Những hình ảnh về tháng ngày xưa cũ đã dần phai mờ trong tâm trí các cụ cao niên, nhưng có một sợi ký ức vẫn còn nguyên vẹn trong tâm khảm, trái tim của họ, đó là ngày Quốc khánh 2/9 - ngày Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử năm 1945.

Trước năm 1945, thực dân Pháp có mặt tại khắp các miền quê của Quảng Ninh, trong đó có xã đảo Ngọc Vừng. Ngoài Pháp còn có quân Tưởng (Trung Quốc) thi nhau đàn áp, bóc lột nhân dân, cướp bóc hết đất đai sản xuất. Nặng nề nhất là các loại thuế chúng thi nhau đổ lên đầu dân nghèo đã trở thành gánh nặng với hơn 200 người dân Ngọc Vừng lúc đó. Tôi và những người thân trong gia đình nhiều lần phải đi đào củ rừng, xuống biển mò ngao bắt ốc để có cái ăn qua ngày. Giữa năm 1945 nghe tin cách mạng đã nổ ra ở khắp nơi, người dân lúc bấy giờ rất sốt sắng, mong sớm có ngày Việt Minh có mặt tại Ngọc Vừng để thiết lập căn cứ khởi nghĩa. Tháng 9 năm đó, ngay khi cán bộ Việt Minh ra đảo, bà con chúng tôi được biết về sự kiện ngày 2/9 tại Hà Nội, tôi cùng nhiều người dân cũng được nghe truyền đạt lại bản Tuyên ngôn độc lập do Bác Hồ viết. Những câu chữ của bản Tuyên ngôn độc lập lúc bấy giờ đã thúc giục những người dân đảo chúng tôi nổi dậy, tham gia cướp chính quyền từ tay thực dân Pháp. Bà con ý thức được mình là chủ nhân của một đất nước, nên tinh thần chiến đấu cao lắm, ai có gì trong tay thì dùng thứ ấy làm vũ khí, mạnh dạn đứng lên chiến đấu để giành lấy tự do cho mình.
Năm 1945, tôi tròn 20 tuổi, đang làm công nhân mỏ Đèo Nai, khi đó chưa được gọi là Mỏ Đèo Nai, Công ty CP Than Đèo Nai như bây giờ, mà chỉ là cái tên Núi Trọc - Đèo Nai, một công trường của Xí nghiệp Than Cẩm Phả. Nơi đây từng là cái nôi của phong trào công nhân Việt Nam, đặc biệt là cuộc Tổng bãi công của trên 3 vạn thợ mỏ diễn ra vào ngày 12/11/1936. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cả Vùng mỏ chìm dưới sự cai trị tàn bạo của thực dân Pháp, sau đó là nạn đói tràn lan khi phát xít Nhật vơ vét thóc gạo; người chết nhiều vô kể...
Thời điểm đó, nhân dân Vùng mỏ đang sục sôi trong khí thế đấu tranh, giành lại chính quyền. Tôi nằm trong số những thanh niên trẻ, đứng lên bày tỏ tiếng nói, quan điểm của mình đòi lại công bằng cho công nhân mỏ. Ở TX Cẩm Phả, một số thanh niên tiến bộ đứng lên tổ chức ra các đội giữ trật tự trị an ở các khu phố, với hình thức nhân dân tự quản. Được tin quân ta đã cướp chính quyền ở Hồng Gai, số thanh niên này bắt liên lạc với cách mạng. Quân ta đã thành lập Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời ở Cẩm Phả rồi phát triển xuống Cửa Ông. Ngày 2/9/1945, nhân dân Cẩm Phả không được nghe trực tiếp lời Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, nhưng tin tức về ngày Quốc khánh tại Quảng trường Ba Đình lan khắp thị xã. Mọi người ai cũng vui mừng hân hoan, nhất là công nhân mỏ chúng tôi, truyền tai nhau về một ngày mai độc lập, dân chủ không còn xa nữa. Sự kiện Tuyên ngôn độc lập đã tiếp thêm sức mạnh, ý chí chiến đấu ấy mà quân và dân Vùng mỏ Cẩm Phả tiếp tục vùng lên, giành lấy thắng lợi những tháng ngày sau đó.



Tháng 9/1945 tôi tròn 11 tuổi. Trong ký ức của mình tôi nhớ là bố mẹ và người dân trong thôn, xã nói với nhau rất nhiều về sự kiện Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Bố nói với tôi, người ta truyền tai nhau, ở Thủ đô hàng nghìn người đã tham gia mít tinh dự sự kiện trọng đại này của đất nước. Vậy là bà con mình sẽ sớm được sống trong hòa bình, không bị thực dân đàn áp, bóc lột nữa. Ánh mắt bố lúc nhắc về ngày Lễ Độc lập là ánh mắt sáng nhất của ông từ trước đến nay. Tôi khi ấy cũng không mường tượng hết được những giá trị lớn lao của ngày Quốc khánh 2/9, nhưng tôi thường xuyên được nghe kể về Bác Hồ, Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Lúc ấy tôi nghĩ, những việc gì có mặt Bác ở đó thì đều là sự kiện quan trọng và thiêng liêng lắm. Từ ngày ấy, tôi cũng như nhiều đứa trẻ khác ở trong thôn, xóm luôn mang một niềm tin mãnh liệt, sớm thôi, sẽ có ngày chúng tôi được ăn no, mặc đủ, được dạy cho biết đọc, biết viết. Bố mẹ, anh chị em sẽ không phải chịu cảnh bị bóc lột, đánh đập của bọn thực dân nữa.


Năm 1944, khi Mỹ - Nhật đánh nhau, bom đạn bắn phá vào thị xã Hồng Gai (nay là TP Hạ Long) khiến cho kho thóc của Nhật bị đốt cháy. Lúc ấy, vì đói nên nhiều người dân tới mót thóc cháy để ăn, bị phát xít Nhật bắt được, chúng đã đánh đập, tra tấn họ rất dã man. Ngày nào tôi cũng chứng kiến cảnh xác người la liệt ở ngoài đường, cảnh xe chở xác người đi chôn tại chân núi Mắm Tôm. Lòng căm thù giặc càng thôi thúc tôi muốn tham gia cách mạng, đi theo Đảng, được cầm súng đánh đuổi thực dân xâm lược. Đầu tháng 8/1945, Việt Minh về tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giành lại chính quyền, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Người dân thị xã ai cũng một lòng theo Việt Minh, sục sôi ý chí đấu tranh. Lúc bấy giờ, tôi chỉ là một thiếu niên 12 tuổi, cũng hừng hực khí thế, cùng đông đảo công nhân, thanh thiếu niên bí mật đi cướp chính quyền chỉ với mã tấu, cuốc xẻng, thậm chí cả chai đựng vôi bột lẫn mảnh sành... Đó là những thời khắc vô cùng đáng nhớ mà cả cuộc đời tôi sẽ không bao giờ quên. Cách mạng Tháng Tám làm thay đổi vận mệnh của đất nước và mỗi cá nhân. Ngày 2/9 tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Từ đây, đất nước mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Năm tháng qua đi, những ký ức về mùa thu năm 1945 vẫn đọng mãi trong tâm trí thế hệ chúng tôi, luôn nhắc nhở chúng tôi về một thời khắc lịch sử của dân tộc, phải sống sao cho xứng đáng.


Lúc ấy tôi còn quá nhỏ. Sau này lớn lên, tôi hiểu được ý nghĩa của sự kiện đó, là lời khẳng định đất nước ta là một đất nước độc lập, người dân có quyền được tự do, bình đẳng và không phải chịu bất kỳ sự xâm lược nào. Từ đó, tôi sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, tham gia hoạt động kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho dân tộc. Sau này, đất nước thống nhất, đổi mới, đời sống của bà con chúng tôi được nâng lên, có đài phát thanh để nghe, có ti vi để xem, có báo để đọc. Mỗi dịp này, tôi đều dành thời gian để nghe lại, xem, đọc lại về ngày Tết Độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Thời khắc đó thực sự xúc động. Bác Hồ đứng trên lễ đài với câu mở đầu: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”; người dân thì cờ hoa vẫy chào bên dưới, mọi người ai cũng tươi vui, rộn ràng. Ngày hôm đó, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được ra đời.
Nguyên Ngọc
Trình bày: Hùng Sơn