Trong những năm gần đây, bằng tầm nhìn chiến lược, định hướng đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, tỉnh Quảng Ninh đã hình thành nên những khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) với sức cạnh tranh, thu hút đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Từ đó, đã tạo nên nguồn lực mới, thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh trên 2 con số 9 năm liên tiếp (2015-2023).

Sức hấp dẫn từ các KCN, KKT

Tỉnh Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển KT-XH, vị trí trọng yếu về QP-AN khu vực phía Bắc, được ví như một Việt Nam thu nhỏ. Vì lẽ đó, trong suốt chiều dài hình thành và phát triển, Quảng Ninh luôn đặt lợi ích phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, với việc đề xuất Trung ương nhiều cơ chế chính sách, đan xen tạo ra những KCN, KKT có tính hấp dẫn cao đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ thi công dự án nhà ở công nhân và chuyên gia phục vụ KCN Đông Mai, tháng 2/2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ thi công dự án nhà ở công nhân và chuyên gia phục vụ KCN Đông Mai, tháng 2/2023.

Từ những đề xuất chính đáng, phù hợp của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt cho Quảng Ninh hình thành 23 KCN, 5 KKT (Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050). Hiện Quảng Ninh là địa phương đứng đầu miền Bắc về số KCN, KKT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều đó cho thấy, tầm ảnh hưởng của tỉnh trong chiến lược phát triển kinh tế nhanh, bền vững của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Quảng Ninh đã xác định được đúng hướng đi của mình trên chặng đường phát triển mới, khi lấy địa bàn KCN, KKT là động lực cho sự phát triển bền vững phía trước. Tất cả những KCN, KKT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho Quảng Ninh đều là những vùng động lực, trọng điểm có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư. Điều quan trọng là Quảng Ninh tạo ra cơ chế như thế nào để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư, bỏ vốn vào đấy trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, bất ổn, khó lường.

Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà nhìn từ trên cao. Ảnh: Mạnh Trường

Sản xuất sản phẩm sợi dệt tại Công ty TNHH Texhong Liên Hợp (KCN Cảng biển Hải Hà)

Sản xuất sản phẩm sợi dệt tại Công ty TNHH Texhong Liên Hợp (KCN Cảng biển Hải Hà)

Đối với KCN, thực tế trong nhiều năm trở lại đây, tỉnh Quảng Ninh luôn tạo ra môi trường thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN. Do vậy, đến nay trong tổng số 23 KCN được quy hoạch, hiện tại tỉnh đã thu hút được 7 nhà đầu tư dự án kinh doanh hạ tầng và thành lập được 7 KCN. Hiện các KCN này đã có các nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghiệp, bao gồm: KCN Cái Lân, KCN Việt Hưng, KCN Hải Yên, KCN Đông Mai, KCN Cảng biển Hải Hà, KCN Sông Khoai, KCN dịch vụ Đầm Nhà Mạc (Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong). Các KCN còn lại đang trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch, quy hoạch phân khu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Trong quan điểm, định hướng phát triển của mình, tỉnh Quảng Ninh đặt ra yêu cầu, mỗi một KCN có một mục tiêu phát triển riêng, chuyên biệt, không xung đột ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà tập hợp các ngành liên kết, tương hỗ, phụ thuộc nhau để tạo nên những sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, nhất là mạng lưới công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể như: KCN Đông Mai, Sông Khoai, Việt Hưng, Bắc Tiền Phong phát triển chuỗi công nghiệp sản xuất ô tô, cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử; KCN Cảng biển Hải Hà phát triển ngành công nghiệp dệt công nghệ cao…

Từ định hướng phát triển của tỉnh, các chủ đầu tư đã nhanh chóng huy động các nguồn lực hợp pháp cùng với sự hỗ trợ tích cực đến từ các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính, cấp giấy chứng nhận đầu tư để đẩy nhanh tiến độ GPMB, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, tạo ra nguồn quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Trạm xử lý nước thải tập trung tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên). Ảnh: Mạnh Trường

Trạm xử lý nước thải tập trung tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên).

Trạm xử lý nước thải tập trung tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên).

Đơn cử, như tại KCN Cảng biển Hải Hà do Công ty TNHH KCN Hải Hà Việt Nam làm chủ đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư đã đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trên diện tích 300ha, trong đó đã hoàn thiện hạ tầng giao thông nội bộ, hệ thống lò hơi phục vụ cho ngành công nghiệp dệt may, nhà máy xử lý nước sạch, trạm LPG, hệ thống tái sử dụng nước, nhà xưởng tiêu chuẩn, hệ thống cấp nước sinh hoạt công suất 2.000m3/ngày đêm, công trình dẫn nước thô phục vụ sản xuất, hệ thống cấp điện công suất 2x63MVA.

Còn tại KCN Sông Khoai do Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long làm chủ đầu tư, với phần diện tích đã được GPMB, chủ đầu tư đã thi công san lấp được 180ha và đầu tư hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước sạch, xử lý nước thải. Trong đó, đã thi công hoàn thành 2 làn đường gom với chiều dài 1,5km thuộc đường trục chính Đông - Tây, đưa vào sử dụng từ tháng 9/2021; hoàn thành thi công đường số 7 nội bộ KCN đưa vào sử dụng để phục vụ nhà đầu tư thứ cấp Jinko Solar từ tháng 2/2022; hoàn thiện Trạm biến áp 110kV Amata1 công suất 3x63MVA; hoàn thành đưa vào sử dụng Trạm cấp nước số 1 công suất 13.000m3/ngày đêm từ tháng 7/2022, kết nối và cung cấp nước sạch phục vụ nhà máy Jinko 2 (công suất tiêu thụ 8.000m3/ngày đêm); hoàn thành hệ thống đường ống cấp nước sạch giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng với khoảng 3,9km đường ống HDPE từ tháng 7/2022, đảm bảo nhu cầu cấp nước cho các dự án thứ cấp đã đăng ký; hoàn thành đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải tập trung với công suất 16.000m3/ngày đêm.

Sản xuất sản phẩm dệt may tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt (KCN Cảng biển Hải Hà).

Sản xuất sản phẩm dệt may tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt (KCN Cảng biển Hải Hà).

Ở địa bàn KKT, trong tổng số 5 KKT của tỉnh, hiện tại những KKT này đều được Trung ương, tỉnh bố trí vốn hằng năm và huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Cơ bản những KKT này đến nay đều được phê duyệt các quy hoạch phân khu, làm cơ sở quan trọng triển khai các quy hoạch chi tiết và kêu gọi dự án đầu tư, như: KKT Vân Đồn, KKT cửa khẩu Móng Cái, KKT ven biển Quảng Yên..., tạo ra sức hấp dẫn, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư tìm đến phát triển sản xuất, kinh doanh.

Lập kỷ lục trong thu hút dòng vốn FDI


Ban Quản lý KKT tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Parts Seiko Việt Nam tại KCN Sông Khoai, tháng 7/2023.

Ban Quản lý KKT tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Parts Seiko Việt Nam tại KCN Sông Khoai, tháng 7/2023.

Hệ thống cảng, kho bãi tại KCN Cái Lân (TP Hạ Long).

Hệ thống cảng, kho bãi tại KCN Cái Lân (TP Hạ Long).

Công nhân Nhà máy S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) lắp ráp màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao.

Công nhân Nhà máy S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) lắp ráp màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc tìm hiểu cơ hội đầu tư tại KCN DEEP C (TX Quảng Yên).

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc tìm hiểu cơ hội đầu tư tại KCN DEEP C (TX Quảng Yên).

Trong định hướng phát triển, tỉnh Quảng Ninh kiên trì với mục tiêu thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới vào địa bàn KCN, KKT với việc lựa chọn các nhà đầu tư tiềm năng, chiến lược, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, tiên tiến, hiện đại. Ban Quản lý KKT Quảng Ninh, đơn vị được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan trong việc thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn KCN, KKT, trong những năm qua, với kế hoạch thu hút đầu tư được tỉnh giao, đơn vị đã không ngừng đổi mới phương pháp đầu tư, tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài để xúc tiến, giới thiệu, quảng bá về môi trường đầu tư, dự án thu hút đầu tư vào tỉnh. Từ đó, số vốn FDI thu hút hằng năm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Jinko Solar 2 (KCN Sông Khoai). Ảnh: Mạnh Trường

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Jinko Solar 2 (KCN Sông Khoai). 

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Jinko Solar 2 (KCN Sông Khoai). 

Trong năm 2023, mục tiêu đề ra đầu năm của tỉnh sẽ thu hút trên 1,5 tỷ USD vào địa bàn KCN, KKT, Ban Quản lý KKT tỉnh đã tận dụng địa bàn an toàn, sáng tạo, linh hoạt tiếp cận các nhà đầu tư FDI, đơn vị đã tham mưu cho tỉnh tiếp và làm việc với hơn 110 lượt nhà đầu tư, trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: BP (Anh), JTA (Quatar), Jinko Solar, Mitsubishi, Yaskawa Electric, Tamagawa Seiki, Sojitz (Nhật Bản), Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương…

Từ những giải pháp chặt chẽ, khoa học, lựa chọn đúng và trúng, hết năm 2023, tổng số vốn thu hút FDI vào địa bàn KCN, KKT của tỉnh đạt trên 3,1 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục về thu hút FDI của tỉnh Quảng Ninh từ trước tới nay, trong đó, thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 dự án FDI với gần 3,1 tỷ USD; điều chỉnh tăng vốn 3 dự án với số vốn tăng thêm là 28,8 triệu USD. Đây là thành quả của quá trình không ngừng nỗ lực với những đổi mới, sáng tạo trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo dựng niềm tin vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, kiến tạo chính quyền phục vụ.

Năm 2023, KCN Sông Khoai được tỉnh đánh giá là địa bàn thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư FDI, khi đã thu hút được 13 dự án FDI mới và điều chỉnh 2 dự án tăng vốn thêm 5 triệu USD, với tổng vốn đầu tư thu hút trên 1,4 tỷ USD. Như vậy đến nay, KCN Sông Khoai đã có tổng số 15 dự án đầu tư thứ cấp FDI, hiện đã có 2 dự án đã và đang đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đó là: Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Việt Nam (Jinko 1) và Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam (Jinko 2) của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam), tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động, với mức thu nhập bình quân 13 triệu đồng/người/tháng; 13 dự án còn lại đang thực hiện các thủ tục pháp lý và triển khai xây dựng.

Công ty TNHH Công nghiệp RENLI Việt Nam đang triển khai xây dựng nhà xưởng sản xuất tại KCN Sông Khoai.

Công ty TNHH Công nghiệp FONGKAI Việt Nam triển khai xây dựng Nhà máy công nghiệp RENLI tại KCN Sông Khoai.

Công ty TNHH Công nghiệp FONGKAI Việt Nam triển khai xây dựng Nhà máy công nghiệp RENLI tại KCN Sông Khoai.

Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long, cho biết: Amata Hạ Long đã nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế từ năm 2022 đến 2023 với nhu cầu trên 100ha. Hiện tại, công ty đang nỗ lực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc cung cấp quỹ đất sẵn sàng cho nhà đầu tư. Nếu tiến độ được thúc đẩy nhanh, chúng tôi hy vọng sẽ ký kết được với 3 nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 200 triệu USD trong quý I/2024. Amata sẽ nỗ lực hoàn thiện hạ tầng trên diện tích được bàn giao và kỳ vọng sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của các nhà đầu tư đang đàm phán trong năm 2024.

Tính đến nay, các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh có tổng số 108 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 5,5 tỷ USD, tạo việc làm cho gần 20.000 lao động. Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, tiềm năng thu hút vốn FDI của Quảng Ninh còn rất lớn khi là địa phương được quy hoạch nhiều KCN, KKT nhất miền Bắc. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng còn dư địa lớn về nguồn đất, điển hình là KKT ven biển Quảng Yên, một điểm sáng thu hút đầu tư của tỉnh, hiện vẫn còn trên 9.700ha quỹ đất sạch. Do đó, trong thời gian tới, Quảng Ninh được đánh giá sẽ tiếp tục là tỉnh dẫn đầu về thu hút FDI của cả nước, có tiềm năng trở thành một “thủ phủ” mới của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu sẽ thu hút trên 3 tỷ USD dòng vốn FDI vào địa bàn KCN, KKT. Với trách nhiệm của Ban, đơn vị sẽ tham mưu tích cực cho tỉnh kế hoạch xúc tiến đầu tư, trong đó sẽ ưu tiên lựa chọn những nhà đầu tư chiến lược, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, tạo ra giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Ngày xuất bản: 31/12/2023
Thực hiện: Mạnh Trường
Trình bày: Vũ Đức