Quê hương - hai chữ thiêng liêng gợi biết bao cảm xúc trong lòng mỗi người. Đối với những người con Vùng mỏ, quê hương còn là niềm tự hào “Tôi là người Quảng Ninh”, là miền ký ức thân thương để dù có đi đâu cũng vẫn luôn bâng khuâng trong nỗi nhớ “Xa quê hương tạm xa phố biển, đêm nằm mơ rì rào sóng vỗ, thấy như đang Quảng Ninh quê mình”, bởi không gì có thể mang Quảng Ninh khỏi trái tim, tâm hồn họ.

Đại tá, NSƯT Nguyễn Thị Bích Hạnh (nghệ danh Hồng Hạnh), Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội:
“Quê hương là nơi ươm mầm, chắp cánh cho những khát khao và ước mơ nghệ thuật trong tôi”

Tôi sinh ra và lớn lên tại TP Uông Bí, là nơi giàu truyền thống văn hóa, nghệ thuật. Nơi đây có những người công nhân mỏ luôn cần cù, chăm chỉ, tuy vất vả nhưng luôn lạc quan yêu đời. Vì vậy, ngoài những ca sản xuất lao động hăng say, nơi đâu cũng rộn ràng lời ca tiếng hát. Từ những đêm nhạc của sân văn hóa thợ mỏ, đến tiếng loa truyền thanh cơ sở của những đơn vị ngành Than với những bài ca bất hủ: “Tôi là người thợ lò”, “Tình ca người thợ mỏ”, “Những ánh sao ca đêm”... đã trở thành dòng sữa mát lành nuôi lớn tâm hồn, gieo vào tôi tình yêu với âm nhạc, nghệ thuật từ những ngày thơ bé. 

Quê hương nghĩa nặng tình sâu, luôn là nơi đưa những người con đi xa để rồi lại trở về chung tay ươm mầm những chồi non mới. Tôi đã may mắn có được sự dìu dắt, yêu thương ấy từ những lớp nghệ sĩ gạo cội đi trước như NSND Doãn Tần, NSƯT Dương Minh Đức và những nghệ sĩ thành danh của Vùng mỏ như cố NSND Lê Dung, NSƯT Đức Long. Bởi vậy, tháng 5 vừa qua, khi nhận được lời mời của Tỉnh Đoàn Quảng Ninh về tham dự Hội thi Họa mi vàng tỉnh năm 2023 với vai trò Ban giám khảo, tôi vô cùng hào hứng.

NSƯT Hồng Hạnh cùng NSND Quang Thọ, NSƯT Hoàng Tùng hát tặng các em thiếu nhi và khán giả Vùng mỏ trong đêm chung kết Hội thi Họa mi vàng tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

NSƯT Hồng Hạnh cùng NSND Quang Thọ, NSƯT Hoàng Tùng hát tặng các em thiếu nhi và khán giả Vùng mỏ trong đêm chung kết Hội thi Họa mi vàng tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

NSƯT Hồng Hạnh cùng NSND Quang Thọ, NSƯT Hoàng Tùng hát tặng các em thiếu nhi và khán giả Vùng mỏ trong đêm chung kết Hội thi Họa mi vàng tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Tôi cùng NSND Quang Thọ và NSƯT Hoàng Tùng là Ban giám khảo của Hội thi, đã cùng hát vang ca khúc “Tình ca người thợ mỏ” dành tặng các em thiếu nhi và khán giả trong đêm chung kết. Trong khoảnh khắc ấy, những ký ức của 34 năm trước khi tôi là một thí sinh tham gia Hội thi Họa mi vàng của tỉnh ùa về như mới hôm qua. Sau 2 lần dự thi đều đoạt HCV, mở ra cơ hội để tôi bắt đầu bén duyên với nghệ thuật.

NSƯT Hồng Hạnh sở hữu giọng nữ trung trầm ấm, đậm màu sắc dân gian (Ảnh nhân vật cung cấp)

NSƯT Hồng Hạnh sở hữu giọng nữ trung trầm ấm, đậm màu sắc dân gian (Ảnh nhân vật cung cấp)

NSƯT Hồng Hạnh sở hữu giọng nữ trung trầm ấm, đậm màu sắc dân gian (Ảnh nhân vật cung cấp)

Từ ngày xa quê hương để bước những bước chân đầu tiên theo con đường nghệ thuật đến nay đã mấy chục năm, nhưng dù đi đâu, tôi cũng luôn tự hào về nguồn gốc và quê hương của mình, tự hào rằng mình là người con của Vùng mỏ Anh hùng. Bởi quê hương không chỉ là nơi “chôn rau cắt rốn”, mà đó còn là nơi ươm mầm, chắp cánh cho những khát khao và ước mơ nghệ thuật cháy bỏng trong tôi.

Không phải con “nhà nòi” nghệ thuật, song tôi lại ảnh hưởng nhiều từ chất thép của người lính, khi có cha là chiến sĩ đặc công đã từng tham gia trận đánh lịch sử 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị. Hình ảnh người cha bản lĩnh, anh hùng đã khắc sâu vào tâm trí tôi sự kính trọng, ngưỡng mộ và tình yêu dành cho màu áo người lính Bộ đội Cụ Hồ từ thuở ấu thơ. Sự cảm phục, kính yêu ấy giúp tôi vững tin, tiếp bước trên con đường trở thành người chiến sĩ - nghệ sĩ sau này của mình.

Năm 1993 tôi về nhận công tác tại Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Khi ấy cũng là thời điểm chuyển giao các thế hệ diễn viên, tôi nằm trong lứa diễn viên thế hệ mới đầu tiên lúc đó. Là lính mới đúng nghĩa, song được các lãnh đạo đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995, tôi đã xuất sắc đoạt HCV với ca khúc “Cho con xin câu hát”. Thành công đầu tiên ấy đã cho tôi thêm động lực, vững bước trên con đường theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp. Trải qua rất nhiều vị trí công tác, vinh dự lớn lao cho tôi khi được là ca sĩ, nghệ sĩ nữ đầu tiên giữ chức vụ Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc quân đội - đơn vị nghệ thuật lớn nhất của Quân đội, có lịch sử truyền thống hơn 70 năm.

Còn nhớ, một tháng sau khi nhận cương vị mới tại Nhà hát, tôi và các cán bộ, nghệ sĩ đã tham gia “Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2018”, đoạt giải “Đặc biệt xuất sắc”, giành được nhiều huy chương vàng, bạc... Đến năm 2019, Nhà hát tham dự “Liên hoan Tiếng hát Đường 9 Xanh - 2019” tại Quảng Trị, giành được HCV toàn đoàn, cá nhân tôi được nhận Bằng khen Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc.

Đặc biệt, trong hai năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là thời điểm rất khó khăn, thử thách với người đứng đầu đơn vị. Song nhờ bản lĩnh người lính Bộ đội Cụ Hồ được thừa hưởng từ cha, tinh thần "Kỷ luật - Đồng tâm" của con người Vùng mỏ, tôi đã cùng ban lãnh đạo, cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát đoàn kết, vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị. Nhà hát đã linh hoạt tổ chức ghi hình, phát sóng các chương trình phục vụ bộ đội và nhân dân, bảo đảm chất lượng, góp phần cổ vũ tinh thần toàn quân, toàn dân chiến đấu, chiến thắng đại dịch. Đồng thời phục vụ tốt Hội thao Quân sự quốc tế Army Games; xây dựng chương trình biểu diễn “Nhịp cầu hữu nghị” phục vụ công tác đối ngoại. Với rất nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 2021 nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập, Nhà hát vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.

Mỗi dịp trở về Quảng Ninh, tôi cảm nhận được sự phát triển của quê hương thần tốc đến nỗi khiến bản thân ngỡ ngàng. Mọi lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội đều đạt được những thành tựu to lớn, ấn tượng. Không chỉ tự hào có Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, đất Phật Yên Tử ngàn năm đang trên hành trình trở thành di sản thế giới…, quá nhiều niềm tự hào được nhân lên mỗi ngày trong trái tim những người con Vùng mỏ dù đang sinh sống, lao động, học tập ở bất cứ nơi đâu.

Mong rằng những bước đi tiếp theo của quê hương sẽ luôn tốt đẹp về mọi mặt. Trong đó truyền thống văn hóa, nghệ thuật lâu đời của Vùng mỏ sẽ luôn được gìn giữ, trân trọng, bồi đắp và phát huy, góp phần xây dựng nền văn hóa nghệ thuật nước nhà phát triển ngày càng rực rỡ.

Ông Đặng Hữu Kỳ, thương binh hạng 2/4, hiện sống tại Paris, Pháp:
“Quảng Ninh - Quê hương thứ hai đầy ắp yêu thương và kỷ niệm”

Tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo xứ Nghệ "một nắng hai sương". Giống như bao chàng trai, cô gái lớn lên khi đất nước lâm vào cảnh chiến tranh, tôi nhập ngũ khi tròn 18 tuổi, vào đơn vị C8, D8, E266, Sư đoàn 341A, Quân đoàn 4. Trải qua những cuộc chiến đầy cam go và ác liệt: Giải phóng miền Nam, làm Quân quản ở TP Hồ Chí Minh, rồi trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của bè lũ Ponpot... Khói lửa chiến tranh, gian khổ đã giúp tôi tăng thêm nghị lực trong cuộc sống.

Ngày 3/3/1979, trong một trận chiến đấu ác liệt truy quét tàn quân địch tại thị xã Kampong Speu nước bạn Campuchia, tôi bị thương nặng, được chuyển về điều trị tại Bệnh viện 175. Sau khi vết thương vùng bụng tạm ổn định, đầu năm 1981 từ trại điều dưỡng thương binh tôi phục viên chế độ, về cư trú tại TX Hòn Gai, nay là TP Hạ Long. Khi ấy vợ tôi là nhân viên cửa hàng rau, chuyên bán rau phục vụ công nhân và bà con Vùng mỏ theo chế độ tem phiếu. Trở về quê hương thứ hai Quảng Ninh vào cái thời bao cấp khó khăn chồng chất khó khăn, vết thương trên mình luôn hoành hành mỗi khi trái gió trở trời, tuy vậy tôi vẫn cố gắng cùng vợ hiền tần tảo sớm hôm với bao công việc đã trải qua, như bán mía, bán ổi, bán dưa ở bến xe, rạp chiếu bóng, bơm vá sửa xe trước cửa hàng kem ngay trên vỉa hè đường đôi khu bốn tầng ngành Than nội thị.

Mỗi khi đêm về, núi Bài Thơ được bao phủ bởi màn sương trắng xoá, gió lạnh thấm đẫm mảnh áo lính sờn vai kỷ niệm, là hành trang duy nhất của người lính chiến sống sót trở về, cũng là lúc tiếng còi tầm trên ngọn núi Bài Thơ rú vang đếm nhịp báo hiệu tan ca. Những chuyến xe đưa đón công nhân mỏ nối đuôi nhau dừng chân tại bến, những thợ lò mặt mũi lấm lem lộ ra hàm răng trắng với nụ cười hồn nhiên bước xuống xe sau một ca làm việc vất vả trên mỏ, họ chia tay nhau rảo bước về nhà. Hình ảnh những người dân Vùng mỏ lao động cần mẫn không quản ngày đêm vì cuộc sống mưu sinh đã tạo cho tôi sự cảm thông quý mến, gần gũi thân thương, những tấm gương trong cuộc sống đầy sinh động đó đã góp phần tăng thêm động lực cho tôi vượt qua mọi khó khăn vất vả.

Gia đình tôi mở quán bán chè lấy tên “Chè Kỳ” tại ngõ 9, Cột 3, đường Nguyễn Văn Cừ, TP Hạ Long. Quán là kết tinh của tình thương yêu đùm bọc che chở của bà con nhân dân tổ 31 thời ấy (nay là tổ 9, khu 3, phường Hồng Hải) cùng chính quyền địa phương các cấp quan tâm giúp đỡ đối tượng chính sách, tạo điều kiện cho tôi mở điểm dịch vụ bán giải khát kiếm kế sinh nhai nhằm xoá đói, giảm nghèo. Khách hàng ngày một đông vui, vào ra tấp nập cùng nhau thưởng thức hương vị “Chè Kỳ” do chính vợ tôi dày công chế biến từ hạt đỗ đen sao cho thơm ngon, mềm dẻo. Tiếng lành ngày một lan xa, đời sống kinh tế gia đình ngày một nâng lên, từ một hộ nghèo của phường Hồng Hải, vợ chồng tôi đã phấn đấu xoá nghèo, rồi vươn lên từ đó.

Ngoài chăm lo cuộc sống gia đình, chúng tôi còn dành thời gian tham gia hoạt động công tác đoàn thể chính quyền nơi cư trú. Tám năm liền tôi được đảng viên, tổ chức tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ khu phố 3. Hai con trai tôi đều sinh ra và trưởng thành nơi vùng Đất mỏ thân yêu. Sinh ra vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, thấu hiểu được nỗi khó khăn vất vả của bố mẹ, cả hai cháu đều tự cố gắng vươn lên trong học tập và rèn luyện bản thân mọi lúc mọi nơi. Con trai cả tôi là Đặng Hữu Thanh Tuấn luôn là học sinh giỏi của Trường Chuyên Hạ Long. Cuối năm lớp 12 cháu đoạt giải Ba môn Vật lý kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, rồi được vào thẳng Đại học Xây dựng Hà Nội. Con thứ hai của tôi là Đặng Hữu Đức Tiến, học Trường THPT Hòn Gai, sau đó đỗ đại học ngành Kiến trúc. Niềm vui lớn và là món quà vô giá các con tặng chúng tôi là cả hai anh em đều nhận được học bổng toàn phần sau đại học do Đại Sứ quán Pháp tại Việt Nam cấp cho những học sinh xuất sắc tiếp tục sang học thạc sĩ tại Pháp.

Giờ đây các con tôi đã trở thành tiến sĩ, kiến trúc sư, đều có công việc, gia đình nhỏ, có cuộc sống ổn định tại Paris, Pháp. Càng gần ngày kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, tôi càng cảm thấy rất tự hào về Vùng mỏ yêu dấu, nơi tôi coi là quê hương thứ hai của mình. Mảnh đất, con người nơi đây đã cưu mang, đùm bọc, che chở và tăng thêm nghị lực cho gia đình tôi suốt cả chặng đường dài, từ lúc đời sống khó khăn tần tảo sớm hôm đến lúc thành đạt, viên mãn. Đặc biệt, những ngày tháng 7/2023, vợ chồng tôi từ Pháp trở về thăm Quảng Ninh. Chúng tôi không khỏi xúc động, trân trọng và hãnh diện vô cùng khi chứng kiến sự thay đổi về mọi mặt của tỉnh nhà. Xin gửi về mảnh đất, con người Quảng Ninh yêu dấu của tôi tình cảm chân thành và lòng biết ơn sâu sắc nhất. Ký ức về quê hương Quảng Ninh thân yêu luôn đọng lại trong tôi mãi mãi không thể nào quên!

Đặng Thái Hoàng, Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2012:
“Mong muốn quảng bá, giới thiệu nhiều hơn về Quảng Ninh với bạn bè quốc tế”

Đã hơn 11 năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in giây phút xúc động vỡ òa khi trở thành chủ nhân của Vòng nguyệt quế chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2012. Giây phút quyết định đó đã làm thay đổi cuộc đời tôi, mang đến cho tôi cơ hội mới để tiếp tục khát khao chinh phục những thử thách mới, chặng đường mới.

Trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm đó được kết nối điểm cầu trực tiếp tại Trường THPT Hòn Gai, sự cổ vũ nồng nhiệt của gia đình, thầy cô, bạn bè và rất nhiều người dân Quảng Ninh đã trở thành sự khích lệ, động lực rất lớn giúp tôi giành chiến thắng. Sau khi giành giải Quán quân năm, tỉnh Quảng Ninh đã vô cùng quan tâm và chào đón tôi, đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính lúc đó đã chỉ đạo Đài PT-TH Quảng Ninh tổ chức buổi truyền hình trực tiếp phỏng vấn tôi, đó là những giây phút rất hạnh phúc và đáng nhớ trong đời tôi.

Gia đình Đặng Thái Hoàng chụp ảnh kỷ niệm trong trang phục áo dài Việt Nam nhân dịp Tết cổ truyền năm 2023. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Gia đình Đặng Thái Hoàng chụp ảnh kỷ niệm trong trang phục áo dài Việt Nam nhân dịp Tết cổ truyền năm 2023. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Gia đình Đặng Thái Hoàng chụp ảnh kỷ niệm trong trang phục áo dài Việt Nam nhân dịp Tết cổ truyền năm 2023. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nhớ về quê hương, có lẽ đậm sâu trong ký ức của tôi chính là những ngày tháng học tập dưới mái trường THPT Hòn Gai nhiều niềm vui và sôi nổi của tuổi học trò. Chúng tôi may mắn được vào học khi khu nhà 5 tầng được xây mới rất khang trang, có nhà thể dục mới, dãy phòng thực hành cũng mở rộng và khá nhiều hoạt động ngoại khóa, biểu diễn văn nghệ quanh năm. Ngôi trường nay đã được xây sửa mới khang trang, to đẹp, bề thế hơn rất nhiều, song những ký ức đẹp về thầy cô, bạn bè sẽ không bao giờ phai mờ. Tôi tự hào vì đã từng được là một phần của nơi đây, được học tập, rèn luyện, đóng góp vào những thành tích của ngôi trường hơn 60 năm tuổi.

Những ngày đầu xa Hạ Long, tôi không tránh khỏi cảm giác bâng khuâng, hẫng hụt khi một mình tại môi trường mới. Nhưng sự động viên của gia đình, bạn bè, thầy cô luôn đồng hành giúp tôi thêm quyết tâm, nỗ lực và đạt kết quả học tập tốt nhất. Tôi đã tốt nghiệp ngành Xây dựng dân dụng, Đại học Công nghệ Swinburne tại TP Melbourne, Australia; hiện phụ trách mảng cơ sở hạ tầng cho chính quyền địa phương cấp cơ sở ở bang New South Wales, Australia, trực tiếp tham gia nhiều dự án có liên quan đến quy hoạch, chỉnh trang đô thị, các công trình công viên cây xanh, mỹ thuật công cộng.

Trong quá trình học tập và làm việc tại Australia, tôi vẫn thường xuyên theo dõi về tình hình phát triển của tỉnh. Mỗi lần có dịp về nước, tôi vô cùng ấn tượng với sự phát triển nhanh chóng của Quảng Ninh. Kinh tế phát triển mạnh mẽ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước, môi trường cảnh quan sạch đẹp ngang tầm các nước phát triển. Tôi đang làm việc trong ngành xây dựng về cơ sở hạ tầng ở một nước rất phát triển, càng khiến tôi có sự quan tâm đặc biệt và cái nhìn lạc quan về hướng đi đúng đắn, vươn tầm thời đại của Quảng Ninh.

Khách quan mà nói, để trở thành một địa phương phát triển ngang tầm khu vực và thế giới thì vẫn còn vô vàn việc phải làm. Nhưng kết quả sẽ đến khi có sự quyết tâm hoàn thành tốt công việc của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, chính quyền các cấp và sự đồng lòng của mỗi người dân. Tôi thấy thật sự tâm đắc khi Quảng Ninh theo đuổi mục tiêu “nơi cần đến và đáng sống” và đang từng bước cụ thể hóa mục tiêu đó rất rõ nét trong từng nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, cải cách hành chính, đảm bảo chất lượng các dịch vụ y tế, giáo dục, nâng cao mức sống của nhân dân.

Tôi là một kỹ sư trẻ, còn cần học hỏi rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm về cả kỹ thuật và quản lý điều hành, nhưng tôi vẫn rất mong khi mình đến “độ chín” sẽ có cơ hội để tìm được một công việc phù hợp với khả năng và trình độ mà bản thân thấy hài lòng ở Quảng Ninh. Tôi cũng có đầu tư một vài dự án tại Quảng Ninh. Hy vọng những dự án nhỏ này sẽ đạt được kết quả kỳ vọng để tôi có thể đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của quê hương. Song sự đóng góp ấy sẽ không chỉ đơn thuần là làm việc, đóng thuế trực tiếp, mà còn rất nhiều điều chúng ta có thể làm.

Tôi chọn cách tích cực quảng bá hình ảnh Quảng Ninh trên mạng xã hội, với đồng nghiệp và bạn bè quốc tế. Tôi luôn tự hào và giới thiệu, khuyến khích họ đi tham quan du lịch ở Quảng Ninh, không chỉ dừng lại ở Hạ Long mà cả miền Đông, miền Tây tỉnh với nhiều điểm du lịch khám phá hấp dẫn. Hy vọng rằng, Quảng Ninh vẫn tiếp tục giữ vững “phong độ” và theo đuổi con đường phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, di sản cho các thế hệ mai sau, cũng như tăng cường liên kết vùng để tạo động lực phát triển sâu, rộng, hội nhập mạnh mẽ hơn với thế giới.

Ở nơi xa xứ, nỗi nhớ quê hương luôn thường trực trong trái tim mỗi người Việt Nam. Vì vậy trong nếp sống, sinh hoạt hằng ngày, gia đình tôi vẫn luôn thống nhất quan điểm là cần giữ gìn văn hóa Việt cho con, mà trước hết là dạy con nói tiếng Việt. Tuy điều kiện công việc khiến gia đình tôi không sinh sống gần cộng đồng người Việt, nhưng năm nào đến Tết Trung thu, gia đình tôi cũng mua bánh trung thu và dù đi cả trăm cây số, cũng đưa con đến nơi có cộng đồng người Việt để tham gia rước đèn trung thu và phá cỗ trông trăng.

Để con có được những trải nghiệm chân thực về vị Tết cổ truyền quê hương, vợ chồng tôi cố gắng tái hiện lại đầy đủ nhất những phong tục tập quán thường có vào ngày Tết ở Việt Nam, từ bày mâm ngũ quả, nấu những món ăn truyền thống, mặc áo dài, trao tặng nhau lì xì và lời chúc mừng năm mới... Đó là cách tôi vẫn làm và gìn giữ để nhắc nhớ con, dù ở đâu cũng nhớ về nguồn cội của mình, hình thành trong mỗi đứa trẻ tình yêu dành cho gia đình, quê hương, đất nước.

Gia đình Đặng Thái Hoàng chụp ảnh lưu niệm với Nguyễn Hoàng Cường - Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2018 cũng là cựu học sinh Trường THPT Hòn Gai, tại Úc. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Gia đình Đặng Thái Hoàng chụp ảnh lưu niệm với Nguyễn Hoàng Cường - Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2018 cũng là cựu học sinh Trường THPT Hòn Gai, tại Úc. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Gia đình Đặng Thái Hoàng chụp ảnh lưu niệm với Nguyễn Hoàng Cường - Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2018 cũng là cựu học sinh Trường THPT Hòn Gai, tại Úc. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Anh Hoàng Trọng Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Quảng Ninh khu vực phía Nam:
“Hoạt động đồng hương là một minh chứng sống động về tinh thần đoàn kết”

Cũng như bao người con của Vùng mỏ rời quê hương đến lập nghiệp ở những vùng đất mới, bà con đồng hương Quảng Ninh hiện sinh sống, học tập, làm việc ở khu vực các tỉnh phía Nam những năm qua luôn nặng nghĩa tình hướng về nơi “chôn nhau cắt rốn”. Tụ họp về dưới “mái nhà chung” là Hội đồng hương, chúng tôi được cộng hưởng, sẻ chia những tình cảm trong sáng đó, để cuộc sống tinh thần thêm phong phú. Với tôi, hoạt động đồng hương chính là một minh chứng sống động về tinh thần đoàn kết, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Anh Hoàng Trọng Nghĩa tại chương trình gặp mặt đầu Xuân Quý Mão 2023 do Hội đồng hương TP Hạ Long khu vực phía Nam tổ chức. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Anh Hoàng Trọng Nghĩa tại chương trình gặp mặt đầu Xuân Quý Mão 2023 do Hội đồng hương TP Hạ Long khu vực phía Nam tổ chức. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hội đồng hương tỉnh Quảng Ninh khu vực phía Nam hiện có trên 4.000 hộ tham gia, sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ và một số tỉnh khu vực Tây Nguyên; ngoài ra còn có các hội nhỏ sinh hoạt theo khu vực, như chi hội Đông Triều - Uông Bí, Hạ Long - Hoành Bồ, Quảng Yên, Vân Đồn... Đầu tháng 5/2023, Hội đồng hương TP Uông Bí vừa ra mắt, cho thấy hoạt động đồng hương được bà con Quảng Ninh rất hưởng ứng. Hằng năm vào dịp đầu xuân mới, Hội đồng hương tỉnh Quảng Ninh khu vực phía Nam đều cố gắng tổ chức gặp mặt để giao lưu, gặp gỡ. Mỗi chương trình như vậy, đồng hương gặp nhau, thoải mái hàn huyên để thỏa nỗi niềm những tháng ngày xa quê. Nhờ vậy sợi dây gắn kết được thắt chặt hơn, những mối quan hệ thân tình được mở rộng. Anh chị em đồng hương tiếp tục thấu hiểu để động viên, tương trợ lẫn nhau trong công việc, học tập và đời sống. Thế hệ cao niên thì nêu cao tinh thần gương mẫu trong lời nói, việc làm, là tấm gương sáng giáo dục cho các thế hệ con cháu noi theo.

Hội đồng hương TP Uông Bí khu vực phía Nam ra mắt tháng 5/2023. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hội đồng hương TP Uông Bí khu vực phía Nam ra mắt tháng 5/2023. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hội đồng hương TP Uông Bí khu vực phía Nam ra mắt tháng 5/2023. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Phần lớn người Quảng Ninh tại các tỉnh khu vực phía Nam đều cần cù, siêng năng, chăm chỉ làm ăn, công tác, học tập, luôn tự hào với gốc gác Vùng mỏ Anh hùng, cái nôi của giai cấp công nhân cả nước. Điểm chung đáng trân quý đó đã giúp những người con Quảng Ninh rời quê cha, đất mẹ đến lập nghiệp ở bất kỳ nơi đâu, vẫn luôn động viên, hỗ trợ nhau cùng xây dựng đời sống bình yên, đủ đầy. Cũng nhờ đó, Hội đồng hương có điều kiện duy trì hoạt động bền bỉ, hiệu quả với nhiều chương trình lớn đã được triển khai thành công, như các hoạt động khuyến học, khuyến tài, ủng hộ xây dựng NTM, an sinh xã hội, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, trao học bổng cho học sinh nghèo, vận động các doanh nghiệp là những người con của Quảng Ninh đã thành đạt về đầu tư cho quê hương, quảng bá du lịch Quảng Ninh phát triển...

Tháng 12/2018, Hội đã thuê chuyến bay khứ hồi đầu tiên trong dịp khai trương Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, đưa trên 270 bà con Quảng Ninh về thăm quê hương. Năm 2021, Hội là đầu mối phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh chuyển 200 triệu đồng của tỉnh tới tận tay những bà con đồng hương đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. Khi trạng thái bình thường mới lập lại, các hoạt động thăm hỏi, gặp mặt động viên đồng hương dần được tổ chức lại như trước ở quy mô cấp chi hội. Đầu tháng 8/2023, Hội tổ chức đoàn tham dự lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Anh hùng LLVTND Đào Phúc Lộc do Tổng cục 2 (Bộ Quốc phòng) tổ chức tại tỉnh Bình Dương... Nhiều hoạt động giao lưu kết nối với quê hương qua việc tiếp đón hai chiều giữa Hội đồng hương và các tổ chức đoàn thể tại Quảng Ninh cũng được thực hiện. Nhiều lãnh đạo Hội và hội viên đã được UBND tỉnh Quảng Ninh tặng bằng khen. Quan trọng hơn là qua mỗi một chương trình, hoạt động như vậy, tôi cảm nhận rõ được sự gắn bó, tình yêu với quê hương Vùng mỏ ngày càng thêm sâu nặng, bền chặt trong mỗi người con xa quê, nhất là thế hệ trẻ.

Cá nhân tôi luôn dành thời gian quan tâm tình hình phát triển của quê hương trên các kênh thông tin chính thống của tỉnh nhà. Những thành tựu vượt bậc về phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo NTM, đô thị văn minh mà Quảng Ninh thân yêu đạt được những năm gần đây khiến tôi hết sức vui mừng. Đồng thời tôi dành sự ghi nhận, ủng hộ rất cao đối với những chủ trương, quyết sách lớn, mang tầm nhìn lâu dài, quyết liệt, nhân văn, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ lãnh đạo tỉnh qua nhiều giai đoạn xây dựng, phát triển.

Chúng tôi dù đã quen với nếp sống, sinh hoạt của khu vực phía Nam, nhưng Quảng Ninh luôn ở một phần trong trái tim mình. Người Quảng Ninh xa quê, hễ có điều kiện thì chắc hẳn ai cũng háo hức được quay về đắm mình trong bầu không khí quê hương tươi đẹp. Đặc biệt là mong muốn được ngắm nhìn những công trình, dự án đang giúp diện mạo quê hương đổi mới, chất lượng đời sống nhân dân được nâng cao. Tình yêu, niềm tự hào dành cho quê hương ấy được chúng tôi tiếp tục trao truyền cho thế hệ trẻ được sinh ra trên vùng đất mới.

Ngày xuất bản: 26/10/2023
Nội dung: HOÀNG QUÝ - NGUYỄN DUNG - HOÀNG GIANG
Trình bày: MẠNH HÀ