Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 21:48 (GMT +7)
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 (1954-2024) Sáng mãi tinh thần chiến sĩ Điện Biên trên đất Mỏ
Thứ 6, 03/05/2024 | 09:11:14 [GMT +7] A A
70 năm đã đi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ luôn là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam. Cuộc hội ngộ của gần 200 chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh mới đây tràn ngập cảm xúc, ấm áp nghĩa tình. Ký ức một thời máu lửa hào hùng vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính Điện Biên năm xưa, để nhắc nhở thế hệ hôm nay phải trân trọng độc lập, hòa bình.
Ký ức một thời hoa lửa
Xúc động, tự hào là cảm xúc đặc biệt của hơn 200 đại biểu có mặt tại Hội nghị gặp mặt tri ân các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sáng 2/5 vừa qua. Các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống, ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ, cùng lắng nghe những câu chuyện xúc động từ những nhân chứng lịch sử của “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!” cùng quân dân cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Bồi hồi trước những công lao to lớn cha anh đóng góp vào Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, xúc động: Nhân dân ta, muôn đời con cháu chúng ta nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Gương những người anh hùng còn sống mãi với non sông, đất nước: Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Tạ Quốc Luật dẫn đầu tổ xung kích vượt qua “mưa bom, bão đạn” xông lên bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri và hàng vạn anh hùng, liệt sĩ khác đã hiến dâng trọn đời mình cho sự trường tồn của Tổ quốc. Sau 70 năm ngày chiến thắng vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa xác định được thông tin, danh tính. Máu xương của các anh, các chị đã hòa vào lòng đất thiêng Tây Bắc, Điện Biên để hôm nay đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do; nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Xin khắc cốt, ghi tâm công lao của các đồng chí thương binh, bệnh binh, chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, xông pha vào trận tuyến. Ngày chiến thắng, một phần thân thể của các anh, các chị đã để lại nơi chiến trường ác liệt, nhiều người còn mang trên mình những vết thương suốt đời, cứ đau nhức nhối mỗi khi trái nắng, trở trời.
Với tinh thần “Tất cả vì mặt trận”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng”, hơn 240.000 người dân trên khắp mọi miền đất nước, trong đó có hàng trăm người con đất Mỏ đã nô nức lên đường tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng như vượt qua muôn vàn gian khó, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi, mở hàng trăm km đường giao thông cho bộ đội, dân công chuyển quân, kéo pháo, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, lập nên biết bao kỳ tích, góp công, góp sức cho Chiến thắng Điện Biên Phủ, cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Trên địa bàn tỉnh hiện có 148 chiến sĩ Điện Biên, 28 TNXP, 7 dân công hỏa tuyến đang sinh sống.
Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí căm thù giặc sâu sắc đã thôi thúc các chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến làm được những việc phi thường, góp công góp sức vào Chiến thắng Điện Biên Phủ. Hình ảnh 30.000 chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch đã vận chuyển hơn 23.000 tấn gạo, 266 tấn muối, gần 2.000 tấn thực phẩm cho chiến trường vẫn còn in đậm trong ký ức các chiến sĩ Điện Biên năm xưa.
Chung niềm tự hào khi là chiến sĩ Điện Biên, cụ Nguyễn Quang Phục (95 tuổi, ở huyện Đầm Hà) nhớ như in về 70 năm trước khi cùng đồng đội băng rừng, vượt suối, lội đèo, đi qua những nơi mà chưa từng ai đặt chân tới, phải phá núi, mở đường để có đường hành quân. Cụ Phục chia sẻ: Chặng đường hành quân của tiểu đội chúng tôi vô cùng gian truân, đường đi khó khăn, toàn đội chỉ hành quân vào 1-2 giờ sáng để đảm bảo bí mật. Đến bữa chỉ có cơm với cá khô, có bữa chỉ là đậu xanh xay nhỏ nấu cháo loãng, nhiều bữa chỉ có chút rau rừng làm canh. Nhiều đồng đội của tôi bị thương, hy sinh trong quá trình chiến đấu, nhưng biến đau thương thành hành động, chúng tôi càng quyết tâm hơn. Để rồi sau 56 ngày đêm gian khổ, tôi cùng các đồng đội đã góp phần nhỏ bé vào chiến thắng lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. 70 năm về trước, chúng tôi là những người lính tình nguyện chống Pháp, giờ đây khi đầu đã bạc, mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng được về đây ôn lại những ngày tháng chiến đấu oanh liệt, nhớ lại những ký ức của một thời Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm xưa, tôi rất tự hào và xúc động.
Là chiến sĩ dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Vũ Công Hồng (88 tuổi, ở khu 2A, phường Cao Xanh, TP Hạ Long) xúc động: Tôi cùng đồng đội đương đầu với muôn vàn hiểm nguy trong quá trình vận chuyển lương thực vào chiến trường Điện Biên Phủ bằng những chiến xe đạp thồ. Mỗi ngày, chúng tôi vượt 35km với 1,5 tạ hàng vào chiến trường, sáng đi chiều về, khi lên dốc anh em hỗ trợ nhau đẩy giúp, lúc xuống dốc mỗi xe phải buộc thêm một thân cây, hay cành cây để làm phanh. Hơn 2 tháng ròng rã như vậy, nhưng khi nghe tin chiến thắng từ chiến trường thì tất cả như vỡ òa, ai cũng hô to “thắng lợi rồi, chiến thắng rồi” đến khản tiếng…
Trân trọng, biết ơn và tự hào
Ðã 70 năm trôi qua, nhưng ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn là động lực mạnh mẽ để tiếp thêm sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Biết ơn sâu sắc trước những đóng góp to lớn của các chiến sĩ Điện Biên trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa với tinh thần trách nhiệm, tấm lòng trân trọng và sự biết ơn sâu sắc. Tỉnh đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự nhất quán gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người; xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân, bảo đảm hài hòa giữa đời sống vật chất và văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”.
Tỉnh đã ưu tiên dành nguồn lực và ban hành các chính sách riêng có để mỗi người dân Quảng Ninh, nhất là các đối tượng chính sách đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các độ chính sách, động viên, chia sẻ khó khăn, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thân nhân những anh hùng liệt sĩ, các CCB, cựu TNXP, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh được quan tâm, triển khai kịp thời.
Đặc biệt, vào các dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), Tết Nguyên đán hằng năm, tỉnh đều tổ chức hoạt động thăm hỏi, tặng quà tri ân chiến sĩ Điện Biên đang sinh sống trên địa bàn. Đây là hoạt động có ý nghĩa góp phần động viên các chiến sĩ Điện Biên năm xưa tiếp tục sống vui, sống khỏe, là gương sáng giáo dục con cháu, thế hệ trẻ kế thừa truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội CCC tỉnh đã tổ chức đến thăm, dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1. Đây là nơi yên nghỉ của gần 650 chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hi sinh trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, trong đó có những người con ưu tú của Quảng Ninh…
Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, trân trọng đối với những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: 70 năm qua đã chứng minh các chiến sĩ Điện Biên luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực phấn đấu, trở thành “tấm gương sống” giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; phát huy phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tham gia xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tích cực giúp nhau làm kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Các bác, các anh đã và đang thực sự là những chiến sĩ Điện Biên trong từng suy nghĩ, hành động tại môi trường công tác và đời sống, lan tỏa hình ảnh đẹp đẽ trong lòng nhân dân và cộng đồng.
Hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hầu hết các chiến sĩ Điện Biên đã quay lại trở về cuộc sống đời thường, học tập, công tác và lao động sản xuất. Dù ở cương vị nào, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn giữ vững phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ": Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua... trở thành những cán bộ tốt, những công dân gương mẫu, đóng góp công sức của mình xây dựng quê hương, đất nước. Nay đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng vẫn là những tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Cụ Đỗ Văn Tuyết, chiến sĩ Điện Biên hiện sống tại phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả, chia sẻ: Thế hệ chiến sĩ Điện Biên năm xưa trong kháng chiến luôn giương cao ngọn cờ quyết chiến, quyết thắng, vượt qua mọi khó khăn làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng. Giữ gìn và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ", người chiến sĩ Điện Biên, trong những năm tháng thời bình, chúng tôi vẫn luôn là tấm gương mẫu mực cho thế hệ trẻ noi theo, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Chúng tôi tin tưởng và mong rằng thế hệ trẻ luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc nói chung và tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
7 thập kỷ trôi qua, dư âm của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn, không chỉ trong tâm khảm của mỗi chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến đã từng góp mặt vào cuộc chiến, mà là niềm tự hào của thế hệ người dân Quảng Ninh hôm nay về thế hệ cha ông. Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tận dụng thời cơ, thuân lợi, vượt qua thách thức, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trúc Linh
- Gặp mặt, tri ân các Anh hùng liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ
- Nhãn quan chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
- Bộ sách về 54 ngày đêm huyền thoại của Chiến dịch Điện Biên Phủ
- Điện Biên Phủ và những khoảnh khắc đời thường dịu dàng trong các bức họa cuối cùng của Tô Ngọc Vân
- Báo chí ở mặt trận Điện Biên Phủ
- Nhiều hoạt động kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại nước Pháp
- Sức mạnh hậu cần trong chiến dịch Điện Biên Phủ
- Những điểm đến thiên nhiên ở Điện Biên Phủ lịch sử
Liên kết website
Ý kiến ()