
Hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực trên mọi lĩnh vực. Đồng thời, tiếp tục xác định những định hướng chiến lược trong những ngành, lĩnh vực trọng tâm, địa bàn trọng điểm, từ đó khơi thông, kết nối nguồn lực toàn xã hội, khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để tạo đột phá phát triển nhanh và bền vững. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã ghi lại những đánh giá cách làm Quảng Ninh đã đạt được và nhận định của các chuyên gia, người dân hiến kế cho tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn mới.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc Dự án Sáng kiến Chỉ số xanh cấp tỉnh:
“Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện theo hướng xanh và bền vững là động lực quan trọng cho sự phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”
Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có những bước đột phá mạnh mẽ, thành tựu phát triển toàn diện về nhiều mặt, nhất là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh. Đáng chú ý, tỉnh luôn nhất quán chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi công bằng, tiến bộ xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; thu hút đầu tư, hợp tác đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các ngành, lĩnh vực hiện đại, có giá trị gia tăng cao; kiên quyết ngăn chặn các dự án đầu tư tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng… Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới, khi cả nước bước vào “kỷ nguyên vươn mình”, yêu cầu mới đặt ra cho Quảng Ninh là phải có sự đột phá mạnh mẽ hơn nữa về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài; phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt…
Theo tôi, tăng trưởng xanh là xu thế phát triển tất yếu hiện nay. Trong kỷ nguyên vươn mình mà chúng ta đang hướng tới, Việt Nam đã và đang chủ động, tiên phong, hội nhập trên hành trình chuyển đổi xanh toàn cầu. Để duy trì những kết quả trong việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng xanh và bền vững, lấy đây là một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới, thời gian tới Quảng Ninh cần tập trung phát triển lực lượng sản xuất mới kết hợp giữa nguồn nhân lực chất lượng cao với tư liệu sản xuất mới; đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số, khởi xướng và thực hiện cách mạng chuyển đổi số; hướng đến chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển; đồng thời lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm cho sự đổi mới, phát triển.
PGS.TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch:
“Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”
Ngành Du lịch Quảng Ninh đã có sự chuyển mình mạnh mẽ với hạ tầng du lịch được đầu tư đồng bộ, bài bản, chuyên nghiệp, hướng đến chất lượng, đẳng cấp. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, ngành Du lịch không ngừng nỗ lực để khôi phục mạnh mẽ, bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số, du lịch chung của thế giới, phù hợp với đa dạng các dòng khách.
Tuy nhiên, trong kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc, Quảng Ninh đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức cho sự phát triển bền vững. Chúng ta cần nhận định rõ những cơ hội, thách thức để nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Quảng Ninh trước sự phát triển mạnh mẽ của các điểm đến trong nước và khu vực. Tôi nghĩ, Quảng Ninh cần tập trung nghiên cứu sâu để đưa ra các chính sách kích cầu đột phá, thực sự là cú huých để đưa mức tăng trưởng ngành tăng vượt trội. Trong đó, cần khai thác và tận dụng tối đa hạ tầng giao thông đồng bộ hiện nay, đưa ra các chính sách đặc biệt cho Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, biến nơi đây thành cửa ngõ đưa và đón khách du lịch trong và ngoài nước.
Để thúc đẩy ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Ninh cần tăng cường thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để hình thành các khu tổ hợp vui chơi giải trí, các sản phẩm du lịch mới đẳng cấp, có sức hút lớn với khách du lịch. Đồng thời, nghiên cứu triển khai Đề án kinh tế đêm, tạo không gian khám phá, trải nghiệm cho du khách cũng như kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi trả của du khách.
Ông Trần Phong Lãm, Giám đốc Khối Chính phủ của FPT IS:
“Chuyển đổi số là cơ hội để vươn lên mạnh mẽ và bứt phá”
Trong kỷ nguyên mới của dân tộc, vươn mình là mạnh mẽ, bứt phá, vượt qua chính mình thì cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số chính là cơ hội mới, hiện thực hóa khát vọng mạnh mẽ để sánh vai cường quốc năm châu.
Chuyển đổi số là cơ hội để tạo bứt phá, cũng là xu thế tất yếu mà Quảng Ninh không thể đứng ngoài; là nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững và phát huy vai trò của một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc; tạo ra những giá trị mới cho đời sống xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân... Để bắt kịp xu hướng này, cán bộ của tỉnh cần có kỹ năng số, tư duy số, lãnh đạo, quản lý số. Lãnh đạo phải trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp làm chuyển đổi số, thành thạo sử dụng công nghệ số. Đặc biệt, cần chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng. Cấp ủy, lãnh đạo các cấp phải có tỉ lệ cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về chuyển đổi số. Kỹ năng số cho mọi người dân, nhân lực số cho ngành công nghiệp số và nhân tài số để làm chủ chuyển đổi số. Thu hút nhân tài số, đây được coi là nguồn lực chiến lược trong thời đại chuyển đổi số.
Trong kỷ nguyên số, tỉnh cũng cần chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn; tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất. Đồng thời, phát triển kinh tế số, xây dựng công dân số; khuyến khích phong trào “bình dân học vụ số” để phổ cập xã hội số trong toàn dân.
GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách Khoa:
“Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”
Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trở thành mảnh đất vàng trong thu hút đầu tư với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn, uy tín, có thương hiệu trong và ngoài nước như: Foxconn, Amata, Deep C… Cùng với than, điện, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ninh trong nhiệm kỳ tới và tầm nhìn đến năm 2030. Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh lực lượng sản xuất mới cần phát triển để kết hợp giữa nguồn nhân lực chất lượng cao với tư liệu sản xuất mới. Đây là nền tảng để cả nước, trong đó có Quảng Ninh phát triển trong kỷ nguyên mới, nhất là thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Do đó, Quảng Ninh cần đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao tỷ lệ hàm lượng tri thức cao. Quảng Ninh là một trong số ít địa phương khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số vào 31/5/2024 là nền tảng thực hiện nâng cao tỷ lệ hàm lượng tri thức cao. Trên cơ sở đó, Quảng Ninh cần tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình này, kết nối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đề xuất các chính sách đặc thù thu hút hàm lượng sáng tạo.
Đặc biệt, Quảng Ninh tiên phong đổi mới, sáng tạo, đi đầu trong triển khai nhiều mô hình tinh gọn bộ máy được Trung ương đánh giá cao và nhân rộng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nghị quyết số 218/NQ-CP (ngày 12/11/2024) của Chính phủ nêu rõ: Các bộ và cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương thực hiện tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; kịp thời xây dựng ngay phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Hiện, các bộ, ngành Trung ương tích cực thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Vì vậy, Quảng Ninh cũng cần đưa việc tinh gọn bộ máy trở thành mục tiêu tổng quát, khâu đột phá, giải pháp chiến lược để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần định hình mạnh mẽ Quảng Ninh nổi bật, rõ nét trong khu vực phía Bắc và cả nước.
Ông Tạ Quang Sáng (phường Cao Xanh, TP Hạ Long):
“Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ đức, tài”
Chặng đường 40 năm đổi mới cùng đất nước, với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, ý chí tự lực, tự cường của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và nhân dân, Quảng Ninh đã có diện mạo, sức vóc, vị thế mới. Xuyên suốt trong hành trình ấy là khát vọng phát triển không ngừng của vùng mỏ Quảng Ninh. Đây cũng là nền tảng, là động lực, là sức mạnh để Quảng Ninh vững bước trên chặng đường phát triển mới, vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, cùng xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Đường lớn đã rộng mở nhưng phía trước còn nhiều chông gai. Đó là quy luật muôn đời của cuộc sống nhưng cũng mang lại cho Quảng Ninh những cơ hội trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Để đạt mục tiêu này không thể thiếu sự đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ. Bởi cán bộ được xác định là cái gốc của mọi công việc; là cái dây chuyền của bộ máy; muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cán bộ không chỉ là người hoạch định, đề ra chủ trương, đường lối mà còn là người tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối đó. Cán bộ phải có phẩm chất toàn diện, từ lòng yêu nước, trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân đến năng lực tư duy đổi mới, tầm nhìn và khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Do đó, Quảng Ninh cần chú trọng phát hiện tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, tài và điều kiện công tác, quan tâm hơn nữa đối với cán bộ có lòng nhiệt huyết cống hiến tài năng cho đất nước, vừa kiên quyết sàng lọc, đưa ra khỏi các vị trí công tác những trường hợp không đủ uy tín, phẩm chất, năng lực thực tiễn.
Chị Triệu Thị Dung (xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ):
“Nhân dân Quảng Ninh ngày càng hạnh phúc”
Tôi rất tự hào và phấn khởi trước những thành tựu về kinh tế- xã hội tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Đặc biệt, với sự quan tâm của tỉnh, đến nay, kết cấu hạ tầng của tỉnh ngày càng phát triển theo hướng đồng bộ, kinh tế phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân được nâng cao. Trong đó, tất cả xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới được nhựa hoá hoặc bê tông hoá đường giao thông rộng đẹp; các tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn, bản được bê tông hóa theo tiêu chí NTM. Toàn tỉnh có rất nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nhiều công trình cấp nước phân tán…, đảm bảo tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh lên đến 99,9%. Nhân dân ở cả những vùng sâu, xa của tỉnh cơ bản được sử dụng sóng viễn thông và sử dụng điện thoại di động thuận lợi. Bên cạnh đó, điện lưới cũng được thắp sáng khắp bản làng…
Lãng đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh đã khẳng định trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là thời kỳ phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hướng tới mục tiêu xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mọi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định, phát triển toàn cầu. Bởi đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Tôi mong muốn, người dân Quảng Ninh nói chung và đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm, chăm lo, đảm bảo phát triển toàn diện, từ đó, để Quảng Ninh luôn là một vùng rộng lớn, yên bình, bền vững, trở thành một tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Bà Nguyễn Thị Mạng (khu 5, phường Bắc Sơn, TP Uông Bí):
“Người dân luôn mong muốn có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, văn minh”
Qua theo dõi các phương tiện truyền thông, tôi hiểu hơn khi đất nước Việt Nam ta đang chuẩn bị bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong kỷ nguyên mới đó, những trụ cột, nền móng đã được xác định cơ bản, đó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, kỷ cương, lấy dân làm gốc...; dân tộc đoàn kết, thông thái, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, nền văn hóa đặc sắc...; nền quốc phòng, an ninh vững mạnh, nền ngoại giao mở rộng; hệ thống chính trị tinh gọn, thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả... Đặc biệt, người dân hết sức trông chờ, hy vọng trong kỷ nguyên mới, mọi người dân Việt Nam tiếp tục được hưởng thành quả của sự phát triển toàn diện, được hỗ trợ phát triển kinh tế, làm giàu, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, văn minh.
Tôi hy vọng, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể thụ hưởng những thành quả của sự phát triển tổng thể kinh tế - xã hội. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao hơn, hạnh phúc hơn; Đảng, Nhà nước ta tiếp tục thành công xây dựng được một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có những cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, vì lợi ích chung.
Ông Nguyễn Đăng Thành (khu 3, phường Cao Thắng, TP Hạ Long):
“Phát huy giá trị văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình”
Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, không chỉ đời sống vật chất mà cả tinh thần của người dân cũng được nâng cao; người dân được thụ hưởng nhiều thành quả của sự phát triển văn hóa. Các cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa góp phần kiến tạo không gian văn hóa lành mạnh để mọi tầng lớp nhân dân có thể tham gia, hưởng thụ. Bên cạnh đó, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, văn nghệ, thể thao quần chúng được tổ chức thường xuyên, sôi nổi và rộng khắp trên cả tỉnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Tuy nhiên, trong thời đại hội nhập, xu thế hội nhập vừa là cơ hội, vừa là thách thức, nhất là sự mai một bản sắc văn hóa, nhất là bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số; một số lối sống không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc… Vì vậy, tôi mong muốn chính quyền và các đơn vị, đoàn thể tăng cường hơn nữa công tác giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội của các tầng lớp nhân dân; nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam. Các giá trị truyền thống, văn hóa dân tộc tiếp tục được phát huy, bởi đó không chỉ là các di sản lớn mà còn là những phong tục, tập quán, ứng xử hàng ngày, làm nên một xã hội trách nhiệm và ý thức cộng đồng cao.
Thực hiện: Hoàng Quỳnh - Cao Quỳnh - Minh Hà
Trình bày: Hải Anh