Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 23:58 (GMT +7)
Suy nghĩ trong ngày tết độc lập
Chủ nhật, 02/09/2007 | 07:40:08 [GMT +7] A A
Tôi còn nhớ, ngày thầy tôi còn sống, ông thường nói với vợ chồng tôi, rằng ông coi ngày Quốc khánh 2.9 là ngày tết, ngang với Tết Nguyên đán. Và gia đình tôi bao năm nay, từ ngày thầy má tôi còn sống cho tới bây giờ, khi các cụ đã khuất núi hơn hai mươi năm, chúng tôi vẫn coi ngày 2.9 là ngày tết.
Trong ngày ấy bao giờ cũng có hoa quả trên bàn thờ ông bà, có hoa tươi trong phòng khách, có bữa liên hoan thân mật gồm tất cả thành viên trong gia đình, có mời thêm vài người bạn. Đó thực sự là một ngày vừa thiêng liêng, vừa ấm áp. Tôi không muốn nhắc lại ở đây những ý nghĩa của ngày Quốc khánh, tôi chỉ muốn nói, với một người Việt Nam bình thường như tôi, ngày Quốc khánh 2.9 là một ngày tết.
Ngày 2.9.1945 thì tôi chưa chào đời, nhưng suốt những năm sống trên đất Bắc sau năm 1954, rồi những năm sau hòa bình 1975, mỗi khi được ở gia đình trong dịp lễ 2.9, dù khi còn trẻ thơ hay đã trưởng thành, tôi đều cảm thấy một tình cảm rất riêng tư, thật ấm cúng. Ngay bây giờ cũng vậy. Ngày 2.9 lại là dịp cho gia đình chúng tôi quây quần nhắc nhớ về cha mẹ mình, về những tháng năm gian khổ của gia đình và bản thân mình. Nhắc con cái, vì khi chúng sinh ra thì lửa chiến tranh đã tắt. Dù những năm hòa bình đầu tiên có khổ cực tới đâu thì vẫn còn hơn phải sống trong chiến tranh. Chợt nhớ câu thơ của Phạm Tiến Duật trong bài thơ Nhớ bà mẹ Nam Hoành viết từ năm 1968: "Thà ăn muối suốt đời/Còn hơn là có giặc".
Thế hệ con tôi bây giờ không đến nỗi phải "ăn muối", nhưng nỗi khổ khi nước nhà "có giặc" thì chúng không được biết, chưa một lần nếm trải. Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe có người trong khi nhắc những chuyện xấu xa tiêu cực thời nay mà ai cũng biết, ai cũng thấy, đã hồi tưởng về thời trước ngày 2.9.1945 với một thoáng gì như nuối tiếc.
Tôi không hiểu những cái gì là "hay" là "được" trong chế độ thuộc địa, có thể là hay và được với thiểu số người, nhưng là xấu là tệ hại với đa số nhân dân, liệu những điều ấy có đáng nhớ tới như vậy? Sao không nhớ những nhà tù nhà đày trải suốt chiều dài đất nước nhốt hàng vạn hàng vạn tù nhân thời thuộc Pháp? Sao không nhớ những người phu cạo mủ cao su, phu mỏ Hòn Gai Cẩm Phả đã sống và chết như thế nào? Sao không nhớ 2 triệu người Việt Nam, chủ yếu là nông dân ở miền Bắc, đã chết đói trong năm 1945?
Ngày Tết 2.9 chính là ngày đánh dấu sự chấm dứt vĩnh viễn của chế độ thuộc địa trên đất nước Việt Nam, cũng là ngày chấm dứt những thảm cảnh mà cả dân tộc phải chịu đựng gần trăm năm trong âm thầm tăm tối. Bây giờ, đọc lại những dòng hồi ký của những người đã trực tiếp góp phần tổ chức lễ Quốc khánh 2.9 đầu tiên tại quảng trường Ba Đình, mới hiểu cái lý do cho sự thăng hoa tâm hồn người trí thức nói riêng và cả dân tộc nói chung trong ngày lễ Độc lập. Dường như, trong ngày 2.9.1945 ấy, hễ là người Việt Nam thì đều coi đó là ngày tết của mình, của gia đình mình.
Một đất nước không thể có nhiều ngày đặc biệt như vậy đâu. Tôi nghĩ trong tâm cảm mỗi người Việt Nam yêu đất nước mình, ngày 2.9 mãi mãi là ngày tết. Một ngày tết thật đặc biệt nhưng thật giản dị, thật ấm áp. Ngày cho sự đoàn tụ và thăng hoa, ngày của tưởng nhớ và kiểm điểm lại phần đời mình đã sống. Và cũng là ngày mỗi người có thể tính tiếp phần đời sắp tới mình sẽ sống như thế nào, sẽ làm gì để không phải hổ thẹn với tiền nhân.
Liên kết website
Ý kiến ()