Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 14:06 (GMT +7)
Sôi nổi thảo luận tổ, tham gia ý kiến vào báo cáo, tờ trình
Thứ 4, 08/07/2020 | 16:09:47 [GMT +7] A A
Đầu giờ chiều nay (8/7), Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XIII đã chia thành 5 tổ thảo luận về các báo cáo, tờ trình trình tại Kỳ họp. Ghi nhận tại các tổ cho thấy, các đại biểu đều hết sức trách nhiệm, tập trung trí tuệ tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào giải pháp thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH những tháng cuối năm cũng như các tờ trình, dự thảo nghị quyết để đảm bảo sau khi nghị quyết đi vào thực tiễn đạt hiệu quả cao nhất.
Trên cơ sở định hướng của đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đại biểu tại các tổ đánh giá, bằng những giải pháp hết sức quyết liệt, hiệu quả, Quảng Ninh đã nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi sự lây lan của dịch Covid-19, tạo tiền đề để tỉnh sớm triển khai các giải pháp phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Riêng trong lĩnh vực thu ngân sách nhà nước, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thế nhưng nguồn thu trên địa bàn vẫn duy trì được sự ổn định. Trong 6 tháng, thu ngân sách đạt gần 25.000 tỷ đồng, đạt 52% dự toán, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019. Quảng Ninh được Trung ương đánh giá là một trong 5 địa phương đạt số thu nội địa trên 50% dự toán và là một trong số ít những địa phương có thể hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển KT-XH và kế hoạch tài chính 5 năm (2016-2020).
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại Tổ thảo luận số 4. |
Ngay sau khi thiết lập trạng thái hoạt động bình thường, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động ban hành chính sách kích cầu du lịch nhằm mục đích sớm khôi phục lại ngành du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Từ đó, lượng khách du lịch đến địa bàn tăng nhanh sau dịch Covid-19. Chỉ tính trong 6 tháng, lượng khách đến Quảng Ninh đạt 4,19 triệu lượt, bằng 49% so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu du lịch đạt 8.280 tỷ đồng, bằng 52% so với cùng kỳ năm 2019.
Các đại biểu cho biết, qua đi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp tại các địa phương, cử tri toàn tỉnh vô cùng vui mừng, tin tưởng trước kết quả đạt được của tỉnh và những biện pháp chỉ đạo, điều hành đang tiếp tục được các cấp, ngành triển khai.
Qua nghiên cứu các tài liệu trình tại Kỳ họp, các đại biểu thảo luận tại tổ đều đồng tình, thống nhất cao với báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết đã được các đơn vị chuẩn bị. Trong thực hiện các giải pháp những tháng cuối năm, các đại biểu thống nhất cần tiếp tục giữ vững mục tiêu kép đã được tỉnh thực hiện hiệu quả thời gian qua. Trong đó, cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nguồn dịch Covid-19, không để lây lan vào địa bàn. Các đại biểu lo ngại, hiện nay có tình trạng người Việt Nam đang làm việc, lao động tại Trung Quốc nhập cảnh trái phép về Việt Nam, thông qua các đường mòn, lối mở. Do vậy, lực lượng chức năng cần tuần tra, kiểm soát chặt chẽ.
Đại biểu Nguyễn Hồng Dương, Bí thư Thành ủy Cẩm Phả, tham gia phát biểu tại Tổ thảo luận số 4. |
Về giải pháp phát triển kinh tế, đại biểu Nguyễn Hồng Dương, Bí thư Thành ủy Cẩm Phả, Tổ thảo luận số 4, cho rằng, cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đơn vị ngành Than, Tổng Công ty Đông Bắc, nhiệt điện đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước; các địa phương căn cứ vào các quy hoạch, tạo ra những quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển dịch vụ, du lịch.
Đại biểu Dương Mạnh Cường, Bí thư Huyện ủy Bình Liêu, Tổ thảo luận số 4, cho rằng: Trong 6 tháng đầu năm, nguồn thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu tương đối ổn định, đóng góp tích cực vào kết quả thu NSNN của toàn tỉnh, gần 25.000 tỷ đồng. Từ đó, tỉnh cần tiếp tục dành nguồn lực đầu tư, nâng cấp các cặp cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu; khuyến khích thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.
Đại biểu Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, tham gia phát biểu tại Tổ thảo luận số 5. |
Đánh giá về thu ngân sách trong bối cảnh tình hình trong nước, thế giới có nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tình hình thu của tỉnh, đồng chí Cao Ngọc Tuấn, Cục trưởng Cục thuế tỉnh, Tổ thảo luận số 1, cho biết: Triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020 trong bối cảnh tình hình trong nước và trên địa bàn tỉnh có những biến động lớn do tác động của dịch Covid-19, chính vì vậy, Cục Thuế đã bám sát các chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND tỉnh để triển khai kịp thời các giải pháp thu ngân sách nhà nước năm 2020 với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, thu ngân sách nhà nước toàn ngành đạt 18.187 tỷ đồng, đạt 49,2% dự toán UBND tỉnh giao, đạt 51,2% dự toán pháp lệnh, bằng 101% so với cùng kỳ. Các khoản thuế, phí thu 16.191 tỷ đồng, đạt 48% dự toán UBND tỉnh giao, đạt 50,8% dự toán pháp lệnh, bằng 98% so với cùng kỳ. Tiền sử dụng đất thu 1.996 tỷ đồng, đạt 55% dự toán UBND tỉnh giao và dự toán pháp lệnh, bằng 141% so với cùng kỳ. Nếu tính cả số tiền thuế, tiền thuê đất đã gia hạn 6 tháng đầu năm 2020 theo quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 với tổng số tiền là 525 tỷ đồng, gồm thuế GTGT 380 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 99 tỷ đồng, tiền thuê đất 45 tỷ đồng thì thực hiện lũy kế 6 tháng thu được 18.674 tỷ đồng, đạt 50% dự toán UBND tỉnh giao, đạt 52,6% dự toán pháp lệnh, bằng 104% so với cùng kỳ.
Đại biểu Vũ Văn Diện, Bí thư Thành ủy Hạ Long, tham gia phát biểu tại Tổ thảo luận số 1. |
Đối với số thu xuất nhập khẩu, tổng thu 6 tháng đạt 6.758 tỷ đồng, trong đó thu xăng dầu đạt 1.897 tỷ đồng, than xuất khẩu đạt 127 tỷ đồng, than nhập khẩu đạt 2.418 tỷ, thu khác đạt 2.479 tỷ đồng. Đánh giá vì sao số thu xuất nhập khẩu ở Quảng Ninh tăng cao đột phá trong bối cảnh đại dịch Covid – 19, nhiều đại biểu cho rằng: Kết quả đó là nhờ sự sáng tạo từ chủ trương táo bạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ngay từ đầu năm đã kịp thời chỉ đạo nhập khẩu than khi giá than trên thị trường thế giới giảm. Chính vì vậy, số thu thuế từ than nhập khẩu tăng cao trong 6 tháng với 2.418 tỷ đồng, dự kiến số thu từ than nhập khẩu là 4.350 tỷ đồng trong tổng thu dự kiến cả năm đạt 12.000 tỷ đồng của ngành Hải quan trên địa bàn.
Đại biểu Vũ Văn Diện, Bí thư Thành ủy Hạ Long, Tổ thảo luận số 1, cho rằng: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới, ngay từ đầu năm tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc bàn các giải pháp vừa phòng, chống dịch Covid - 19, vừa chủ động ngay các giải pháp tăng thu nội địa, thu xuất nhập khẩu. Đến nay, thu ngân sách dù khó khăn nhưng 6 tháng đã đạt khoảng 25.000 tỷ đồng. Nhìn vào cơ cấu thu ngân sách có thể thấy sự đóng góp lớn từ khoản thu từ thuế, phí và thu từ nhập khẩu than. Từ nay đến cuối năm, để đạt mục tiêu đề ra, đòi hỏi phải tập trung vào giải pháp trong điều hành thu; đẩy mạnh GPMB các dự án; tăng cường công tác quản lý đất đai, xây dựng; thực hiện kịp thời các chính sách cho các đối tượng bị tác động bởi dịch Covid-19...
Bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, các đại biểu cũng chỉ rõ, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không có việc làm, nhiều hộ gia đình, nhất là đối với khu vực vùng sâu, biên giới, hải đảo có nguy cơ tái nghèo. Do vậy, cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp vào khu vực nông thôn, miền núi.
Đại biểu Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Tổ thảo luận số 5, cho rằng: Hiện nay có một bộ phận hộ gia đình nghèo, cận nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Các địa phương tiếp tục bám sát, tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức, hành động của bộ phận này, từ đó có biện pháp giảm nghèo bền vững. Trong đó, giảm dần việc cho không, chuyển sang hình thức hỗ trợ cho vay; lựa chọn những hộ gia đình có ý chí, quyết tâm, khát vọng vươn lên thoát nghèo, làm giàu để hỗ trợ.
Đại biểu Vi Ngọc Bích, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tham gia phát biểu tại Tổ thảo luận số 3. |
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đại biểu Vi Ngọc Bích, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Tổ thảo luận số 3, cho rằng: Chất lượng giáo dục các trường ngoài công lập THPT còn thấp, đặc biệt khu vực miền Đông, như Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà. Đơn cử như Tiên Yên, việc thu hút các trường dân lập chưa tốt khiến đầu vào rất thấp. Một trong những nguyên nhân khiến phụ huynh không lựa chọn cho con học trường dân lập, là do chất lượng giáo dục của các nhà trường. Đề nghị cần có chỉ đạo rà soát chất lượng các trường THPT dân lập, nhất là các huyện miền núi để có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Có quan điểm rõ ràng trong việc xử lý những đơn vị kém chất lượng. Đồng thời xem xét, đầu tư thỏa đáng cho các trung tâm hướng nghiệp, giáo dục thường xuyên để phân luồng giáo dục.
Các đại biểu mong muốn, sau khi các nghị quyết HĐND được ban hành, các cơ quan, đơn vị của tỉnh cần sớm cụ thể hóa bằng những chương trình hành động thiết thực, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa phương để nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH năm 2020 mà tỉnh đã xác định ngay từ đầu năm.
Nhóm PV
Liên kết website
Ý kiến ()