Đêm 12/11/1936 cuộc đình công của thợ mỏ tại Cẩm Phả đã khơi mào cho cuộc Tổng bãi công kéo dài hơn 20 ngày của hơn 3 vạn thợ mỏ từ Cẩm Phả đến Đông Triều. Cuộc Tổng đình công đã để lại cho các thế hệ thợ mỏ và người dân Quảng Ninh niềm tự hào về sự phát huy sức mạnh của tình yêu thương và tinh thần kỷ luật, đồng tâm giữa những con người bị áp bức bóc lột nặng nề, giữa những người phu mỏ.
Tờ báo Le Travail- tờ báo công khai của Đảng lúc đó đã đánh giá: “Lần đầu tiên ở Đông Dương giai cấp vô sản đã giành được một thắng lợi rực rỡ. Lần đầu tiên kỷ luật vô sản đã thắng sự kháng cự của bọn địa chủ… Đấu tranh trong bình tĩnh và kỷ luật, đấu tranh với một ý chí không gì lay chuyển nổi của giai cấp vô sản; đấy là đặc tính chủ yếu đã toát ra từ trong cuộc bãi công đáng khâm phục”.
“Kỷ luật, đồng tâm - Chúng ta nhất định thắng” đã gắn kết hơn 3 vạn thợ mỏ đấu tranh đến thắng lợi và ăn sâu vào máu của người thợ mỏ, giai cấp công nhân vùng Than, đến phong cách lãnh đạo, quản lý của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân tỉnh Quảng Ninh tạo nên bản sắc của Vùng mỏ, trở thành truyền thống, thành giá trị tinh thần trường tồn của miền Mỏ bất khuất - “Kỷ luật - Đồng tâm”!
Trải qua những thăng trầm của lịch sử và trường tồn cùng nhau, chắc chắn sự gắn bó giữa tỉnh Quảng Ninh và ngành Than không ở đâu, không ngành kinh tế nào có được. Ngành Than, thợ mỏ là máu thịt của Quảng Ninh!