Thời gian qua, những thành tựu trong quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương hai nước, trong đó có tỉnh Quảng Ninh trong thúc đẩy quan hệ hợp tác với các địa phương, đối tác Trung Quốc, đặc biệt là Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đạt nhiều kết quả thiết thực. Các hoạt động kinh tế, thương mại biên giới, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, du lịch, văn hóa, giao thông vận tải... giữa tỉnh Quảng Ninh với Quảng Tây đã dần khôi phục lại như trước đại dịch Covid-19 và duy trì ổn định; giao lưu hữu nghị, trao đổi đoàn, du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Vân Nam, tỉnh Phúc Kiến triển khai đạt kết quả tích cực.

Hoạt động thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định. Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt hơn 4,42 tỷ USD, trong đó: Xuất khẩu đạt 2,26 tỷ USD; nhập khẩu đạt 1,68 tỷ USD; trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới đạt 0,48 tỷ USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Dăm gỗ, than, nông, lâm, thủy sản...; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Máy móc, thiết bị, vải may mặc, tạp hóa, nguyên liệu gia công...

Hội chợ Nam Á - Trung Quốc và Xuất nhập khẩu Côn Minh, Trung Quốc 2024

Hội chợ Nam Á - Trung Quốc và Xuất nhập khẩu Côn Minh, Trung Quốc 2024

Đồng thời, Quảng Ninh tiếp tục phối hợp với các địa phương của Trung Quốc, đặc biệt là Quảng Tây thực hiện hiệu quả các Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc và các Hiệp định thương mại đã ký để thúc đẩy giao thương hàng hóa. Qua đó, xây dựng nền tảng quảng bá, giao luu cho doanh nghiệp, tăng cường hợp tác chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng qua biên giới.

Hiện nay, Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông, Đài Loan) dẫn đầu trong số 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp (FDI) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với 108 dự án, chiếm 53,47% tổng số dự án trên địa bàn tỉnh và tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án trên 7,15 tỷ, chiếm 44,79% tổng vốn đầu tư FDI toàn tỉnh.

Các đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc tham quan Dự án Công nghệ tế bào Quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Jinko 1)

Các đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc tham quan Dự án Công nghệ tế bào Quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Jinko 1)

Các dự án của nhà đầu tư Trung Quốc tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có mục tiêu hoạt động phù hợp với định hướng ngành, nghề, lĩnh vực ưu tiên thu hút của tỉnh Quảng Ninh, góp phần hình thành chuỗi các dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử, điện và sản xuất công nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh. Phần lớn các dự án sản xuất kinh doanh ổn định, có hiệu quả, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo việc làm, tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, tạo giá trị doanh thu, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng GRDP và thu ngân sách nhà nước của tỉnh, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ kinh tế thương mại hai bên.

Tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, các công trình trọng điểm, hạ tầng cửa khẩu hiện đại để nâng cao khả năng cạnh tranh, tận dụng và phát huy lợi thế cửa ngõ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc và mở rộng hợp tác về kết nối giao thông với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và tỉnh Vân Nam. Đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh Quảng Ninh đồng bộ về đường bộ, đường hàng không, đường biển (Hệ thống cao tốc kết nối từ Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội- Lào Cai; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long...) góp phần tạo liên kết, kết nối giao thông với các địa phương miền Bắc Việt Nam với Quảng Tây, Vân Nam thúc đẩy hợp tác du lịch, thương mại, đầu tư.

Xe hàng xuất, nhập khẩu thông quan qua lối thông quan Bắc Phong Sinh (Việt Nam) - Lý Hỏa (Trung Quốc).

Xe hàng xuất, nhập khẩu thông quan qua lối thông quan Bắc Phong Sinh (Việt Nam) - Lý Hỏa (Trung Quốc).

Ngày 25/6/2024, Quảng Ninh và Quảng Tây đã phối hợp tổ chức thành công Lễ công bố cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung, bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa; từ 1/9/2024, cặp cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng thông quan thí điểm cả ngày lễ và ngày nghỉ. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái - Đông Hưng, Lối mở biên giới tại Km3+4 Hải Yên/Cặp chợ biên giới Đông Hưng, Cửa khẩu Hoành Mô - Động Trung bao gồm Lối thông quan Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa duy trì ổn định. Hai Tỉnh - Khu tiếp tục phối hợp triển khai các thủ tục từ cấp địa phương mỗi nước để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền của hai nước về thúc đẩy xây dựng cầu Bắc Luân III.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh và Quảng Tây đang tích cực phối hợp báo cáo cấp có thẩm quyền hai nước sớm triển khai nghiên cứu, lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và đến nay Trung Quốc đã thống nhất hỗ trợ Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường này. Tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải Việt Nam đề nghị lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Hạ Long - Móng Cái.

Trung Quốc là một trong những thị trường du lịch quốc tế trọng điểm và gửi khách lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã luôn chủ động, tích cực thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác phát triển du lịch với Trung Quốc, đặc biệt là với Quảng Tây, Vân Nam... và đã đạt được những kết quả nổi bật, góp phần duy trì tốt quan hệ láng giềng hữu nghị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Năm 2024, lượng khách Trung Quốc lưu trú tại Quảng Ninh đạt 413.000 lượt khách; lượng khách Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái đạt 261.048 lượt; lượng khách Việt Nam xuất cảnh mục đích du lịch qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái đạt 97.015 lượt.

Chương trình khai thông tuyến du lịch đường biển Hạ Long – Bắc Hải.

Chương trình khai thông tuyến du lịch đường biển Hạ Long – Bắc Hải.

Trong khuôn khổ Gặp gỡ đầu Xuân 2024, Sở Du lịch Quảng Ninh đã ký Thỏa thuận hợp tác với Sở Văn hóa và Du lịch Quảng Tây làm cơ sở phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; tham gia các sự kiện, hội nghị về văn hóa, du lịch do mỗi bên tổ chức; kịp thời thông tin tình hình, xu hướng phát triển du lịch; thúc đẩy sớm kết nối chuyến bay từ các sân bay Quảng Tây đến sân bay Vân Đồn; trao đổi để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xe du lịch tự lái; khôi phục tuyến du lịch đường biển Bắc Hải - Hạ Long (tổ chức lễ khai thông vào ngày 16/11/2024).

Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh cử Đoàn cán bộ của tỉnh (gồm 8 người) tham gia lớp nghiên cứu bồi dưỡng chuyên đề xây dựng Đảng tại Học viện cán bộ Bách Sắc, Quảng Tây; đồng thời, tuyển chọn 10 học sinh nhận học bổng của Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam.

Các học viên là CBCCVC của Quảng Ninh trong thời gian học tập, bồi dưỡng kiến thức về công tác xây dựng Đảng tại Quảng Tây (Trung Quốc). 

Các học viên là CBCCVC của Quảng Ninh trong thời gian học tập, bồi dưỡng kiến thức về công tác xây dựng Đảng tại Quảng Tây (Trung Quốc). 

Tỉnh Quảng Ninh đã xét tuyển 12 học sinh của tỉnh nhận Học bổng ASEAN của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây năm 2024. Cơ quan chức năng quản lý về giáo dục của 2 Tỉnh - Khu duy trì giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, cùng triển khai thực hiện các nội dung hợp tác đã được thống nhất lại Hội nghị trao đổi công tác giáo dục giữa tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây năm 2023. Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh phía Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị trao đổi công tác giáo dục với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây vào giữa tháng 11/2024 tại tỉnh Hà Giang.

Đại học Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh tích cực thúc đẩy hợp tác với các trường đại học, cao đẳng của tỉnh Quảng Tây, Phúc Kiến. Hiện nay, Đại học Hạ Long đang tích cực kết nối, trao đổi với trường Đại học Sư phạm Quảng Tây đế dự kiến ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong khuôn khổ Gặp gỡ đầu xuân 2025.

Cơ quan chức năng của tỉnh tích cực triển khai Kế hoạch hợp tác y tế giữa Sở Y tế 4 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) và Uỷ ban Y tế sức khỏe Quảng Tây (Trung Quốc). Từ 29 - 30/8/2024, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Hải quan Nam Ninh tổ chức Hội nghị kiểm dịch y tế biên giới “Hai nước, bốn bên” lần thứ tư để trao đổi các nội dung hợp tác cụ thể về kiểm dịch y tế biên giới giữa 3 tỉnh phía Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng với Quảng Tây.

Đoàn công tác Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tham quan trụ sở làm việc của Tập đoàn Truyền thông Nhật báo Quảng Tây (Trung Quốc).

Đoàn công tác Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tham quan trụ sở làm việc của Tập đoàn Truyền thông Nhật báo Quảng Tây (Trung Quốc).

Tỉnh làm tốt công tác quản lý báo chí và mạng xã hội, quan tâm đưa tin tuyên truyền về hoạt động đối ngoại giữa Việt Nam - Trung Quốc, duy trì phối hợp đưa tin về các hoạt động giao lưu, hợp tác với tỉnh Quảng Tây, thực hiện đưa tin về các chương trình quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hóa, con người Quảng Ninh. Trung tâm Truyền thông tỉnh duy trì các bản tin tiếng Trung Quốc phát sóng hằng ngày trên các kênh truyền hình, tăng lượng tin bài đối ngoại trên chuyên trang tiếng Trung của báo điện tử, fanpage tiếng Trung trên Weibo (hoạt động từ tháng 7/2020).

Trung tâm Truyền thông tỉnh và Tập đoàn Truyền thông Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc) duy trì trao đổi thông tin hai lần một tuần, phối hợp tuyên truyền về các hoạt động giao lưu họp tác của hai Tỉnh - Khu, triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, văn hóa hai Tỉnh - Khu. Tháng 4/2024, Tập đoàn Truyền thông Nhật Báo Quảng Tây đã sang Quảng Ninh tham dự Chương trình Carnaval năm 2024 và làm việc với Trung tâm Truyền thông tỉnh để trao đổi về hoạt động hợp tác giữa hai bên. Trung tâm Truyền thông tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Tây (Trung Quốc) sản xuất các chương trình về du lịch, ẩm thực, văn hóa...; duy trì hợp tác xuất bản Đặc san/Tạp chí Hoa Sen. Năm 2024, Trung tâm Truyền thông tỉnh đã ký kết 2 thỏa thuận hợp tác với Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Tây.

Thực hiện: Bảo Bình
Trình bày: Hùng Sơn