tập trung giúp dân giải quyết nơi ăn, chốn ở, cứu đói, vừa phải đối phó với các âm mưu phá hoại của kẻ thù. Chính quyền đã cấp phát lương thực, thóc giống cho nhân dân khôi phục sản xuất, vỡ hoang, trồng màu, đắp đập, đào mương tưới tiêu cho đồng ruộng; vận động nhân dân tương trợ lẫn nhau. Qua đó, nạn đói đã cơ bản được đẩy lùi. Cùng với chống nạn đói, chính quyền tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng cũng đã mở các lớp bình dân học vụ để xoá mù chữ, mở thêm các trường học phổ thông để kịp khai giảng năm học mới, tháng 9/1955.

Các hoạt động sản xuất than được duy trì ngay sau khi ta tiếp quản khu mỏ. Ngày 15/5/1955, ta ký nhận tiếp thu toàn bộ cơ sở mỏ ở Hòn Gai, Cẩm Phả và các mỏ khác, buộc chủ mỏ phải bàn giao cả những tài sản của mỏ mà chúng đã tháo dỡ đi, còn nằm ở Hải Phòng, Nam Định. Đến tháng 9/1955, ta xoá bỏ các chủ thầu và chấm dứt sử dụng chuyên gia Pháp trong quản lý xí nghiệp, đồng thời, thành lập các xí nghiệp quốc doanh than Hồng Quảng.

Đồng bào dân tộc xã Thượng Yên Công làm thủy lợi

Nhà máy nhiệt điện Uông Bí được khởi công ngày 19/5/1961 cung cấp điện cho khu mỏ và nhiều cơ sở sản xuất lớn ở miền Bắc. Ảnh tư liệu

Nhà máy nhiệt điện Uông Bí được khởi công ngày 19/5/1961 cung cấp điện cho khu mỏ và nhiều cơ sở sản xuất lớn ở miền Bắc. Ảnh tư liệu

Khắc phục khó khăn do thiếu cán bộ kỹ thuật, công nhân các mỏ đã có nhiều sáng kiến, điển hình như việc công nhân mỏ Đèo Nai đã sáng kiến khôi phục đường trục số 2 là đường trục lớn nhất của mỏ Cẩm Phả để nâng cao năng lực vận chuyển than. Theo chuyên gia Pháp, phải mất 3-6 tháng nhưng công nhân mỏ Đèo Nai chỉ mất 20 ngày đã sửa xong.

Với nỗ lực vượt bậc của cán bộ, công nhân Vùng mỏ, ngành than đã từng bước đi vào ổn định, sản lượng khai thác tháng 10/1955 đạt 62.500 tấn than thì đến tháng 12/1955 đã tăng lên 87.000 tấn, đạt 108% kế hoạch. Sau 4 năm cải tiến quản lý xí nghiệp, đến năm 1958, sản lượng khai thác than đã đạt trên 1,6 triệu tấn.

Hợp tác xã nông nghiệp Bắc Sơn, huyện Đầm Hà, có nhiều thành tích trong sản xuất được tỉnh Hải Ninh tặng cờ và Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng hai năm 1962. Ảnh tư liệu

Hợp tác xã nông nghiệp Bắc Sơn, huyện Đầm Hà, có nhiều thành tích trong sản xuất được tỉnh Hải Ninh tặng cờ và Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng hai năm 1962. Ảnh tư liệu

Cùng với khôi phục hoạt động sản xuất than, tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng đã tiến hành cải cách ruộng đất, từng bước đưa nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp ra đời. Cho đến cuối năm 1960, tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng cơ bản hoàn thành cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp. Cuộc sống ở nông thôn đã có sự đổi thay sâu sắc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Trong giai đoạn 1955-1960, vừa khôi phục sản xuất, giải quyết hậu quả chiến tranh, chính quyền hai tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng còn phải tuyên truyền các chủ trương, chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng và Chính phủ, đồng thời đấu tranh, đập tan các âm mưu phá hoại, chống đối của bọn gián điệp, tay sai do Pháp, Mỹ cài cắm.

Trong khoảng từ năm 1955-1960, ta đã trấn áp, đập tan nhiều âm mưu, cuộc bạo loạn, phá hoại của bọn phản động, gián điệp, tay sai và phỉ người Hoa, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (1961 - 1965), Đảng bộ Khu Hồng Quảng và Đảng bộ tỉnh Hải Ninh đã lãnh đạo nhân dân khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Trong giai đoạn này, nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa XHCN và xây dựng XHCN ở miền Bắc, Đảng, Nhà nước quyết định xây dựng nhà máy nhiệt điện lớn nhất miền Bắc tại Uông Bí và khôi phục mở rộng diện khai thác mỏ Vàng Danh. Ngày 1/4/1961, Khu ủy Hồng Quảng đề nghị Đảng, Nhà nước cho thành lập thị xã Uông Bí. Ngày 28/10/1961, Hội đồng Chính phủ ra quyết định (số 187/CP) thành lập thị xã Uông Bí và đặt trực thuộc khu Hồng Quảng. Các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể của thị xã lần lượt ra đời.

Ngày 27/10/1961, Quốc hội khóa II, kỳ họp thứ 3 ra nghị quyết phê chuẩn việc sáp nhập huyện Đông Triều thuộc tỉnh Hải Dương về khu Hồng Quảng.

Thị xã Uông Bí ra đời và việc sáp nhập huyện Đông Triều thuộc khu Hồng Quảng đánh dấu bước phát triển mới về qui mô đô thị, tổ chức dân cư, về khả năng phát triển kinh tế xã hội và vị trí, vai trò của khu Hồng Quảng đối với vùng Đông Bắc cũng như với cả nước.

Về công nghiệp địa phương tỉnh Hải Ninh phát triển mạnh, đã sản xuất được một số máy công cụ, cơ giới hoá được một số khâu trong sản xuất đồ gốm sứ. Trong phong trào sản xuất tự túc lương thực, thực phẩm của Đảng bộ và nhân dân Khu ủy Hồng Quảng và Tỉnh ủy Hải Ninh đạt được nhiều kết quả. Từ chỗ trước kia thường xuyên phải xin Trung ương cung cấp lương thực thì đến năm 1963 tỉnh Hải Ninh đã tự túc được hoàn toàn lương thực trong khu vực nông nghiệp, đóng góp vượt mức kế hoạch cho Nhà nước và có nguồn dự trữ. Khu Hồng Quảng cũng đã tự túc được một phần lương thực trong khu vực sản xuất nông nghiệp và thực phẩm trong toàn khu.

Cùng với phát triển kinh tế, văn hoá giáo dục, y tế phát triển mạnh: cơ bản xoá xong nạn mù chữ, nhiều bệnh xã hội giảm hẳn, dập tắt dịch bệnh... đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện nhiều so với trước. Các tổ chức Đảng, Chính quyền, đoàn thể, Mặt trận được củng cố và phát triển. Quốc phòng lớn mạnh, an ninh trật tự được giữ vững.

Xét thấy việc hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành một đơn vị hành chính có nhiều điểm thuận lợi về kinh tế, quốc phòng, đầu tháng 7/1963, Ban Thường vụ Khu uỷ Hồng Quảng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Ninh tổ chức Hội nghị liên tịch bàn và nhất trí đề nghị Trung ương hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành một đơn vị hành chính. Ngày 4/10/1963, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Công văn gửi Ban Tổ chức Trung ương, Đảng đoàn Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Khu uỷ Hồng Quảng và Tỉnh uỷ Hải Ninh về việc “Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thống nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một Tỉnh” để nghiên cứu kế  hoạch thi hành.

Theo lời kể lại của đồng chí Hoàng Chính, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Ninh (người đi phía sau Bác Hồ) thì Bác Hồ đã có ý tưởng về hợp nhất tỉnh Hải Ninh với khu Hồng Quảng từ lần Bác về thăm tỉnh Hải Ninh ngày 19 và 20/2/1960. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Theo lời kể lại của đồng chí Hoàng Chính, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Ninh (người đi phía sau Bác Hồ) thì Bác Hồ đã có ý tưởng về hợp nhất tỉnh Hải Ninh với khu Hồng Quảng từ lần Bác về thăm tỉnh Hải Ninh ngày 19 và 20/2/1960. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Theo lời kể lại của đồng chí Hoàng Chính, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Ninh (người đi phía sau Bác Hồ) thì Bác Hồ đã có ý tưởng về hợp nhất tỉnh Hải Ninh với khu Hồng Quảng từ lần Bác về thăm tỉnh Hải Ninh ngày 19 và 20/2/1960. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Ngày 7/10/1963, Ban Thường vụ Khu uỷ Hồng Quảng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Ninh họp Hội nghị liên tịch và ra Nghị quyết về việc hợp nhất. Theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh, ngày 30/10/1963, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá II, Quốc hội đã ra nghị quyết, quyết nghị phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh. Đây là tên do Bác Hồ đặt cho tỉnh. Bác đề nghị lấy mỗi tỉnh một chữ cuối của khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh, ghép lại thành Quảng Ninh, vừa dễ hiểu, vừa dễ nhớ, lại có nhiều nghĩa. “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui, bền vững. Quảng Ninh là một vùng rộng lớn, yên vui, bền vững.

Chủ tịch đoàn hội nghị hợp nhất Hồng Quảng và Hải Ninh đầu xuân năm 1964.

Chủ tịch đoàn hội nghị hợp nhất Hồng Quảng và Hải Ninh đầu xuân năm 1964.

Chủ tịch đoàn hội nghị hợp nhất Hồng Quảng và Hải Ninh đầu xuân năm 1964.

Tiếp đó ngày 18/11/1963, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 85-NQ/TW, quyết nghị hợp nhất hai Đảng bộ Hồng Quảng và Hải Ninh thành một Đảng bộ là Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh. Ngày 12/12/1963, hai Ban Thường vụ đã họp hội nghị liên tịch bàn về công tác tổ chức thực hiện việc hợp nhất hai Đảng bộ thành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh. Cùng với việc hợp nhất hai Đảng bộ, các cơ quan Nhà nước của hai tỉnh cũng lần lượt được hợp nhất thành một. Từ ngày 01/01/1964, tỉnh Quảng Ninh đi vào hoạt động chính thức, tạo thành một thể liên hoàn cả vể chính trị, kinh tế, quân sự, phát huy được sức mạnh tổng hợp của vùng Đông Bắc rộng lớn của Tổ quốc. Đó là những dấu mốc rất quan trọng để giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh bước vào thời kỳ cách mạng mới.

Nghị quyết về việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng.

Nghị quyết về việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng.

Nghị quyết về việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng.

Ngày xuất bản: 26/4/2025
Thực hiện: HÀ CHI
Trình bày: MẠNH HÀ