4
18
/
1100384
Quảng Ninh trước nguy cơ dịch COVID-19 lan rộng
longform
Quảng Ninh trước nguy cơ dịch COVID-19 lan rộng

Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 trong bối cảnh mới, gần 60 ngày qua mặc dù số ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao nhưng Quảng Ninh vẫn kiểm soát, làm chủ tình hình. Nhịp sống bình thường mới ở vùng Mỏ những ngày qua, đó là vừa hối hả theo tiến độ của “mục tiêu kép” về đích năm 2021 và sẵn sàng bước vào năm 2022 với tâm thế chủ động, chiến thắng, vừa quyết liệt từ xa, từ sớm, từ cơ sở phòng chống hiệu quả dịch bệnh covid-19, đặt an toàn tính mạng nhân dân là trên hết là trước hết, bảo vệ trọng điểm trẻ em, người già, người có bệnh lý nền.

Sống ở thôn Lâm Xá 1, xã Hồng Thái Tây (TX Đông Triều), vợ chồng ông M.V.N (81 tuổi) và bà Đ.T.T (69 tuổi) chỉ bán hàng mã tại chợ gần nhà, không ra khỏi địa phương. Nhưng rồi một ngày cuối tháng 10/2021, ông bà đều xuất hiện triệu chứng ho, sốt, khó thở. Sau khi đi khám, làm xét nghiệm Covid-19, ông bà nhận được kết quả xét nghiệm PCR khẳng định dương tính vào ngày 2/11 và được đưa vào điều trị tại Bệnh viện số 2 (Bệnh viện Phổi Quảng Ninh).

Những ngày đầu tháng 11, từ ca bệnh đầu tiên ghi nhận là ông bà M.V.N và Đ.T.T tại xã Hồng Thái Tây, dịch Covid-19 đã lây lan rộng trong cộng đồng ở nhiều xóm làng trên địa bàn TX Đông Triều. Dịch Covid-19 không chỉ xâm nhập vào những người lớn khỏe mạnh mà còn có những người già có bệnh nền, những học sinh chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Sau Đông Triều, ngày 4/11, TP Uông Bí cũng ghi nhận 1 ca bệnh Covid-19 là công nhân làm việc tại Chi nhánh Công ty giầy da Sao Vàng Uông Bí và dịch bệnh lan rộng khắp địa bàn. Gần như cùng một thời điểm 2 ổ dịch ở Đông Triều và Uông Bí cùng xuất hiện, nhanh chóng lây lan ra cộng đồng.

Từ những ổ dịch nhỏ, lần này Covid-19 đã loang ra thành những ổ dịch lớn hơn ở 12/13 địa phương trong tỉnh. Chưa đầy 2 tháng, từ ngày 2/11 đến nay, Quảng Ninh đã phát hiện gần 2.000 ca F0 trong nội tỉnh và số ca nhiễm tăng cao từ đầu tháng 12/2021 đến nay. Đỉnh điểm ngày 20/12, thông qua xét nghiệm sàng lọc cho trên 53.000 lượt người, tỉnh đã phát hiện 133 trường hợp dương tính, trong đó 113 ca phát hiện trong cộng đồng. Một số địa bàn mới ghi nhận ca F0 trong cộng đồng nhưng số ca liên tục tăng cao như ở TP Hạ Long đã phát hiện 398 ca F0 từ 26/11 đến nay. Điều quan tâm, lo lắng là các ca F0 ở Hạ Long những ngày qua liên tiếp ghi nhận ở trong trường học, nhất là ở đối tượng học sinh tiểu học (TH) chưa có chỉ định tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Đột ngột phát hiện con trai mắc Covid-19 khi trước đó đã có bạn cùng lớp với con là F0, anh H. ở Hạ Long tỏ ra rất bối rối, chia sẻ: “Con tôi dưới 12 tuổi nên chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Khi nhận được kết quả xét nghiệm khẳng định con mắc Covid-19, tôi và gia đình thật sự rất lo lắng. Mặc dù trước đó, gia đình tôi cũng thường xuyên nhắc nhở con đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và thường xuyên test nhanh Covid-19 tại nhà”. Không riêng anh H. mà 58 gia đình phụ huynh của 58 học sinh là F0 trên địa bàn TP Hạ Long cũng chung tâm trạng như vậy. Dịch Covid-19 lây lan ở Hạ Long đã làm 2 trường mầm non Cao Thắng và Hoa Đào nghỉ học; 2 trường THCS Lê Văn Tám, THCS Cao Xanh và 29 lớp học trực tuyến thuộc các trường TH Cao Thắng (1 lớp), TH Quang Trung (1 lớp), TH Cao Xanh (1 lớp), TH Hạ Long (1 lớp), TH Lý Thường Kiệt (12 lớp) , THCS Nguyễn Viết Xuân (1 lớp), TH&THCS Bãi Cháy (1 lớp), TH&THCS Minh Khai (3 lớp), TH Hà Khẩu (3 lớp), TH-THCS-THPT Văn Lang (1 lớp), TH-THCS-THPT Đoàn Thị Điểm (1 lớp).

Xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho học sinh tại Trường Tiểu học Hạ Long.

Nhìn thẳng vào hiện thực để chặn vết dầu loang, phân tích nguyên nhân số ca F0 xuất hiện trong cộng đồng ở đợt dịch lần này tăng nhanh hơn tại các cuộc họp BCĐ của tỉnh đều nhận định, phần lớn là do tâm lý chủ quan ở cấp cơ sở; việc thực hiện đánh giá mức độ nguy cơ tiềm ẩn và hiện hữu về dịch bệnh chưa thường xuyên, liên tục; việc vận dụng phương châm từ xa, từ sớm, từ cơ sở có nơi chưa tốt; chưa kịp thời phát hiện các ca F0 phát sinh trên địa bàn, chậm cô lập và dập dịch chưa triệt để. Nhiều người dân còn biểu hiện lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Tại Trạm Y tế xã Lê Lợi, TP Hạ Long, ngoài các nhiệm vụ khám, chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung, trong những ngày qua, đơn vị cũng tham gia theo dõi sức khỏe cho 2 trường hợp F0 cách ly điều trị tại nhà. Trong đó đã có 1 trường hợp khỏi bệnh; 1 trường hợp là ông N.V.V đang tiếp tục cách ly điều trị tại nhà. Bác sĩ Nguyễn Hoài Đức, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lê Lợi, TP Hạ Long cho biết: Sau khi được tư vấn, người bệnh rất đồng tình thực hiện cách ly điều trị tại nhà. Các trường hợp này đều được chúng tôi khám sàng lọc, đánh giá tình hình sức khỏe, không có triệu chứng thì mới quyết định cho điều trị tại nhà. Người bệnh điều trị tại nhà được lấy mẫu xét nghiệm định kỳ, kết nối thông tin trực tiếp với các bộ y tế xã nên có bất cứ diễn biến sức khỏe nào đều được cập nhật ngay lập tức. Họ đều cảm thấy thoải mái, yên tâm khi được điều trị tại nhà.

Mặc dù là địa phương vùng sâu, vùng xa, khó khăn của tỉnh, nhưng 2 huyện Hải Hà và Đầm Hà đã mạnh dạn áp dụng quản lý, điều trị F0 không triệu chứng tại cơ sở cách ly tập trung ngoài cơ sở y tế trên địa bàn. Theo đó, TTYT Hải Hà đã quản lý 118 F0 không triệu chứng tại Khách sạn Hương Cảng (huyện Hải Hà). TTYT Đầm Hà đã quản lý 39 F0 tại Trung tâm Văn hóa các dân tộc huyện Đầm Hà. Hiện tất cả bệnh nhân đã khỏi bệnh, sức khỏe ổn định. Bên cạnh đó, tỉnh đang điều trị cho 210 F0 tại các cơ sở cách ly tập trung (Đông Triều 144 ca, Quảng Yên 31 ca, Hạ Long 35 ca).

Nhân viên y tế Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chăm sóc F0.

Trước đó để chuẩn bị cho việc thu dung, cách ly, chăm sóc F0 tại nhà, tại cơ sở cách ly tập trung ngoài cơ sở y tế, Sở Y tế đã tổ chức đào tạo 200 giảng viên tuyến huyện về quản lý, chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà. Đồng thời chỉ đạo các Bệnh viện, TTYT tuyến huyện chủ động đào tạo bổ sung thêm cán bộ lấy mẫu và nâng cao năng lực chuyên môn điều trị bệnh nhân F0 tại nhà, tại cơ sở cách ly tập trung ngoài cơ sở y tế; ban hành sổ tay hướng dẫn, điều trị F0 tại nhà hoặc nơi cư trú. Ngành phối hợp với các địa phương đã tổ chức đào tạo, huấn luyện kiến thức, kỹ năng quản lý, chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19 tại nhà, nơi lưu trú cho trên 1.500 người gồm nhân viên Trạm y tế, Trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng.

Song song, dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ngành Y tế, 12/13 địa phương đã thành lập 123 Trạm Y tế lưu động (Cô Tô do dân số ít, đặc thù biển đảo nên chưa thành lập); 1.401 Tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng; trên 2.250 Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng. Thực hiện rà soát, điều chỉnh, tăng cường để 100% Trạm Y tế trên toàn tỉnh có bác sĩ công tác nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường công tác chuyên môn y tế cho các tuyến y tế cơ sở, chủ động điều trị F0 tại nhà và cơ sở cách ly tập trung ngoài cơ sở y tế, hỗ trợ chuyên môn cho Tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng.

Các thành viên Trạm Y tế lưu động xã Hồng Thái Đông, TX Đông Triều đến hỗ trợ theo dõi sức khỏe cho các F1 trên địa bàn.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện cho biết: Covid-19 với những biến chủng mới xuất hiện buộc các giải pháp ứng phó phải linh hoạt hơn. Trong tình hình chung là tỷ lệ phủ vắc xin trên địa bàn đạt cao, góp phần rất quan trọng trong việc tạo miễn dịch cộng đồng thì tốc độ dịch lây lan nhanh trong cộng đồng, nhiều xã, phường trên địa bàn tỉnh chuyển sang cấp độ 2, 3. Số ca F0 được phát hiện tăng nhanh, số F1 cũng sẽ tăng theo. Bên cạnh các giải pháp khoanh vùng, truy vết; xét nghiệm diện rộng, tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn, linh hoạt áp dụng các giải pháp chuyên môn phòng, chống dịch chưa có trong tiền lệ như cách ly F1, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà; phân tầng điều trị, thiết lập trạm y tế lưu động; đưa thuốc kháng virus vào điều trị F0.

Để có thể sẵn sàng, chủ động áp dụng các giải pháp chống dịch từ xa, từ sớm, từ cơ sở, ngay từ tháng 8/2021, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch với phương án sẵn sàng cho mọi tình huống về cơ sở thu dung, điều trị, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực... khi có 1.000 ca F0, thậm chí đến 5.000 ca F0 mỗi ngày.

Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch với phương án sẵn sàng điều trị hàng ngàn bệnh nhân Covid-19 mỗi ngày. Trong ảnh: Điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại TTYT huyện Đầm Hà.

Xác định mục tiêu để mọi người dân khi mắc Covid-19 được tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất với các dịch vụ y tế, thuốc điều trị ngay từ cơ sở, Quảng Ninh đã triển khai mô hình phân tầng điều trị Covid-19 thành 3 tầng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh Nguyễn Trọng Diện, chiến lược phòng, chống dịch luôn được ngành Y tế tham mưu điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tiễn theo từng hoàn cảnh, diễn biến của dịch. Thực tế từ đầu tháng 11/2021, nhận thấy tình hình dịch bệnh có xu hướng ngày càng phức tạp, dự báo số ca mắc sẽ tăng, đồng thời tỷ lệ tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 của tỉnh đạt trên 90% nên ngành Y tế đã tham mưu cho tỉnh áp dụng điều trị bệnh nhân F0 theo mô hình tháp 3 tầng, phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện của tỉnh. Phương án triển khai điều trị, quản lý bệnh nhân theo mô hình tháp 3 tầng, gồm: Tổ chức cách ly điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, tại cơ sở thu dung quản lý, điều trị F0 do địa phương quản lý; F0 mức độ nhẹ và vừa được điều trị tại các Trung tâm Y tế (TTYT) hoặc bệnh viện đa khoa tuyến huyện (tầng 1 và tầng 2); F0 mức độ nặng điều trị tại tuyến tỉnh (tầng 3).

Thuốc kháng virus Molnupiravir.

Ngoài ra để bảo đảm khả năng ứng phó với số ca nhiễm diễn biến nặng tăng cao, Quảng Ninh đã có phương án thành lập các Trung tâm hồi sức tích cực tại cơ sở vật chất của Bệnh viện Lão khoa (Bệnh viện số 4), Bệnh viện số 2 (Bệnh viện Phổi Quảng Ninh) và số 1 (TTYT TP Móng Cái).

Hiện nay, 18 cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện trên địa bàn tỉnh đều tham gia vào công tác điều trị F0. Trong đó, các cơ sở y tế đã bố trí 40% công suất giường bệnh và nhân lực, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác điều trị F0. Đáng chú ý là ngay sau khi tiếp nhận 40.000 viên thuốc kháng virus Molupiravir 200mg, tương đương với 1.000 liều từ Bộ Y tế, ngày 23/11, Sở Y tế đã phân bổ số thuốc trên cho 18 cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện có thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 để đưa vào điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 612 F0 được điều trị Molupiravir; trong đó có 461 người hoàn thành liệu trình điều trị, 151 người đang điều trị. Với cơ chế hạn chế virus nhân lên, giảm triệu chứng, giảm nguy cơ trở nặng, rút ngắn thời gian điều trị, việc đưa Molnupiraviur vào điều trị cho F0 ở tuyến huyện sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng hiệu quả điều trị, điều trị khỏi ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế bệnh nhân phải chuyển tuyến trên hoặc tử vong.

Nhờ có thuốc điều trị và tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 của Quảng Ninh rất cao, đạt trên 96%, nên số người mắc Covid-19 phần lớn là ở thể nhẹ, không triệu chứng. Theo đánh giá của ngành Y tế Quảng Ninh trong tổng số 1.097 ca F0 ghi nhận tại tỉnh từ ngày 18/10 đến ngày 12/12, được điều trị tại các cơ sở y tế đã có 739 người khỏi, ra viện chiếm 67,37%; 747 người không có triệu chứng, chiếm 68,09%. Đặc biệt là có 898 người không phải dùng thuốc điều trị, chiếm 81,86%. Số ngày chữa trị đến khi khỏi bệnh ra viện trung bình là 14 ngày, tương đương với thời gian cách ly F1.

Qua đánh giá thực tế về tình hình sức khỏe của người mắc Covid-19 trên địa bàn, tỉnh đã mạnh dạn áp dụng và tổ chức cách ly điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, tại cơ sở cách ly tập trung ngoài cơ sở y tế do địa phương quản lý từ ngày 17/11 đến nay. Nhờ vậy, lực lượng y tế giảm áp lực, tập trung vào chuyên môn để chăm sóc người bệnh tốt nhất. Đến ngày 22/12, toàn tỉnh đã có 190 F0 điều trị tại nhà; trong đó có 155 đang điều trị tại nhà (Hạ Long: 98; Quảng Yên: 56, Cẩm Phả:1); đã hoàn thành cách ly và khỏi bệnh 343 ca; chuyển cơ sở y tế 1 ca.

Sau hơn 2 tháng thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, nhịp sống ở các địa phương trong tỉnh đã trở về bình thường. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh cơ bản vẫn giữ được địa bàn an toàn, kiểm soát được các ổ dịch.

Tuy nhiên số ca F0 ghi nhận trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng, thậm chí có ngày trên 100 ca. Chưa kể là nguy cơ đe dọa lây lan biến chủng mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2, gọi là Omicron (B.1.1.529) phát hiện ở Châu Phi. Vấn đề nữa là chỉ chưa đầy chục ngày nữa là bước sang năm mới 2022 và hơn 1 tháng nữa Việt Nam sẽ đón tết Nguyên đán Nhâm Dần khi đó nhu cầu đi lại rất cao nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là vô cùng lớn.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm xuyên đêm tại địa bàn TX Đông Triều.

Trước tình hình trên, ngày 18/12 vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy và BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến với BCĐ, Trung tâm Chỉ huy cấp huyện, cấp xã về tình hình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trọng tâm các chỉ đạo của tỉnh đều tập trung vào những giải pháp đảm bảo cho mọi người dân trên địa bàn tỉnh được vui Xuân, đón Tết Nhâm Dần 2022 thực sự vui tươi, hạnh phúc, an toàn trong trạng thái bình thường mới. Thường trực Tỉnh ủy và BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 18/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chỉ đạo có liên quan của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thường xuyên rà soát, hoàn thiện các kịch bản, phương án sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch Covid-19, nhất là chủng mới Omicron; thực hiện tốt hơn nữa phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở và tuân thủ nghiêm nguyên tắc “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”; nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp huyện, cấp xã, năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng với mục tiêu: Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.

Quảng Ninh thống nhất tư tưởng và hành động trong thực hiện mục tiêu "Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết".

Thường trực Tỉnh ủy và BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh cũng yêu cầu các cấp, các ngành, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực hiện đánh giá nguy cơ tiềm ẩn, nguy cơ hiện hữu, xác định cấp độ dịch trên địa bàn, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý hàng ngày, hàng tuần để áp dụng các giải pháp phòng, chống dịch tương ứng, phù hợp. Kiên trì thực hiện phương châm “lấy phòng dịch làm ưu tiên”, thực hiện tầm soát chủ động, xét nghiệm sàng lọc định kỳ có trọng tâm, trọng điểm, tăng tần suất đối với các đối tượng “bảo vệ trọng điểm” và các đối tượng có nguy cơ theo kế hoạch hằng tuần của các cấp chính quyền, hướng dẫn của ngành y tế và tình hình thực tiễn; xác định xét nghiệm tầm soát khoa học, hợp lý là chìa khóa thành công nhằm chủ động, phát hiện sớm F0, truy vết, xử trí, cách ly, thu dung. Hiện nay, 17 đơn vị y tế tại 12/13 địa phương trong tỉnh đã triển khai xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR; nâng công suất xét nghiệm trên 15.000 mẫu đơn/ngày, 75.000 mẫu/ngày đối với mẫu gộp 5, 150.000 mẫu/ngày đối với mẫu gộp 10.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục vận động người dân chủ động trang sắm các mẫu test nhanh kháng nguyên và tự thực hiện sàng lọc Covid-19 tại nhà. Thực tiễn những ngày qua đã cho thấy, việc thực hiện tầm soát Covid-19 bằng test nhanh đã mang lại hiệu quả rất lớn, phát hiện kịp thời hàng chục ca mắc mới, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan diện rộng. Như trong ngày 20/12 qua sàng lọc test nhanh tại cộng đồng ở Đông Triều đã phát hiện 50 ca F0; Hạ Long cũng phát hiện 18 ca F0 qua sàng lọc test nhanh ở cộng đồng…

Các trường học trên địa bàn tỉnh chuẩn bị số lượng test nhanh Covid-19 phục vụ việc xét nghiệm tại cơ sở.

Nâng cao hơn nữa tính chủ động, năng lực truy vết, điều tra dịch tễ bảo đảm khoa học, kịp thời của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, từ quy mô nhỏ nhất nhằm bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả, kiểm soát nhanh chóng với chi phí thấp. Khi phát hiện có trường hợp mắc hoặc nghi mắc Covid-19 phải quyết liệt, khẩn trương “thần tốc” truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng gọn nhất có thể, bóc tách ngay F0, cách ly F1, phân loại mức độ nguy cơ để có hướng xử trí, cách ly, thu dung, điều trị đối với từng trường hợp cụ thể bảo đảm hiệu quả, hạn chế tối đa các trường hợp nhập viện, trở nặng, tử vong; dập dịch triệt để, kiên quyết không để dịch lây lan, bùng phát, gây ra tình trạng quá tải đối với hệ thống y tế.

Siết chặt quản lý dân cư, quản lý cư trú, lưu trú, tạm trú, tạm vắng, nhất là quản lý chặt chẽ người dân, người lao động ngoại tỉnh vào địa bàn, người Quảng Ninh đi, trở về từ các vùng có dịch. Yêu cầu tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương có biện pháp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Dương lịch đến Tết nguyên đán Nhâm Dần; động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng ứng lời kêu gọi của MTTQ tỉnh không di chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh trong dịp nghỉ Tết Dương lịch để tích cực tham gia chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 (mũi tăng cường) trên phạm vi toàn tỉnh cho người từ 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm và phấn đấu cơ bản hoàn thành xong trong quý I/2022. Ngành y tế chủ động tiếp cận với các nguồn vắc-xin để tiêm mũi 3 bằng vắc-xin Pfizer và Astrazeneca; ưu tiên cho những đối tượng có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng; các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; lao động ngành Than, lao động làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và người dân Hạ Long, Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu.

Trong bối cảnh chống dịch trong tình hình mới, mỗi người dân cần chủ động, thực hiện các biện pháo bảo vệ mình, gia đình, đồng lòng cùng chính quyền phòng, chống dịch bệnh. 

Đảm bảo tối đa cho học sinh được đến trường học tập trực tiếp an toàn và các đối tượng trẻ em dưới 12 tuổi, người cao tuổi có bệnh nền chưa tiêm vắc-xin tiếp tục là những đối tượng phải được “bảo vệ trọng điểm”, đảm bảo không bị tử vong do dịch bệnh gây ra. Mọi người dân cần phải bảo đảm quy tắc 5K trong các hoạt động ngoài xã hội, hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra ngoài không cần thiết, hạn chế các hoạt động tụ tập, hội họp, nhất là vào dịp lễ, Tết đang đến gần.


Thực hiện: Ngọc Lan - Nguyễn Hoa
Kỹ thuật đồ họa: Đỗ Quang