
Hơn 2 năm qua, tỉnh luôn nỗ lực thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Qua đó, từng bước thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương trong nước đi đầu về chuyển đổi số.
Lộ trình phát triển bền vững

Quảng Ninh là một trong 7 địa phương triển khai thí điểm Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030).
Trên cơ sở xác định chuyển đối số là xu thế tất yếu, động lực tạo đột phá của sự phát triển, tỉnh xác định mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Xây dựng số an toàn, nhân văn dựa trên ba trụ cột thiên nhiên, văn hóa, con người để hình thành công dân số, xã hội số, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP của tỉnh. Đồng thời, bảo đảm an toàn an ninh mạng gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và chủ quyền số quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về chỉ số DTI (chỉ số đánh giá chuyển đổi số) và an toàn, an ninh mạng của cả nước, trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.

Cán bộ Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương vận hành thí điểm Sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh.
Cán bộ Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương vận hành thí điểm Sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh.
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng (1.462 tổ công nghệ số cộng đồng địa phương, 11 tổ công nghệ số cộng đồng doanh nghiệp), với 11.255 thành viên, bao phủ 177/177 xã, phường, thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố. Qua đó, các địa phương đã chủ động thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân các nội dung về chuyển đổi số, định danh điện tử...
Cùng với nguồn nhân lực, tỉnh tập trung chuyển đổi số 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đối với chính quyền số, hạ tầng lõi, nền tảng quan trọng của chính quyền điện tử, liên tục được đầu tư, nâng cấp, phát triển, đảm bảo các quy định, quy chuẩn kỹ thuật mới ban hành, phục vụ công tác CCHC và xử lý công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh; đáp ứng yêu cầu kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư và các cơ sở dữ liệu bộ, ngành trung ương.
Tỉnh đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, triển khai đồng bộ hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) giai đoạn 1, hiện là một trong 6 tỉnh, thành phố trong nước áp dụng thành công HĐĐT; đã có 9.327 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng HĐĐT, đạt tỷ lệ 100%.

Cán bộ Chi cục Thuế TX Đông Triều trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra việc áp dụng HĐĐT cho người dân, doanh nghiệp
Cán bộ Chi cục Thuế TX Đông Triều trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra việc áp dụng HĐĐT cho người dân, doanh nghiệp
Tỉnh đã xây dựng khu CNTT tập trung tại Tuần Châu (TP Hạ Long); triển khai tích cực nền tảng cửa khẩu số với việc học hỏi kinh nghiệm và nghiên cứu triển khai thử nghiệm mô hình Cửa khẩu số tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái trước khi nhân rộng ra các cửa khẩu khác trên địa bàn tỉnh.
Đến nay toàn tỉnh có 2.649 trạm BTS, trong đó 85% là công nghệ 4G. Viettel Quảng Ninh đã lắp đặt phát sóng thử nghiệm 2 trạm BTS công nghệ 5G tại Liên cơ quan số 2 và Khu du lịch Tuần Châu; cùng với đó, nhanh chóng triển khai phủ lõm sóng thông tin di động và cáp quang băng rộng. Đã hoàn thành xây dựng và phát sóng 25/54 trạm phủ lõm sóng cho 34/66 vị trí; triển khai hạ tầng và sẵn sàng cung cấp dịch vụ internet băng rộng cố định cho 43/114 thôn còn lõm cáp quang. Tỷ lệ phủ sóng di động đạt 98% khu vực dân cư; cáp quang phủ tới tất cả các xã, tỷ lệ các hộ có kết nối cáp quang đạt 76,82%. Đã thực hiện khởi tạo, cập nhật dữ liệu ban đầu cho trên trên 1,3 triệu người dân trên phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử Quảng Ninh.

Người dân khu phố Chùa Bằng (phường Quảng Yên, TX Quảng Yên) tích cực thực hiện chuyển đổi số.
Người dân khu phố Chùa Bằng (phường Quảng Yên, TX Quảng Yên) tích cực thực hiện chuyển đổi số.
Tỉnh xác định ưu tiên tối đa cho phương án thuê dịch vụ hạ tầng CNTT để tránh lạc hậu về công nghệ và tiết kiệm chi phí. Bố trí nguồn lực đầu tư hợp lý, phù hợp, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực hay “lợi ích nhóm”, làm lãng phí ngân sách, tài sản của Nhà nước. Đặc biệt là việc quản lý, sử dụng kém hiệu quả, lãng phí tài sản công sau đầu tư.
Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai và sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong các giao dịch điện tử phục vụ quản lý, điều hành xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường số và cung cấp, xử lý dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên hệ thống chính quyền điện tử; đảm bảo 100% lãnh đạo, CBCCVC sử dụng chữ ký số và hệ thống chính quyền điện tử trong công việc...; triển khai xây dựng Bộ chỉ số chuyển đổi số của các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố, xã, phường và triển khai phần mềm đánh giá, chấm điểm chỉ số chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng, tạo lập cơ sở dữ liệu nền tảng quan trọng phục vụ chuyển đổi số toàn diện gồm dữ liệu về đất đai, CBCCVC, y tế, giáo dục, công chứng, hộ tịch điện tử..., trong đó trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Quảng Ninh. Rà soát đồng bộ, tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh lên Công dịch vụ công quốc gia.

Sản phẩm na dai Đông Triều được quảng bá, bày bán trên website dongtrieumart.vn.
Sản phẩm na dai Đông Triều được quảng bá, bày bán trên website dongtrieumart.vn.
Đối với lĩnh vực kinh tế số, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động đưa 100% sản phẩm OCOP lên 2 sàn thương mại điện tử (Postmart.vn; Voso.vn); 80% nông sản được truy xuất nguồn gốc và giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Các đơn vị kinh doanh tiếp tục triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, mobile money, thúc đẩy chuyển đổi số thương mại điện tử.
Đối với phát triển xã hội số, tiếp tục thực hiện chiến dịch truyền thông về chuyển đổi số hướng tới người dân là trung tâm, thúc đẩy phát triển công dân số trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hoàn thành phủ lõm sóng thông tin di động và cáp quang băng rộng trên địa bàn tỉnh, mở rộng triển khai thử nghiệm mạng 5G; đẩy mạnh hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng và tổ chức đào tạo, tập huấn các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng; hoàn thành triển khai thí điểm phố thông minh không dùng tiền mặt tại Khu du lịch Tuần Châu, đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng; tiếp tục làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” và cấp CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện tử cho 100% người dân đủ điều kiện trên địa bàn...

Thay đổi nhỏ, lợi ích lớn


Người lao động xem nhật lệnh sản xuất đầu ca trên điện thoại thông minh tại khai trường Công ty CP Than Đèo Nai - Vinacomin.
Người lao động xem nhật lệnh sản xuất đầu ca trên điện thoại thông minh tại khai trường Công ty CP Than Đèo Nai - Vinacomin.

Ứng dụng số hóa trong chấm công tại Công ty Than Dương Huy - TKV.
Ứng dụng số hóa trong chấm công tại Công ty Than Dương Huy - TKV.

Du khách check-in tại Khách sạn Mường Thanh Quảng Ninh.
Du khách check-in tại Khách sạn Mường Thanh Quảng Ninh.
Nhìn từ thực tế ở doanh nghiệp ngành Than và du lịch, hai ngành mũi nhọn của Quảng Ninh thì thấy, việc chuyển đổi số đã được các doanh nghiệp tích cực thực hiện.
TKV đã đánh giá hiệu quả của chuyển đổi số dựa theo các tiêu chí: Giảm giá thành và chi phí, phát triển bền vững, xây dựng mô hình hệ sinh thái số, thúc đẩy tăng trưởng. Đến nay, TKV đã hoàn thành quy hoạch hạ tầng CNTT toàn Tập đoàn; kết nối hệ thống mạng diện rộng của cơ quan Tập đoàn với các mạng diện rộng của các đơn vị thành viên. Toàn bộ các đơn vị trong Tập đoàn đã trang bị hạ tầng mạng, máy chủ phù hợp với ứng dụng trong điều hành sản xuất. Các tín hiệu cần chất lượng cao đa số đã được quang hóa phục vụ kết nối trên 1Gbps thậm chí 10 Gbps, còn lại kết nối đều đạt tối thiểu 100Mbps. Trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, các đơn vị trực thuộc TKV đã bắt đầu triển khai các giải pháp công nghệ, ứng dụng số hóa trong công tác...
Mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của TKV là xây dựng nền tảng CNTT dùng chung trong toàn Tập đoàn theo mô hình Trung tâm dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud computing), có khả năng lưu trữ và xử lý được dữ liệu lớn (Big Data); xây dựng các hệ thống phần mềm dùng chung toàn Tập đoàn trên nền tảng hệ thống ERP...
Du lịch đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Bắt nhịp cùng sự vận động của ngành Du lịch trong nước, quốc tế, các doanh nghiệp du lịch Quảng Ninh xác định chuyển đổi số là giải pháp, cũng là hướng đi tất yếu giúp du lịch tăng tốc bứt phá và phát triển bền vững.
Ông Phạm Hải Quỳnh, CEO Du lịch Vân Hải Xanh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, chia sẻ: Chuyển đổi số là thời cơ, động lực cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch thay đổi phương thức quản lý, cách thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá tới khách hàng. Các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đang áp dụng chuyển đổi số, nên thay vì phải đến khách sạn, công ty du lịch, lựa chọn trong hàng trăm gói tour, đặt phòng, khách hàng chỉ với chiếc điện thoại thông minh sử dụng các ứng dụng số có thể thấy rõ được sự hấp dẫn của điểm đến...
Giám đốc SOJO Hotel Ha Long - ông Lê Tuấn Kiệt cho biết: Chuỗi khách sạn SOJO nói chung là thương hiệu khách sạn tiên phong tại Việt Nam thực hiện mô hình khách sạn thuận ích, khách sạn “không điểm chạm” thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số. Không chạm khi đi du lịch không chỉ là hạn chế tiếp xúc người với người, giữa người với vật dụng, mà còn là trải nghiệm du lịch với các thiết bị và công nghệ tự động hóa; đặt các dịch vụ, phòng nghỉ trực tiếp với nhà cung cấp thông qua dịch vụ trực tuyến... Vì vậy, khi đến với SOJO Hotel Ha Long, du khách hoàn toàn có thể đặt phòng nghỉ trên hệ thống SOJO app của khách sạn. Mọi thủ tục nhận phòng hay trả phòng đều do du khách tự thực hiện và hoàn tất mà không cần thông qua sự trợ giúp hay hướng dẫn của nhân viên, lễ tân.
Chị Bùi Thúy Quỳnh (du khách Hà Nội), chia sẻ: Trải nghiệm tiện ích đặt phòng, nhận phòng, trả phòng, mở cửa, gửi đồ... qua app rất thuận tiện vì du khách chỉ cần thao tác trên điện thoại thông minh của mình. Vào trong phòng nghỉ, du khách cũng sử dụng điện thoại của mình tùy ý điều chỉnh hệ thống âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ, đổi màu cabin tắm, kéo rèm, điều khiển tivi... cũng rất hiện đại. Tôi đánh giá cao mô hình khách sạn này sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua, giúp du khách chủ động, tiết kiệm thời gian và hạn chế được tiếp xúc đông người.
Đến thời điểm hiện nay, với nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ninh, chuyển đổi số vẫn đang là khái niệm mới. Vì thế, tại các cuộc hội thảo về Chuyển đổi số tại Quảng Ninh cũng như trên toàn quốc, các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên đối với doanh nghiệp trong chiến lược chuyển đổi số. Đó là người đứng đầu doanh nghiệp phải có một tầm nhìn rộng để kiên định theo đuổi giải pháp công nghệ phù hợp. Sau đó, triển khai các bước nhỏ và có giá trị rõ ràng; trao quyền cũng như khuyến khích nhân viên tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Thúc đẩy văn hóa sáng tạo, tăng cường thử nghiệm chính là tiền đề cho những ý tưởng mới, những cải tiến mới. Điều này không những giúp nhân viên phát huy hết năng lực mà còn giúp họ vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân hướng tới thích ứng nhanh với những thay đổi của môi trường...
Thay đổi nhỏ, lợi ích lớn chính là những gì mà chuyển đổi số mang lại, qua đó giúp doanh nghiệp có thể thực sự đứng vững trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Hải quan số - Hải quan thông minh

Theo Chiến lược phát triển của ngành Hải quan, đến năm 2025, 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan được thực hiện thông qua môi trường số. Đến năm 2030, 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đối với các loại hình cơ bản được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa. Hiện thực hóa mục tiêu của ngành, Hải quan Quảng Ninh xác định giai đoạn 2022-2025 sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan một cách toàn diện, đồng bộ với quá trình chuyển đổi số của tỉnh.
Hướng tới mục tiêu đơn giản thủ tục cho doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan hàng hóa, giai đoạn 2011-2021, Hải quan Quảng Ninh đã triển khai hiệu quả trên 20 hệ thống CNTT cốt lõi của ngành đến các đơn vị trong toàn Cục, như: Hệ thống thông quan điện tử VNACC/VCIS; hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan E-customs; hệ thống quản lý phương tiện đường biển E-manifest; hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hệ thống quản lý hải quan tự động VASSCM tại cảng Cái Lân…
Một trong những dấu ấn nổi bật và rõ nét nhất của Hải quan Quảng Ninh giai đoạn này là tiên phong trong toàn ngành Hải quan về triển khai Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS. Đến nay, sau nhiều năm triển khai, hệ thống VNACCS/VCIS luôn vận hành ổn định, an ninh, an toàn với sự tham gia của 100% doanh nghiệp, đảm bảo rút ngắn tối đa thời gian làm thủ tục thông quan cho doanh nghiệp, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan.
Cùng với trọng tâm là Hệ thống VNACC/VCIS, Hải quan Quảng Ninh đã chủ động nghiên cứu, sáng tạo, triển khai nhiều sáng kiến, mô hình mới để cải cách, hiện đại hóa trong các khâu hoạt động trên nền tảng ứng dụng CNTT như: Phần mềm quản lý cư dân biên giới, mô hình thủ tục và quản lý hải quan tập trung; phần mềm quản lý hàng hóa chuyển cửa khẩu...
Không chỉ ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong công tác nghiệp vụ, Hải quan Quảng Ninh còn đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành nội bộ; như triển khai Hệ thống Edoc Customs cho phép quản lý công văn đi, đến, giúp giảm thiểu một lượng lớn giấy tờ, kê khai thuế, BHXH, hải quan điện tử...
Với những cách làm này, nhiều năm nay, Hải quan Quảng Ninh đã trở thành là đơn vị đi đầu trong toàn ngành Hải quan và tỉnh Quảng Ninh khi 4 năm (2017-2018-2019-2021) dẫn đầu khối sở, ban, ngành của tỉnh về Chỉ số DDCI. Mới đây nhất, tháng 7/2022, Tổng cục Hải quan công bố Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả CCHC năm 2021 của các đơn vị thuộc và trực thuộc, Cục Hải quan Quảng Ninh xếp thứ 2.
Triển khai kế hoạch chuyển đổi số, tháng 4/2022 đơn vị đã thành lập BCĐ chuyển đổi số và ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra là thủ tục hải quan được thực hiện giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp XNK hoàn toàn trên môi trường số (phi giấy tờ), mọi lúc, mọi nơi, trên nhiều phương tiện; quản lý tự động các hoạt động nghiệp vụ hải quan trên môi trường số trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục hải quan, đảm bảo quản lý xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa XK, NK, quá cảnh; 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số (trừ các hồ sơ mật, hồ sơ của các cá nhân không thể tham gia hải quan số...). Đồng thời, tự động hóa việc áp dụng chính sách miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, thu thuế và không thu thuế đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật; quản lý thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo dựa trên cơ sở dữ liệu lớn, phục vụ cho công tác thống kê và công tác chỉ đạo điều hành thống nhất; cải cách trong xây dựng biểu thuế XK, NK dưới dạng điện tử hóa, số hóa đảm bảo minh bạch.
Đáng chú ý là giai đoạn này, Cục Hải quan Quảng Ninh sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT để triển khai mô hình “Cửa khẩu số” trên địa bàn TP Móng Cái. Bởi hoạt động XNK tại các cửa khẩu, lối mở còn tồn tại nhiều hạn chế. Nhất là những năm gần đây, tình trạng ùn ứ xe hàng chở nông sản xuất khẩu thường xuyên diễn ra trên địa bàn Móng Cái khi phía Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng dịch Covid-19, giảm hạn mức thông quan đối với mặt hàng nông sản và lượng hàng hóa ở các cửa khẩu đường bộ khác.
Điển hình như tháng 12/2021, trên địa bàn TP Móng Cái tồn khoảng 1.400 phương tiện. Việc chậm thông quan đã khiến cho hàng nghìn phương tiện này phải nằm chờ ở các kho bãi nhiều ngày, làm nảy sinh một số bất cập: Không kiểm soát được các phương tiện vận tải luân chuyển qua cửa khẩu; chưa đảm bảo được tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu... Nguyên nhân chính là do quy trình, quy định phối hợp giữa các cơ quan liên quan tại khu vực cửa khẩu như Biên phòng, Hải quan, BQL Khu kinh tế Cửa khẩu chưa có sự liên thông, một số khâu vẫn làm thủ công.
Để thay đổi cách vận hành, quản lý tại các cửa khẩu, việc ứng dụng công nghệ số tại khu vực cửa khẩu được cho là bước đột phá trong minh bạch hóa, giải quyết thời gian thông quan, tăng hiệu quả kinh tế cho địa phương.
Ông Trịnh Văn Nhuận, Phó Cục trưởng Hải quan Quảng Ninh, khẳng định: Đơn vị sẽ nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: Kết nối Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata)... để phục vụ cho công tác trao đổi, chia sẻ thông tin, quản lý dữ liệu, tự động phân tích dữ liệu, hình ảnh và quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng trong quá trình xây dựng mô hình “Cửa khẩu số”. Từ đó, hạn chế sự tham gia trực tiếp của công chức hải quan, đơn giản TTHC, giảm thời gian chờ tại biên giới, thực hiện phân luồng hàng hóa, hành khách, phương tiện, ủy quyền kiểm tra tại cửa khẩu. Song song với đó là áp dụng các giải pháp công nghệ và trang thiết bị kiểm tra, giám sát hiện đại phù hợp với đặc điểm khu vực cửa khẩu biên giới, có khả năng tích hợp, trao đổi dữ liệu tập trung, thống nhất với các cơ quan chức năng trong khu vực cửa khẩu.
Hiện Cục Hải quan tỉnh đã rà soát hiện trạng, đề xuất giải pháp triển khai nền tảng số hóa gửi Sở TT&TT; dự thảo văn bản cho UBND tỉnh đề nghị Tổng Cục Hải quan hỗ trợ kết nối, chia sẻ dữ liệu về quản lý XNK phục vụ mô hình cửa khẩu số; tham gia ý kiến nội dung khảo sát thực địa giải pháp cửa khẩu số tại Bắc Luân II và đề xuất giải pháp triển khai liên quan đến lĩnh vực hải quan; tham gia ý kiến nội dung Dự thảo khảo sát, quy trình vận hành trên nền tảng cửa khẩu số tại Bắc Luân II...
Với việc đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện của Hải quan Quảng Ninh sẽ tạo một cú huých đối với sự phát triển hoạt động thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Thực hiện: Minh Đức - Thanh Hằng - Hoàng Nga
Trình bày: Đỗ Quang