Trong suốt chiều dài lịch sử, trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ để bảo vệ Tổ quốc, cùng với bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) Quảng Ninh luôn nêu cao lòng yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần quyết chiến quyết thắng, góp phần quan trọng vào thắng lợi huy hoàng của dân tộc. Hòa bình lập lại, lực lượng cựu TNXP tiếp tục đoàn kết gắn bó, "tiếp lửa" cho thế hệ trẻ trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương, đất nước và tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, phát triển.

Biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước

Với tầm nhìn chiến lược đối với thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng, ngày 15/7/1950, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta bước vào giai đoạn quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định thành lập lực lượng TNXP Việt Nam với tên gọi Đội TNXP công tác Trung ương và giao cho Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc chỉ đạo hoạt động. Quyết định lịch sử ấy đã khai sinh ra Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên tại núi Hồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Nghĩa trang Liệt sĩ Đồng Đăng (TP Hạ Long) là nơi yên nghỉ của 8 nữ chiến sĩ TNXP hy sinh trong trận oanh tạc của máy bay Mỹ xuống Đại Yên ngày 1/7/1966. Ảnh: Phạm Học

Nghĩa trang Liệt sĩ Đồng Đăng (TP Hạ Long) là nơi yên nghỉ của 8 nữ chiến sĩ TNXP hy sinh trong trận oanh tạc của máy bay Mỹ xuống Đại Yên ngày 1/7/1966. Ảnh: Phạm Học

Đầu tháng 9/1950, Đội TNXP công tác Trung ương xuất quân phục vụ chiến dịch biên giới, lập nhiều chiến công xuất sắc. Từ kết quả xây dựng tổ chức hoạt động của Đội TNXP đầu tiên, Trung ương quyết định khẩn trương tăng cường quân số và mở rộng quy mô các đội TNXP phục vụ kháng chiến tại các địa phương. Lớp lớp thanh niên hăng hái lên đường tham gia lực lượng TNXP, tuổi trẻ coi đó là vinh dự, là tự hào khi được tham gia lực lượng thanh niên yêu nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Tại Quảng Ninh, thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Chính phủ cho phép thành lập một đội TNXP địa phương, quân số 400 người. Ngày 15/7/1967, Đội TNXP-N78 chính thức được thành lập giữa lúc phong trào "3 xung phong" của Đoàn đang sục sôi cháy bỏng với cao trào “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đội N78 được nhận nhiệm vụ mở con đường chiến lược dài 80km, từ Tràng Lương (Đông Triều) đến Quảng La (Hoành Bồ) nối với đường 18B đi ra biên giới phục vụ kháng chiến. Bằng ý chí vượt khó, tinh thần hăng hái, quả cảm, Đội N78 đã san đèo, vượt núi, sáng tạo, đồng tâm hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ của Đảng giao phó.

Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Ninh được Trung ương Hội tặng thưởng cờ Đơn vị xuất sắc năm 2024. Ảnh: Hoàng Giang

Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Ninh được Trung ương Hội tặng thưởng cờ Đơn vị xuất sắc năm 2024. Ảnh: Hoàng Giang

Giai đoạn cuối năm 1978, đầu năm 1979, trên chục nghìn công nhân ngành Than, học sinh các trường, thanh niên các địa phương được luân chuyển ra biên giới làm nhiệm vụ xây dựng trận địa bảo vệ biên giới. Chính phủ huy động 33.000 lao động thuộc TP Hải Phòng và tỉnh Hải Hưng tăng cường cho tỉnh Quảng Ninh vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu tại các địa phương biên giới Quảng Ninh. Các đơn vị tự vệ cấp đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn được thành lập tại các cơ quan, xí nghiệp, hầm mỏ, nhà máy, lâm trường... Với tinh thần quả cảm, kiên cường, các đơn vị tự vệ đã phối hợp với các lực lượng vũ trang anh dũng chiến đấu làm nên chiến thắng quan trọng năm 1979.

Đến năm 2009 Chính phủ công nhận trên 4.000 chiến sĩ tự vệ thuộc Trung đoàn tự vệ Lâm trường Xuân khu, Nông trường Hải Hòa, Công ty Xây dựng thủy lợi Quất Đông Móng Cái là TNXP, lấy phiên hiệu là E371-Hải Phòng. Trong đó có trên 500 người sinh cơ lập nghiệp tại Quảng Ninh đã được kết nạp là hội viên cựu TNXP chính thức của Hội Cựu TNXP Quảng Ninh.

Hội Cựu TNXP TP Móng Cái tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh: Thu Hằng (Trung tâm TT-VH Móng Cái)

Hội Cựu TNXP TP Móng Cái tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh: Thu Hằng (Trung tâm TT-VH Móng Cái)

Khi còn tại chức, nhiều cựu TNXP đã phấn đấu trưởng thành, được giao đảm nhận các chức vụ chủ chốt, có người là Anh hùng Lao động, Anh hùng LLVT nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc và nhiều danh hiệu khác. Tiêu biểu như ông Nguyễn Tiến Thụ, nguyên Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh, là cựu TNXP rà phá bom mìn tại Điện Biên Phủ được phong tặng Anh hùng LLVT nhân dân; bà Đặng Thị Hòa (khu 4, phường Đại Yên, TP Hạ Long) là cựu TNXP làm đường ở Tuyên Hóa, Quảng Bình, cùng 9 đồng đội của mình được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, từng vinh dự được gặp Bác Hồ…

Thành Đoàn, Hội LHTN phối hợp với Hội Cựu TNXP, CLB Đầu tư và Khởi nghiệp TP Hạ Long khởi công sửa chữa nhà ở cho bà Vũ Thị Xoa, cựu TNXP (thôn Đồng Giữa, xã Sơn Dương, TP Hạ Long), tháng 4/2024.

Thành Đoàn, Hội LHTN phối hợp với Hội Cựu TNXP, CLB Đầu tư và Khởi nghiệp TP Hạ Long khởi công sửa chữa nhà ở cho bà Vũ Thị Xoa, cựu TNXP (thôn Đồng Giữa, xã Sơn Dương, TP Hạ Long), tháng 4/2024.

Trải qua các thời kỳ, lớp lớp thế hệ TNXP của tỉnh đã hy sinh tuổi thanh xuân, trải qua bao gian khổ, đau thương và mất mát nhưng rất đáng tự hào. Những đóng góp của lực lượng TNXP tỉnh Quảng Ninh đã góp phần khắc họa đậm nét hình ảnh của người thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, anh dũng, kiên trung, bất khuất. Phát huy truyền thống ấy, trong thời bình, các cựu TNXP vẫn hăng say lao động sản xuất, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, giáo dục thế hệ trẻ sống có ý chí và nghị lực như thế hệ cha anh, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thành Đoàn Uông Bí thăm, tặng quà gia đình cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn, tháng 7/2022.

Thành Đoàn Uông Bí thăm, tặng quà gia đình cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn, tháng 7/2022.

Viết tiếp trang sử hào hùng

Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 2.000 hội viên sinh hoạt tại 12 hội và chi hội cấp huyện, 94 hội và chi hội cấp xã. Các cựu TNXP luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; gương mẫu thực hiện tốt các phong trào thi đua, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là xây dựng NTM, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Một số cựu TNXP đã xây dựng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.

Các cựu TNXP TP Uông Bí thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Ảnh: Phạm Học

Các cựu TNXP TP Uông Bí thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Ảnh: Phạm Học

Trong đó nổi bật là Tổ hợp tác làm kinh tế giỏi của những cựu TNXP TP Uông Bí. Đây là mô hình liên kết phát triển kinh tế đầu tiên của các cựu TNXP trên địa bàn tỉnh, đang ngày càng phát huy hiệu quả. Mô hình có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ vốn, kinh nghiệm sản xuất làm ăn và tiêu thụ sản phẩm, giúp nhiều hội viên vượt khó vươn lên, cải thiện cuộc sống, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng địa phương giàu đẹp. Đây là một điển hình trong toàn tỉnh có ý nghĩa cổ vũ, động viên các hội viên khác cùng cố gắng làm kinh tế giỏi. Toàn tỉnh hiện có 25 gia đình cựu TNXP vươn lên làm giàu chính đáng, tạo việc làm cho gần 100 lao động, bình quân mỗi gia đình thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên/năm, đóng góp vào quỹ an sinh xã hội từ 50 triệu đồng/năm.

Nhiều cựu TNXP tích cực tham gia cống hiến tinh thần, sức lực, của cải góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM tại địa phương. Điển hình như ông Nguyễn Đình Giáp (xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái) hiến 200m2 đất; ông Đào Xuân Khuyện, cựu TNXP huyện Đầm Hà hiến 900m2 đất... Tính đến nay, các hội viên đã hiến gần 6.000m2 đất, đóng góp 120 triệu đồng và nhiều ngày công lao động vào chương trình xây dựng NTM, xây dựng đô thị văn minh...

Các cựu TNXP, NCC được khám sức khỏe tại Trung tâm Giải độc tố và Phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Ninh.

Các cựu TNXP, NCC được khám sức khỏe tại Trung tâm Giải độc tố và Phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Ninh.

Theo ông Vũ Xuân Phú, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Ninh: Các chi hội đều duy trì sinh hoạt thường xuyên. Cán bộ, hội viên nhìn chung nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong hầu hết các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Nhất là trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; tham mưu, đề xuất kịp thời, tham gia xây dựng chính sách và phối hợp giải quyết chế độ đối với TNXP, như hỗ trợ xác nhận liệt sĩ, thương binh, giải quyết chế độ cho TNXP nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của TNXP bị hậu nhiễm, trợ cấp một lần cho TNXP còn sống và TNXP đã từ trần...

Trong hoạt động trọng tâm “Nghĩa tình đồng đội”, Hội Cựu TNXP tỉnh đã tranh thủ sự chung tay chia sẻ của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị giúp đỡ các gia đình cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức hội đã và đang duy trì, quản lý hiệu quả nguồn Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” với kinh phí trên 1,1 tỷ đồng. Các hoạt động, chương trình được duy trì thường niên, như: Thăm hỏi, tặng quà cán bộ, hội viên nhân dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm; rà soát, báo cáo cơ quan, cấp thẩm quyền hỗ trợ hội viên khó khăn về nhà ở; động viên cán bộ, hội viên khi đau ốm; trao tặng sổ tiết kiệm, thẻ BHYT cho hội viên khó khăn...

Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy BĐBP tặng quà cho các gia đình, người có công với cách mạng tiêu biểu trên địa bàn TP Móng Cái.

Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy BĐBP tặng quà cho các gia đình, người có công với cách mạng tiêu biểu trên địa bàn TP Móng Cái.

Riêng trong năm 2024 các cấp hội đã tranh thủ sự chung tay chia sẻ của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị giúp đỡ các gia đình cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn với gần 1.000 lượt hội viên được quan tâm thăm hỏi các dịp lễ, tết, khi đau ốm, tổng trị giá trên 150 triệu đồng. Các hội viên bị thiệt hại tài sản, hư hỏng nhà ở... do ảnh hưởng của bão Yagi đều được quan tâm cứu trợ, hỗ trợ kịp thời từ Quỹ "Nghĩa tình đồng đội "... Những nghĩa cử ấm áp tình đồng đội đến kịp thời đã góp phần giúp củng cố tổ chức Hội Cựu TNXP tỉnh luôn vững mạnh, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Bụi thời gian có thể làm mờ đi quá khứ nhưng hình ảnh TNXP Quảng Ninh vẫn khắc sâu trong tâm trí của các thế hệ. Trên con đường đổi mới và phát triển, tuy phần đông cựu TNXP tuổi đã cao, hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, song tất cả đều chung tinh thần đoàn kết, thắm tình đồng đội. Ngọn lửa quyết chiến, quyết thắng của TNXP năm xưa vẫn âm vang, thôi thúc và luôn rực sáng vì mục tiêu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hôm nay.

Thực hiện: Hoài Anh
Trình bày: Tất Đạt